ART & CULTURE

Nhà văn Vũ Trọng Phụng qua lời kể của họa sĩ Mạnh Quỳnh

Aug 11, 2023 | By Art Republik

Nhiều người biết tới hình ảnh của “ông vua phóng sự đất Bắc” qua bức chân dung chụp tác giả đang mặc âu phục, nhưng trong ấn tượng của họa sĩ Mạnh Quỳnh, Vũ Trọng Phụng toàn “mặc đồ ta” và “có dáng và phong cách một thầy giáo trường làng”.

Ký họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Nguồn ảnh: hoasymanhquynh.org

Năm 1936, họa sĩ Mạnh Quỳnh có một thời gian ngắn làm việc với nhà văn quá cố Vũ Trọng Phụng: nhà văn đi lấy tài liệu cho phóng sự Vẽ nhọ bôi hề, họa sĩ được mời đi cùng để minh họa.

Sự cộng tác đáng nhớ này được họa sĩ kể tóm tắt ngày 6-12-1987 trong buổi kỷ niệm 75 năm ngày sinh của nhà văn do CLB danh nhân thuộc Cung văn hóa LĐ hữu nghị Việt – Xô tổ chức. Buổi đó, cùng với họa sĩ Mạnh Quỳnh, còn có một số nhà thơ, nhà văn, hoặc là bạn bè, hoặc có quan hệ cộng tác với nhà văn, lên nói chuyện hoặc kể những kỷ niệm về Vũ Trọng Phụng.

Sách “Dumb Luck”, chuyển ngữ từ “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng, xuất bản ở Mỹ, biên tập bởi tiến sĩ sử học Peter Zinoman, với biếm hoạ Vũ Trọng Phụng của Côn Sinh (biếm họa từng đăng trên tuần báo Loa, ngày 24 tháng 1 năm 1935). Nguồn: Bài viết “Về 2 phóng sự của Vũ Trọng Phụng mới được tìm thấy” của Phanxipăng, đăng trên blog Chim Việt Cành Nam

Tôi tìm gặp họa sĩ Mạnh Quỳnh tại nhà riêng anh với lý do: “Chuyện còn muốn nghe, mà anh nói quá ngắn, đến yêu cầu anh nói thêm”.

Chừng như thông cảm, họa sĩ tạm gác công việc đang làm để phục vụ chương trình Những bông hoa nhỏ của Đại truyền hình Việt Nam, rồi bắt đầu kể:

* Năm 1936, Vũ Trọng Phụng và tôi đều cộng tác với báo Phụ nữ thời đàm ở phố Hàng Bồ do một thương gia bỏ vốn và quản lý. Phụng viết, tôi vẽ, chúng tôi biết nhau rồi có quan hệ thân quen. Một hôm, Vũ Trọng Phụng ngỏ ý muốn tôi minh họa cho phóng sự Vẽ nhọ bôi hề của anh.

Nhà văn lấy tài liệu tại rạp Quảng Lạc, một rạp hát nổi tiếng hồi đó gồm nhiều đào kép trong Nam, ngoài Bắc có nghề lâu năm. Nhà văn chọn hậu trường sân khấu làm đề tài, là nhằm nói lên cuộc đời những người bán hơi, bán tài, bán sức mà không bao giờ đủ sống. Không những thế, trong mười người có tới năm sáu sa vào con đường nghiện hút.

Vũ Trọng Phụng rất đúng giờ. 7 giờ tối, tôi đến đúng hẹn, là nhà văn đã sẵn sàng. Anh rít hơi thuốc lào, dường như chỉ có cách ấy để lấy sự tỉnh táo, rồi đi.

Anh tranh thủ lúc diễn viên đã “cân đai bối tử” nhưng chưa đến lượt ra sân khấu, hoặc diễn viên vừa ra trò vào nghỉ, để trò chuyện. Xem ý, anh hỏi nhiều, nhưng ghi ít. Sổ tay của anh là cuốn sổ mỏng, hẹp khổ. Tôi không theo dõi cách hỏi và ghi chép của anh, vì lúc anh hỏi cũng là lúc tôi phải làm việc của mình. Năm đó, mới chập chững vào nghề, nên ký họa một chân dung hay một cảnh nào, tôi cũng phải loay hoay, vẽ đi, vẽ lại nhiều lần mới đủ để về nhà chắp nhặt thành một minh họa hoàn chỉnh.

Sau này, khi nhà văn qua đời, báo đăng ảnh anh mặc “sơ mi”. Còn suốt quá trình gặp gỡ và cùng anh làm việc, tôi thấy anh toàn mặc đồ ta, quần chùng, áo dài, khăn xếp, giầy Gia Định. Anh có dáng và phong cách một thầy giáo trường làng, hồi đó gọi là “hương sư”.

Thẻ nhà báo của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nguồn: Bài viết “Về 2 phóng sự của Vũ Trọng Phụng mới được tìm thấy” của Phanxipăng, đăng trên blog Chim Việt Cành Nam

Vũ Trọng Phụng, từ phục sức đến nói năng, sao giống một hương sư thế! Anh nói ít mà không phải là xẻn lời. Tôi nói thế, vì thấy những người mà anh giao du hồi đó có nhiều người rất “bẻm”, ví như nhân vật Trưởng Tạo chẳng hạn. Trưởng Tạo quê ở thôn Du Lâm, gần Cầu Đuống. Ông này vừa thạo nói, vừa thạo đời, hầu như “thượng thiên văn, hạ địa lý, trung chi nhân sự” gì gì cũng biết. Ông đã từng đóng vai phụ trong cuốn phim câm nhan đề Chuyện Bà Đế quay tại Đồ Sơn. Nói về tuồng chèo, Trưởng Tạo cũng hay; nói về cờ bạc, Trưởng Tạo càng thạo. Ông Ấm B. trong Cạm bẫy người chính là Trưởng Tạo được Vũ Trọng Phụng đổi tên.

