Xe & Du thuyền

Chiếc Ferrari, Vua Bảo Đại và Người lưu giữ sự vĩ đại

Jun 25, 2021 | By Ton Binh

Một hoàng đế Việt Nam – Vua Bảo Đại, và một ông trùm ngành dệt may người Pháp đã tạo ra và gìn giữ chiếc Ferrari độc nhất vô nhị này.

Những người yêu xe hơi khó tính nhất cũng có thể bị choáng ngợp khi dạo quanh bảo tàng Cite de l’Automobile đồ sộ ở Mulhouse, Pháp – nơi có cả những chiếc xe hơi chạy bằng hơi nước thời kỳ đầu đến những cỗ máy hiện đại của giải Le Mans, bộ sưu tập Bugatti lớn nhất thế giới, hàng chục chiếc xe Công thức 1, cùng nhiều sáng tạo kỳ lạ và tuyệt vời trong suốt 130 năm, hay phải kể đến Bộ sưu tập Schlumpf huyền thoại, tất cả sẽ được tìm thấy trong bảo tàng xe hơi tuyệt vời nhất thế giới.

Với rất nhiều viên ngọc quý của thế giới ô tô để thưởng lãm, bạn sẽ được tha thứ nếu vô tình lướt qua chiếc Ferrari 250 GT Tour de France (s/n 0450AM) màu xanh và xám trưng bày ở giữa sảnh lớn nhất, đậu giữa một chiếc 250 MM Spyder (s/n 0230MM), đầu tiên thuộc sở hữu của đạo diễn phim Roberto Rossellini và một chiếc Vuillet Coupe 1960 mũi nhọn. Vài dòng văn bản ít ỏi trên bảng thông tin của TdF không tiết lộ nhiều về lịch sử hấp dẫn của chiếc xe, đó có thể là lý do tại sao câu chuyện của nó chưa bao giờ được kể trên một tạp chí – ít ra là cho đến bây giờ.

Trên thực tế, đây không phải là câu chuyện về một chiếc ô tô, mà là một câu chuyện về hai người đàn ông. Người đầu tiên là Fritz Schlumpf, người đã tạo ra bộ sưu tập này. Thứ hai là chủ nhân ban đầu của chiếc xe s/n 0450: Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại), vị Hoàng đế thứ 13 và cũng là cuối cùng của triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Sinh năm 1913 trong một cuộc sống giàu sang và đầy đặc quyền, Hoàng tử Thụy, hay còn được biết đến với tên Bảo Đại, trở thành Hoàng đế khi 12 tuổi. Thật không mayg, thế kỷ 20 là một thời kỳ rất hỗn loạn đối với Đông Dương. Và An Nam, hay Việt Nam ngày nay, lần đầu tiên bị thực dân Pháp tiếp quản rồi bị Nhật Bản xâm lược trong Thế chiến thứ hai, sau đó là cuộc nổi dậy của Đảng Cộng sản, và cuối cùng dẫn đến sự can thiệp của Mỹ vào những năm 1960.

Bảo Đại không nổi tiếng với tư cách là một anh hùng dân tộc. Thay vào đó, ông ấy được biết đến với việc đánh mất đất nước và cuộc sống xa hoa, từng chi số tiền lớn để mua chiếc đồng hồ Rolex đắt nhất thế giới khi đang ở giữa các cuộc đàm phán chia cắt hai miền Nam – Bắc. Sau đó, Vị vua cuối cùng của triều Nguyễn lưu vong năm 1955, sau một cuộc trưng cầu dân ý bãi bỏ chế độ quân chủ, và sống phần đời còn lại ở Pháp.

Trong tiếng Việt, Bảo Đại có nghĩa là “Lưu giữ sự vĩ đại”, trong khi nhiều tài sản của ông có thể sẽ không thích hợp với danh hiệu đó nhưng phải nói rằng ông có một sở thích độc đáo về những chiếc Ferrari.

S/n 0450 thực sự không phải là một chiếc 250 TdF. Chiếc xe bắt đầu ra đời vào năm 1954 với tên gọi 375 MM Spyder, và khi động cơ hết hạn sử dụng, thay vì sửa chữa, chiếc xe đã được thay thế bằng động cơ V12 4,9 lít từ chiếc 410 Superamerica (s/n 0493SA) của Bảo Đại. Sau đó, ông quyết định hoán đổi phần thân để lấy từ chiếc xe Tour de France (s / n 0723GT) bị hư hỏng.

