BUSINESS OF LUXURY

Bí mật giới siêu giàu: hàng hiệu không còn là tất cả 

Mar 09, 2021 | By admin

Khoác lên mình những chiếc túi hàng hiệu cao cấp đến từ những thương hiệu như Louis Vuitton, Hermes, hay thậm chí trị giá hàng triệu đô đến từ thương hiệu Bugatti, từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn và biểu tượng của siêu giàu.

Phòng chờ hạng sang dành cho các VIP. Nguồn ảnh: Bloomberg

Phòng chờ hạng sang dành cho các VIP

Một năm trở lại đây, mọi thứ thay đổi rất nhiều. Tầng lớp siêu giàu đang dần hướng sự tập trung của mình sang những khoản đầu tư “vô hình” khác như an ninh, sức khỏe hay giáo dục để thể hiện đẳng cấp của mình. Sự chuyển đổi này có lẽ là hệ quả tất yếu cho sự lạm phát kinh tế trong thời kỳ gần đây tại Mỹ.

hàng hiệu không còn là ưu tiên hàng đầu của giới siêu giàu

Bộ sưu tập Xuân/Hè 2021 của Louis Vuitton. Nguồn ảnh: Louis Vuitton

Mới đây, Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) đã công bố số liệu về sự lạm phát, biểu đồ từng được Bloomberg gắn cho cái tên “Biểu đồ của thế kỷ” và được công bố trên nhiều phương tiện truyền thông xuyên suốt nhiều năm qua.

Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ lạm phát trong khoảng 21 năm gần đây đã lên tới 54,6%, tức là trung bình 2,2%/năm. Con số này rất gần với những dự đoán của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Biểu đồ cũng đã cho thấy rõ sự tăng giá đáng kể của một số ngành hàng hay mặt hàng trong những năm vừa qua.

Giá cả các mặt hàng tại Mỹ thay đổi từ 2000 – 2020. Nguồn ảnh: US Bureau of Labor Statistics

Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, học phí đại học, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trẻ em (dịch vụ phi vật lý) là những ngành có tỷ lệ lạm phát tăng trưởng vượt mức bình thường. Tỷ lệ này tăng ở một mức rất cao so với mức tăng lương trung bình (tính theo giờ), con số này là 82,5%. Nếu so sánh với mức tăng giá trung bình của các mặt hàng tiêu dùng, thì tỷ lệ này là 28%. Trong khi đó, những hàng hoá khác như ô tô, quần áo, máy tính, đồ chơi hay đồ điện tử thì giá cả lại đang dần trở nên phù hợp hơn với người tiêu dùng.

Nhìn chung, tất cả các chi phí của các dịch vụ phi vật lý (ngoại trừ giá nhà ở) đều tăng lên ở mức đáng kể, trong khi các dịch vụ khác đều có xu hướng giữ nguyên hoặc giảm xuống. 

Xu hướng xa xỉ trong tương lai

Những dịch vụ phi vật lý đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của các triệu phú và tỷ phú trên khắp nước Mỹ, mà còn ở những người có tầm nhìn xa và rộng. 

Elizabeth Currid-Halkett, định nghĩa về xu hướng tiêu dùng kín đáo (inconspicuous consumption) trong tựa sách ra mắt vào năm 2017: The Sum of Small Things: A Theory of the Aspirational Class, như một định nghĩa đối lập với tiêu dùng phô trương (conspicuous consumption) – một thuật ngữ được nhà kinh tế học nổi tiếng của thế kỷ 19, Thorstein Veblen, đưa ra như một quan niệm về xu hướng sử dụng các món hàng hay dịch vụ để biểu thị địa vị xã hội của người dùng.

“Người giàu đang dần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, hưu trí và sức khoẻ”- những dịch vụ phi vật lý này thế nhưng lại có giá trị hơn gấp nhiều lần những chiếc túi xách hàng hiệu mà người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình, có thể mua.”

