4 người phụ nữ tiên phong trong các dự án bảo vệ môi trường
Hà Vũ với dự án 1 tỷ cây xanh, Trang Nguyễn – một nhà bảo tồn động vật hoang dã, Jang Kều với dự án Nhà Chồng Lũ, và Hồng Hoàng với tổ chức CHANGE, LUXUO giới thiệu đến bạn đọc 4 người phụ nữ tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vì an sinh xã hội.
Hà Vũ: Dự án “1 tỷ cây xanh”
“Rừng trên trái đất giống như hệ da & lông trên cơ thể người. Vì thế, hiện nay, việc đi trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc cấp thiết như cơ thể người bị lở loét, ung nhọt và bít hết lỗ chân lông cần bôi thuốc cho da lông phục hồi giúp điều hòa cơ thể.” – Hà Vũ, người sáng lập dự án 1 tỷ cây xanh, chia sẻ.
Trong những năm qua, Hà Vũ (Vũ Thị Thu Hà) thực hiện nhiều dự án cộng đồng với vai trò người đi nhóm lửa, người đi gieo hạt và làm theo nguyên tắc vết dầu loang. Chị không đi cho tất cả, mà khơi dậy sự tự lực tự cường, khuyến khích cộng đồng cùng làm để phù hợp với khả năng và thực tế mỗi địa phương.
Trước kia, với tư cách là nữ tướng của Chương trình Tủ Sách Lớp Học (Sách Hóa Nông Thôn), Hà kêu gọi bạn bè để tặng tối thiểu từ 1 tủ sách đến 5 tủ sách, còn lại cha mẹ học sinh và nhà trường sẽ chung tay làm nốt những tủ sách còn lại. Có trường ít nhất cũng 8 lớp, nhiều lên tới 25-35 lớp. Chị gieo một hạt mà kết quả gấp hàng chục lần. Chưa kể, giá trị tủ sách là giá trị tiếp nối và gia tăng, từ khóa này chuyển sang khóa sau, trường này làm tủ sách mà trường kia không làm thì thua kém nên nhà trường sẽ kêu gọi cha mẹ và cựu học sinh đóng góp để làm! Được tặng một nhưng cha mẹ học sinh đóng góp gấp 10, gấp 100 lần. Vậy là xã hội được lợi ích gia tăng quá lớn. Trồng rừng cũng vậy! Chị biết rằng điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức về giá trị của rừng, của cây xanh đối với sự sống trên trái đất.
Mục tiêu của 1 Tỷ Cây Xanh là tặng cây trồng không khai thác, hướng đến phát triển Vườn Rừng thay thế cho cây gỗ công nghiệp kém hiệu quả, bổ sung cây vào rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, thay đổi lại thói quen canh tác độc canh chuyển sang xen canh đa tầng, học sinh đọc sách trồng cây và trồng cây xanh tạo hành lang bảo vệ làng, bảo vệ đất, chống xói mòn sạt lở,… đồng thời khuyến khích các đơn vị hành chính, các cơ sở giáo dục, trường học, trại giam, bệnh viện, … trồng cây lâu năm tạo bóng mát và cảnh quan…
Các cá nhân, đơn vị, tổ chức… gửi đăng ký xin cây kèm hình ảnh hoặc định vị của diện tích đất, khu vực đất trồng về email: vuha1009@gmail.com
Trang Nguyễn: Nhà bảo tồn động vật hoang dã
Trang Nguyễn là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Bắt đầu tham gia hoạt động bảo tồn từ năm 16 tuổi, đến nay đã 15 năm, Trang là nhà sáng lập và điều hành tổ chức WildAct, thực hiện nhiều dự án bảo tồn động vật hoang dã tại Nam Phi, Campuchia và Việt Nam,… đồng thời cô là đại sứ cho Quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Ạnh.
Trên trang Facebook cá nhân, Trang chia sẻ nhiều bài viết về bảo vệ môi trường thông qua chuyên mục “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho trái đất trong 100 ngày.” Cô chia sẻ: “Chuyện môi trường với bảo tồn rắc rối lắm, chúng ta phải hô hào mọi người cùng làm, vì đơn giản nếu 100 người đổ công sức ra bảo vệ động vật hoang dã, mà một người cầm súng đi bắn, thì cũng chẳng thể bảo vệ được tụi nó. Nếu 100 người không vứt rác ra đường, mà một người cứ tiện tay ném rác nhựa xuống sông hồ, thì môi trường vẫn cứ bị ô nhiễm. Nhưng, mình vẫn làm bất cứ điều gì có thể, trong khả năng của mình, bạn nhỉ?”
