STYLE / Beauty

Issey Miyake & Những điều chưa kể

Jan 06, 2019 | By Trang Ps

Tài năng của thời trang thế giới, Nhà thiết kế Issey Miyake, người được biết đến như một trong số ít người có thể giản lược được những đường cắt, để mang đến cho trang phục sự tự do, phóng khoáng và phô diễn những sắc màu tự nhiên của đời sống. 

Hơn nửa thế kỉ đã qua, Issey Miyake trở thành niềm tự hào của nền thời trang Nhật Bản và châu Á. Và, có rất nhiều điều thú vị trong con người lẫn hành trình không ngừng sáng tạo để cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật táo bạo và lôi cuốn của “Ông hoàng thời trang châu Á” này.

Issey Miyake sinh ngày 22 tháng 4 năm 1938 tại thành phố Hiroshima.

1. Năm Issey Miyake 7 tuổi, quê hương ông bị Mỹ ném bom nguyên tử. Từ thảm họa ấy, Miyake phải bước đi với đôi chân khập khiễng. Mẹ của cậu bé Issey mất 3 năm sau đó vì bị nhiễm phóng xạ. Ông đã viết về điều này trên tờ New York Times vào năm 2009 để ủng hộ lời mời tổng thống Obama đến thăm thành phố Hiroshima nhân kỷ niệm quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống.

2. Năm 1965, Miyake tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa của trường Đại học Nghệ thuật Tama, thủ đô Tokyo và chuyển đến Paris sinh sống. Trước đó 3 tháng, Kenzo Takada – nhà thiết kế người Nhật đầu tiên thành danh trên đất Pháp cũng đã chuyển đến thành phố này. Miyake và Kenzo từng quen nhau tại Tokyo, thời điểm hai người cùng học khóa cắt may tại trường L’École de la Chambre Syndicale de la Couture Parisienne.

Một cửa hàng của Issey Miyake tại Kyoto trong một ngôi nhà cổ 132 tuổi.

3. Năm 1966, Miyake trở thành người học việc tại xưởng thời trang của Guy Laroche, một NTK người Pháp. Hai năm sau, ông học việc tại Givenchy. Thời gian tiếp theo, Miyake bay tới New York và làm việc cùng nhà thiết kế thời trang người Mỹ Geoffrey Beene trước khi trở lại Tokyo thành lập Miyake Design Studio vào năm 1970.

4. Vogue và Bloomingdale’s vô cùng ấn tượng với những sản phẩm thời trang của Issey Miyake trong thời gian ông làm việc ở New York. Bộ sưu tập nhỏ đầu tiên của ông tại kinh đô thời trang này bao gồm chiếc áo phông được nhuộm với thiết kế hình xăm Nhật Bản và chiếc áo khoác thêu Sashiko (Sashiko là một hình thức thêu dân gian Nhật Bản, sử dụng khâu làm việc căn bản để tạo ra một nền mẫu).

5. Năm 1973, tổ chức Prêt – à – porter (tiếng Anh: ready to wear) Pháp được thành lập, miyake được mời đến Paris làm việc cùng nhóm những NTK trẻ như Sonia Rykiel, Thierry Mugler. Sau đó 2 năm, ông mở cửa hàng và giới thiệu các BST của mình tại Paris. Nhờ những nỗ lực sáng tạo liên tục mà Issey nhanh chóng trở thành thành viên chính thức của tổ chức Prêt – à – porter Pháp vài năm sau đó.

Áo khoác Nihon buyo của Issey Miyake.

6. Miyake chính là người đã đặt nền tảng tại Paris cho phong cách avant-garde. Ông thể hiện phong cách thiết kế này tại kinh đô thời trang Paris một thời gian dài trước khi các nhà thiết kế Nhật Bản biết đến.

7. Miyake cũng là người đầu tiên định nghĩa lại quy ước của sartorial (một kiểu ăn mặc cũng là lối sống). Nhà văn Jay Cocks của Tạp chí Time quan sát và chia sẻ: “Các mẫu quần áo của Miyake rất khác so với tiêu chuẩn phương Tây ở chỗ anh ta tái cầu trúc lại toàn bộ quần áo thông thường”.

8. Năm 1971, bộ sưu tập đầu tiên của ông được trình diễn ở New York và Tokyo, bất ngờ gây nên tiếng vang lớn.

“Tôi nhận ra rằng sự bất lợi trong việc thiếu di sản châu Âu lại trở thành điều thuận lợi cho tôi. Nó là động lực để tôi tạo nên thời trang mang tính đương đại và phổ quát”. – Issey Miyake.

9. Năm 1976, Miyake tổ chức buổi trình diễn mang phong cách Amazon tại Tokyo, có 15,000 người đã đến để chiêm ngưỡng các thiết kế mới của ông. Năm 1977, show trình diễn “Fly with Issey Miyake” thu hút 22,000 khách tham dự. Năm 1979, ông mở thêm chi nhánh tại Pháp. Suốt những năm 80, hầu như không một NTK nào có thể cạnh tranh nổi với Miyake về chất liệu trang phục.

