ART & LIFE / Nghệ sĩ

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp: Bức tranh muốn đẹp cần biết điểm dừng

Mar 14, 2019 | By Trang Ps

Sôi nổi và yêu đời, đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận về họa sĩ Vi Quốc Hiệp trong cái bắt tay lần đầu tiên. Và càng trò chuyện, chúng tôi càng trân trọng hơn người đàn ông ngoài 70 xuân có đủ tài “cầm kỳ thi họa” và sở hữu một kho tàng tác phẩm đồ sộ về thơ, văn, nhạc, đặc biệt là tranh.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

Sinh năm 1948, Vi Quốc Hiệp là một trong những họa sĩ nổi tiếng ở Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung. Cùng với 22 cuộc triển lãm, 6 bức tranh lưu trữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, 7 tranh khác trong bảo tàng các tỉnh, thành phố cũng như bộ sưu tập Hội Mỹ Thuật Việt Nam, ông còn sở hữu 7 tập thơ, 5 tiểu thuyết trinh thám và hơn 100 bài hát vẫn còn sống mãi đến bây giờ.

Mến mộ người nghệ sĩ tài năng này, chúng tôi đã tìm đến phòng tranh của ông tại nhà riêng trên đường Yersin và Nhà Văn hóa Lao động ở Đà Lạt – vùng đất níu giữ chân ông hơn 4 thập niên qua.

Sáng tác nghệ thuật gần như suốt cuộc đời, ông cảm thấy dòng tranh nào toát lên được cá tính riêng của mình?

Hồi xưa, tôi theo học khoa lụa, sơn dầu và điêu khắc. Nhưng hơn 50 năm qua, tôi sáng tác dòng tranh sơn dầu là chính, vì nó hợp với cá tính của tôi: sôi nổi, quyết liệt và phóng khoáng. Thi thoảng tôi có sáng tác tranh lụa, chủ yếu vẽ hình ảnh người phụ nữ, nhưng sự nhẹ nhàng của lụa không làm bật lên nhân cách riêng của tôi.

Tranh biệt thự Đà Lạt bằng sơn dầu.

Họa sĩ có thể kể tên một vài triển lãm và bức tranh nổi bật của ông?

Hồi còn công tác ở Hà Giang, năm 1971 là kỷ niệm tỉnh tròn 100 năm tuổi, tôi có triển lãm cùng nhiều họa sĩ khác . Phong trào nghệ thuật khi ấy ở Hà Giang rất phát triển, dù nhiều tỉnh thành khác ngại không dám làm vì thiếu kinh phí và không được đầu tư. Sau đó, bốn bức tranh của tôi được Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia lựa chọn và trưng bày. Năm 1985, tôi có tranh tham gia triển lãm toàn quốc, nổi bật nhất bức “Cô gái Chăm”.

Thành phố Đà Lạt như là một nơi “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, tôi liên tục tổ chức các triển lãm từ năm 1990 đến 2018.

Năm 1978, tôi vào Đà Lạt sinh sống. Tôi nhớ năm 1990, tôi tổ chức triển lãm cá nhân về các bức ký họa, tranh Đà Lạt thuở sơ khai, tranh dân tộc… Một bức tranh trong đó được nhà sưu tập Scotland mua và ông ta mua thêm một bức nữa trong triển lãm tại Sài Gòn. Năm 2013 và 2018 tôi lần lượt tổ chức triển lãm vinh danh thành phố Đà Lạt với lần lượt 120 và 125 bức tương tương với số tuổi của thành phố.

Tranh hạt đậu bác sĩ Yersin 2013.

Mỗi lần tổ chức triển lãm tranh ở Đà Lạt, tôi đều vẽ tranh chân dung bác sĩ Yersin để tỏ lòng thành kính. Riêng năm 2013, tôi thực hiện một điều đặc biệt hơn. Ấy là ra chợ, tìm kiếm những người bán đậu và mua chục loại đậu khác nhau để tạo một bức tranh Yersin bằng hạt đậu. Bức tranh đó nhận kỷ lục Guiness với danh hiệu tranh độc đáo của Việt Nam vào năm 2013.

