Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Nhờ nghệ thuật, tinh thần con người trở nên an vui và tĩnh lặng hơn

Sep 28, 2020 | By Trang Ps

“Nghệ thuật có chức năng gột rửa bụi bám mỗi ngày trong tâm hồn chúng ta.” – Pablo Picasso.

Cách đây khá lâu, trong một lần xem bản tin thời sự, tôi cảm thấy khá bất ngờ vì trước cổng một bảo tàng ở Nhật là những đoàn học sinh bình tĩnh xếp hàng, chờ đợi để vào xem tác phẩm nghệ thuật. Chúng không có vẻ gì là bồn chồn, lo lắng hay bực bội dưới nắng vàng mà thay vào đó, hồn nhiên, lặng im chờ đợi lượt vào bên trong.

Những cô cậu học trò giữ im lặng đăm chiêu nhìn tác phẩm nghệ thuật thuộc đa dạng trường phái khác nhau. Trong thoáng chốc, tôi cảm nhận trọn vẹn sự tĩnh lặng, an yên tuyệt đối ở tâm hồn đứa trẻ, thứ mà nhiều người, đặc biệt là người lớn hiện nay hiếm khi nào trải nghiệm được. Thì ra, nghệ thuật có một sức mạnh chữa lành và khiến lòng người an vui đến thế mà bấy lâu nay chúng ta hiếm khi nào bàn tới.

Nhờ nghệ thuật, tinh thần con người trở nên an vui và tĩnh lặng hơn

Water Lilies, 1916 by Claude Monet

Water Lilies, 1916, Claude Monet

Theo một nghiên cứu của nhà sinh học thần kinh, giáo sư Zemir Zeki của Đại học London, ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật có tác dụng tâm lý tương tự như khi trải nghiệm cảm giác hưng phấn trong tình yêu lãng mạn.

Trong một cuộc thí nghiệm, ông cho mọi người thưởng thức các tác phẩm từ “The Birth of Venus” cả Botticelli đến những họa phẩm lừng danh của Leonardo da Vinci và Hieronymus Bosch và bắt đầu quét não của người tham gia. Zeki phát hiện sự kích thích thị giác đã dẫn đến việc tăng mức dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh giúp kiểm sát các trung tâm khoái cảm của não). Nói một cách dễ hiểu hơn, việc thưởng thức nghệ thuật đã kích hoạt trung tâm khoái cảm của não như khi ta trải nghiệm tình yêu, và thậm chí cả việc sử dụng ma túy để giải trí.

Trong một cuộc thí nghiệm khác, Zeki phát hiện các tác phẩm nghệ thuật (bị coi là xấu xí) kích hoạt hoạt động của não ít hơn; tuy nhiên, kết quả quét não của các đối tượng vẫn phản ánh sự kích thích. Sự gia tăng lưu lượng máu tỷ lệ thuận với mức độ yêu thích một bức tranh.

Khi thả hồn vào bức tranh Water Lilies của Monet hay lạc vào khung cảnh đẹp như mơ của Salvador Dali, tâm trí ta như múa nhảy tự do giữa không trung, có khi là niềm hoan lạc, có khi là niềm vui phấn khích, có khi là sự đồng điệu dội vào lồng ngực cảm giác an yên đầy dễ chịu.

Có thể bạn chưa biết, trong những năm gần đây, Canada trở thành quốc gia đầu tiên cho phép bác sĩ “kê đơn” cho bệnh nhân của họ tham quan bảo tàng miễn phí, nhằm giải quyết những căn bệnh khác nhau từ trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống đến huyết áp cao…

Nghệ thuật thanh lọc tinh thần người sáng tác

renoirmonetpainting

Pierre-Auguste Renoir (1841–1919), Monet Painting in his Garden in Argenteuil (1873)

Với bản thân nghệ sĩ thì sao? Các bằng chứng khoa học cho thấy sáng tạo nghệ thuật có thể nâng cao tâm trạng của người sáng tác, giải thoát những mắc kẹt trong lòng đồng thời giúp họ bình tâm giữa bao xô bồ cuộc sống. Người nghệ sĩ không nhất thiết phải đạt mức độ thành công trên thị trường để trải nghiệm niềm hạnh phúc khi sáng tạo. Mọi nghệ sĩ đều có thể được chữa lành bởi nghệ thuật.

Cho dù bạn vẽ sơn dầu nguệch ngoạc trên một tấm toan hay sáp màu trên giấy, hành động sáng tạo nghệ thuật có đặc tính chữa lành mạnh mẽ. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Art Therapy, 3/4 số người tham gia đã trải nghiệm mức hormone căng thẳng cortisol thấp hơn trong suốt 45 phút sáng tạo, bất kể là người thiếu kinh nghiệm hay dày dạn kinh nghiệm nghệ thuật.

