Nghệ thuật

Trần Tiễn Cao Đăng, và những lời tự vấn

Nov 21, 2023 | By LUXUO

Người ta có thể nói rất nhiều điều hiển nhiên về một dịch giả, hay nhà văn. Nhưng với một dịch giả lâu năm và bước vào giới sáng tác văn chương có phần muộn màng như Trần Tiễn Cao Đăng, lại là câu chuyện khác.

Ở Trần Tiễn Cao Đăng có hình ảnh của một người viết thầm lặng rất đỗi Haruki Murakami: yêu văn chương, điện ảnh, thích âm nhạc, chọn sống đời tĩnh lặng bên bầy mèo nho nhỏ. Nhưng cũng ở anh, ta thấy một “phu chữ” điển hình luôn sôi sục với những huyễn tưởng bên trong thế giới ngôn ngữ riêng của mình, mà như anh thường nói, “dành cho những độc giả và tri kỷ tương lai”. Mấy ai ở độ tuổi trung niên chấp nhận bỏ tất cả để theo đuổi đam mê, giống như cách Trần Tiễn Cao Đăng tuyên bố “tôi hiện tại đã nghỉ việc, đang làm freelancer”, như một cách ngụ ý cho việc anh đang dồn toàn bộ tâm sức cho tác phẩm để đời?

Và cũng vì những cái “mấy ai” đó, mà chúng tôi đã có cuộc trò chuyện này, như cách để ghi nhớ một chặng đường khác nữa của vị dịch giả kiêm nhà văn quen thuộc.

Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

Tôi sẽ bắt đầu bài phỏng vấn bằng một câu nói của Vương Gia Vệ: “Thực ra viết và đọc là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Viết là câu chuyện của ý tưởng, kỹ thuật, và trên hết, kỷ luật. Việc phải đặt chữ viết đầu tiên lên trang giấy trắng với tôi là tột cùng thống khổ. Giống như bị dồn vào đường cùng vậy. Thế nên tôi rất hâm mộ những nhà văn giỏi. Viết văn nghe thì dễ, nhưng với tôi nó như địa ngục, vì rõ ràng chả có ai giúp được mình ngoài chính mình. Sự cô đơn ấy kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Bởi vậy nên tôi thích làm phim hơn. Ít nhất, anh không phải là người duy nhất phải chịu đựng!” Tôi muốn hỏi anh rằng, liệu có phải tất cả người viết đều cô đơn không? Và nỗi cô đơn ấy sẽ giúp một người viết như thế nào?

Câu hỏi này hơi khó trả lời. Chúng ta có thể nói đến thế lưỡng phân giữa yêu và ghét. Nhà văn cũng như bất kỳ người nào khác, anh ta có thể rất yêu gia đình, tổ quốc, hay loài người nói chung. Nhưng khác với những người khác, nhà văn nằm trong số những người thường xuyên suy nghĩ, tự vấn, hoài nghi những niềm tin chung của số đông. Những nhà tư tưởng, cách mạng hay khoa học cũng nằm trong số đấy. Sự tự vấn ấy nhiều khi khiến họ không khỏi cảm thấy bất mãn với thực tại, khi có quá nhiều cái ác, bất công, thói hư tật xấu, hay có thể nói là những “vùng tối”. Một khi đã nhận ra điều đó, con người không khỏi cảm thấy ghét loài người. Nếu chỉ ghét đơn thuần, một số kẻ có thể cầm súng xả vào đám đông. Nhưng chúng ta lại khác. Chúng ta rơi vào trạng thái vừa yêu vừa ghét, vì chúng ta biết vẫn còn chỗ cứu vãn. Vừa yêu vừa ghét, nên chúng ta vừa muốn thuộc về, mà vừa muốn tách ra.

Tôi không thể trở nên cô đơn theo nghĩa đen – tức dọn về sống ở một vùng hoang vắng như hoang đảo chẳng hạn, nhưng hoàn toàn có thể cô đơn theo nghĩa bóng – không hùa theo đám đông. Đây là điều mà các nhà tu hành biết rõ: “Tu trên núi vắng không khó bằng tu giữa chợ đông”. Thế lưỡng phân ấy – một đằng muốn tách ra, một đằng muốn hòa vào – đương nhiên không dễ dàng. Luôn có sự căng thẳng và giằng xé, nhưng có lẽ, nghệ thuật sinh ra từ chính cái giằng xé ấy.

