ART & LIFE

Nghệ thuật giúp thanh lọc tinh thần: Câu chuyện về mối nhân duyên kỳ lạ của một nhà giáo dục nghệ thuật

Jul 11, 2020 | By Trang Ps

Ghé thăm Huế tham dự sự kiện Nổ Cái Bùm, tôi có cơ hội trò chuyện với một nhà giáo dục nghệ thuật lâu năm (giấu tên). Ông chia sẻ câu chuyện về mối nhân duyên kỳ lạ ở một ngôi chùa cổ tại Chiang Mai, từ đó mở đường cho triết lý “nghệ thuật giúp thanh lọc tinh thần” và nhấn mạnh chức năng chữa lành của nó.

“Mắt” Sơn dầu 97x130cm – Lê Bá Đảng

Trong một cuộc thảo luận mở, thầy có nhắc đến chức năng chữa lành của nghệ thuật. Thầy có thể lý giải rõ hơn về chức năng này?

Thực chất, đây chỉ là một trong những chức năng của nghệ thuật mà thôi. Bản thân nghệ thuật bao gồm nhiều chức năng. Hồi xưa, nó đóng vai trò chức năng thông tin, đặc biệt là các chế độ có nhu cầu sử dụng nghệ thuật giống như một công cụ tuyên truyền. Ngoài ra, nghệ thuật còn có chức năng thẩm mỹ (tức làm đẹp). Nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật đều có chức năng thẩm mỹ. Chức năng thứ ba là giáo dục.

Từ trước đến nay, người ta chưa đề cập đến chức năng chữa lành của nghệ thuật. Vai trò chữa lành đó thường được chuyển qua loại nghệ thuật khác như “public art” (nghệ thuật công cộng) hay “community art” (nghệ thuật cộng đồng). Một số thì đưa vào trong lĩnh vực nghệ thuật trị liệu chuyên nghiệp.

Thời kỳ sóng thần ở Thái Lan, cư dân nước này bị sốc. Người ta liền đưa nghệ thuật tới nhằm giúp đỡ người vẽ, dần dần thông qua nghệ thuật, có thể giải quyết các ức chế tinh thần. Họ đưa hội họa, âm nhạc để hỗ trợ trẻ em lấy lại cân bằng, đặc biệt là những em bé tự kỷ với khả năng giao tiếp kém, năng lượng dồn nén nên cần một chỗ thoát ra. Chức năng chữa lành đó đã bị chuyên biệt hóa qua “community art”, “public art” hoặc các liệu pháp y học.

Chức năng chữa lành của nghệ thuật này không nhất thiết là bạn phải có chấn thương/sang chấn mà có thể, có những vấn đề xã hội mà người nghệ sĩ không trực tiếp giải quyết, giờ đây họ thực hiện điều đó qua hình thức sáng tác nghệ thuật. Nó giống như một liều thuốc giảm đau, giúp xoa dịu tinh thần người vẽ.

We Used To Be Together, Strong Like Stones II Acrylic, than và sơn dầu trên toan, 140(H)x120(W), 2018

Tại sao nghệ thuật có chức năng chữa lành, thưa thầy?

Nghệ thuật là đối thoại. Thông thường, người ta quan niệm nghệ thuật là đối thoại giữa người nghệ sĩ và người xem. Từ trước đến nay, bất cứ ai làm nghệ thuật mà không chịu đối thoại với người xem thường dễ bị đả kích. Nhưng tôi nghĩ, có những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật là đang đối thoại với chính mình, hoặc là “self-reflection” (phản tỉnh). Họ thấy vấn đề đó và sau đó trở về, họ tự vấn chính mình. Phản tỉnh là sự đối thoại. Thứ hai nữa, đó chính là công án (kōan), một câu hỏi mình cần trả lời, một vấn đề mà mình không thể diễn tả đầy đủ, trọn vẹn bằng ngôn ngữ chữ viết hay lời nói.

Trong thiền ngôn, có những ông thầy tu học bị sư phụ hỏi nhiều, và trả lời như thế nào cũng sai hết. Thì lúc này, người tu sĩ/thiền tông phải chiêm nghiệm lại câu hỏi đó. Và khi tìm ra được câu trả lời thì họ không cần trả lời sư phụ nữa vì chân lý vượt ra khỏi ngôn từ. Tức ngôn từ chỉ là phương tiện, chứ không thể diễn tả hết chân lý.

Có câu nói “Mỗi chúng ta sinh ra đều là nghệ sĩ”. Vậy thì, nghệ thuật có phải là bản năng của con người hay đơn giản là một nhu cầu?

