ART & CULTURE

Vô văn hoá trong nghệ thuật

Feb 07, 2022 | By Tam Tam

Trên thực tế, thế giới đã nhìn nhận Việt Nam ta rất rõ về mặt văn hóa nên không nhất thiết cứ phải giải bài toán “văn hóa” trên mọi mặt trận sáng tạo.

Maurizio Cattelan, L.O.V.E (2010)

Năm 2019, tại Venice Biennale kỳ 58, nữ nghệ sỹ người Pháp, Laure Prouvost thành thật phát biểu với tờ “New York Time” rằng cô cảm thấy mình không “Pháp” khi đại diện cho quê hương. Tác phẩm của Laure năm đó có tên “Deep See Blue Surrounding You” (Tạm dịch: Ngắm Nhìn Màu Xanh Bao Lấy Bạn), một sắp đặt cỡ lớn, trải nghiệm chìm ngập siêu thực cấu thành bởi nhiều vật mang màu sắc nguyên thủy. Tuy được đánh giá cao bởi giới phê bình nhưng Laure cho rằng việc cô rời quê hương từ lâu dẫn đến kết luận cuối bài phỏng vấn rằng “Chúng ta giống như những con chim không thuộc về bất kỳ quốc gia nào”.

Quay trở lại xa hơn một chút, vào năm 2010, một bức tượng bàn tay đầy gân guốc cao tổng cộng 11m, các ngón tay bị chặt chừa lại ngón giữa như dụng ý gượng ép, mang tên L.O.V.E được đạo diễn bởi “diễn viên hài” Maurizio Cattelan. Hành động mang tính biểu tượng khiêu khích chĩa thẳng vào sàn giao dịch chứng khoán của Ý tại Milan. L.O.V.E viết tắt cho Liberta, Odio, Vendetta, et Eternita (Tự Do, Căm Thù, Báo Thù và Vĩnh Cửu) còn người Milan vui vẻ gọi là il dito “ngón giữa”.

Nhào nặn các tính biểu tượng trong nghệ thuật luôn là thử thách của nghệ sỹ, một phương thức đẩy người xem ra khỏi giới hạn của trí tưởng tượng. Chúng ta được đặt vào những tình huống trải nghiệm phải đối mặt với những cái mà chúng ta không quen đến mức cần phải phản kháng lại. Trong khi đó, sự kết tinh những thứ quá thường nhật, thói quen của một nhóm hoặc rộng hơn một dân tộc chính là thứ mà chúng ta gọi là văn hóa.

“Văn hóa tốt đẹp của chúng ta xứng đáng được đối xử một cách sáng tạo hơn thay vì phải chịu sự chèn ép bởi những hành động ăn cắp, bắt chước văn hóa để đổi lại những mỹ từ vô nghĩa”.

Khi văn hoá vô hiệu hoá sáng tạo

Sự đặc thù, cá tính và ngữ cảnh của mỗi nhóm khác nhau khiến văn hóa đa dạng và luôn mang một hấp lực để khám phá. Văn hóa có thể được gọi theo nhiều cách mà không bị bó buộc vào ngôn ngữ: theo địa lý vùng lãnh thổ, theo các ngành nghề và theo cả những thói quen tâm linh. Nhưng cũng chính vì những thói quen, văn hóa tạo ra những vùng an toàn lên người bị ảnh hưởng. Một khi được bảo bọc trong vùng an toàn quá lâu, hậu quả có thể dẫn đến sự mặc cảm. Và đó chính là sự mặc cảm từ chính văn hóa nội tại của chúng ta. Chưa bao giờ có sự đúng sai trong văn hóa. Nhưng hưởng ứng các nền văn hóa theo một cách sáo rỗng thì đấy chính là sai lầm.

Korakrit Arunanondchai, Hội họa về lịch sử trong một căn phòng đầy những người có tên ngộ nghĩnh 3 (2016), tại Palais de Tokyo, Paris

Khi có quá nhiều tiền trước khi văn hóa được phổ cập, chúng ta sẽ mắc phải hội chứng chiếc điện thoại vàng. Khi nói văn hóa, tôi không nói đến kiến thức hàn lâm mà là thông tin: thông tin về những thứ đang xảy ra trên thế giới và những thứ khiến cuộc sống thú vị hơn”. Câu nói của nhà thiết kế người Ý – Bruno Munari, người được mệnh danh “Leonardo (Da Vinci)” mới của lĩnh vực thiết kế, trong cuốn “Design As Art” xuất bản năm 1966, miêu tả không thể chính xác hơn “sự mặc cảm” văn hóa xứ mình hiện tại: quá nhiều lâu đài hỗn tạp hay các khu vui chơi giải trí mang phong cách “châu Âu”, tập đoàn bất động sản nào cũng có “Venice Việt Nam” hay “làng Pháp” cho riêng họ.

