The Karl Lagerfeld Issue (Kỳ 2): Học giả thời trang Karl Lagerfeld
Karl Lagerfeld, cái tên tiếng Đức không dễ nhớ ấy thuộc về một con người đã đưa thời trang trở thành một ngành học thuật. Và, danh xưng đúng nhất cho ông chính là Học giả thời trang.
Trong suốt hơn 50 năm qua, khi Karl Lagerfeld từ khó nhớ đã trở nên quen thuộc trong làng thời trang, thì cả giới hâm mộ lẫn các đối thủ đều chung một nhận định – cái tên đó đại diện cho sự biến hóa khôn lường và sức mạnh phi thường của sáng tạo cá nhân.
1. Trên một trang mạng có tên “Lạc lối ở Pháp” (lostinfrance75.worldpress.com) cách đây nhiều năm, blogger Tammy Thiébaud đăng một mẩu entry khá sắc sảo về hai nhà thiết kế Yves Saint Laurent và Karl Lagerfeld, hai người bạn khởi nghiệp cùng thời sau dần trở thành đối thủ, Entry mở đầu rằng “kể cả với những người rất xa lạ với thời trang, hai cái tên này (của hai người không gốc gác Paris) chắc chắn vẫn gợi nên hình ảnh của một Paris sành điệu”.
Độc giả rất dễ đồng ý, dù chưa kịp biết mình có xa lạ với thời trang hay không. Vì nếu không thuộc cách đánh vần tên Yves Saint Laurent, thì YSL với nhiều người có thể quen thuộc nhờ mùi hương quyến rũ của nước hoa Opium, hay đầm xòe quạt (trapeze dress) và áo Safari, rồi đầm ngắn Mondrian in lập thể và bộ complet khét tiếng Le Smoking.
Còn Karl Lagerfeld ư (gọi cả tên thì e là cũng khá dài), nếu không nhớ tên thì cũng nhớ tóc buộc đuôi ngựa bạch kim, cặp kính mát to bản, áo sơ mi trắng cổ cứng và bộ complet đen bó sát. Nhưng thật tình là khó nhớ đến một sản phẩm thời trang mang tính biểu tượng nào của ông. Thế là blogger thông thái nhanh nhảu: “Yves Saint Laurent chú tâm vào vinh quang và cái đẹp, còn Karl Lagerfeld thì vào hình ảnh cá nhân và tiền bạc”.
Tôi không thích cách quan sát và lập luận quy nạp một chiều này. Bản thân sáng tạo đem lại cho từng cá nhân sức hấp dẫn đặc biệt, và ta nên nhìn ngắm họ từ nhiều góc độ.
2. Thử nhìn Karl Lagerfeld qua cặp kính của một giáo sư toán trường đại học Columbia.
Dù sống giữa lòng Manhatthan – New York, vị giáo sư già từ chối không mặc đồ hiệu và đương nhiên không quan tâm đến thời trang, cũng không thể biết đến một nhà thiết kế nào. Nhưng ông yêu New York và cả Paris, nơi ông đã chọn để hưởng tuần trăng mật cách đây hơn nửa thế kỷ và sau đó tới thăm nhiều lần.
Một sáng gần đây, trong khi ăn sáng với vợ chồng ông, tôi vẫn theo thói quen xấu là vừa nói chuyện vừa liếc mắt vào iPhone xem phim ngắn của Karl* mới được trình chiếu. Chỉ sau một phút, tiết tấu hành động và âm nhạc gây ấn tượng mạnh trong phim đã khiến vị giáo sư dần chú ý. Ông thích thú vừa xem đi xem lại đến lần thứ ba vừa thì thầm: “Tuyệt, thật tuyệt”! Ông bảo tôi: “Cô thấy không, âm thanh phim thật sắc sảo đầy ẩn ý, như một bài luận chặt chẽ vậy”!
Tiếng cô gái hát vang vọng vừa đủ để làm nổi bật những lời nói của chính cô, nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt khi tập bằng được một lời thoại cho chuẩn. Cô bảo gì nhỉ, đây là cuốn phim làm thường niên nhân dịp tổ chức show Métiers d’Art lần thứ 9 à? Vị giáo sư nói: “Tôi biết chút tiếng Pháp nên có thể giải thích tên show này cho cô. Métier là một nghề hay thương vụ, như tôi đây làm nghề giáo sư. Métiers d’Art như vậy chỉ những những nghề chế tác mỹ nghệ. Mà nghề ở đây không mang nghĩa thông thường như “job” nhé. Nó có gì đó đặc biệt hơn, diễn tả một công việc kỳ thú hoặc vô cùng yêu thích.