Đó là về nỗi cô đơn, còn nỗi buồn thì sao? Theo cảm nhận chủ quan của tôi, nỗi buồn gần như là một “kho báu” cho người viết, vì nó mang đến rất nhiều hình dạng và cung bậc cảm xúc khác nhau. Niềm vui thì đơn giản hơn nhiều. Đương nhiên, cũng có nhiều tác phẩm mang sắc thái vui tươi hay châm biếm, trào phúng, tạo tiếng cười. Nhưng nếu đem ra trong tương quan so sánh, chẳng phải những tác phẩm viết về nỗi buồn nhiều hơn rất nhiều so với tác phẩm viết về niềm vui hay sao? Thậm chí, đối với những tác phẩm trào phúng, đằng sau nụ cười vẫn là những sự thật chua chát và đáng buồn. Anh nghĩ thế nào về điều này?

Có một câu của Yasunari Kawabata mà tôi khá tâm đắc, “tôi là một lữ khách buồn lang thang ở thế giới này”. Nỗi buồn là điều cốt yếu trong cuộc sống, điều này được thể hiện rõ nét trong các hệ thống tư tưởng, tôn giáo như Phật giáo, với câu “đời là bể khổ”. Nếu quan sát đủ sâu và suy nghĩ đủ kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy, tất cả những gì được tạo ra nhằm mục đích gây cười chỉ là một cơ chế phòng vệ để bảo vệ con người khỏi suy sụp vì nỗi buồn. Buồn là một cảm giác nền tảng. Khi mới sinh, âm thanh đầu tiên một đứa trẻ phát ra là tiếng khóc, chứ không phải tiếng cười. Nỗi buồn là một thứ mà con người nói chung, đặc biệt là người làm nghệ thuật và người viết văn, cần có đủ dũng khí để nhìn thẳng. Giống như cái chết vậy.

Hầu hết những người bình thường, trong hoàn cảnh bình thường, đều không dám nhìn thẳng vào cái chết. Điều khôi hài là, họ không nhắc đến cái chết cứ như thể cái chết không tồn tại vậy. Trong thâm tâm, ai cũng biết rằng đến một lúc nào đó, họ sẽ chết, nhưng không ai dám thừa nhận điều này. Nỗi buồn cũng hệt như vậy. Thế nên, khi nỗi buồn ập đến, người ta ít nhiều bị sốc. Giả dụ một người thường xuyên nhìn thẳng vào nỗi buồn giống như nhìn vào cái chết, một cách bình tâm như đón nhận niềm vui, anh sẽ vững vàng hơn. Tôi cho rằng người viết văn nằm trong số những người cần có dũng khí ấy.

Luôn có sự căng thẳng và giằng xé, nhưng có lẽ, nghệ thuật sinh ra từ chính cái giằng xé ấy.

Nhân nói về chuyện viết, Haruki Murakami từng mô tả rất kỹ khoảnh khắc ông nhận ra mình muốn viết văn. Từng nhận bản thân “sinh ra để làm nhà văn”, khoảnh khắc ấy đến với anh như thế nào?

Tôi không có khoảnh khắc ấy, mà ngay từ nhỏ, tôi đã nhận ra thiên hướng viết văn của bản thân. Lúc đó, tôi vẫn xem những kênh truyền hình của Mỹ, chiếu những bộ phim về thám hiểm không gian, đáy biển, hay một câu chuyện khác tôi nhớ khá kỹ là Lucky Luke, hồi đó được dịch thành “Lục Kỳ”. Từ những bộ phim đó, tôi mày mò sáng tác truyện tranh. Đến khi lớn hơn, tôi bắt đầu mày mò viết truyện chữ, tiếp tục lấy cảm hứng từ những câu chuyện như “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, lúc ấy dịch là “Kho tàng trong động ma”. Tôi tiếp tục viết trong thời gian học cấp ba và thời sinh viên. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian tương đối dài, hơn chục năm – từ khi tôi tốt nghiệp đại học cho đến khi ngoài 30 tuổi – tôi “rời bỏ văn chương”. Trong thời kỳ này tôi cũng có viết, nhưng chỉ là một ít truyện ngắn, với tâm thế của một người viết “nghiệp dư”, chứ không hề nghĩ mình sẽ bỏ ngang công việc trong giới kinh doanh, với thu nhập khá cao, để dành hết thời gian và sức lực cho việc viết. Mãi đến năm 2002, do một số cơ duyên, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng mình phải dứt khoát chọn con đường đúng với thiên hướng văn chương của mình. Tôi nghỉ việc ở công ty công nghệ của Anh, chuyển ra Hà Nội, làm cộng tác viên cho Tạp chí Tia Sáng, sau đó có cơ duyên làm cho VnExpress, mảng tạp chí văn chương (tạp chí eVăn mà nhiều người biết đến, dù chỉ hoạt động trong một thời gian khá ngắn, từ tháng 12/2003 đến hết tháng 4/2005). Tiếp đến, tôi làm việc cho Nhã Nam, và gắn bó với văn chương đến giờ.