Tôi nghĩ “nghệ thuật là nhu cầu” hợp lý hơn nói “nghệ thuật là bản năng”.

Khi đặt vấn đề nghệ thuật là bản năng là có lẽ, chúng ta cần tiếp cận từ góc độ tâm lý học nhiều hơn. Tôi cũng đã từng tự hỏi có khi nào nghệ thuật cũng như đạo, có sẵn trong người rồi đợi cái gì đó khai mở và giác ngộ. Đạo là cái uyên nguyên, mà giờ đây nói nghệ thuật cũng như đạo thì tôi thấy hơi lạm dụng. Tôi có suy nghĩ đến nhưng vẫn chưa dám khẳng định.

Tại sao ăn, uống, tình dục giúp ta tồn tại? Tình dục không xấu, vì đó là bản năng tạo ra sự sống. Cái gì thuộc về bản năng là nhu cầu bắt buộc tồn tại của con người. Vậy nghệ thuật có nằm trong đó không thì vẫn còn là điều bí ẩn. Thông thường, con người nghĩ bản năng là thấp hèn, hoang dã và dùng định chế xã hội để che giấu chúng. Nghệ thuật có như vậy không? Nghệ thuật là một định chế xã hội để che dấu bản năng nhiều hơn là bản năng. Bản năng mang tính con nhiều hơn, mang tính “universe”, tức tất cả động vật đều sở hữu bản năng đó, và đôi khi, bản năng là thứ mà con người cần kìm chế.

Thầy từng nói rằng: “Câu hỏi không phải là ‘nghệ thuật là gì?’ mà ‘ai là người định nghĩa nghệ thuật?” Điều đó có nghĩa như thế nào?

Tôi luôn khuyên khích các em sinh viên tự định nghĩa con đường nghệ thuật của mình, vì đó là quyền mà không ai có thể tước đoạt. Khi em lắng nghe răm rắp định nghĩa nghệ thuật của một triết gia và vin vào đó, có nghĩa là em tự bó hẹp bề rộng và bề sâu trải nghiệm của mình. Em chưa được là chính mình, thậm chí việc lắng nghe ai đó ngoan ngoãn mà không có sự phản tỉnh cũng đồng nghĩa với việc đang tự giết chết mình.

Hôm trước, có một em sinh viên bảo tôi về thang nhu cầu maslow và đặt nghệ thuật ở tầng cao nhất, tức nhu cầu bậc cao của con người. Nhưng tôi lại trái ngược với thang nhu cầu đó. Tôi muốn chuyển hóa nó thành “tháp sinh thái”. Nghệ sĩ là “con mồi” đầu tiên trong chuỗi thức ăn, thể hiện sự mong manh, dễ lung lạc của họ. Trong chuỗi thức ăn đó, bất cứ ai cũng có thể “tóm” nghệ sĩ. Như vậy, nếu nghệ sĩ không tự tin và mạnh dạn, anh ta dễ bị chi phối bởi các triết gia, nhà nghiên cứu, chính trị và xã hội.

Nghệ sĩ là “con mồi” đầu tiên trong chuỗi thức ăn, thể hiện sự mong manh, dễ lung lạc của họ. Trong chuỗi thức ăn đó, bất cứ ai cũng có thể “tóm” nghệ sĩ. Như vậy, nếu nghệ sĩ không tự tin và mạnh dạn, anh ta dễ bị chi phối bởi các triết gia, nhà nghiên cứu, chính trị và xã hội.

Joan Miró, Painting 1927, Tate Modern, Shape of Light: 100 Years of Photography and Abstract Art

Ban đầu, nghệ sĩ trẻ tuổi dễ sa lầy, thất bại và bị vùi dập. Nhưng đó là điều cần thiết để uốn nắn họ trở thành nhà sáng tạo tự lực. Rồi đây, họ phải tự định nghĩa nghệ thuật bằng tính cách uy nghiêm của mình. Họ cũng phải tự thanh lọc mình để không bị hùa vào tiếng ồn đám đông.

Người ta nói nghệ sĩ nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Phải chăng đó là điều cần thiết trong sáng tạo, thưa thầy?

Người nghệ sĩ là người phát hiện. Công việc của họ là phát hiện. Giống như radar, nếu không có độ nhạy, sẽ chẳng dò được gì. Người nghệ sĩ mà không có sự nhạy cảm để phát hiện, họ không thể sáng tác. Những rung động (dù rất nhỏ) là cần thiết trong thực hành nghệ thuật.

Tuy nhiên, tổn thương chẳng qua là một phản ứng của họ. Nó không mang tính cần thiết trong nghệ thuật.