Cô hỏi tại sao cái ông đạo diễn thời trang (thật tình cờ ông tạo ra một thuật ngữ mới) lại dùng bộ phim ngắn chẳng liên quan gì đến thủ công mỹ nghệ để vinh danh các nghệ nhân. Thực ra rất liên quan thì phải. Cô cứ xem cách Kristen Stewart cố gắng hết sức để đi từ sự không hoàn hảo đến sự hoàn hảo trong diễn xuất mà xem”.
Tôi tiếp lời ông: “Có lẽ vậy! Nếu liên tưởng kỹ sẽ thấy Karl ẩn dụ những đóng góp hoàn hảo và tỉ mỉ của các nghệ nhân kim hoàn, may thêu, chạm khắc… cho thời trang cao cấp bằng hình ảnh cô diễn viên trẻ ngắm nguyên mẫu đã vào tuổi xế chiều ra sao. Chanel đứng tuổi (Geraldine Chaplin) trong phim chính là chuẩn mực hoàn hảo của cô, mặc dù việc của cô là tái tạo lại một Coco trẻ tuổi. Với Karl, thần thái và tố chất không bao giờ bị bào mòn bởi thời gian, Chanel lúc nào cũng phải là Chanel.
Chắc ông đạo diễn thời trang này chính là giám đốc sáng tạo của nhà Chanel, cũng muốn sao cho mình đạt đến chuẩn hoàn hảo giản dị: Chanel một lần và mãi mãi là Chanel”.
3. Thật vậy, 32 năm làm công việc của Coco Chanel, có lẽ thành công lớn nhất của Karl là đã làm cho hàng Chanel luôn luôn hợp thời, hợp nhãn những khách hàng thế hệ mới, mà vẫn mang được tinh thần Coco Chanel. Chanel của Karl nói cho cùng không còn là kiểu dáng Chanel (Chanel look), mà là thái độ Chanel (Chanel attidude) – cái làm cho những người mặc hàng Chanel có thể có cơ hội lớn (dù không hoàn toàn chắc chắn) đạt được phong cách Chanel (Chanel style).
Vị giáo sư dường như chỉ tập trung vào màn hình: “Kìa bà ấy vừa ngưng nói thì tiết tấu nhạc nổi lên rõ rệt, và giọng hát như nhắc lại lời bà, và cũng già dặn như giọng bà ấy thì phải”. Sau đó ông vội tra google rồi thốt lên đầy ngạc nhiên: “Ông ấy đã 82 tuổi rồi. Cũng như tôi, ông ấy không hề muốn về hưu. Tôi sẽ tìm xem tất cả các phim của Karl Lagerfeld”, ông gọi tên nhà “đạo diễn thời trang” rất trôi chảy.
Tôi chợt nhớ rằng Karl bắt đầu làm việc cho Chanel khi đã 50 tuổi (dù cũng giống như Coco Chanel ông luôn tìm cách khai tuổi mình trẻ hơn). Chuyện này liệu có truyền cảm hứng cho những người không còn trẻ nữa, khuyến khích họ sáng tạo và sáng tạo không ngừng dù ở độ tuổi nào?
4. Dĩ nhiên tôi thích bình luận của vị giáo sư hơn tất cả các bài review trên các tạp chí thời trang lớn mấy ngày qua. Vị giáo sư vô tình bắt gặp sự thâm thúy tài hoa và cái tôi nhất mực của nhà học giả thời trang, và lập tức bị thuyết phục.
Các cây bút thời trang chuyên nghiệp thì có vẻ phần nào “mệt mỏi” (hay ít nhất tôi cảm thấy như vậy) trước sức biến hóa phi thường của Karl, nên đã không đưa ra được điều gì thật sự mới mẻ, mà chỉ tường thuật lại cuốn phim và những nhận xét về tài diễn xuất, cộng thêm chút cảm xúc của các biên tập thời trang, và tập trung vào thái độ quyết liệt khác thường của cô diễn viên trẻ trên phim.
Thực ra có thể có rất nhiều điều được diễn tả trongg 11 phút: thế giới sáng tạo kịp phô bày ngồn ngộn biến cố vừa thật vừa ảo, vừa lãng mạn vừa thực tế, vừa trưởng giả vừa bình dân, vừa yểu điệu vừa nhí nhảnh, vừa dịu dàng vừa bạo liệt… Nàng Coco xuân sắc gặp nàng Coco xế chiều, trong những hoàn cảnh được dàn dựng bởi chàng đạo diễn trẻ tài hoa và một nhà sản xuất phim tóc đã hoa râm.
