ART & CULTURE

Victor Tardieu trong mắt người cùng thời

May 13, 2022 | By Art Republik

Victor Tardieu là một họa sĩ người Pháp tới Đông Dương năm 1921, đã cùng họa sĩ Nam Sơn sáng lập nên Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1924, khai sinh ra nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nhà nghiên cứu Phạm Long gửi tới Art Republik Việt Nam trích đoạn những bài viết trên báo chí những năm 30 thuộc thế kỷ trước về họa sĩ Victor Tardieu.

Victor Tardieu. Ảnh trái: Nguồn: Sơn Ca chụp tại Thư viện Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc Gia (INHA) tại Paris. Ảnh phải: Nguồn: wikipedia.

Victor Tardieu (1870 – 1937) sinh ra ở Lyon và mất tại Hà Nội, là một họa sĩ người Pháp. Ông học tại Trường Mỹ thuật Lyon, Học viện Julian (một trường nghệ thuật tư nhân đào tạo về hội họa và điêu khắc tại Paris), Trường Mỹ thuật Paris và là học trò của họa sĩ Léon Bonnat. Từ năm 1896, ông đã trưng bày nhiều tác phẩm tại các triển lãm ở Paris. Trong hai năm 1902 và 1903, ông thực hiện nhiều chuyến du hành nghệ thuật tại châu Âu, qua các nước như Ý, Hà Lan, Vương Quốc Anh, nơi ông vẽ những tranh phong cảnh về các bến cảng.

Năm 1902 cũng là năm ông kết hôn với Caroline Luigini, một nhạc sĩ, nghệ sĩ đàn hạc tài ba. Năm 1903, Jean Tardieu, con trai ông ra đời, người sau này trở thành một nhà thơ, nhà văn Pháp nổi tiếng. 

Victor Tardieu tiếp tục tham gia nhiều triển lãm. Từ năm 1908 đến năm 1920, ông giành được nhiều giải thưởng và hợp đồng trang trí trong các tòa nhà lớn. Trong Thế chiến thứ Nhất, ông đã sáng tác nhiều bức vẽ về đề tài chiến tranh.

Năm 1920, ông nhận Giải thưởng Đông Dương, mà phần thưởng là một chuyến du hành kéo dài một năm đến nước thuộc địa. Tới Việt Nam năm 1921, cho đến năm 1937, ngoại trừ một vài lần trở lại Pháp, ông đã kết thúc cuộc đời của mình tại Đông Dương. 

Việc trở lại Pháp muộn hơn dự kiến là do ông nhận được đơn đặt hàng của chính phủ, thực hiện một bức tranh lớn trang trí giảng đường Đại học Đông Dương mà mãi đến năm 1928 mới hoàn thành. Victor Tardieu rất quan tâm đến Đông Dương và nghệ thuật An Nam. Ông kết thân với hoạ sĩ trẻ Nguyễn Nam Sơn. Cả hai đều nhận thấy sự cần thiết phải tạo ra một nền giáo dục nghệ thuật có chất lượng thực sự ở thuộc địa, khác với các trường nghệ thuật ứng dụng hoặc nghệ thuật trang trí đã tổn tại. Năm 1924, Victor Tardieu đã trình lên Toàn quyền một dự án xây dựng một trường mỹ thuật tại Đông Dương. Khai giảng khóa đầu tiên năm 1925, sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. 

Victor Tardieu mất tại Hà Nội năm 1937. 

Cảm ơn nhà nghiên cứu Phạm Long đã gửi tới Art Republik Việt Nam những sưu tầm của mình, là những trích đoạn bài viết trên báo chí đương thời về họa sĩ Victor Tardieu, người Thầy đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Sơn Ca lược dịch phần giới thiệu về họa sĩ Victor Tardieu từ tài liệu của kho lưu trữ Thư viện Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc Gia Paris (INHA).

