Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Hỏa mù Nghệ thuật (Kỳ 4): Chia sẻ thêm của “Người Sưu Tập” dành riêng cho cộng đồng

Sep 03, 2021 | By Xu

Bỏ ra một số tiền lớn để mua tranh là một quyết định quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân. Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng xem việc sưu tập nghệ thuật là một bài toán cân đo lỗ lãi. Và không phải nhà kinh doanh nào cũng chỉ nhìn vào tác phẩm nghệ thuật với một tham chiếu mang tính thương mại.

Tường thuật:

Khi chia sẻ quan điểm cá nhân về các tin tức thời sự trong cộng đồng nghệ thuật, Facebook-er có tên “Người Sưu Tập” đã tham gia vào một cuộc thảo luận công khai của các giám tuyển nghệ thuật, xoay quanh xu hướng NFT nổi lên càng lúc càng đình đám ở Việt Nam, mà bản thân “Người Sưu Tập” cũng có sự quan tâm và cảnh báo từ sớm.

Được sự cho phép của “Người Sưu Tập”, tiếp nối Kỳ 3 của series Hỏa mù Nghệ Thuật, Luxuo/Art Republik xin giới thiệu đến độc giả quan điểm của “Người Sưu Tập”, tương ứng với các nhận định của những cá nhân liên quan trong sự kiện thảo luận công khai này.

Đặc biệt, thông qua bài tường thuật, Facebook-er “Người Sưu Tập” cũng có thêm nhiều chia sẻ, đồng thời nói rõ quan điểm của mình – những điều mà trong các status gần đây anh chưa đề cập đủ sâu, nhằm đáp lại sự mong đợi của những người quan tâm.

“Người Sưu Tập” để lại bình luận và hẹn rằng sẽ có một trả lời đầy đủ với anh Trần Lương và cộng đồng

Sau khi nghệ sỹ Trần Lương chính thức đưa ra quan điểm về một cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề Hoả mù Nghệ thuật: NFT Việt Nam và ba chữ “lạm” mà giám tuyển Ace Lê khởi xướng, Facebook-er “Người Sưu Tập” đã để lại một phản hồi ngắn trên status của nghệ sỹ Trần Lương, hẹn rằng “sẽ có một trả lời đầy đủ”, không chỉ với chủ status – người đã nhiều lần đề cập đến “Người Sưu Tập”, mà còn với cộng đồng. Trong bình luận ngắn, “Người Sưu Tập” bày tỏ quan điểm rằng “tinh thần và logic” trong quan điểm của nghệ sỹ Trần Lương đối với “Người Sưu Tập” là võ đoán.

Khi đó, nghệ sỹ Trần Lương cũng phản hồi và đồng ý một cuộc tranh luận công khai, rõ ràng, thông qua mạng xã hội. Điều này tiếp tục thu hút mối quan tâm của những người chứng kiến và theo dõi sự kiện Hỏa mù Nghệ Thuật.

Tuy nhiên, nếu bạn cũng là một trong những người chờ đợi một cuộc tranh luận với tinh thần phản biện và mang tính xây dựng, giữa những người có chuyên môn và bề dày kinh nghiệm, từ các lăng kính khác nhau như giám tuyển, nghệ sỹ, nhà sưu tầm, nhà đầu tư nghệ thuật…rất tiếc là bạn có thể sẽ thất vọng, khi thiếu vắng sự phản biện của Facebook-er “Người Sưu Tập”.

Thực tế, hai ngày sau khi trả lời ngắn với nghệ sỹ Trần Lương, “Người Sưu Tập” đã đăng một status, chia sẻ câu chuyện về một nhóm “best of the best” mà anh từng tham gia trong những năm đầu “tuổi 20s”, câu chuyện khác là về một hoạ sỹ trẻ, và cuối cùng là câu chuyện về “tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải

Một phần nội dung chụp lại từ status ngày 25.08 của Facebook-er “Người Sưu Tập”

Sẽ có người nghĩ rằng phần câu chuyện “về tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải“, chính là câu trả lời chi tiết mà “Người Sưu Tập” dành cho nghệ sỹ Trần Lương. Tuy nhiên, khi Luxuo/Art Republik đặt câu hỏi để làm rõ liệu đây có phải là một sự phản biện, Facebook-er Người Sưu Tập cho biết anh chỉ muốn làm rõ các thông tin về những bảo tàng sưu tập tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải, mà theo anh, “cộng đồng quan tâm tới nghệ thuật nên biết

“Người Sưu Tập” cho biết, sau khi có thời gian đọc kỹ status của nghệ sỹ Trần Lương, anh cảm thấy không cần quan tâm nữa. Và như thế, từ phía “Người Sưu Tập”, sẽ không có cuộc đối thoại nào với nghệ sỹ Trần Lương, ít nhất là đối với sự kiện Hỏa mù Nghệ thuật này.