Đặc biệt ở Mỹ, top 1% những người siêu giàu nhất, trên thực tế đã chi tiêu tiết chế hơn rất nhiều vào các dịch vụ hay mặt hàng vật lý kể từ 2007, theo Currid-Halkett, trích dẫn dữ liệu từ Khảo sát Chi tiêu của Người tiêu dùng Hoa Kỳ. 

Tác giả Elizabeth Currid-Halkett ra mắt tác phẩm của mình. Nguồn ảnh: USC Price School

Trong thời đại mà phần lớn người tiêu dùng trung lưu và thượng lưu đều có thể sở hữu cho mình những món đồ hiệu xa xỉ, như bà chia sẻ, việc từ bỏ thói quen mua sắm những món hàng đó và thay bằng những dịch vụ phi vật lý, là một cách để khiến bản thân họ trở nên khác biệt, thể hiện địa vị của riêng mình. Currid  – Halkett chia sẻ: 

“Giới siêu giàu hiện tại rất quan tâm tới việc khẳng định vị thế của mình thông qua những đóng góp về trí tuệ cũng như xây dựng các nền tảng văn hoá”

Xu hướng tiêu dùng kín đáo này thường ít được giới trung lưu để tâm – nhưng lại được cân nhắc và đánh giá kỹ càng bởi tầng lớp thượng lưu. Đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục, sức khoẻ, chăm sóc y tế dành cho trẻ em, đã trở nên ngày càng đắt đỏ kể từ năm 2000, theo như những số liệu mà AIE cung cấp – tái định vị lại những đặc quyền và sự chuyển dịch xu hướng tiêu dùng trong xã hội, theo cách mà những mặt hàng xa xỉ bình thường không thể, đó là những nhận định của Currid  – Halkett.

Tỷ lệ lạm phát cao – những giả thiết được đặt ra

Sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phận giới siêu giàu không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên lạm phát tại Hoa Kỳ. Mark Perry, nhà kinh tế học đứng sau những số liệu mà AEI cung cấp, đã từng viết trên trang blog cá nhân của mình rằng, các nhà kinh tế học đã đưa ra rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho điều này: sự tăng giá của các mặt hàng chịu nhiều tác động bởi các chính sách mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra (đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe) và sự giảm giá thì đến từ xu hướng cạnh tranh quốc tế đang ngày càng trở nên gắt gao ở một số lĩnh vực sản xuất, có thể kể đến như đồ chơi trẻ em.

Y tế đang là mối quan tâm hàng đầu của giới siêu giàu nhất là khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu. Nguồn ảnh: AP

Sản xuất hàng loạt cho phép người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn cùng với những mức giá hợp lý hơn. Và chi phí học đại học thì lại ngày càng trở nên đắt đỏ hơn vì nhiều lý do, đi kèm trong đó là những tác động từ toàn cầu hoá, sự gia tăng của các gói hỗ trợ tài chính và các dịch vụ chuyên biệt dành cho sinh viên đang dần phổ biến.

Thế nhưng biểu đồ lạm phát này còn chỉ ra một điều nữa đó là sự lạm phát còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự chuyển dịch xu hướng của thị trường cũng như quyền lực của đồng tiền mà giới siêu giàu đang nắm giữ, nhất là khi những tình trạng bất bình đẳng giàu – nghèo đang ngày càng trở nên phổ biến tại các quốc gia phát triển.

Giới thượng lưu ngày càng coi trọng việc gửi con của họ vào những trường lớp hay các hệ thống giáo dục cao cấp, hoặc chi đến hàng triệu đô để những đứa trẻ này được sống và học tập trong những đất nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Việc mua cho con cái mình những gói chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, cũng là một cách để khẳng định địa vị của tầng lớp siêu giàu này.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà các ngành dịch vụ phi vật lý đã, đang và sẽ dần trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai.

Chúng ta có thể gọi đây là một sự lạm phát “kín đáo”. 

Theo Business Insider
Phuong Anh LE


 
Back to top