Những sinh viên khóa 1 của Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng thầy Victor Tardieu. Ngày 12.08.1930 tại Hà Nội. Nguồn: Internet

“… Trường Mỹ-thuật Đông-pháp mới thành lập được hơn năm năm nay đã đào tạo nên được nhiều nhà họa-sỹ kiến trúc và điêu-khắc có tài. Tận kinh thành Ba-lê nhiều nhà bình phẩm trứ danh về mỹ-thuật đã từng nhiều lần khen ngợi. Nền mỹ-thuật nước nhà mà được cái kết quả tốt đẹp như vậy cũng là nhờ công trình của cụ Victor Tardieu người đã sáng lập ra nhà trường. Cụ khéo điều hoà hai nền mỹ-thuật Âu-Á […] Cụ Tardieu lập ra trường mỹ thuật, lại không quên những kỹ nghệ nhỏ ở nước ta có can hệ đến mỹ thuật…”

(Báo Phong Hóa, số 18, 20.10.1932) 

“…Ngày mà ông Tardieu được chính phủ giúp sức mở ra trường mỹ-thuật Hanoi, là ngày ta nên đánh dấu bằng hòn đá trắng: ngày ấy đã mở một kỷ nguyên mới cho nền mỹ thuật nước nhà.”

(Báo Ngày Nay, số 3, 20.02.1935)

“… Chúng ta nên cảm ơn hội Chấn hưng mỹ-nghệ của ông Tardieu, người sáng lập ra trường Cao-đẳng mỹ thuật, đã mở một phòng triển lãm về đầu xuân năm nay. Mỹ thuật trong nước ta vẫn là một sự mới mẻ: một cuộc trưng bày như thế bao giờ cũng được công chúng hoan nghênh, và những ngày phòng triển lãm mở là những ngày đáng kỷ niệm trong cái xã hội buồn tẻ của mình…”

(Báo Ngày Nay, số 3, 20.02.1935)

“… Victor Tardieu là một trong số những người đã cống hiến cả cuộc đời phụng sự cho Nghệ thuật, người đã dành mọi nỗ lực để truyền bá nó, gắng công để nó tỏa hương với tất cả, người làm việc không mệt mỏi để thắp lên trong trái tim mọi người ánh sáng thẩm mỹ, là ngọn đuốc sáng góp phần đoàn kết con người, gắn kết các dân tộc lại với nhau trong niềm hân hoan cao cả và phổ quát của cái Đẹp […] Victor Tardieu không còn nữa, nhưng ký ức về người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới nghệ thuật An Nam vẫn không hề phai mờ. […] Những người yêu quý và kính trọng ông, những người được ông truyền cho sức sống bằng chính hơi thở của mình, vẫn lưu giữ trong tim mình một biểu tượng vĩ đại: đó là một thiên tài hàng đầu trong số những người đã đến để mang lại cho xứ sở này những hình thái và mô thức văn minh mới thông qua nghệ thuật tinh tế nhất của ông, một thiên tài người Pháp, người đã nỗ lực, bằng cách truyền bá sự sùng bái Cái Đẹp một cách hào sảng và không vụ lợi nhất, để hợp nhất tinh thần kiến tạo Phương Tây với truyền thống Á Đông xưa cũ.

(Báo La Volonte Indochine, 14.06.1937)

Bức tranh khổng lồ Victor Tardieu vẽ trang trí trong giảng đường của Đại học Đông Dương. Nguồn: Kho lưu trữ thư viện Pháp.