Mỗi khi ta ngồi xuống viết một bài hát hay vẽ một bức tranh, ta đang chuyển hóa tinh thần trong một hoạt động mang tính thể chất. Và thật khó để sa lầy vào cảm giác tiêu cực và sợ hãi khi sáng tạo nghệ thuật.

sargentoutofdoorsstudy

John Singer Sargent (1856–1925), An Out-of-Doors Study (c 1889

Nghệ thuật khiến lòng người an vui hơn vì lĩnh vực này tạo ra mối liên hệ nhuần nhuyễn giữa tâm trí và cơ thể. Khác với tập thể dục (giúp cơ thể hoạt động, thư giãn), hay thiền định (giúp tâm trí minh mẫn), nghệ thuật tạo ra tác phẩm tiếp cận về mặt tâm thức lẫn cơ thể, từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành. Mỗi khi ta ngồi xuống viết một bài hát hay vẽ một bức tranh, ta đang chuyển hóa tinh thần trong một hoạt động mang tính thể chất. Thật khó để sa lầy vào cảm giác tiêu cực và sợ hãi khi sáng tạo nghệ thuật, thay vào đó, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác sâu hơn với chính mình, thậm chí có thể tham gia tương tác, đặt câu hỏi hay đối thoại với tác phẩm để khám phá nội tại bản thân.

Sáng tạo là con đường chuyển hóa

Nghệ sĩ Tia Thủy Nguyễn vẽ trong studio.

Trong một cuộc trò chuyện với nhà giáo dục Đỗ Kỳ Huy, tôi hỏi thầy: “Tại sao nghệ thuật có chức năng chữa lành?” Ông đáp: “Nghệ thuật là đối thoại. Thông thường, người ta quan niệm nghệ thuật là đối thoại giữa người nghệ sĩ và người xem. Từ trước đến nay, bất cứ ai làm nghệ thuật mà không chịu đối thoại với người xem thường dễ bị đả kích. Nhưng tôi nghĩ, có những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật là đang đối thoại với chính mình, hoặc là “self-reflection” (phản tỉnh). Họ thấy vấn đề đó và sau đó trở về, họ tự vấn chính mình. Phản tỉnh là sự đối thoại. Thứ hai nữa, đó chính là công án (kōan), một câu hỏi mình cần trả lời, một vấn đề mà mình không thể diễn tả đầy đủ, trọn vẹn bằng ngôn ngữ chữ viết hay lời nói.

Trong thiền ngôn, có những ông thầy tu học bị sư phụ hỏi nhiều, và trả lời như thế nào cũng sai hết. Thì lúc này, người tu sĩ/thiền tông phải chiêm nghiệm lại câu hỏi đó. Và khi tìm ra được câu trả lời thì họ không cần trả lời sư phụ nữa vì chân lý vượt ra khỏi ngôn từ. Tức ngôn từ chỉ là phương tiện, chứ không thể diễn tả hết chân lý.”

Trong lịch sử nghệ thuật, nhiều danh họa từng chiến đấu với những căn bệnh tâm thần nghiêm trọng. Và trong quá trình sáng tạo, họ có cơ hội đối mặt với những nỗi sợ hãi, tức giận và tuyệt vọng của mình. Họ dùng nghệ thuật như một hình thức trị liệu thay thế. Như Van Gogh, ông từng nói: “Tôi đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào công việc, và cũng đã mất trí trong quá trình này.” Tôi nghĩ, với danh họa Hà Lan, nghệ thuật giúp ông nuôi dưỡng những hy vọng cuối cùng trước vụ tự sát.

Nghệ sĩ, nhà bình luận nghệ thuật Wassily Kandinsky (tác giả của cuốn sách Về cái tinh thần trong nghệ thuật) từng nói: “Lắng tai nghe âm nhạc, mở mắt ngắm bức tranh và ngừng suy nghĩ. Hãy tự hỏi lòng mình rằng tác phẩm kia có dẫn ta bước vào một thế giới chưa từng có. Nếu câu trả lời là có, thì bạn còn muốn điều gì hơn?” Câu nói của Kandinsky nhấn mạnh rằng ẩn chứa trong một tác phẩm nghệ thuật là một linh hồn chưa được khám phá và sẽ được khai phá bằng trái tim rộng mở chan chứa sự lắng đọng, thấu hiểu và trắc ẩn.

Bằng cây cọ, bằng ngòi bút,… chúng ta tập trung hoàn toàn và chính sự tập trung đó đã làm lộ lên thái độ bình tĩnh và sáng suốt ở nơi ta.

Carl Röchling (German, 1855-1920) Mozart playing Piano for Young Songstress (Mozart and Aloysia Weber). (With images) | Classical music composers, Clarinet music, Learn piano

Carl Röchling (German, 1855-1920) Mozart playing Piano for Young Songstress (Mozart and Aloysia Weber).

Ẩn chứa sâu thẳm trong tiềm thức con người là một thế giới hoàn toàn mới mẻ nhưng lại “tăm tối”, và bằng cách sử dụng bút màu, đất sét hay các chất liệu khác, chúng ta sẽ thể hiện trực quan những suy nghĩ bên trong, đồng thời khơi gợi ký ức và bộc lộ niềm tin tiềm thức. Vì thế, những người gặp tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hay các vấn đề tương tự sẽ dần dần mở toang trái tim mình nhờ thực hành nghệ thuật.

Trong thiền tập, chúng ta vẫn thường được nhắc đến cụm từ “Nơi ấy cũng là bây giờ và ở đây”. Và thế, nghệ thuật chính xác là một dạng tu tập. Con đường sáng tạo là con đường chuyển hóa, một con đường giúp chúng ta tốt đẹp hơn và bớt khổ đau. Bằng cây cọ, bằng ngòi bút,… chúng ta tập trung hoàn toàn và chính sự tập trung đó đã làm lộ lên thái độ bình tĩnh và sáng suốt ở nơi ta.


 
Back to top