Có lần tôi được dự cuộc “ngồi quây quần nói chuyện” tại một nhà trước “cải lương hý viện” (sau là rạp Kim Chung ở phố Hàng Bạc), trong đó có Trưởng Tạo. Nhân cuộc gặp mặt này, tôi mới biết Vũ Trọng Phụng không hề đánh bạc, anh chỉ theo Ấm B. đi để chầu rìa hoặc nghe Ấm B. kể lại rồi viết Cạm bẫy người. Con người mà họa sỹ “Ngum” [*] vẽ ngoài bìa cuốn sách (xuất bản hồi đó) phần nào mang dáng dấp Trưởng Tạo.

Ngay khi Vũ Trọng Phụng đã là tác giả những tác phẩm nổi tiếng, nếu ai được gặp anh lần đầu, cũng không thể nghĩ là mình đã gặp một nhà văn. Vũ Trọng Phụng xuề xòa trong ăn mặc, cũng xuề xòa trong tác phong. Chính tôi, khi lần đầu gặp anh ở tòa soạn Phụ nữ thời đàm, cũng không nghĩ người mình gặp là Vũ Trọng Phụng. Hồi đó, có những nhân vật (xin miễn nói tên) tự cho mình là nhà báo mặc dầu chẳng có bài nào, ăn mặc rất oai, đi đâu cũng cắp “các-táp” tổ bố, ngoài “các-táp” là cái “các-vi-dít” in bằng chữ nước ngoài: “Ông X. ký giả… ”.

Sách “Vẽ nhọ bôi hề” qua 2 lần in (năm 2000 và 2004). Ảnh: Phanxipăng. Nguồn: Bài viết “Về 2 phóng sự của Vũ Trọng Phụng mới được tìm thấy” của Phanxipăng, đăng trên blog Chim Việt Cành Nam

Phóng sự Vẽ nhọ bôi hề ra được mấy kỳ thì báo chết, tôi ít có dịp được gặp lại nhà văn. Cho đến một hôm, sau buổi đi vẽ xa về, đọc báo thấy đăng tin “Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã qua đời”. Thế là một cây bút rực lửa đang được nhiều người hâm mộ đã phụt tắt, thương xót thay!

Ngày nay mỗi lần qua Hàng Bạc (ngã tư Tạ Hiện) hay Hàng Bồ (phía gần tòa báo Lao Động) hình ảnh con người “hương sư” giản dị trong phục sức, từ tốn trong nói năng lại tái hiện trong trí nhớ tôi. Lúc đó tôi cảm thấy bên tai tôi có tiếng anh hẹn lại: “Tối mai đúng bảy giờ đến rạp Quảng Lạc nhé!

Minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh, cho phóng sự “Vẽ nhọ bôi hề” của Thiên Hư (bút danh của nhà văn Vũ Trọng Phụng).

Kỳ đầu phóng sự “Vẽ nhọ bôi hề” trên tờ Phụ Nữ Thời Đàm, số 23 (13-5-1934). Nguồn: Bài viết “Về 2 phóng sự của Vũ Trọng Phụng mới được tìm thấy” của Phanxipăng, đăng trên blog Chim Việt Cành Nam

[*] Bài báo in tên họa sĩ là “Ngum”, đúng ra là “Ngym”, vốn là nghệ danh của họa sĩ Trần Quang Trân (một nghệ danh khác là Nghi Am). Ông là một trong những sinh viên khóa đầu tiên (khóa thứ 3, năm 1927 – 1932) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Trần Quang Trân được ghi nhận là một trong những họa sĩ đầu tiên quan tâm đến tranh sơn mài, chịu ảnh hưởng của giáo sư, họa sĩ Joseph Inguimberty.

Bài “Họa sĩ Mạnh Quỳnh kể lại – Những ngày cùng làm việc với Vũ Trọng Phụng”, Trần Thành ghi, đăng trên báo Hà Nội Mới, số 7086, ngày 24 tháng Một năm 1988.

Nguồn: Thư viện Báo chí – Thư viện Quốc gia Việt Nam, hoasymanhquynh.org

— * —

Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh (1917 – 1991) tốt nghiệp khoa Sơn mài của Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1942. Ông là một họa sĩ hoạt động rất sớm trong làng báo Việt Nam từ trước khi vào trường. Ngoài sáng tác tranh, ông còn là cộng tác viên của nhiều tờ báo nổi tiếng và vẽ tranh minh họa cho các tác phẩm như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Thơ ngụ ngôn La Phông ten. Họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1918 – 1999), học khóa XIII (1939 – 1944), Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài sáng tác tranh sơn dầu và sơn mài, ông còn thành công ở mảng tranh sơn khắc và khắc gỗ. Ông cũng là bậc thầy của nghệ thuật tranh đen trắng trên các chất liệu mực nho, màu nước.

– Tìm hiểu thêm về họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh qua chuyên mục Ký ức Đông Dương phần 5, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa – con trai họa sĩ Trọng Hợp, kể chuyện về họa sĩ Mạnh Quỳnh và bố mình trong những cực nhọc về cơm áo của năm tháng xa xưa.

 


 
Back to top