Nàng mặc hai bộ váy áo Chanel của những năm 1919 và 1938, nhảy một vũ điệu thời hậu Thế chiến II, đi đứng điệu bộ như ở cuối thập kỷ 1960, nói tiếng Anh hiện đại, và tất cả các đoạn thoại tiếng Pháp trong phim đều có phụ đề tiếng Anh.
Lần này Karl cho trình chiếu Once and forever ở phim trường Cinecittà ở Roma, cùng lúc với show thời trang Métiers d’Art, trình làng những bộ đồ rộng rãi tự do bay bổng nhưng hết sức chi tiết và tinh tế. Một cuốn phim tưởng chẳng có gì là Pháp cả, mà lại rất Pháp.
Người xem hẳn cũng sẽ như tôi, tự hỏi không biết Karl đang muốn hóa thân làm người đạo diễn trẻ tài hoa kia hay ông già tóc bạch kim, hay chính Coco Chanel. Một kiểu băn khoăn không biết Leonardo Da Vinci có vẽ chính mình khi họa nàng Mona Lisa (?).
5. Sức ảnh hưởng của Karl trong thế giới thời trang không chỉ nhờ vào số lượng khổng lồ các bộ sưu tập ông làm cho Chanel, cho Fendi, cho nhãn hiệu riêng và cả những dự án cho các nhà mốt khác mà ông từng làm việc cùng hay cộng tác trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Trước hết và quan trọng nhất, Karl đã góp phần làm cho thời trang được nhìn nhận như một ngành nghề (Métier) liên quan trực tiếp và tạo ảnh hưởng lớn đến nhiều giá trị văn hóa, xã hội, và cả lịch sử nữa.
Trong show Métiers d’Art năm 2013 tại lâu đài di chỉ Linlithgow, cũng vào dịp kỷ niệm 30 năm “King Karl thống trị vương quốc Chanel”, ông làm sống lại cả một vương triều.
Nữ hoàng xứ Scot, một “nàng thơ tiền kiếp” của Karl, trong phút chốc bỗng biến thành một phiên bản của Coco Chanel và cả vương triều của bà dường như được tái sinh dù chỉ trong vài giờ đồng hồ nhờ có Karl. Nhờ ông (và cả cách nhìn lịch sử đa chiều của ông) mà vị nữ hoàng bất hạnh đã được sống lại lần nữa sau vụ hành quyết đau đớn năm 1587.
Thực tế thì nhờ những cuộc tái sinh ngắn ngủi kiểu như vậy, văn hóa thời trang dưới bàn tay Karl được mở rộng, nhờ thế mà vương quốc Chanel tồn tại mạnh mẽ và có nhiều cơ may trường tồn.
Cách của Karl là thế này: hoặc du lịch trong không gian, về tận những nơi xa xôi như Thượng hải, Mumbai, Seoul, chu du trên biển Caribe, sang tận Cuba… hoặc đi về quá khứ và tương lai. Tạo ra những hành trình thời trang dài rộng cả về không gian và thời gian như vậy nhưng ông vẫn bảo: “Tôi không là kẻ lãng du thuần túy, tôi chỉ là một thương gia đi công cán mà thôi”.
Liệu trong thâm tâm Karl có nghĩ mình còn đi như một nghệ sĩ hay một học giả, đúng với cái tôi của mình, hay chỉ đơn giản là người chịu trách nhiệm cho doanh thu của nhà Chanel? Có thể tìm câu trả lời từ phát biểu của CEO nhà Chanel là Bruno Pavlovski, rằng Karl được trao quyền tự do sáng tác tuyệt đối ở nhà Chanel (những bộ phim ngắn do ông viết kịch bản và đạo diễn là một thí dụ), và vì vậy không có mâu thuẫn nào giữa những danh xưng nói trên.
Nếu đúng như vậy thì chắc rằng Karl không phải từ bỏ chủ nghĩa sáng tạo cá nhân để cúi đầu nhượng bộ các cổ đông của nhà mốt, và vẫn góp phần quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, cho việc hàng Chanel ngày càng bán đắt và bán chạy hơn.
6. Với một số nhà thiết kế trẻ và các nàng thơ, Karl đặc biệt ưu ái, với thái độ bao dung và khiêm nhường của một tài năng lớn, dù ông cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng ông chỉ làm việc với những ai mà ông thích. Ông đã không tiếc lời khen tặng Kristen Stewwart, rằng cô là nghệ sĩ lớn nhất của thế hệ cô, và bày tỏ sự cảm ơn chân thành khi cô tham gia dự án phim ngắn năm nay.