Tuy nhiên, thông qua Luxuo/Art Republik, “Người Sưu Tập” vẫn có một sự hồi đáp cho những ai quan tâm rằng:

Tiện đây tôi xin thông tin thêm để ai tìm hiểu cần biết: Việc thông tin check với giám tuyển của nhiều bảo tàng là bất khả thi, có thể do quy định của nội bộ của nhiều bảo tàng. Nên việc check bảo tàng trừ ra có xung đột liên quan tới những sự việc nghiêm trọng như tranh giả, tranh chấp sở hữu hoặc liên quan sự việc hình sự có yêu cầu tòa án. Bảo tàng mới bắt buộc công khai thông tin sưu tập của mình.

Việc tham chiếu trên ba nguồn báo chí chính thống Nhân Dân, Giáo dục và Thời đại và chính trả lời của họa sỹ là đủ theo đúng phương pháp làm việc của tôi. Việc kiểm chứng thêm các tài liệu hỗ trợ là việc dành riêng cho cộng đồng yêu nghệ thuật – họ xứng đáng để biết.

Một phần nội dung chụp lại từ status ngày 25.08 của Facebook-er “Người Sưu Tập”

Trong status đăng ngày 25.08, phần ghi chú để làm rõ phương pháp làm việc của cá nhân anh trước khi sưu tập một tác phẩm, “Người Sưu Tập” cho biết việc những bảo tàng nào sưu tập tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải, thực ra “không ảnh hưởng gì đến lựa chọn sưu tập của mình vì các bức tôi sưu tập của hoạ sỹ Hải năm 1999, năm 2007 đều là lúc anh không có tham chiếu ngoài lề khác và có đi chăng nữa không chút % ảnh hưởng

Một phần nội dung chụp lại từ status ngày 23.08 của nghệ sỹ Trần Lương

Một phần nội dung chụp lại từ status ngày 23.08 của nghệ sỹ Trần Lương

Trong phần nội dung đề cập đến “Người Sưu Tập”, nghệ sỹ Trần Lương có cho rằng khi chia sẻ quan điểm cá nhân về một sự kiện liên quan tới cộng đồng nghệ thuật (trong đó có bao gồm nhận định về tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải), thì “Người Sưu Tập” không đề cập việc “đánh bóng tên tuổi” quá mức là đúng hay sai.

Nghệ sỹ Trần Lương cũng viết “Người Sưu Tập” vẫn khẳng định “hoạ sĩ Phạm An Hải có tác phẩm trong bảo tàng ở Singapore và bảo tàng Malaysia như một trong những luận điểm bậc thang để khẳng định trình độ nghệ thuật “bậc thầy không phải bàn cãi” của PAH” (tức nghệ sỹ Phạm An Hải).

Thêm nữa, sau khi giải thích “chức năng và tầm nhìn của bảo tàng khác rất xa gallery” như thế nào, để chứng minh “việc đánh tráo chữ nghĩa từ gallery tư nhân lên thành bảo tàng quốc gia là đáng ngại” ra sao, nghệ sỹ Trần Lương nghĩ rằng một người có vẻ văn minh, lịch duyệt và làm việc với tác phong khoa học như “Người Sưu Tập”, hẳn anh sẽ có sự kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng.

Dù vậy, nghệ sỹ Trần Lương cũng có viết, đối với những nghi ngờ và lo ngại của anh, nếu “Người Sưu Tập” giải thích đủ thuyết phục, nghệ sỹ sẽ xin lỗi; ngược lại, nghệ sỹ Trần Lương vẫn suy diễn rằng có mục đích nào đó không ổn trong việc đưa ra thông tin có sự đánh tráo chữ nghĩa, nâng cấp độ từ gallery tư nhân lên thành bảo tàng quốc gia.

Một phần nội dung chụp lại từ status ngày 17.08 của “Người Sưu Tập”, chia sẻ về trường hợp tranh hoạ sỹ Phạm An Hải, nương theo sự kiện hoả mù NFT và ba chữ “lạm” mà cộng đồng nghệ thuật đang quan tâm.