10. Không ngừng nghiên cứu và liên tục mở rộng sự sáng tạo về mối quan hệ giữa con người và quần áo, Miyake suy nghĩ về khái niệm “A Piece-of-Cloth” (A-POC) – xây dựng trang phục hoàn chỉnh từ một mảnh vải. Khái niệm độc đáo này được hoan nghênh trên khắp thế giới. Những năm sau đó, ông đưa ra một số kết quả hết sức quan trọng, bao gồm phương pháp gấp (pleat) độc đáo năm 1989 và ý tưởng về quá trình cơ bản của A-poc (A Piece of Cloth) năm 1997. Miyake đã phối hợp với Dai Fujiware và nhanh chóng phát triển giải pháp thiết kế gọi là A-Poc Inside.

Bộ sưu tập Ready-To-Wear Mùa Xuân 2018.

11. Trang phục phương Tây thường khéo léo phô diễn đường nét cơ thể. Nhưng trên những bộ sưu tập mới của Miyake, tất cả đều thể hiện quan niệm mới mẻ và khác biệt của nhà thiết kế này. Quần áo của ông thường rộng, áo khoác rộng không có cấu trúc tuyền thống được đính nút tối thiểu, váy có phom dáng thẳng, đơn giản và đảm bảo tỷ lệ sao cho nam và nữ đều có thể mặc được…

12. Vào năm 1986, Miyake gặp Irving Penn, người mà suốt 13 năm sau đó đã chụp tất cả các chiến dịch quảng cáo cho ông, sản xuất hơn 250 khung hình được biên soạn thành bảy tập sách lịch sử ảnh của nhãn hiệu.

Bộ sưu tập Xuân Hè 2019.

13. Miyake mở cửa hàng đầu tiên tại Place des Vosges, Paris và sau đó chuyển đến boulevard Saint Đức năm 1990.

14. Năm 1993, ông cho ra mắt bộ sưu tập Pleats Please từ loại vải mang tên polyester jersey có thể chống co giãn và co rút, sử dụng kỹ thuật tiên phong để xếp nếp quần áo giữ hình dáng khi người mặc di chuyển.

BST PLeats Please Issey Miyake Xuân Hè 2014

15. Năm 1999, Issey Miyake bàn giao toàn bộ thiết kế ready-to-wear nam và nữ cho Naoki Takizawa để có thời gian tập trung vào các bộ sưu tập khác.

16. Từ năm 2000 trở đi, Issey Miyake khởi động các dự án mới bao gồm Haat, BST ready-to-wear dành cho phụ nữ vào năm 2000. Tiếp đó là Cauliflower, áo phông một cỡ vừa vặn vào năm 2001; Issey Miyake Fête, dòng quần áo dành cho phụ nữ ưa sắc màu vào năm 2004 và sau đó 6 năm, bộ sưu tập phụ kiện Bao Bao và 1325 ra đời.

BST Bao Bao của Issey Miyake.

17. So với Coco Chanel, Christian Dior, Yves Saint Laurent thì đường lối thiết kế của ông hoàn toàn riêng biệt. Miyake đã đặt nền móng cho diện mạo Nhật Bản trong bản đồ thời trang thế giới.

“Khi bắt đầu làm việc tại Nhật Bản, tôi phải đối mặt với việc người Nhật quá tôn sủng hàng ngoại lẫn sự phức tạp của trang phục. Tôi muốn thay đổi định nghĩa quần áo mà người Nhật đang suy nghĩ.” Issey Miyake Bodyworks, 1983

18. Yếu tố truyền thống rất quan trọng trong thiết kế của Miyake. Chính sự hợp nhất của các vật liệu cơ bản nhất và truyền thống, cổ xưa với các kỹ thuật mới và sự sáng tạo đã khiến chỗ đứng của ông kiên định trong lĩnh vực thời trang. Một trong những fan hâm mộ lớn của ông là Zaha Hadid, nữ kiến trúc sư nổi tiếng người Anh gốc Iraq.

BST Mùa Xuân 2019 với thiết kế thể hiện vẻ đẹp văn hóa châu Phi.

19. Danh tiếng của Miyake trong ngành thiết kế thời trang là không thể bàn cãi, nhưng có vẻ ông nổi tiếng hơn trong giới trẻ nhờ những tình bạn thú vị của mình. Là một người bạn thân của Lucie Rie, ông đã biến tác phẩm gốm nổi tiếng của bà thành nguồn cảm hứng cho Bộ sưu tập váy cao cấp, sử dụng tính đối xứng và phong cách gốm cổ điển để tạo nên những sản phẩm may mặc tinh tế và ấn tượng.

20. Tương tự, Issey cũng là bạn thân của Steve Jobs, đồng sáng lập Apple Inc. Issey là người đã thiết kế những chiếc áo cao cổ màu đen nổi tiếng của Jobs. Sau khi Steve Jobs đề nghị chiếc áo cao cổ có thể tùy chỉnh để mặc trong các buổi thuyết trình, Miyake đã sáng tạo ra hàng trăm mẫu và gửi email trực tiếp cho Jobs. Bộ sưu tập đó đủ để Jobs mặc suốt phần đời còn lại của ông.

Chiếc áo đen cao cổ mà huyền thoại Apple – Steve Jobs từng mặc là thiết kế của Issey Miyake.

21. Năm 2006, Issey Miyake nhận giải thưởng Lifetime Achievement.


 
Back to top