Tôi luôn biết mình có thiên hướng viết văn. Việc viết ấy của tôi diễn tiến liên tục. Đó là điểm khác nhau giữa tôi và Murakami. Ông ấy có một khoảnh khắc “đốn ngộ”, còn tôi thì cứ từ từ mà tiến.

Vậy nguyên tắc khi viết văn của anh là gì?

Câu hỏi hay, nhưng hơi khó trả lời. Nhân câu hỏi của bạn, tôi mới bắt đầu suy nghĩ kỹ hơn, và nhận ra rằng nếu có một nguyên tắc, có lẽ đó là “luôn luôn làm hết mình”. Khi đọc sách, nếu ta cảm thấy cuốn sách tuy có “được” chỗ này chỗ nọ song vẫn không “đã”, không “đủ hay”, đó là vì tác giả chưa làm hết mình. Điều này cũng đúng với điện ảnh và âm nhạc. Tôi là người rất yêu âm nhạc. Một bài hát tôi thích, tôi có thể nghe đi nghe lại nhiều bản của nhiều ca sĩ khác nhau. Tôi nhận ra, có những ca sĩ hát bài này rất hay, nhưng những bài khác lại không hay bằng; hoặc cùng một bài, có lúc họ hát hay, có lúc không. Bên cạnh cái mọi người hay gọi là “khoảnh khắc xuất thần”, thì nguyên nhân ở việc này có lẽ nằm ở chỗ họ chưa làm hết sức mình. Điều này, người tiếp nhận đủ tinh tế sẽ nhận ra.

Tuy nhiên, ta không thể đòi hỏi một nghệ sĩ lúc nào cũng đạt “đỉnh” của họ. Bất kỳ nhà văn lớn nào cũng chỉ có một số tác phẩm được xem là kiệt tác, những tác phẩm còn lại thì chỉ “hay hơn mức trung bình” mà thôi. Điều tôi muốn nói ở đây là, khi viết, mình phải luôn luôn nhận ra là mình đã cố gắng hết sức hay chưa. Đây là điều quan trọng cốt yếu, bởi vì nó liên quan đến kỷ luật tự thân. Một từ ta hay dùng để nói về một tác phẩm – “hời hợt”, “chưa tới” – chính là với hàm nghĩa ấy, vì người viết chưa dấn đến tận cùng, hay “tận đáy” (chữ của Nguyễn Huy Thiệp).

Tôi xin phép trước vì đã hỏi câu này, nhưng có khi nào anh từng hy sinh nguyên tắc đó? Đương nhiên, trong cuộc sống, sẽ có không ít lần khiến chúng ta phải nhân nhượng, hay thậm chí từ bỏ nguyên tắc của mình. Những trường hợp như thế đến với anh có thường xuyên không? Và anh thường làm gì để đối mặt với nó?

Khi nhìn lại những gì đã viết, tôi thẳng thắn thừa nhận rằng có những lúc mình đã dễ dãi. Có khi tôi nhận ra ngay trong khi viết, cũng có khi nhận ra sau khi đã viết xong và tác phẩm không được thành công như mong đợi. José Saramago, tác giả cuốn “Mù loà”, từng thừa nhận trong một bài phỏng vấn, đại ý rằng “Có những lúc tôi cố gắng hết sức, nhưng cái tôi viết ra vẫn không được như tôi muốn”. Đôi lần, tôi cũng có cảm giác ấy. Nếu so trên thang điểm 10, cái tôi làm chỉ được tầm 7, 8, nhưng đến lúc đó, mình gần như cạn kiệt rồi, không thể làm hơn nữa. Một điều nữa mà nhiều người viết phạm phải là không đủ dũng cảm để đối diện với thực tế rằng mình “biết chưa đủ”, và chưa thể bù đắp nó bằng trí tưởng tượng. Tôi đã vài lần đối diện với tình trạng đó, và chọn cách dừng lại.