“… Những phẩm chất nổi trội, những điều làm nên sự quyến rũ của Người và đảm bảo sự tôn kính Người nơi chúng con, là sự thông thái và sự giản dị. Một con người không khoa trương, mà khiêm nhường, chính trực, say mê tìm hiểu mọi điều và biết cách tiếp cận với những tâm hồn dung dị nhất: vòng tay Người luôn mở rộng, và giọng nói của Người bao giờ cũng hồ hởi đón chào. Lời Người khi cất lên với chúng con là lời mà chúng con bắt gặp trên môi một người cha. Chẳng bao giờ chúng con có thể trách móc Người mỗi khi Người gọi “Này các con của ta”, bởi nếu chức trách của Người là Hiệu Trưởng, thì tình cảm của Người là tình cảm của Cha dành cho những đứa con […] Người là bậc thầy cao cả […] đã cống hiến với tất cả tình cảm, trí tuệ và tài năng cho sự thành công của một sự nghiệp vĩ đại.

(Nguyễn Ngọc Ngoạn, báo La Volonte Indochine, 15.06.1937)

“… Trường Mỹ thuật ngày càng tốt đẹp hơn cả một tòa nhà, ngày càng tốt đẹp hơn cả một ngôi trường. Đó là nơi tôn nghiêm, nơi mà sự tổng hợp nghệ thuật Pháp-Việt được trau chuốt, nơi những phẩm chất của chủng tộc Pháp kết hợp hài hòa với chủng tộc Đông Dương, nơi đào tạo thứ nghệ thuật đích thực và tốt nhất. Ông đã thành lập nhiều tổ chức của sinh viên, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, gửi họ đi khắp Liên bang để chỉnh trang bộ mặt cổ kính của xứ sở […] Mọi thứ tốt lành trên mảnh đất này đều mang dấu ấn của ông […] Ông mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp nhất của một trang nam nhi và của một người Pháp: có trí óc minh mẫn, ưa hoạt động tinh thần, khả năng cảm thụ vẻ đẹp nghệ thuật nhạy bén, ý chí kiên định cùng sức mạnh sáng tạo. Là một nghệ sĩ đích thực, ông đã chứng minh tài năng của mình qua công trình trang trí đáng ngưỡng mộ tại toà giảng đường thênh thang của Trường Đại học. Là nhà sáng tạo, ông biết cách truyền cảm hứng cho hàng trăm tâm hồn trẻ và mang đến cho họ niềm say mê cái đẹp và tình yêu nghệ thuật. […] Ông là thứ keo sơn gắn kết các miền đất huynh đệ […] và ở khắp mọi nơi, ông luôn chứng tỏ mình là một trong số những người xuất chúng nhất. Ông hiện diện ở khắp mọi nơi như một sứ đồ […] – một con người có trái tim yêu thương tuổi trẻ, yêu thương mảnh đất Việt Nam, một con người của bổn phận và trách nhiệm, một nghệ sĩ cao quý, một người Pháp vĩ đại.

(Viện trưởng Đại học Đông Dương Bertrand, báo La Volonte Indochine, 15.06.1937)

“… Sự nghiệp của ông Tardieu là tất cả nền mỹ thuật ở nước này ; trường Mỹ-thuật là cái công trình đầu tiên của ông…”

(Báo Ngày Nay, số 64, 20.06.1937)

“… Từ năm 1924, ở Hà Nội có mở một trường Cao-đẳng Mỹ-nghệ; có những ban hội hoạ, trang sức, kiến trúc, cùng sơn và bắt tượng. Tôn chỉ của trường là dung hợp tự nhiên với truyền thống, khiến học sinh phải quan sát và biểu diễn tự nhiên theo những nguyên tắc mỹ học phổ thông của loài người, và phát triển những tinh thần đặc biệt của nghệ thuật việt-nam và đông-phương […] Trong nghệ thuật sử nước ta, trường ấy có cái địa vị rất trọng yếu là làm trung tâm cho một cuộc cải tạo lớn.

(Đào Duy Anh, sách Việt Nam Văn hoá Sử cương, 1938)

Trường Mỹ thuật Đông Dương, những tác phẩm nghệ thuật của học sinh. Nguồn: Kho lưu trữ Thư viện Côte d’Azur (Pháp).

Trường Mỹ thuật Đông Dương, khoa điêu khắc. Nguồn: Kho lưu trữ Thư viện Côte d’Azur (Pháp).

