ART & LIFE

Trò chuyện Art Republik: Nghệ sĩ điêu khắc Lương Trịnh – “Chuyển Mây là cuộc chuyển mình trên chặng đường sáng tác của tôi”

Dec 28, 2020 | By Trang Ps

Khi ta nhìn, ta chỉ đơn giản nắm bắt hình hài vật lý. Nhưng khi ta thấy, ta sẽ khám phá được phần nào đó năng lượng và bản chất của vật thể. Bởi vậy, nhìn và thấy là hai phạm trù với nội hàm khác biệt nhau. Cuộc trò chuyện với điêu khắc gia Lương Trịnh khiến tôi ngẫm nghĩ đến ý tưởng thú vị này.

Đầu tháng 12 vừa qua, Lương Trịnh trình làng triển lãm điêu khắc “Chuyển mây” vừa nghiêm túc vừa chất lượng, đánh dấu chặng đường 10 năm sáng tác của anh. Với ngôn ngữ biểu đạt lấy cảm hứng từ hình khối kiến trúc tôn giáo truyền thống kết hợp nét vân mây cổ, Lương Trịnh như muốn dẫn dắt con người chìm đắm vào cõi thiêng thiêng và thần bí, nhưng ở đó, họ không bị mắc kẹt trong trạng thái ảo ảnh mà nhận ra sự tồn tại của mình trong niềm tin và gắn bó mật thiết với tôn giáo.

Có lẽ, đó cũng chính là cuộc đối thoại mở giữa các biểu tượng trong tác phẩm, giữa tác phẩm và người thụ hưởng và màn độc thoại riêng của người nghệ sĩ khi sáng tác series này. Cuộc trưng bày cũng minh tường cho quá trình quan sát trí huệ của Lương Trịnh, tức đi ra khỏi trải nghiệm thị giác thông thường để những chiêm nghiệm và trầm tư mặc tưởng làm việc tốt đẹp.

Chào anh Lương Trịnh! Đánh dấu 10 năm sáng tác bằng một triển lãm hết sức thành công, hẳn là hành trình sáng tác của anh cũng đã bén duyên với những cột mốc thú vị?

Kể từ khi bước vào con đường sáng tác nghệ thuật, tôi chủ yếu làm việc với hai đề tài, tương ứng với hai mốc thời gian.

Những năm học đại học, tôi sống gần như ở thủ đô Hà Nội. Những khu phố cổ rơi rót vào tâm thức mỗi ngày, nhưng tôi cất giữ lịch sử văn hóa truyền thống ấy qua bộ lọc tươi trẻ, sôi động như bản nhạc vui. Công chúng biết đến tôi đầu tiên với loạt tác phẩm Phố, Phố Cây…

Sau khi ra trường, tôi trở về sinh sống tại quê nhà Ninh Bình, nơi cho phép tâm thức gắn bó thường xuyên hơn với những công trình kiến trúc cổ. Nhưng vốn dĩ, thời tuổi thơ khi sống ở làng, tôi đã tiếp xúc gần gũi với bao ngôi đình, đền, chùa,… tất cả ăn sâu vào tiềm thức. Tuy nhiên, khi lớn lên, dưới góc nhìn của một người nghệ sĩ, tôi mới cảm nhận hết thảy vẻ đẹp hữu hình cũng như giá trị tinh thần ẩn chứa bên trong những tòa kiến trúc cổ ấy. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng để tôi thực hiện những tác phẩm trong triển lãm Chuyển Mây.

Đình mây, 2019, đá, 61 x 28 x 20 cm

Khi mà tiềm thức đã gắn liền với một điều gì đó mạnh mẽ thì anh có nghi ngờ về việc bản thân sẽ bị mắc kẹt trong một khuôn mẫu nhất định?

Tôi sinh ra tại cố đô Hoa Lư, nơi nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, di tích lịch sử và tâm linh phong phú. Bởi thế, tôi luôn cảm nhận mạnh mẽ nội tại cá nhân chất chứa những ký ức cổ xưa của vùng đất này. Thú thực, điều đó ảnh hưởng lớn đến xu hướng sáng tác của tôi, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ phải đóng khuôn trong một phạm trù nhất định. Đó đơn giản là niềm cảm hứng. Mà nghệ sĩ thì không thể bó hẹp sáng tạo trong chính cảm hứng của mình.

Nghệ thuật luôn tồn tại những “khuôn mẫu”. Mỗi nghệ sĩ đều bị giới hạn trong một khuôn mẫu nhất định. Với tôi, quá trình sáng tạo là quá trình tái tạo cảm xúc bằng ngôn ngữ điêu khắc vốn bị giới hạn trong khuôn mẫu vật liệu hay không gian định lượng. Quá trình vượt qua các khuôn mẫu nhằm truyền tải cảm xúc một cách nguyên bản chất vào tác phẩm nghệ thuật cũng chính là quá trình sáng tạo của nghệ sĩ.