Tuy nhiên, “Người Sưu Tập” cho biết, kể cả khi anh đã có check trên 3 nguồn báo của Việt Nam, và chính họa sỹ đã trả lời phỏng vấn, những thông tin đó không ảnh hưởng gì đến quyết định sưu tập tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải. Và theo “Người Sưu Tập” chia sẻ với Luxuo/Art Republik, cách sưu tập này áp dụng cho cả những nghệ sỹ khác, không riêng gì với hoạ sỹ Phạm An Hải.

Một phần nội dung chụp lại từ status ngày 25.08 của Facebook-er “Người Sưu Tập”

Khi chia sẻ sự tự tin trong cách sưu tập của mình, mà theo anh là một cuộc chơi riêng, “Người Sưu Tập” nhắc rằng “nếu ai định võ đoán là buôn bán hãy soi mình”, vì việc sưu tập tranh của anh vốn “không ai can thiệp hay chi phối và không mua bán trao đổi chi cả cho đến nay”.

Về điều này, Luxuo/Art Republik cũng nhận được sự khẳng định của “Người Sưu Tập” rằng:

Tôi nói về quan điểm sưu tập tranh chung của mình, không nói về trường hợp cụ thể tác giả nào. Là một sở thích sưu tập, dù dành nhiều tài chính nhưng ngay từ ngày đầu tiên tới hôm nay tôi coi là chi phí dành cho tinh thần và tôi coi là một phần chi phí cho lối sống : khía cạnh nào đó giống như chi phí dành cho sức khỏe vậy (như mình mua vé xem ca nhạc, phim hay mua thẻ tập thể thao vậy), chứ chưa từng nghĩ là một khoản đầu tư.

Tiện đây xin nói thêm, đứng trên khía cạnh đầu tư thì giá trị return dù tôi biết giá trị tranh của tôi lớn. Xong nếu thuần túy về tài chính thì ở một khoảng cách khá xa so với công việc đầu tư với công việc và cũng lấy nhiều thời gian hơn. Nên yếu về logic.

Việc tặng tranh cho bạn của tôi, người thân hay dành để gây quỹ từ thiện là các sự việc riêng rẽ cảm tính chứ không phải mục đích của tôi là mua tranh để tặng (mua tranh trước hết là cho hobby của tôi, tặng là hệ quả ngẫu hứng cảm tính hoặc cần thiết như từ thiện) và như trên không gắn với một tác giả hoặc tác phẩm cụ thể nào.

Tôi cũng nói rõ là việc tương lai không ai nói trước được là sau này mình có bán hay không (tôi hoàn toàn có thể nếu tôi thấy cần thiết. Nhưng hiện tại là không)

Tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải (năm sáng tác 2019), thuộc bộ sưu tập tư nhân của “Người Sưu Tập” từ tháng 03.2020, cũng là bức gần đây nhất. Lần đầu tiên “Người Sưu tập” mua tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải là vào năm 1999. Một mốc thời gian khác vào năm 2007.

Tranh của hoạ sỹ Đỗ Hoàng Tường (năm sáng tác 1997), 140 x 120 cm. Thuộc bộ sưu tập tư nhân của “Người Sưu Tập”

Tương ứng với điều mà nghệ sỹ Trần Lương lo ngại, rằng nếu một người “đưa ra những thông tin và khẳng định những điều không chính xác hoặc không có để chứng minh cho những luận điểm và kiến thức của họ”, thì việc khẳng định đó “sẽ gây hiệu ứng lan truyền tiêu cực, tạo nên hào quang ảo và nhiều người sẽ tin vào cách quảng bá “đòn bẩy” này.

Ở phần Vĩ Thanh 2 trong status ngày 25.08 của mình, “Người Sưu Tập” kể có người viết rằng quan điểm của anh ảnh hưởng đến người khác. Cá nhân anh cho rằng mình không có sứ mệnh đó. “Người Sưu Tập” cũng đề cập: “sưu tập nghệ thuật là bề ngoài, ẩn sau nó là các quy luật đan xen cả kinh tế và văn hoá”. Và anh cũng cho rằng không ai làm được việc đó, vì khi một người mua tranh, “họ đối diện vấn đề thẩm mỹ cá nhân và cả tài chính”.