Nỗi buồn là một thứ mà con người nói chung, đặc biệt là người làm nghệ thuật và người viết văn, cần có đủ dũng khí để nhìn thẳng. Giống như cái chết vậy.

Theo dõi trang cá nhân của anh, có thể thấy anh đang ấp ủ một tác phẩm lớn cho mình, dẫu biết rằng nó khá kén người đọc. Trong một thời đại nơi sự thành công của nhà văn được đong đếm theo số lượng sách bán được, hay danh xưng “best seller” mà các đơn vị truyền thông gán cho, thì theo anh, “sự can đảm” có phải là một tố chất cần thiết đối với người cầm bút?

Đúng vậy. Can đảm là một tố chất mà nhà văn cần có, đặc biệt là nếu họ chọn con đường khó. Theo những gì tôi quan sát và chiêm nghiệm được, mỗi người sinh ra với một tố chất nhất định, để viết ra loại văn này hay văn kia. Anh viết ra loại văn gì là do tư chất của anh quyết định. Nói cách khác, nó chọn anh thì đúng hơn là anh chọn nó. Tôi không nghĩ Marc Levy chủ động chọn con đường viết chuyện ngôn tình, hay James Joyce chọn viết loại văn khó. Đó là tư chất, và tôi cũng thế. Tôi viết văn trước hết vì tư chất của mình, sau đó là vì bối cảnh xuất thân, nền tảng giáo dục, và những yếu tố ngoại cảnh khác. Một khi người viết đã biết mình chỉ hướng đến được một đối tượng độc giả hẹp như vậy, chắc chắn cần rất nhiều dũng cảm.

Cũng giống như người khởi nghiệp kinh doanh, bất cứ ai bước vào con đường văn chương đều cần sự dũng cảm. Ta phải dũng cảm để sẵn sàng chấp nhận thất bại. Tôi từng biết một người đã dành hàng chục tỷ để đầu tư chứng khoán, và sau khi mất hết, bà hóa điên. Trong nhà thương điên, bà luôn luôn nhìn vào bức tường đằng trước, tháng này qua tháng khác, làm tôi nhớ đến giai thoại Đức Bồ đề đạt ma 9 năm nhìn bức tường. Đáng lẽ bà cần đủ dũng khí khi bước vào bất cứ cuộc chơi lớn nào. Văn chương, cố nhiên, cần được nhìn nhận với sự nghiêm túc nhất, nhưng mặt khác, cũng cần được xem như một cuộc chơi lớn.

“Life Navigator 25 – Người tình của cả thế gian”. Tác giả: Trần Tiễn Cao Đăng. Nhà xuất bản Nhã Nam.

“Cospolist Nổi Loạn” là một tác phẩm theo đề tài khoa học giả tưởng vẫn chưa quá quen thuộc tại Việt Nam. Vậy khi bắt đầu cầm bút viết nên câu chuyện này, anh đã chuẩn bị sẵn cho mình suy nghĩ rằng nó sẽ có rất ít người đọc?

Đây là điều tôi vẫn thường trao đổi với các bạn văn. Thực ra, một người viết có thể viết tốt nhất khi không quan tâm đến đầu ra của nó – có người đọc không, nên in ở đâu… Tất cả những điều đó đương nhiên ta sẽ phải bận tâm, nhưng là sau khi tác phẩm được ra đời. Còn khi viết, hãy cứ dốc hết tâm trí vào cái mình đang làm. Một góc nhìn khác cũng có thể kể đến là: ta đang viết cho một độc giả lý tưởng, một người có thể được xem như tri âm tri kỷ với người viết.

Có một số cuốn tôi viết, ví dụ như “Life Navigator”, không hẳn là không ai hiểu. Hầu hết những người hiểu cuốn đó tốt nhất là người rất trẻ, từ 9X trở đi. Nghe có vẻ sáo, nhưng trong trường hợp này, những cuốn sách của tôi là để dành cho độc giả trong tương lai. Ở đây cần nói rõ hơn: “độc giả trong tương lai” không có nghĩa là một người độc giả hãy còn chưa ra đời hoặc đang tuổi nhi đồng tại thời điểm này. Mà đúng hơn, cần phải hình dung đó là một người đọc bình thường, đang hiện hữu ngoài kia, người này đến với cuốn sách với một sự tập trung đủ lớn và với một tâm thế cởi mở.