Tôi vẫn tiếp tục theo đuổi mạch sáng tạo hiện tại, nghĩa là sáng tác về những kiến trúc cổ, từ đó khám phá mối quan hệ, cảm xúc của con người với tôn giáo.

Thủy đình, 2019, đá, 38 x 38 x 32 cm

Lấy Chuyển mây là một ví dụ, anh có thể diễn giải thêm về sáng tạo vượt qua khuôn mẫu trong series này?

Những tòa kiến trúc cổ là đề tài sáng tác của tôi trong 5 năm trở lại đây. Chuyển mây lấy cảm hứng từ hình thức thể hiện trong mỹ thuật cổ. Mây là thể khí vốn không định hình, định tính nhưng nghệ nhân xưa đã cô đọng chuyển thể trong những nét hình đồ họa có quy luật mà vô cùng uyển chuyển, thể hiện tối đa đặc tính của đối tượng. Tôi không bắt chước diễn tả những gì hiện hữu, mà phải nắm bắt được cái quy luật và bản chất vận động để thể hiện trên tác phẩm.

“Chuyển mây” là cuộc chuyển mình trên chặng đường sáng tác của tôi.

Một chất liệu anh cho là gần gũi và phản ánh tâm thức cá nhân?

Sinh ra trong một làng nghề có truyền thống hơn 200 năm về chế tác đá, đá đã trở nên quá gần gũi với tôi. Yêu đá ,hiểu đá nên tư duy tạo hình điêu khắc của tôi như nằm trong đá. Khám phá giới hạn của chất liệu này luôn mang lại cho tôi một niềm say mê bất tận.

Ngoài điểm chung rằng đá là chất liệu xuyên suốt trong quá trình sáng tạo thì những tác phẩm của tôi luôn có một chiều hướng vào trong. Đó là chiều sâu tâm thức, là ký ức của các lớp người.

Tháp, 2019, đá, 37 x 37 x 69 cm

Đâu là trải nghiệm-chiêm nghiệm cần thiết với người nghệ sĩ điêu khắc như anh?

Tôi quan niệm điêu khắc là cuộc chơi của hình – khối – ánh sáng trong một không gian thực để tạo ra một không gian suy tưởng – không gian ảo. Người nghệ sĩ đi lại giữa hai không gian này và luôn tìm cách kết nối hai không gian thực – ảo gần nhau.

Trải nghiệm kết nối hai không gian là trải nghiệm khá thú vị và vô cùng quan trọng. Đó là quá trình truyền tải cảm xúc của nghệ sĩ vào tác phẩm, bao hàm việc lên ý tưởng phác thảo, triển khai chất liệu. Đó là giai đoạn cảm hứng nhất của người nghệ sĩ.

Hư ảo, 2020, đá, 150 x 43 x 5 cm

Anh quan niệm như thế nào về sự lặp lại trong sáng tác? Có người đào sâu một đề tài trong nhiều năm, có người thì một vài năm rồi chuyển sang đề tài mới? Như Georgia O’Keeffe, bà vẽ hoa đi vẽ hoa lại nhằm đi sâu vào bản chất nội tại của hoa chẳng hạn?

Sự lặp lại sẽ tuỳ thuộc vào cảm hứng của nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ còn cảm hứng duy trì được năng luợng thì có thể đào sâu vào một đề tài trong nhiều năm, thậm chí cả cuộc đời. Điều đó cũng phần nào thể hiện năng lực của mỗi nghệ sĩ. Năng lực càng cao, họ càng có thể đi lâu, đi sâu với một đề tài, tuy nhiên, tác phẩm mà nghệ sĩ ấy sáng tạo ra không gây cảm giác nhàm chán mà luôn luôn tuơi mới, hấp dẫn với người xem. Tôi cho đó là một thành công.

Và ngược lại, nếu năng luợng, cảm hứng đã cạn mà cứ níu kéo những cảm xúc của quá khứ thì tác phẩm sẽ rơi vào bản sao của chính mình.

Còn những dự án và kế hoạch tương lai của anh thì sao?

Riêng nghệ thuât, tôi thường không đặt mục tiêu và kế hoạch. Đó là bản năng trong con người tôi. Tôi cứ làm và điều gì tới sẽ tới!

Thật thú vị! Cảm ơn chia sẻ của điêu khắc gia Lương Trịnh nhé!


 
Back to top