“… ai ai cũng như chung một lòng nhớ đến ông, người đã hoàn sinh cho mỹ thuật nước nhà. Người ân nhân ấy để lại cho chúng ta một sự nghiệp to tát, nguy nga, gây nên không phải dễ dàng.

(Tô Ngọc Vân, báo Ngày Nay, số 66, 17.06.1939)

“… trường Mỹ thuật đã góp công lớn vào cuộc tiến hoá chung ở xứ này. Suy nguyên công ấy, người ta, hằng năm, không quên đặt cái vòng hoa trước pho tượng bán thân Victor Tardieu tiên sinh, mỗi lần gặp ngày kỷ niệm nhà nghệ sĩ chân tài ấy.

(Hoa Bằng, tạp chí Tri Tân, số 51, 06.1942)

Chúng tôi buồn rầu và thương tiếc khi được tin ông Victor Tardieu đã tạ thế. Sự buồn rầu của chúng tôi thành thực. Bởi vì những người đã gây nên một công trình tốt đẹp và ích lợi cho người Nam ta thực là hiếm có. Sự nghiệp của ông Tardieu là tất cả nền mỹ thuật ở nước này; trường Mỹ-thuật là cái công trình đầu tiên của ông.Trước khi trường này mở, trong nước ta không có một người nào có thể gọi được là nghệ-sỹ ; công chúng không biết thưởng thức mỹ-thuật. Những kiểu nhà xấu, những bàn ghế lố lăng, những tranh vẽ sặc sỡ hồi ấy là biểu hiện một sự hỗn loạn, mà các công nghệ nhỏ của ta không có mỹ thuật nâng đỡ, bị thiệt thòi nhiều. Đến khi lớp sinh viên đầu tiên ở trường Mỹ-thuật ra, tình thế bắt đầu đổi hẳn. Những cuộc phô bày mỹ thuật, những phòng triển-lãm làm cho mọi người chú ý đến cái đẹp một cách hiểu biết hơn. Mỹ-thuật thay đổi cả cách sống nữa ; chúng ta hoạt động trong một hoàn cảnh đẹp đẽ. Đời chúng ta thêm vẻ thanh lịch. Ảnh hưởng của trường Mỹ-thuật tràn khắp. Một chứng cớ rõ rệt là những tờ báo bây giờ, những quyển sách in đẹp mà trước kia ta không có. Ông Tardieu lại lập thêm hội Chấn hưng mỹ nghệ. Công việc đang tiến hành thì ông tự nhiên qua đời. Chúng ta nên kính cẩn cúi đầu trước vong linh người đã khuất, và ghi nhớ trong lòng ta tên người đã giúp ích cho nước này. Chúng tôi mong rằng sẽ có một công cuộc gì để kỷ niệm ông Victor Tardieu. Tưởng không có ai xứng đáng hơn ông nữa.

(Bài đăng trên báo Ngày nay, số 64, 20.06.1937. Bài viết không đề tên người viết nhưng rất có thể là đó là Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam (1906 – 1963) cựu sinh viên khoá 1 Trường Mỹ thuật Đông Dương, chủ bút tờ Ngày Nay)

Ảnh trái: Bài viết được cho là của Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) trên báo Ngày nay. Ảnh phải: Bài viết của Tô Tử trên báo Ngày nay. Nguồn: Nhà nghiên cứu Phạm Long cung cấp.

Lễ tưởng niệm một năm ngày mất của Victor Tardieu, cũng là ngày khánh thành bức tượng bán thân của ông do Goerges Khánh (1906 – ?) thực hiện. Nguồn: Internet.

Goerges Khánh ( (1906 – ?) bên tác phẩm của mình, tượng Victor Tardieu, tại lễ khánh thành bức tượng trong khuôn viên trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1938. Nguồn: Internet.

