STYLE

Ecoxury: Có một nỗ lực để “xanh” hơn của ngành công nghiệp mỹ phẩm

Mar 12, 2020 | By Nguyen Huu Hon

Từ thỏi son Hèrmes vừa được ra mắt với vỏ có thể refill được, đến việc Dior và L’Oreal dần loại bỏ vỏ bọc nylon ngoài sản phẩm cũng như cắt giảm tối đa giấy… ngành công nghiệp mỹ phẩm đang nỗ lực để “xanh” hơn

Có một thế hệ theo đuổi lối sống xanh. Một ngày mới của họ bắt đầu bằng việc tự cầm theo chiếc cốc riêng để mua cafe. Họ đựng cơm trong hộp cá nhân, mang đồ linh tinh trong chiếc túi tote, mua sắm bằng túi vải. Họ từ chối vỏ hộp xốp dùng một lần. Họ tiết kiệm điện, nước và khăn giấy, nói không với thời trang nhanh. Vậy còn mỹ phẩm thì sao, lựa chọn nào là dành cho họ? Ngành công nghiệp mỹ phẩm được cho là tạo ra 120 tỷ bao bì các loại mỗi năm, vỏ của các loại mỹ phẩm và làm đẹp thường được vứt bỏ ở bãi rác thay vì được tái chế.

Điều này rõ ràng là không ổn đối với môi trường. Để giải quyết vấn đề này, Colgate-Palmolive, Johnson & Johnson Consumer, Unilever và L’Oréal đã cam kết sẽ chuyển các sản phẩm sang bao bì có thể tái sử dụng, phân hủy được hoặc sẽ tái chế vào năm 2025.

L’Oreal cũng giới thiệu ra thị trường Seed Phytonutrients, thương hiệu làm đẹp bền vững với bao bì giấy

Ngành công nghiệp mỹ phẩm đang tìm kiếm giải pháp hiệu quả về chi phí mà vẫn bảo quản được chất lượng sản phẩm. Nhiều giải pháp hiện đang được áp dụng đem đến lựa chọn thích hợp cho thế hệ theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa rác thải.

Earth Tu Face Skin Stick với bao bì thân thiện với môi trường

Để giải quyết vấn đề trong khi song song duy trì tỷ suất lợi nhuận và chất lượng sản phẩm, các nhà sản xuất đổi mới đang thử nghiệm một số phương pháp để giảm bao bì nylon/ nhựa bằng các vật liệu thay thế như thủy tinh, tre, nhựa sinh học làm từ mía hay đơn giản là bao bì tái chế được.

Các nhà sản xuất đổi mới của ngành mỹ phẩm đang thử nghiệm một số phương pháp để giảm bao bì nylon/ nhựa

Lush là một trong những thương hiệu mỹ phẩm bắt đầu xu hướng “naked” – sản phẩm không có bao bì từ năm 2007. Còn những năm gần đây, Dior đã dần loại bỏ vỏ bọc nylon ngoài sản phẩm cũng như cắt giảm tối đa giấy, bìa cứng sử dụng trong bao bì. Aveda và Garnier đã tăng cường sử dụng vỏ đựng làm từ nhựa tái chế, thương hiệu mỹ phẩm Việt The Herbal Cup cũng làm tương tự.

Đầu năm 2020, dòng son Rouge Hermes cũng được ra mắt với vỏ có thể refill được. Trong khi đó, The Body Shop có kế hoạch tung ra những “trạm refill” trong cửa hàng vào năm 2020. Những trạm này cho phép khách hàng mua các hộp kim loại có thể tái sử dụng để đựng sản phẩm gel tắm hoặc kem dưỡng của hãng.

Đầu năm 2020, dòng son Rouge Hermes cũng được ra mắt với vỏ có thể refill được.

Tại Việt Nam, ở cửa hàng Lại Đây refill station, mọi người có thể mua dầu gội, sữa tắm, nước giặt, nước rửa tay… bằng cách chiết từ các bình lớn vào chai, lọ của mình đang được yêu thích.

Cửa hàng Lại Đây refill station

Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp thân thiện với môi trường đang thịnh hành khi người tiêu dùng chọn các sản phẩm có tính bền vững ngày càng nhiều hơn. Vài năm trở lại đây, mỹ phẩm không chứa nước cũng trở nên phát triển ở thị trường Mỹ sau thành công ở châu Á. Đây là loại mỹ phẩm loại bỏ thành phần nước ra khỏi công thức, khiến nó trở nên cô đặc giúp tiết kiệm bao bì và công sức vận chuyển.

Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp thân thiện với môi trường đang thịnh hành khi mà người tiêu dùng chọn các sản phẩm có tính bền vững ngày càng nhiều hơn.

Đại diện của thương hiệu MyClarins nhấn mạnh việc sử dụng các thành phần tự nhiên và “định vị” không độc hại, các khái niệm mà các thương hiệu nhận ra rất quan trọng đối với thế hệ Gen Z: “Chúng tôi biết rằng Gen Z cũng không muốn những thứ được đóng gói quá mức. Họ thích vật liệu tái chế, họ muốn các thành phần sạch và bao bì có thể tái chế. Họ là một nhóm tiêu dùng rất có ý thức.”

Koi


 
Back to top