Văn hóa tốt đẹp của chúng ta xứng đáng được đối xử một cách sáng tạo hơn thay vì phải chịu sự chèn ép bởi những hành động ăn cắp, bắt chước văn hóa để đổi lại những mỹ từ vô nghĩa. Hệ quả khiến cho những người làm sáng tạo rơi vào nhà tù của “nâng cao nhận thức” văn hóa Việt Nam, phản kháng lại cái độc hại mà các đại gia “giàu xổi” gây ra.

Chúng ta giống như những con chim không thuộc về bất kỳ quốc gia nào” – Laure Prouvost

Cái ta cần cũng không phải những tòa “lâu đài” của người Pháp để “nở mày nở mặt” với người Pháp, mà bảo tàng hay cơ sở lưu trữ mới chính là công trình vĩ đại của tương lai để nâng cao, tri ân những nét văn hóa thường ngày nhất. Đến ngay cả sản phẩm mì ly của người Nhật, một thứ văn hóa quá đậm nét của người châu Á, còn có một bảo tàng riêng khi văn hóa đạt được một trật tự sắp xếp mang tính vĩ mô và dĩ nhiên được hỗ trợ bởi nhà nước. Nhưng đấy là câu chuyện của một tương lai không biết đến khi nào.

Xu Zhen, Điêu Khắc Cổ Điển Châu Âu nghìn tay (2014)

Trên thực tế, thế giới đã nhìn nhận Việt Nam ta rất rõ về mặt văn hóa nên không nhất thiết cứ phải giải bài toán “văn hóa” trên mọi mặt trận sáng tạo. Từ âm nhạc, phim ảnh cho đến nghệ thuật, vẫn còn đó sự ngột ngạt gượng ép của việc cố nhồi nhét văn hóa Việt Nam như hoa sen, áo dài, nón lá… vào mọi thứ, cảm giác dường như mọi giải pháp chỉ để mong sự thỏa mãn làm hài lòng số đông. Đến cả du khách nước ngoài chắc cũng cảm thấy ngấy với những hình ảnh này. Còn “bóp méo” để tạo ra tính đột phá thì cần lòng dũng cảm.

Khi xây bảo tàng nghệ thuật đương đại Louis Vuitton, Bernard Arnault đã nhờ kiến trúc sư Frank Gehry sáng tạo dựa trên hình ảnh tảng băng trôi, thứ trở thành biểu tượng tương lai mới của Pháp thay vì tiếp tục xây chateau “truyền thống”. Còn Laure Prouvost cũng không nhất thiết nhào nặn Napoleon vào tác phẩm. Có thể cách nói “cảm thấy không Pháp” của cô là một phần sáng tạo nằm trong phần trình diễn nghệ thuật để nói về bản sắc cá nhân.

Để trở nên “vô văn hoá” trong nghệ thuật

“Vô văn hóa” ở đây không đồng nghĩa với “vô giáo dục”. Nghệ thuật chưa bao giờ phải làm nô lệ hay có nhiệm vụ giải quyết vấn đề của văn hóa. Chúng ta cần xem nghệ thuật là công cụ để soi, chiếu hay đối chất những thứ quá hiển nhiên của đời thường. Sự trung tính tuyệt đối của nghệ thuật mang nhiệm vụ như một chiếc máy cày khai phá thay vì “lưu trữ thói quen” như một chiếc hộp của văn hóa.

Sự phân cấp văn hóa “thượng và hạ” ở Việt Nam còn đang trong tình trạng “thượng vàng hạ cám”. Có những thứ văn hóa là “thượng” mà cách chúng ta đối xử với nó khiến nó thành “hạ” cũng như ngược lại. Trong lịch sử nghệ thuật, cái tên có thể chơi đùa với văn hóa “thượng và hạ”, không thể không kể đến thiên tài Jean-Michel Basquiat.