Thầy luôn có nỗi trăn trở về việc dạy học, đó là làm sao để giáo dục nghệ thuật thiên cả về tính triết lý và tinh thần. Thầy có thể lý giải về điều này?

Trước đây, tôi luôn cảm thấy nghệ thuật bây giờ có quá nhiều xu hướng. Tôi không biết phải dạy sinh viên như thế nào cho phù hợp vì kiến thức quá rộng. Đi nhiều nơi, tôi thấy mỗi nước dạy nghệ thuật mỗi khác. Không lẽ, giữa bến bờ như vậy mà tôi không có cái neo, neo sinh viên mình lại. Chẳng lẽ, tôi chỉ đào tạo sinh viên ra trường để vẽ và nặn tượng thôi sao? Tôi thấy thật khó để trả lời. Trong giai đoạn tự vấn bản thân như vậy thì có một mối nhân duyên tình cờ xảy ra.

LEBADANG, "Yeux", 2006, huile sur toile, 97 x 130 cm. Fondation d’Art Lebadang, Huế, Viêt Nam. Droits réservés.

Bức tranh Eyes của họa sĩ Lê Bá Đảng

Hồi sang Chiang Mai, tôi cư trú trong một ngôi chùa rất nổi tiếng nằm sâu trong rừng. Ngoài những người vào đó tu tập thì còn có nhóm các nhà viết sách, triết học,… đến trầm tư, suy niệm và sáng tác tách biệt, ẩn dật. Phía ngoài chùa là một trung tâm nghệ thuật tổ chức rất nhiều triển lãm. Tôi thường đến đó xem. Tôi mới để ý một anh chàng đầu tóc lụ sụ, áo quần rách rưới, chân không, nom như người vô gia cư. Khi ai nấy ùa đi coi triển lãm, cậu ăn lấy ăn để với bộ dạng xấu xí và diêm dúa, no nê rồi mới đi xem tranh. Tôi chứng kiến cùng một con người đó xuất hiện trước mắt mình vài ba lần. Tôi coi thường, lòng nhủ thầm một phật tử có ai thấp hèn đến thế!

Vô tình một hôm, tôi vào chùa thì thấy cậu ta đang ngồi vắt chân đọc sách trong một hiên của cốc chùa. Thấy tôi, cậu liền ngồi bật dậy, cung kính chào. Tôi ngạc nhiên khi thấy trên tay cậu là cuốn sách triết học có đánh dấu trên góc của thư viện thuộc đại học Chiang Mai. Cậu bảo rất thích đọc sách này và hàng ngày dành khoảng vài tiếng đồng hồ để đọc. Một lần nữa, tôi ngỡ ngàng. Tôi hỏi cậu: “Anh học đại học Chiang Mai?” Vì thầm nghĩ, chỉ có sinh viên của trường mới được mượn sách. Quả vậy, cậu gật đầu. Tôi tiếp: “Anh học gì?” Cậu trả lời rằng lịch sử nghệ thuật. Tôi gần như sốc. Một người vậy là học lịch sử nghệ thuật. Tôi ngồi lại, trò chuyện với cậu nhiều hơn. Những gì xảy giống như có gáo nước lạnh xối vào mặt làm tôi tỉnh ngủ!

Nhờ nghệ thuật nên cuộc sống không cần nhiều, mà cần đủ.

Về sau, tôi mới biết cậu ấy thực hành chủ nghĩa tối thiểu. Cậu không cần nhiều hơn một, hai bộ quần áo và luôn đi chân không. Phương tiện sinh sống là ở chùa (và tiểu thừa nên ăn mỗi ngày chỉ một bữa). Cậu thực hành lối sống mà tôi cực kỳ tôn trọng. Cậu không ăn không, mà sẽ quét chùa. Như câu “bất tác, bất thực”, bữa nào không làm, bữa đó không ăn. Cuộc sống của cậu hoàn toàn tự tại. Tôi hỏi vì sao. Cậu trả lời: “Nhờ nghệ thuật nên cuộc sống không cần nhiều, mà cần đủ.” Và định nghĩa đủ của chàng trai này càng ngày càng ít. Người ta định nghĩa đủ là đi lên, còn anh thì ngày càng tinh giản lại. Câu chuyện của chàng thanh niên khiến tôi giác ngộ điều gì đó mà về sau, tôi biết đâu là con đường giúp sinh viên của mình.

Spanish painters: An online catalogue tracing the lifetime journey ...

Dali trong studio.