Anh có tin vào chuyện một đề tài nặng ký sẽ tạo ra giá trị cho tác phẩm, hay bất kỳ đề tài nào cũng đều có giá trị, vấn đề nằm trong khả năng khai thác của người viết?

Vấn đề nằm ở khả năng khai thác. Có những câu chuyện, bộ phim bắt đầu từ những đề tài rất bình thường, thậm chí là tầm thường, nhưng nhờ tài năng và sự chú tâm của tác giả, đạo diễn, vẫn trở nên cực kỳ hấp dẫn. Chiều ngược lại cũng thế. Vì hai ta đều mê điện ảnh nên tôi sẽ lấy ví dụ một bộ phim: “Ái tình vạn tuế” của Thái Minh Lượng. Bộ phim xoay quanh một người phụ nữ làm môi giới bất động sản, tình cờ gặp một trong hai người thanh niên đang ở “chui” trong nhà mình (đúng hơn là một trong các tòa nhà cô đang cho thuê) và nảy sinh tình cảm với anh ta. Câu chuyện chỉ có thế, nhưng bên trong một cốt truyện tưởng chừng như xoàng xĩnh, không hề có cao trào hay kịch tính này là hàng bao nhiêu bề sâu của cảm xúc, nỗi đau và thân phận con người. Phim của Thái Minh Lượng có một đặc trưng là vô cùng chậm, chậm còn hơn cả những bộ phim của Andrey Tarkovski, hay Theodoros “Theo” Angelopoulos, điều mà những ai quen xem phim Hollywood sẽ không thể chịu được. Để làm phim như Thái Minh Lượng cũng đòi hỏi sự can đảm vô cùng lớn.

“Những gặp gỡ không thể có”. Tác giả: Trần Tiễn Cao Đăng. Nhà xuất bản Tao Đàn.

Thời gian gần đây, văn đàn Việt Nam vừa trải qua một mất mát rất lớn là sự ra đi của dịch giả, nhà thơ Dương Tường. Được biết, anh có mối liên hệ đặc biệt với cụ khi cụ chính là người hiệu đính tác phẩm dịch đầu tiên của anh, “Từ điển Khazar”, và cũng là người đã giới thiệu anh cho nhà xuất bản Nhã Nam để dịch cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” – một trong những tác phẩm đưa anh đến gần hơn với độc giả Việt. Anh cảm thấy thế nào về mất mát lần này?

Dù không muốn, tôi vẫn dùng lại một câu đã quá nhiều người sử dụng: “Sự ra đi của ông là một mất mát lớn”, không chỉ cho nền dịch thuật Việt Nam mà còn là văn chương nói chung. Ai cũng có thể thấy, chất lượng của sách dịch tại Việt Nam càng ngày càng đi xuống, mà gần như có rất ít hy vọng sẽ được cải thiện. Thời gian gần đây, tôi đọc một vài sách mới được dịch, và vô cùng thất vọng, kể cả dù trước đó tôi không kỳ vọng sẽ được đọc bản dịch hay. Tôi chỉ chờ đợi nó nằm ở mức “tốt”, nhưng nó cũng không đạt. Dường như người ta không còn phân định được hoặc thậm chí không còn quan tâm đến chuyện một bản dịch cần phải “tốt” hay “hay” nữa. Tôi ghi nhận sự thiện chí của các nhà xuất bản Việt Nam khi cho in tác phẩm nổi tiếng của các tác giả nước ngoài, nhưng, ít nhất là trong một số lớn trường hợp, họ không chăm chút cho bản dịch, trong khi đó là yếu tố gần như quan trọng nhất quyết định thành công của một ấn phẩm, và giờ đây, người đọc có trình độ không phải là không có.

Trong bối cảnh như vậy, một người như Dương Tường là đối trọng hiếm hoi cho số đông người dịch và người làm sách không đủ ý thức trách nhiệm. Sự mất đi của một người như Dương Tường để lại một khoảng trống lớn. Có thể xem Dương Tường như một cái “đỉnh” mà thế hệ dịch giả ngày sau cần vươn tới, như một chuẩn tắc về nghề.  Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi phủ định tài năng của thế hệ dịch giả sau này. Có một cái tên tôi đánh giá cao là An Lý, một dịch giả có ý thức rất rõ ràng về nghề, cùng nền tảng học thuật tốt. Một cái tên khác nữa có thể kể đến là Nham Hoa.