Tại trường Mỹ thuật, hôm 12 Juin vừa rồi đã làm lễ kỷ niệm ngày ông Victor Tardieu mất. Một lễ đơn giản, cảm động. Chung quanh pho tượng ông bày giữa vườn, những bó hoa đỏ chói đặt trên bệ, và viên chức cùng tân cựu học sinh trường Mỹ thuật đứng xếp hàng. Trong số người kính cẩn trước ông, bên những người xưa nay đối với ông vẫn nhiều cảm tình có những người khi ông còn sống, bất hoà với ông, có những người chưa được biết ông lần nào. Nhưng ai ai cũng như chung một lòng nhớ đến ông, người đã hoàn sinh cho mỹ thuật nước nhà. Người ân nhân ấy để lại cho chúng ta một sự nghiệp to tát, nguy nga, gây nên không phải dễ dàng. Những trở lực, những sự kiềm chế ông đã gặp khi ông mở trường Mỹ-thuật nhiều người còn nhớ. Không có một năm nào, trong tám chín năm đầu của trường mỹ thuật, ở Đại hội nghị Đông dương, người ta không kêu gào đóng cửa trường ấy. Người ta cứ phá. Ông cứ xây. Xây bằng sự khéo léo, sự nhiệt thành, sự kiên nhẫn. Ông đã thắng. Nên mới có chúng ta ngày nay: những người biết yêu mỹ-thuật, nhận mỹ-thuật là cần cho sự sống, biết lo bồi đắp mỹ-thuật Việt-nam

Ông mến học trò. Ông làm cho học trò tin ở mình, ở tương lai. Ông săn sóc ân cần đến họ, như một người cha trong nom âu yếm các con. Sau bài diễn văn, một cựu sinh viên đọc bày tỏ sự nhớ tiếc biết ơn ông, ông Loubet đại diện ông giám-đốc học-chính, cũng nối mấy lời. Ông nói: nếu vào thời trước, có lẽ người An-nam đã dựng đình tôn ông Tardieu làm thành hoàng. Theo phong tục Pháp, chúng ta đã kỷ niệm người ân nhân ấy bằng buổi lễ hôm nay. Cách biểu lộ tuy khác, xong lòng biết ơn không vì thế mà kém thiết tha.Rồi mọi người nghiêng đầu trước tượng, đứng tĩnh một phút. Rồi ai nấy tản tác ra về, ngơ ngác như nhớ một cái gì kính mến mà ta vừa mất. Cả một buổi lễ không đầy 15 phút. Trở ra, nhìn lại trường Mỹ-thuật, tôi cảm thấy phảng phất bóng ông già Tardieu, đầu bạc trắng xoá, tay sách cái gậy lớn, trán đẫm mồ hôi.Ông già ấy cách đây sáu năm, có một hôm, nửa đêm, đến đấm cửa nhà chúng tôi, vừa hát vừa báo: “người ta không đóng cửa trường mỹ thuật nữa”. Ông già ấy, trước khi xe đi nhà thương, còn viết run được mấy dòng trên một cái nắp hộp, dặn dò mấy điều về hội Việt-nam mỹ-thuật. Nằm nhà thương được hai hôm, ông chết.

(Tô Tử, báo Ngày Nay, số 166, 17.06.1939. Tổ Tử là bút danh của họa sĩ, nhà lý luận, nhà sư phạm lỗi lạc Tô Ngọc Vân (1906 – 1954)

Với những đóng góp to lớn của Victor Tardieu cho nền giáo dục nghệ thuật Đông Dương và sự phát triển của nền văn hoá nghệ thuật nước Việt, ông hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận như một Danh nhân văn hoá, người đại diện tiêu biểu cho mối giao lưu văn hoá Pháp – Việt trong nửa đầu thế kỷ 20.

Những bài viết sưu tầm từ các tạp chí: Nhà nghiên cứu Phạm Long 

Giới thiệu và trình bày ảnh: Sơn Ca 


 
Back to top