Phong cách / Đồng hồ

Lại nói về “tính bền vững” của ngành công nghiệp đồng hồ và trang sức hiện đại

May 04, 2022 | By Ton Binh

Câu chuyện về thời trang có đạo đức và bền vững luôn là vấn đề không thể bỏ qua trong thời trang cũng như ngành đồng hồ và trang sức. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thương hiệu xa xỉ ngày nay cần phải lựa chọn giữa cập nhật, đổi mới tư duy bền vững hoặc đối mặt với làn sóng “tẩy chay” mãnh liệt từ người tiêu dùng có ý thức.

Ngành công nghiệp đồng hồ và trang sức cao cấp mang đến những hào nhoáng lộng lẫy từ những viên đá được mài dũa điêu luyện qua những sáng tạo đầy tính duy mỹ. Với chiến lược “càng gây tò mò thì càng bí ẩn”, những tác phẩm nghệ thuật này luôn trở nên đẹp mắt và xa xỉ trước giới mộ điệu trong một thời gian dài trước đó.

Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ mạng internet và các phương tiện truyền thông xã hội, sự thật về mặt tối của ngành công nghiệp này đã bị phơi bày, gây ra nhiều khó khăn và tranh cãi cho thương hiệu lẫn người tiêu dùng. Đặc biệt sau vụ bê bối “kim cương máu” nổi tiếng vào năm 1990 đã khiến dư luận càng quan tâm hơn đến tính minh bạch của nó. Một ví dụ khác về sự phơi bày mang tính lịch sử từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Humans Right Watch) chính là sự ép buộc di dời chỗ ở của người dân bản địa sống gần các khu khai thác mỏ. Hay các cáo buộc về bóc lột sức lao động trẻ em, thậm chí gây thiệt mạng trong khi làm việc tại các hầm khai thác quy mô nhỏ.

Hơn thế nữa, nguồn nước và đất cũng bị ô nhiễm chất độc hóa học nặng nề gây hại đến cho cả cộng đồng. Theo một nghiên cứu được BBC trích dẫn vào năm 2020, ước tính rằng việc đánh bóng chỉ 1 carat kim cương sẽ thải ra 160kg carbon dioxide. Điều này khiến chúng ta thải ra 160 đến 170kg đương lượng nổ (megatone) khí thải CO2 trong vòng năm năm – tương đương với lượng khí thải hằng năm của cả Singapore.

Trước sự việc này, một số thương hiệu đã có động thái nhất định. Một ví dụ nổi tiếng nhất từ sự việc của Tiffany & Co., thông qua chiến dịch “Sáng kiến nguồn gốc kim cương” (Diamond Source Initiative) vào năm 2019, cho phép người tiêu dùng tìm ra nguồn gốc xuất xứ của kim cương đăng ký mới và từ 0.18 carat trở lên. Chiến dịch mở rộng đến năm 2020 đánh dấu hành trình chế tác một viên kim cương từ khi còn là những viên đá thô được khai thác tại các quặng lớn ở Úc, Canada,… đến quá trình cắt gọt, đánh bóng và mài dũa nên một tác phẩm hoàn chỉnh.

Vào tháng 10 năm 2021, Cartier và Kering (“ông lớn” trong ngành thời trang xa xỉ gồm Boucheron, Gucci,…) đã hợp tác và đề ra các mục tiêu vì môi trường của ngành đồng hồ và trang sức trong tương lai với hiệp ước “Sáng kiến đồng hồ và trang sức năm 2030” (Watch & Jewellery Initiative 2030). Các mục tiêu bao gồm việc đưa ra kế hoạch và sáng kiến để giảm lượng khí thải CO2, bảo vệ đa dạng sinh học đến tổ chức “Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Cơ sở khoa học” (Science Based Targets initiative). Hiệp ước này cũng kêu gọi và khuyến khích các thương hiệu khác cùng tham gia. Ông Jean-Francois Palus, chủ tịch tập đoàn Kering nhấn mạnh rằng: “Khi chúng ta đồng hành cùng nhau, tôi tin rằng những mục tiêu này sẽ càng sớm thành hiện thực”.

Trong lĩnh vực trang sức, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giá trị và vấn đề đạo đức nhiều hơn so với 2 – 3 năm trước.