Có thể nói, giới dịch thuật Việt Nam sẽ rất khó có lại được những tên tuổi như cụ Dương Tường, cụ Cao Xuân Hạo, hay bác Trịnh Lữ. Một phần nguyên nhân có lẽ là sự phát triển của các công cụ dịch thuật như Google Translate, khiến vai trò của dịch giả đang dần mờ nhạt đi. Thế hệ dịch giả mới tại Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn là sẽ bị AI thay thế, đi cùng tiền thù lao không tương xứng và sự thiếu công nhận của xã hội. Trước chuyện này, góc nhìn của anh như thế nào, lạc quan hay bi quan?

Bất cứ ai cũng có thể thấy điều này: Google Translate dịch được những thứ bình thường và phổ thông. Tuy nhiên, một số văn bản khó hơn, mang tính đặc thù hơn, đặc biệt là văn chương nghệ thuật, thì chắc chắn không thể dịch được. Thực tế là hầu hết công chúng bình thường ít và không đọc văn chương, nếu có thì cũng là những tác phẩm đại chúng, phổ thông hơn, và sẵn sàng chấp nhận những sản phẩm có chất lượng tầm tầm. Còn lại, số ít văn bản văn chương cao cấp khác thì đương nhiên, công cụ chưa thể nào dịch được, ít nhất là trong vòng 30 đến 50 năm nữa. Ví dụ, AI hiện không dịch được những tác phẩm như “Phê phán lý tính thuần túy” của Immanuel Kant hay “Ulysses” của James Joyce. Một ví dụ dễ thấy hơn: “Truyện Kiều”. Chắc chắn, ta không thể dịch “Truyện Kiều” bằng Google Translate. Tôi nghĩ, ai đã tìm đến những văn bản loại này thì không thể hài lòng với Google Translate. Họ phải hiểu rằng, ít nhất ở đây, vai trò của dịch giả là không thể thay thế. Thời điểm AI có thể dịch được những văn bản như thế này chắc là trong một tương lai giả tưởng nào đó, và chắc đến khi đó, mình không còn sống nữa (cười).


“Từ điển Khazar”. Tác giả: Milorac Pavic. Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng. Hiệu đính: Dương Tường. Nhà xuất bản Nhã Nam.

Câu hỏi cuối cùng, nếu có thể chia sẻ những cuốn sách có ý nghĩa lớn nhất với anh với thế hệ dịch giả, nhà văn, hay rộng hơn là người yêu văn chương tại Việt Nam, thì đó sẽ là gì?

Có lẽ, danh sách này hơi dài, nhưng tôi sẽ chọn cuốn “gây sốc” cho tôi nhất: “Anh em nhà Karamazov”. Dostoyevsky là một trong số ít những tác giả có khả năng “gây sốc về mặt nhận thức”. Không phải ai cũng đọc được Dos, trước hết là vì dung lượng quá đồ sộ. Nhưng với “Anh em nhà Karamazov”, tôi có thể trích lại một câu nói nổi tiếng: “Một cuốn sách mà, sau khi đọc xong, bạn không thể giống y như trước nữa”. Sau khi ta đọc nó, có một cái gì đó bên trong ta đã khác đi. Nó buộc ta phải suy nghĩ và nhìn nhận mọi thứ theo cách khác.

Một tác phẩm khác tôi muốn nhắc đến là “Hoàng tử bé”. Đây lại là một trường hợp khác hẳn, mỏng nhẹ và dễ đọc hơn nhiều. Nếu như được chọn một cuốn duy nhất của tác giả Saint-Exupéry, đây là cuốn sách tôi sẽ chọn. “Hoàng tử bé” như một bông hoa bằng sương tụ lại mà thành. Ban đầu tôi tính nói là bông hoa bằng thủy tinh, nhưng sau đó nghĩ lại, thì là sương mới đúng, vì thủy tinh cứng và có thể vỡ tan, sương thì không. Một nhà văn như Saint-Exupéry chỉ cần có một cuốn “Hoàng tử bé” để đời là được, có thể nói vậy.

Cảm ơn anh và chúc anh sẽ đạt được điều mình mong muốn trong văn nghiệp của bản thân! 

Theo L’Officiel Vietnam


 
Back to top