Jean-Michel Basquiat, All Colored Cast I (1982)

Đầu óc thông minh và nhạy cảm giúp Jean-Michel hấp thụ những yếu tố văn hóa khác nhau và biến chúng trở thành tác phẩm thách thức cái nhìn của xã hội. Không một họa sỹ nào thời đấy có thể kết hợp được những thứ trái ngược hoàn toàn trong khoảng thời gian ngắn như vậy: đường phố và đời sống thượng lưu, nghiên cứu hàn lâm và nghệ thuật nguyên thủy ngoại đạo, bản sắc người da màu hay bản sắc nghệ sỹ… Vượt rào cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, Jean-Michel phá bỏ các giới hạn bởi các nền văn hóa mà xã hội áp đặt, giữa một nước Mỹ đầy sóng gió nội tại. Nghệ sỹ như một chiếc phễu lọc văn hóa và ý niệm tuông lên tấm toan. Anh không lọc những thứ tươi đẹp nhất để có thể làm hài lòng nhiều người nhất nhưng anh cho họ thấy cái nhìn chân thật nhất về những thứ không ai dám đối diện.

Một biểu tượng tự do của sáng tạo nghệ thuật… không nên bị kiểm duyệt” – Giuliano Pisapia

Việc tìm hiểu, khám phá, đối chiếu câu chuyện các nền văn hóa giúp chúng ta có cái nhìn tương quan hơn, cởi mở hơn về những cái chúng ta có hoặc không có. Tiếp đến là khả năng phê bình và sàng lọc rồi mới tạo ra bản sắc nội tại cho mình. Ngoài ra, sự phản kháng của ta với những tác động ngoại biên cũng cần phải được lưu tâm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Thậm chí bóp méo, rã cấu trúc hay biến tấu văn hóa đều được hoan nghênh.

Niềm khao khát đối với những trải nghiệm tích cực tự thân nó đã là một thứ trải nghiệm tiêu cực. Và, ngược đời ở chỗ, sự chấp thuận thứ trải nghiệm tiêu cực của một người tự nó lại là tích cực”, Mark Manson chia sẻ trong cuốn sách nổi tiếng “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch thèm quan tâm”.

On Kawara, Một điều, 1965, Việt Nam

Suy cho cùng, văn hóa thuộc về số đông, còn nghệ thuật không phải lệ thuộc vào bất cứ đối tượng nào, trừ phi đó là nghệ thuật giải trí hay ứng dụng thực tiễn. Chúng ta, từ nghệ sỹ cho đến người thưởng thức, đều nên ít nhiều “đếch quan tâm” đến thứ văn hóa đang đại diện cho chúng ta. Chỉ khi nhìn trực diện, đối mặt vào những thói quen quá nhạt nhòa, thậm chí gây hại như phụ thuộc nặng vào văn hóa tâm linh, cách tiếp cận dành cho văn hóa trong nghệ thuật nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng mới trở nên khác biệt. Văn hóa xem nghệ thuật ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, thậm chí có phần lười biếng khi thích được cắt nghĩa mọi thứ hơn là tìm hiểu.

Quay trở lại tác phẩm ngón tay “vô văn hóa” của Maurizio Cattelan. Đây là món quà tặng thành phố, nhưng với điều kiện tác phẩm phải được đặt tại vị trí trước Sàn chứng khoán Milan. Bàn tay kia còn được hiểu như cách chào của chủ nghĩa phát xít xưa, còn các ngón tay bị chặt đi. Đó không phải là cử chỉ tục tĩu duy nhất của người Ý đa cảm, nó thậm chí ít gây sốc người Ý hơn so với một số ngôn ngữ hình thể khác. Tranh cãi đã diễn ra, thậm chí ứng cử viên trung tả của Milan, Giuliano Pisapia, người tranh cử với bà Moratt bấy giờ cũng ủng hộ bức tượng: “Một biểu tượng tự do của sáng tạo nghệ thuật… không nên bị kiểm duyệt”, ông nói. Kết quả, rất nhiều phiếu bầu đã khiến bức tượng trở thành điểm thu hút du lịch mới. Một tác phẩm 100% Ý, nghệ sỹ Ý, chất liệu Ý, câu chuyện Ý và hoàn toàn… “vô văn hóa” kiểu Ý.

“Một số người rất thích hài hước, và số khác thì không”, nghệ sỹ Cattelan trả lời vui vẻ trong một cuộc phỏng vấn.


 
Back to top