Yếu tố quan trọng nào để ông có thể sáng tạo một cách chuyên nghiệp? Sáng tác miệt mài và năng suất như vậy, hẳn ông có chế độ sinh hoạt và triết lý sống thú vị của riêng mình?

Có thể nói tóm gọn là tôi sống như quân đội, ăn như nhà sư, và làm việc như điên. Suốt hơn 30 năm qua, tôi có chế độ ăn uống tiêu chuẩn, các bữa ăn nhiều hạt đậu hơn và loại bỏ thịt hoàn toàn. Mỗi buổi sáng, tôi có khoảng 45 phút tự xoa bóp cơ thể, đi tập thể dục, rồi về nhà cùng vợ ăn sáng. Tôi bắt đầu công việc của mình ngay sau bữa sáng, còn buổi chiều nếu không vẽ, tôi sẽ sáng tác nhạc, làm thơ, viết văn. Tôi không có thời gian nhậu nhẹt, rảnh rỗi thì đọc sách.

Tôi có thể làm việc liên tục và không ngừng nghỉ có lẽ do tôi yêu nghề và có sức khỏe. Tôi sáng tạo cũng không phải để cạnh tranh, tôi làm vì vui thích, làm để thấy yêu đời hơn.

Ông nghĩ thử thách của người vẽ tranh là gì?

Đó là khi làm việc, người họa sĩ phải học cách cảm nhận tranh này đã đạt hay chưa, nên dừng lại hay tiếp tục sửa. Hồi xưa đi học, thầy giáo dặn rằng ra trường rồi thì các bạn chính là thầy của mình khi sáng tác. Có những người không biết cảm nhận, họ tiếp tục chỉnh sửa để rồi làm hỏng tranh. Vẽ tranh, phải biết dừng đúng lúc.

Câu hỏi thú vị mà ông nhận được từ những người họa sĩ khác và câu trả lời của ông?

Ấy là “làm sao để vẽ được như thế này”? Tôi nghĩ, đó là câu hỏi thông dụng của những người đang vẽ nhưng chưa đạt được đến đỉnh cao nghệ thuật sáng tác.

Tôi vẽ theo phong cách tổng hợp và phong cách ấn tượng. Lấy những bức vẽ về Đà Lạt là một ví dụ, nhiều người đến đây nhưng không vẽ được như vậy. Nhiều người hỏi câu trên, tôi trả lời: “Ấy là kết quả của 30 năm mày mò học hỏi và không ngừng vẽ”. Những người đạt đến được cảnh giới này, họ cũng khó trả lời câu hỏi ấy, vì đôi lúc thời gian và sự trải nghiệm thực tế mới chính là đáp án.

Trong phòng tranh của ông có vài bức tĩnh vật và chân dung. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa loại tranh này trong quan niệm của mình?

Tranh tĩnh vật là phần lắng đọng nhất trong phòng tranh và thường khiến người ta chững lại. Dòng tranh này cũng khiến người xem cảm thấy thư thái hơn.

Họa sĩ cho tranh tĩnh vật là phần lắng đọng nhất của phòng tranh.

Người đẹp và Hoa.

Chân dung nhạc sĩ Thế Bảo.

Tôi cũng yêu thích vẽ tranh chân dung. Năm 2006, tôi đạt giải nhất quốc tế về dòng tranh này. Đó là bức tôi vẽ nhạc sĩ Thế Bảo. Tiêu chí của cuộc thi là phải vẽ người nổi tiếng đang sống và có chữ ký đồng ý của người ấy.

Về đề tài tranh chân dung, tôi thấy không phải họa sĩ nào cũng nhanh chóng trở thành chuyên gia. Gặp phải mẫu khó, nhiều người mãi vẫn không sao vẽ giống nổi. Bản thân tôi phải vẽ hàng nghìn bức chân dung mới tạo ra những bức tranh chuyên nghiệp như bây giờ. Vậy nên, tôi nghĩ các bạn trẻ cũng đừng quá sốt ruột, vì cái nghề đòi hỏi mình phải cực kỳ kiên nhẫn và kiên trì.

Bài: TRANG PS | Ảnh: NVCC


 
Back to top