Một phần nội dung chụp lại từ status ngày 25.08 của Facebook-er “Người Sưu Tập”

Trò chuyện với Luxuo/Art Republik về quan điểm này, Facebook-er “Người Sưu Tập” cũng nhấn mạnh thêm rằng:

Với mọi bài viết về các tác giả, tác phẩm khác không chỉ họa sỹ Phạm An Hải là: Bảo chứng cho lý do sưu tập là tài chính. Khi bạn bỏ tiền ra cho việc gì đó nó đồng nghĩa là bạn đã lựa chọn và đó chính là hy sinh (vì hoàn toàn có thể dùng nó vào vô vàn nhu cầu khác. Đặc biệt với một người kinh doanh như tôi – Ai đã từng kinh doanh đều hiểu tài chính không những luôn cần mà thậm chí còn luôn có cảm giác thiếu để đầu tư). Trên khía cạnh này người chơi tranh khác cũng vậy. Đạo đức của tôi khi viết bài là như vậy. Mình tin về tác phẩm hoặc tác giả nào đó tốt không gì rõ hơn bằng hành động.

Và khi đề cập đến quan điểm của giám tuyển Ace Lê về ba chữ “lạm”, bao gồm “lạm định giá cả”, “lạm phát danh xưng” và “lạm dụng thuật ngữ”, “Người Sưu Tập” trả lời chung rằng:

Tôi không đi vào chi tiết. Vì đó không phải tinh thần của bài viết của tôi, gồm 2 ý chính: Tinh thần là việc bất cập của hiểu biết về tác phẩm nghệ thuật NFTs và cách mà một sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật số hóa vận hành mà tôi rất tán đồng cách Facebook Ace Lê tiếp cận. Trong đó có phần về định giá. Và cả những mặt khác nữa mà tôi thấy không chỉ ở  Start up ” Cổng trời “. Và tinh thần thứ hai là bản thân tác phẩm hội họa nó có những tham chiếu khác nữa là giá trị tự thân.

Những người yêu tranh, có lẽ sẽ cảm thấy đồng cảm với quan điểm: sưu tập xuất phát từ thẩm mỹ cá nhân, nhưng song song đó là một sự hy sinh tài chính của “Người Sưu Tập”. Theo lời anh viết ở cuối status ngày 25.08, “tiền rất quan trọng khi bạn bỏ tiền ra mua tranh – đó là sự thành thực cao nhất cho niềm tin của mình”. Anh cho biết rằng ngay từ đầu chỉ nói về tranh mà chính anh sưu tập, bởi vì biết trước rằng sẽ luôn có người chờ đợi sơ hở của anh.

Chia sẻ nhiều hơn về sơ hở của mình, anh nói:

Trong bối cảnh môi trường nghệ thuật luôn có sự không đồng ý hay khác nhau về quan điểm. Tôi luôn biết sẽ có người “ác tâm”, không vì chuyện học thuật hay chấp nhận sự khác biệt phải có, nhất là trong việc nhận định (và nhất là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật). Nên tôi nhấn mạnh tôi không là người làm phê bình, mà bài viết của tôi chỉ là về câu chuyện sưu tập mang tính cá nhân và không truyền thông cho ai và cũng không có lý do gì để thuyết phục ai giống mình. Chỉ nói về lý do dẫn tới sưu tập.

Lời Kết:

Là một người luôn quan tâm đến thời sự trong nước và quốc tế, “Người Sưu Tập” đã đưa ra quan điểm sưu tập tranh của cá nhân mình, cùng thời điểm các giám tuyển đang có cuộc thảo luận công khai về những bất cập đáng lo ngại của thị trường nghệ thuật nội địa. Trùng hợp, đó cũng là những chủ đề mà anh từng chia sẻ trước đó trên Facebook cá nhân của mình, như “kiến thức cùng chi tiết vận hành” của xu hướng NFT trên thế giới, hay góc nhìn của anh “về tranh của hoạ sỹ Phạm An Hải”.

Bên cạnh tiếng nói của những nghệ sỹ, nhà giám tuyển có sự thực hành và nghiên cứu nghệ thuật cả ở môi trường nội địa lẫn quốc tế, quan điểm của một cá nhân có sở thích sưu tập tác phẩm nghệ thuật lâu năm như Facebook-er “Người Sưu Tập” cũng rất được hoan nghênh, từ cộng đồng yêu thích nghệ thuật đơn thuần lẫn những người có chuyên môn.