Dưới tay lái của tay đua người Phần Lan vĩ đại Curt Lincoln, s/n 0723 đã giành chiến thắng trong năm cuộc đua, chủ yếu ở Thụy Điển từ năm 1957 đến năm 1959, nhưng chiếc xe đã bốc cháy vào năm 1960. Mui xe của S/n 0450 được thay thế và chắn bùn cần được sửa chữa nhiều, nhưng kết quả cuối cùng khá tuyệt vời, bao gồm bảng điều khiển của TdF. Không rõ ai là người đã thực hiện công việc này, nhưng đối với một cựu hoàng rất giỏi trong việc chi tiêu, việc chuyển đổi sẽ rẻ hơn nhiều so với mua một chiếc Ferrari mới.

Bảo Đại đã cho chiếc Ferrari sơn màu xanh lam, màu hoàng gia của An Nam, và trên mui xe phía trên huy hiệu Ngựa nổi, có đặt một hình rồng được vẽ bằng tay, biểu tượng cho Hoàng đế An Nam. Mặc dù đã làm mọi cách để có được chiếc xe theo ý muốn nhằm khỏa lấp nỗi nhớ quê hương của mình, Bảo Đại đã không giữ được nó lâu. Không có thu nhập, ông cần phải bán bớt một số tài sản để duy trì cuộc sống chơi bời của mình. Vào năm 1968, trong khi đi săn tại một khu rừng thuộc sở hữu của Schlumpf, 2 người đàn ông đã đi đến một thỏa thuận với chiếc  s/n 0450.

Trong những năm đầu của thế kỷ 20, không ai nghĩ rằng người đàn ông gầy gò đạp xe quanh những con đường rải sỏi của Mulhouse, Fritz Schlumpf sẽ trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất đất nước trong vài thập kỷ nữa. Từ việc bán những cuộn len được chở phía chiếc xe đạp đó, cuối cùng ông ấy đã sở hữu 5 nhà máy dệt khổng lồ quanh vùng Alsace.

Sự giàu có của Schlumpf cho phép ông thỏa mãn niềm đam mê đua xe và sưu tập xe hơi. Lần chi tiền lớn đầu tiên của ông là chiếc Bugatti Type 35B được ông sử dụng để leo lên các ngọn đồi trong vùng, trước khi các giám đốc của liên đoàn dệt may quốc gia thuyết phục ông từ bỏ sở thích nguy hiểm ấy. Chiếc xe này hiện có vị trí tự hào trong phòng trưng bày đầu tiên của bảo tàng, bên cạnh một đài tưởng niệm nhỏ về mẹ của ông, người mà ông dành riêng bộ sưu tập này.

Schlumpf cho rằng câu chuyện giàu có của Ettore Bugatti phản ánh chính cuộc đời ông, vì vậy những chiếc xe thể thao Pháp đó là mối tình đầu của ông – đến nỗi khi Bugatti gặp khó khăn về tài chính vào năm 1963, ông đã cố gắng mua lại công ty. Schlumpf đã bị từ chối trước Hispano-Suiza, nhưng nỗi ám ảnh của ông với thương hiệu khiến ông đã viết thư cho mọi thành viên trong câu lạc bộ các chủ sở hữu Bugatti và đề nghị mua xe của họ. Một nhà sưu tập người Mỹ có 30 chiếc và Schlumpf đã mua tất cả. Cuối cùng, ông đã sở hữu hơn 100 chiếc Bugattis.

Đồng thời, rất nhiều xe F1 và F2, Le Mans Panhards, những mẫu xe hiếm của Pháp như Darracq, Clement-DeDion, Serpollet và George Richard đã đến xưởng của ông. Tại đó, những chiếc xe được phục hồi sau đó chuyển sang trưng bày vĩnh viễn trong một nhà máy sản xuất len ​​rộng 14000 mét vuông chứa đầy xe hơi. Vào thời kỳ đỉnh cao vào cuối những năm 1970, bộ sưu tập cá nhân của Schlumpf đã lên tới 500 chiếc. Tuy nhiên, chúng được giữ bí mật và chỉ được chiêm ngưỡng bởi một số ít những người quen thân thiết.