Ngoài cậu, tôi còn gặp một vị giáo sư, triết gia kiêm nhà giáo dục nghệ thuật khác giảng dạy ở đại học Chiang Mai cũng thực hành lối sống tối thiểu. Ông cũng thực hành “hạnh nhẫn nhục”, như cách tôn trọng chúng sinh, coi chúng sinh như nhau, không phân biệt địa vị, tôn giáo, màu da, giới tính… Như một người tu tập, thầy đi xin ăn ở Chiang Mai mà ai cũng biết nên vô cùng cung kính. “Vậy là hỏng rồi!” – Thầy bảo: “Ai cũng cung kính mình thì mình đâu thể thực hành hạnh nhẫn nhục được nữa.” Và thế, thầy quay về phía nam, nơi không ai biết mình. Trong lịch sử, Aristotle cũng là một người thực hành lối sống tối thiểu đó. Chủ nghĩa tối thiểu chưa bao giờ mới.

Nhưng nói vậy không để ám chỉ rằng ai ai cũng phải sống tối thiểu. Chẳng qua, tối thiểu là một con đường (và không phải là con đường duy nhất), đó là lựa chọn, giữa nhiều lựa chọn. Cái tôi muốn ám chỉ là tinh thần trong nghệ thuật. Tôi muốn bằng cách nào đó, con người nhờ nghệ thuật mà thanh lọc tinh thần chứ không phải chỉ riêng tính tối thiểu giúp họ thanh lọc.

Cái tôi muốn ám chỉ là tinh thần trong nghệ thuật. Tôi muốn bằng cách nào đó, con người nhờ nghệ thuật mà thanh lọc tinh thần chứ không phải chỉ riêng tính tối thiểu giúp họ thanh lọc.

Làm nghệ thuật giống như thực hành thiền vậy. Tôi nói với sinh viên: “Tôi không quan trọng em vẽ cái gì, xấu đẹp như thế nào. Nhưng em phải viết vì sao em vẽ thứ đó. Tinh thần của em phải luôn định ở công việc của mình. Như khi lái xe, em chỉ tập trung vào việc lái xe, không nghĩ ngợi nhiều đến quá khứ hay tương lai. Nhờ đó, em sẽ làm rất chỉn chu và có sự tận hưởng. Đó chính là liệu pháp chữa lành (therapy) – chức năng của nghệ thuật mà người nghệ sĩ được thụ hưởng khi sáng tác.

Musuem Photo of The Kiss by Gustav Klimt

Từ câu chuyện trên, có lẽ, chúng ta cũng nghiệm ra bài học vẻ đẹp nằm ở hành trình.

Nghệ thuật tạo hình có đặc điểm là từ tư duy trừu tượng qua hình tượng phải đòi hỏi quá trình chuyển biến. Khi em nghĩ về cái cao cả, em có thể viết ra bằng chữ cái, nhưng khi vẽ, em sẽ cần tự vấn bản thân “cao cả” sẽ được chuyển tải thông qua hình ảnh cụ thể nào. Khi chuyển khái niệm trừu tượng thành hình ảnh, quá trình tư duy đó cần nhiều chiêm nghiệm. Bản thân nghệ sĩ phải tự nghiệm rất nhiều.

Có sinh viên ra trường không vẽ được nên chuyển sang bán áo quần. Tôi hỏi em: “Vậy em có chuyển biến được sáng tạo nghệ thuật trong việc bán quần áo không? Em đã từng bới đống rác để làm những tác phẩm sắp đặt, vậy thì bây giờ, với áo quần, em vẫn có thể dùng sự sáng tạo nghệ thuật của bản thân để áp dụng.” Chúng ta có vô vàn cơ hội. Ngay cả khi bạn vẽ “tranh bèo”, nếu đã có chánh định, em biết vì sao em làm “tranh bèo”. Thật tuyệt vời, nếu trong quá trình đó, em vẫn có thể tận hưởng. Vẻ đẹp của nghệ thuật nằm ở hành trình. Nhiều tác phẩm sau khi xong không còn ý nghĩa.

Thầy có thể nói về tính nhị nguyên trong nghệ thuật, liệu có đúng sai, phải trái?

Không chỉ phương Đông mà ở phương Tây, tính nhị nguyên xuất hiện nhiều. Nhưng bây giờ, rõ ràng, không có cái gì gọi là “universal truth” mang tính toàn cầu, thử nghiệm khoa học cũng vậy. Trong cuộc sống, bối cảnh quyết định tính đúng sai, chứ không phải đúng sai mang tính tuyệt đối. Từ năm 1990, tôi đã viết một bài luận mang tên “Nguyên lý bổ sung trong nghệ thuật đương đại” để bác bỏ tính nhị nguyên trong nghệ thuật.

Cám ơn thầy vì những chia sẻ sâu sắc và chân thành!

Bài: Trang Ps


 
Back to top