Boeing 737 bị cấm: Boeing kiệt quệ, Airbus không kịp sản xuất máy bay được đặt hàng
Airbus SE và Boeing Co. đã là đối thủ cạnh tranh trong vài thập kỷ qua. Boeing có vẻ đã trên cơ Airbus trong năm 2017 và 2018, tuy nhiên hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong năm tháng của năm 2019 đã tước đi quyền lực đó.
Chiếc 737 Max bị buộc hạ cánh và Boeing phải ngừng sản xuất dòng máy bay phản lực hái ra tiền này. Giữa lúc đối thủ đang gặp khủng hoảng, Airbus đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ trở thành nhà độc quyền thị trường, với 483 đơn hàng vượt mặt Boeing vào năm 2019. Đây là mức chênh lệch lớn nhất trong cuộc chiến kéo dài 45 năm của hai hãng hàng không.
Cuối cùng, Airbus đã nhận hơn 700 đơn đặt hàng máy bay thân hẹp, trong khi đó Boeing có vẻ như mất nhiều hơn được và kết thúc năm chỉ với 51 đơn đặt hàng cho cùng dòng máy bay.
Tuy đã cố gắng không ăn mừng quá trớn trước vận rủi của đối thủ, nhưng Airbus đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội định hình lại thị trường máy bay thân hẹp. Chuyên gia tư vấn máy bay phản lực, Mark Martin, ước tính trong tương lai gần, Airbus có thể cung cấp 60% đến 65% số lượng máy bay một lối đi trên thị trường (tăng từ con số 50% của hiện tại). Đây là loại máy bay được sử dụng rộng rãi nhất và mang lại phần lớn lợi nhuận cho cả hai công ty. Việc ngưng cất cánh của Max đã tạo cơ hội lớn cho Airbus lấp đầy lỗ hổng.
Tuy nhiên, mua một chiếc máy bay không giống với mua một chiếc điện thoại hay xe hơi. Cả Airbus và Boeing đều đang chiếm thế độc quyền. Điều đó có nghĩa là những lựa chọn thay thế hầu như không có. Danh sách chờ cho các loại máy bay phổ biến trải dài trong nhiều năm, do đó, việc rút đơn hàng của Max đồng nghĩa với tham gia xếp hàng chờ phía Airbus. Các thỏa thuận mua hàng bao gồm các khoản thanh toán trả trước sẽ bị mất nếu hủy đơn, ngay cả khi hãng sản xuất trì hoãn; trong khi các hãng hàng không chắc chắn muốn cắt giảm chi phí đào tạo phi hành đoàn và bảo trì bằng cách đặt hàng một nhà sản xuất duy nhất.
Đối thủ cạnh tranh chính của Max chính là chiếc A320neo. Airbus đang nỗ lực phân phối loại máy bay này với số lượng lớn và đa dạng mẫu mã hơn. Công ty đã giới thiệu các biến thể của dòng A321 với kích thước lớn và có thể bay các hành trình quốc tế, vốn trước đây chỉ dành cho các dòng thân rộng tiết kiệm nhiên liệu. Airbus cũng đang cân nhắc một phương án khác bằng cách kéo dài chiếc A220 vốn có kích thước nhỏ với sức chứa từ 100 đến 150 hành khách, sử dụng vật liệu nhẹ và áp dụng nguyên lý hàng không học tiên tiến hơn. (Bombardier Inc. là hãng chuyên trị máy bay chuyên cơ, nhưng chi phí vượt mức buộc họ phải tìm kiếm đối tác và cuối cùng phải tuyên bố rời khỏi thị trường vào ngày 13 tháng 2.)
Guillaume Faury, CEO Airbus cho hay phiên bản kéo dài của A220 có vẻ là phương án khả thi cho tương lai, bởi sự thay đổi này sẽ khiến A220 rút gần khoảng cách với chiếc A320 và chiếc 737 của Boeing, với sức chứa trung bình khoảng 180 hành khách. Southwest Airlines Co. vốn trước giờ chỉ bay chiếc 737 đang xem xét lựa chọn máy bay A220; trong khi Air France đã đặt hàng 60 chiếc A220 vì quan tâm đến phiên bản lớn hơn của dòng này.