Thập niên 70 cũng chứng kiến ​​hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á tràn ngập thị trường, đánh bại ngành dệt may châu Âu. Trong một vài năm ngắn ngủi, công ty của Schlumpf từ một trong những tên tuổi  lớn nhất trở thành một trong những công ty gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. Sau đó, trong một diễn biến vô cùng kỳ lạ, người ta phát hiện ra Schlumpf đã vi phạm một đạo luật khó hiểu có từ thời Napoléon, rằng các nhà máy ở phía đông Alsace không được sử dụng để kiếm lợi cá nhân. Trong thủ tục phá sản sau đó, những chiếc xe đã bị tịch thu như một phần tài sản của công ty.

Lợi nhuận dự kiến ​​từ việc bán hết số xe cũng không đủ để thanh toán các khoản nợ, tại thời điểm đó Jean Panhard, chủ tịch của một số hiệp hội ô tô bao gồm ủy ban các nhà sản xuất ô tô Pháp và Câu lạc bộ ô tô của Pháp, cùng với Thành phố Mulhouse, đã thay mặt người dân Pháp đứng ra thu xếp để mua lại bộ sưu tập. Năm 1982, Cite de l’Automobile được mở cửa cho công chúng.

Hiện tại, Bảo tàng đang lưu giữ 600 chiếc xe châu Âu tốt nhất và hiếm nhất, bao gồm 11 chiếc Ferrari. Danh sách bắt đầu với một chiếc Testarossa và kết thúc bằng một chiếc Mercedes-Benz 300 SL Gullwing, s/n 0450 vẫn ở vị trí cũ kể từ khi Schlumpf mua lại nó, được nhiều thế hệ du khách đánh giá cao.

Động cơ đã không được khởi động trong khoảng 55 năm, kể từ khi bài hát “Honey” của Bobby Goldsboro từng rất nổi tiếng. Trên thực tế, ghế được phủ một lớp dầu bảo vệ, và bất cứ thứ gì dính dưới giày của của khách đều có thể gây ô nhiễm đến thảm và ghế bọc, nên du khách được khuyến cáo không nên ngồi thử trong xe. (Giống như s/n 0450, s/n 0723 có tay lái bên phải, có thể do người Thụy Điển lái bên trái đường cho đến năm 1967.) Nhưng chỉ với FORZA, người tá có thể thấy chiếc Ferrari được mang ra bên ngoài ánh sáng mặt trời lần đầu tiên sau 35 năm.

Nắp xe được cố định bằng một vài dây da cũ đã khô và cứng theo tuổi tác, do đó phải mất một chút thời gian để mở. Bên dưới là động cơ V12 4,9 lít lộng lẫy, có thể là động cơ duy nhất được tìm thấy dưới mui xe 250 GT. Đồng hồ đo hiển thị 4.689 km.

Thật tiếc vì động cơ V12 không thể được khởi động, nhưng giữ cho 600 chiếc xe hoạt động khó hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản là trưng bày chúng. Trên thực tế, bảo tàng giữ 100 chiếc xe được duy trì trong tình trạng có thể chạy được, nhưng vì đã có 250 GT trong nhóm đó, cơ hội để chiếc này được hồi sinh dường như rất nhỏ.

Bảo tàng không có hệ thống sưởi hoặc máy lạnh cho đến giữa những năm 1980, vì vậy nhiệt độ bên trong dao động từ -15oC vào mùa đông đến 30oC hoặc cao hơn vào mùa hè. Những biến động này gây ra các hư hại với lớp sơn không phải nguyên bản từ nhà máy.

Hai người đàn ông lưu giữ sự vĩ đại đã không còn nữa, chiếc xe cũng nằm một góc trong bảo tàng. Nhưng những giai thoại có phần bi tráng và u uất xung quanh s/n 0450, một chiếc Ferrari trứ danh ít ai biết sẽ vẫn còn mãi. Những chiếc xe luôn có một câu chuyện để kể, hãy tìm, bạn sẽ thấy!

Nguồn: Tổng hợp 


 
Back to top