Khác với gần 20 năm trước, giờ đây, như Trang chia sẻ, ngành bảo tồn có rất nhiều hướng đi. Nếu bạn chọn hướng nghiên cứu sinh cảnh, tập tính, quần thể…thì sẽ cần đi thực địa tại địa phương nhiều. Nếu bạn chọn hướng làm về giáo dục, nâng cao nhận thức, thời gian có thể sẽ phân bổ ở cả thành phố và/hoặc nông thôn. Nếu bạn làm truyền thông, thiết kế, gây quỹ…khả năng cao là sẽ không bao giờ “được” đi thực địa.
Có rất nhiều tổ chức bảo tồn đặt văn phòng ở Hà Nội, như WildAct, WWF, FFI, WCS, HSI v.v. Có những tổ chức ở thành phố Đà Nẵng, như GreenViet, và có những tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh, như Change/WildAid, Gaia. Cô khuyên các bạn nên tìm hiểu về các tổ chức này và các vị trí họ đang tuyển dụng để ứng tuyển phù hợp. Thường trong các quảng cáo tuyển dụng của các tổ chức trong ngành đều sẽ ghi rõ vị trí tuyển dụng ở đâu (thành phố hay vùng xa), ước tính thời gian đi thực địa (20, 30 hay 50% đi thực địa v.v) để người ứng tuyển nắm rõ.
Hoàng Thị Minh Hồng: Nhà sáng lập CHANGE
Hoàng Thị Minh Hồng (Hồng Hoàng) là nhà sáng lập và hiện là Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), là một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Chị được Climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero), do rất nhiều đóng góp cho phong trào biến đổi khí hậu do giới trẻ điều hành tại Việt Nam. Chị đã huy động, tổ chức các chiến dịch, và xây dựng năng lực cho giới trẻ địa phương trong việc thực hiện các dự án về biến đổi khí hậu và hỗ trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi BĐKH.
Mối đam mê khác của chị là động vật hoang dã. Chị cùng đội ngũ trẻ của mình ở CHANGE thực hiện các chương trình dự án kéo dài nhiều năm với mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép các sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam, nhằm cứu những loài nguy cấp nhất (tê giác, voi, tê tê …) khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Trước khi thành lập CHANGE, chị đã có 3 năm giữ vị trí Đồng-điều phối của 350.org Đông Á/Đông Nam Á, và 7 năm giữ vị trí Trưởng phòng Truyền thông của WWF Khu vực tiểu vùng Mekong Mở rộng. Bên cạnh các công việc chính thống, chị là một nhà hoạt động môi trường tích cực và uy tín.
Năm 1997, Minh Hồng là người Việt Nam đầu tiên tới Nam Cực, trong chuyến thám hiểm quốc tế với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng thế giới về vấn đề nóng lên toàn cầu. Sau chuyến đi này, chị trở thành Đặc phái viên trẻ của UNESCO, và trong cùng năm đó, chị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009, chị quay lại Nam Cực lần thứ hai, với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam trong chuyến Thám hiểm Hiệp ước Quốc tế và Nam Cực do tổ chức 2041 thực hiện.
Jang Kều: Nhà sáng lập Nhà Chống Lũ
Sinh năm 1979, Jang Kều (Phạm Thị Hương Giang) thuộc top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 theo tạp chí Forbes, Giải thưởng Tình nguyện viên Quốc gia do UNESCO và Trung ương Đoàn trao tặng năm 2016, Giải thưởng WE Choice Awards 2017 cho nhóm dự án có ảnh hưởng đến cộng đồng.
Jang Kều là nhà sáng lập Quỹ Sống – quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Quỹ Sống có nhiều hoạt động thông qua các tổ chức khác nhau, trong đó chương trình ‘Nhà Chống Lũ’ (thành lập năm 2013) tập trung xây dựng nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo. Chương trình có 50% kinh phí từ quỹ do Jang Kều kêu gọi đóng góp và từ các phiên đấu giá từ thiện, 50% do chủ gia đình cần giúp đỡ tự đóng góp, giám sát và bỏ công sức xây dựng cùng.
Dự án này đã xây dựng được gần 795 căn nhà an toàn cho bà con, ngoài ra còn có 2 ngôi làng hạnh phúc với 120 ngôi nhà. Dự án này đã phát triển được 9 mô hình an toàn, thích ứng với điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là lũ bùn, lũ ống, lũ quét,… với ba loại hình nhà chính là nhà phao, nhà kê nền và nhà có gác.
Năm 2018, quỹ Sống đã gây được hơn 15 tỉ đồng cho các hoạt động dự kiến năm 2019 của mình, trong đó có xây 150 ngôi nhà an toàn với 11 mô hình nhà, các ngôi làng hạnh phúc ở Hội An, Thanh Hóa, Quảng Bình và Hậu Giang, trồng hơn 50 ngàn cây xanh.
Ngoài ra, Jang còn đứng sau một số dự án bền vững khác như: Hạnh Phúc Xanh, Bản giao hưởng Rừng Xanh, Công viên cộng đồng, Làng Hạnh Phúc.