Nhưng thách thức lớn hơn cả việc giành lấy đơn hàng đối với Airbus chính việc tìm kiếm không gian và đặt hàng các bộ phận để tiến hành lắp ráp nhiều máy bay cùng một lúc. Công ty đã phải cắt giảm mục tiêu giao hàng năm 2019 để hoàn thành bố trí cabin tùy chỉnh cho chiếc A321. Các dây chuyền sản xuất toàn cầu của hãng cho dòng máy bay A320 đang có danh mục khách hàng tồn đọng kéo dài đến 8 năm nếu tiếp tục giữ tiến độ hiện tại. Những đơn hàng mới sẽ bắt đầu sau năm 2024. Điều đó chắc chắn là trở ngại rất lớn với các hãng hàng giá rẻ như Ryanair Holdings Plc tại châu Âu, một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing. Có vẻ như họ cần bàn bạc đơn hàng mới với Airbus, nhưng thời gian chờ đợi quả là khủng khiếp.
Năng suất của Airbus đang vào khoảng 60 máy bay A320 mỗi tháng. Họ tuyên bố sẽ tăng sản lượng lên 67 chiếc hàng tháng vào năm 2023. Nhà sản xuất máy bay châu Âu cho biết họ dự kiến bàn giao khoảng 880 máy bay vào năm 2020, phá kỷ lục sản xuất của năm trước, đồng thời khởi động lại dây chuyền lắp ráp siêu máy bay A380 để thống trị thị trường vào năm tới. Nhưng điều đó vẫn không giải quyết yêu cầu tăng năng suất, trong khi các đơn hàng A320 hiện tại đang đòi hỏi tốc độ sản xuất khẩn trương hơn nhiều.
Hiện tại, không một hãng hàng không nào muốn chọn Boeing là nhà cung cấp dòng máy bay một lối đi. Chiếc máy bay phản lực C919 do Trung Quốc chế tạo đang bị chậm tiến độ, tương tự với chiếc Irkut MC-21 của Nga. Domhnal Slattery, Giám đốc điều hành của công ty cho thuê máy bay phản lực Avolon Holdings Ltd., chia sẻ: “Đây là một thảm họa với tất cả chúng tôi. Ngành công nghiệp sản xuất máy bay cần một sự cạnh tranh lành mạnh và ổn định hơn.”
Câu hỏi đặt ra cho Boeing bây giờ là bao lâu nữa họ mới cho ra dòng máy bay thay thế cho 737, khi danh tiếng của dòng này đã hoàn toàn bị hủy hoại? Kế hoạch chi tiết cho một chiếc máy bay mới trong tương lai huy động số vốn khổng lồ, trong khi đó, ngành công nghiệp nặng nói chung đang dần chuyển sang xu hướng dùng năng lượng hybrid. Nếu Boeing không nhanh chóng đưa ra giải pháp, họ có thể sẽ rất vất vả để cạnh tranh với Airbus sau này.
Giám đốc điều hành của Boeing, David Calhoun, người đã tiếp quản vào tháng trước sau cuộc khủng hoảng Max dẫn đến sự bãi nhiệm cựu CEO Dennis Muilenburg, cần có một chiến lược sớm. Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn hàng không Teal Group cho biết: “Máy bay Airbus đang ở vị thế vô cùng thuận lợi trong thị trường máy bay một lối đi này. Trong khi đó, Boeing đang bị trì trệ. Đây là một trong những điểm uốn cực kỳ quan trọng và Boeing thực sự không có nhiều thời gian để đưa ra quyết định.”
Airbus đang cung cấp nhiều loại máy bay hơn của dòng A320, nhưng họ có thể đẩy mạnh lợi thế của mình lên rất nhiều nếu tăng khả năng sản xuất.