Một và rất đặc biệt trong số những người Karl ưa thích là Hedi Slimane. Mặc cho lời đồn rằng Karl khá “kị rơ” Yves Saint Laurent, thậm chí không tới dự đám tang hoành tráng của nhà “hiệp sĩ lịch thiệp và yếu đuối”, nhưng Karl lại công khai ưu ái Hedi Slimane, người có vẻ muốn thể hiện cái tôi khi bỏ chữ Yves trong Yves Saint Laurent ngay sau khi vào nhà mốt này. Thậm chí Karl còn cố giảm cân để mặc được những chiếc chemise của Slimane, và nói rằng ông không làm những bộ Le Smoking vì Slimane làm chúng rất đẹp.
7. Ngược lại Karl cũng được các nghệ sĩ và nàng thơ danh những lời khen tặng chân thành. Stewart cho rằng Karl rất tự nhiên trong cảm xúc và có nhiều ý tưởng, đã truyền cảm hứng và tạo lòng tự tin cho các nghệ sĩ trẻ. Điện ảnh đã giúp ông truyền đạt rõ nét hơn những thông điệp thời trang.
Năm ngoái trong phim ngắn Reincarnation, câu nói của Coco Chanel (Geraldine Chaplin) “tôi sẽ làm ra những bộ suites cho chính tôi” chính là một thông điệp cùa chủ nghĩa sáng tạo cá nhân. Một phim khác, Once upon a Time, bằng câu chuyện Coco Chanel tiếp cận khách hàng, ông gợi ý cách làm sao để cân bằng giữa thời trang ứng dụng và thời trang trình diễn trong thiết kế. Nghĩa là làm sao tạo được dấu ấn cá nhân lên trang phục mang tên mình.
Ở thời của mình, Chanel nổi lên như một người theo đuổi chủ nghĩa sáng tạo cá nhân đến cùng, và Karl ngày nay cũng vậy. The Tale of a Fairy lại là một câu chuyện lãng mạn tuyệt đỉnh, trong khi Remember Now phơi bày sự thật đơn giản rằng thời trang, cũng như đời sống, dù thể hiện cái tôi cực đoan đến đâu cũng không thể luộm thuộm, dơ bẩn hay cẩu thả.
Lại cũng chính là Geraldine Chaplin đã nói thay Coco Chanel trong Once and Forever (thay cho cả Karl nữa, vì nói cho cùng ông chính là người viết kịch bản những bộ phim tiểu sử hư cấu kiểu này), rằng “làm các bộ (Haute) Couture không phải là làm nghệ thuật (art), mà là một công việc, một nghề (job)”. Rồi ngay sau đó bà cũng nhấn mạnh rằng nhà Chanel không phải là La Mode (thời trang), mà là Style (phong cách).
Chỉ trong vài giây, Karl đã gợi mở (với tôi, cũng có thể với bạn) rằng phong cách tuy khó nắm bắt nhưng cần một thái độ tiếp cận chuyên nghiệp và nhất quán, tuy không thể chối cãi rằng nó cần độ bay bổng của nghệ thuật và cả độ nhạy cảm xa xỉ và phù phiếm. “Once and forever, Chanel is not the fashion, it’s the spirit” (Cuối cùng thì Chanel không phải là thời trang, mà là tinh thần, tinh thần Chanel).
Và rất có thể bạn cũng giống tôi, khi đi lên đi xuống những tầng nhà chật ních đồ thời trang cao cấp của Bách hóa Saks Fifth Avenue, New York một ngày cuối năm, bỗng thấy Chanel của Karl thật nổi bật. Vẫn là Chanel với vải tweed, ren, nơ, ngọc trai và hoa cài, nhưng lấp lánh ánh sợi 3D thời hiện đại, thêm vài nét phương Đông nhẹ nhàng, khác mà vẫn phảng phất nét chấm phá Trung Hoa của Chanel ngày trước.
Và cũng có thể như tôi, bạn chợt thấy thỏa lòng khi Karl Lagerfeld đã không dành phần nhiều thời gian của mình để làm đạo diễn điện ảnh, nhiếp ảnh gia, hay họa sĩ. Ông thực đã dành nhiều thời gian nhất cho thời trang, và thế giới thời trang quả vì thế mà may mắn lắm thay!
*Theo thông lệ quốc tế, nhân vật được gọi bằng họ – Lagerfeld, thay vì tên. Song trong ngôn ngữ tiếng Việt, gọi nhân vật bằng tên – Karl cũng thể hiện sự tôn trọng ngang bằng.