Khi bỏ qua một số chỉ trích thiên kiến của cộng đồng chứng kiến sự kiện, cũng như nhìn vào các bình luận trên tinh thần xây dựng và khách quan, có thể thấy sự đón nhận và ủng hộ của cộng đồng nghệ thuật đối với các cuộc thảo luận công khai, nghiêm túc và văn minh – dù là trên phương tiện truyền thông chính thống hay mạng xã hội. Đó cũng chính là lý do mà những cá nhân/tổ chức có sự khác biệt và mâu thuẫn quan điểm trong những sự kiện tranh luận có tính ảnh hưởng xã hội, không nên có cuộc dàn xếp ngầm. Vì thực tế, ngay cả im lặng cũng không tránh được sự đánh giá và dò xét của cộng đồng, nhất là khi họ xứng đáng được biết (theo như cách nói của “Người Sưu Tập”)

Như đã nêu, “Người Sưu Tập” mặc dù bỏ ý định đối thoại với nghệ sỹ Trần Lương, nhưng giống như giám tuyển Ace Lê và nghệ sỹ, anh tự tin và sẵn sàng chia sẻ quan điểm cá nhân của mình với cộng đồng.

Bạn có thể không tin quan điểm của một cá nhân là có sức ảnh hưởng để thay đổi một điều gì đó, dù lớn lao ở tầm vóc quốc tế hay trong ao làng nghệ thuật của nước ta. Nhưng Luxuo/Art Republik tin rằng chúng ta đều hiểu, đây là thời đại cá nhân hoá, đặc biệt là với sự tồn tại như một cổng thông tin thiết yếu của mạng xã hội, tiếng nói của mỗi người đều xứng đáng được lắng nghe, và luôn được lắng nghe ở một bán kính nhất định, phụ thuộc vào cách mà người đó dám cất tiếng – dù là xuất phát từ lòng hảo tâm, sự chính trực, nỗi tò mò, hay mưu cầu lợi ích và mục đích thương mại.

 

Về Facebook-er “Người Sưu Tập”

“Người Sưu Tập” tên thật là Hoàng Anh Tuấn, hiện anh đang công tác trong ban lãnh đạo của Hiệp Hội Công Thương thành phố Hà Nội. Anh Tuấn là một doanh nhân, nhà sưu tập lâu năm, từng trả lời phỏng vấn trong chương trình phóng sự “Nhập nhèm tranh giả, tranh thật trên sàn đấu giá” của Chuyển Động 24h (VTV), ngày 13.11.2020

Ghi chú:

– Trong bài viết, khi gọi “Người Sưu Tập”, tức nhắc đến Facebook-er có tên Facebook là “Người Sưu Tập”

– Khi đề cập đến những người thực hành sưu tập tác phẩm nghệ thuật, dù là với sở thích cá nhân hay mục đích thương mại, người viết sẽ gọi là: nhà sưu tầm

– Ngoài lưu ý “Người Sưu Tập” là tên Facebook của anh Hoàng Anh Tuấn, tất các các dấu ” ” được sử dụng trong bài chỉ phục vụ mục đích trích dẫn chính xác câu/từ của “Người Sưu Tập” trên các status của anh, và trong nội dung email trao đổi giữa Luxuo/Art Republik; cũng như trích dẫn một số ý mà nghệ sỹ Trần Lương, giám tuyển Ace Lê đã viết. Bài tường thuật này, người viết đặc biệt không sử dụng dấu ” ” cho câu/từ của cá nhân.

———-

* Kính mời Quý độc giả tham gia thảo luận:

Tin rằng Quý độc giả sẽ muốn theo dõi sự kiện một cách khách quan và tường minh, Luxuo/Art Republik sẽ lần lượt tường thuật lại các chia sẻ tâm huyết, các quan điểm phản biện và mở ra một cuộc thảo luận sâu trong thời gian tới. Từ ngày 30.08 – 06.09.2021, Luxuo/Art Republik rất mong nhận được mọi câu hỏi, ý kiến đóng góp, lời chất vấn, yêu cầu và đề nghị của độc giả đối với sự kiện này, thông qua email: info@artrepublik.vn

Cùng nhau, đối thoại với tinh thần cầu thị và mang tính xây dựng, chúng ta sẽ nhìn thấy hướng đi của một nền nghệ thuật đáng tự hào ở Việt Nam.

———-


 
Back to top