Chương trình “Chứng nhận quy trình Kimberley” (Kimberley Process Certification Scheme) – được đặt tên theo thủ phủ kim cương nổi tiếng ở Nam Phi, do Liên Hợp Quốc thành lập vào năm 2003 nhằm ngăn chặn việc “kim cương xung đột” xâm nhập và tiếp cận thị trường kim cương chính thống. Quy trình này đòi hỏi các nhãn hàng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu tối thiểu, bao gồm cung cấp các bằng chứng minh bạch về quy trình sản xuất cũng như số tiền bán được từ kim cương không dùng để tài trợ cho các hoạt động tội phạm hoặc phi pháp.

Điều này đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế mà hầu hết các nhà hoàn kim đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã đặt ra các câu hỏi về tính hiệu quả của quy trình này, theo đó quy trình Kimberley có phạm vi quá hẹp và “không thỏa đáng” để bảo đảm về tính nhân quyền trong chuỗi sản xuất kim cương.

Các tổ chức phi chính phủ cho rằng mặc dù quy trình này cải thiện tình trạng kim cương xung đột rõ rệt ở những năm đầu, song sự xuất hiện của đại dịch Covid19 đã khiến vấn đề này trở nên trầm trọng hơn khi không thể bảo vệ những người đứng dưới cùng trong quy trình sản xuất kim cương. Theo Tổ chức theo dõi Nhân quyền, khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh ở những ngày đầu của đại dịch, các thương hiệu đồng hồ và trang sức cần chuyển hướng tập trung cũng như nguồn lực sang biện pháp quản lý khủng hoảng tức thì. Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực hơn thì dịch Covid đã khiến vấn đề bình đẳng giới một lần nữa trỗi dậy và khiến chúng ta không thể làm ngơ.

Sự tăng trưởng bền vững

Sau sự kiện “kim cương máu”, khái niệm về tính bền vững từng được xem là thước đo để quản lý rủi ro: Có những phương pháp nào tốt nhất để không bị mất khách hàng? Hay các bước để tránh gây nên tranh cãi trong cộng đồng?

Từ đó, điều này đã biến thành một cơ hội lớn dẫn đến những thay đổi tích cực trong ngành khai thác dầu mỏ, một ngành phụ thuộc nhiều vào người lao động cùng sự tăng trưởng của một thương hiệu.

Vào tháng 6 năm 2021, công ty tư vấn quản lý McKinsey và The Business of Fashion (BOF), một trang web kinh doanh thời trang nổi tiếng đã đưa ra báo cáo mở rộng về thực trạng của ngành công nghiệp đồng hồ và trang sức. Trong đó, tính bền vững là tiêu điểm trong ấn phẩm và “sự tăng trưởng” được mô tả như con đường ngắn nhất trong kinh doanh. Tính đến năm 2025, ước tính có tới 30% doanh số trang sức bán được trên toàn cầu đến từ sự quan tâm sâu sắc về tính bền vững của khách hàng – đẩy lên mức tăng từ 3 – 4 lần so với năm 2019 (khoảng 70 đến 110 tỷ đô la Mỹ). Điều này là minh chứng chặt chẽ cho việc kinh doanh bền vững và có đạo đức luôn là một hướng kinh doanh đúng đắn.

“Sự chú ý đến tính bền vững thực sự sẽ tăng vọt. Trong lĩnh vực trang sức, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến giá trị, tính bền vững và kinh doanh có đạo đức so với cách đây hai đến ba năm trước” – Theo Tyler Harris, nhà nghiên cứu của BOF và là đối tác của McKinsey nói.

Sự uy tín của một thương hiệu còn được đo bằng những gì nhãn hàng đó thực sự làm hoặc chứng minh được họ hoàn toàn minh bạch trong kinh doanh.

Đồng nghiệp của Harris cũng cũng thẳng thắn chia sẻ: “Nếu một thương hiệu không thực sự hướng đến kinh doanh bền vững và có đạo đức hoặc không chứng minh được với người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ millennials thì thương hiệu đó sẽ không tồn tại lâu được. Đặc biệt đối với những sản phẩm thiên về tính cá nhân nhiều hơn như đồng hồ và trang sức thì câu chuyện của thương hiệu mang đến sức hút rất lớn cho việc quyết định rằng thiết kế đó có xứng đáng với giá tiền không.

Ngược lại, đối với các thương hiệu, việc thực hành bền vững và minh bạch không dễ dàng vì nó không chỉ là kể câu chuyện và đưa mặt hàng lên các website bán lẻ của mình. Họ còn phải chứng minh sự chân thành và giá trị nguyên bản thực sự của thương hiệu cho khách hàng. “Trước đây, người tiêu dùng đã lầm tưởng khi cho rằng chỉ cần thương hiệu đủ lớn và có tiếng nói thì họ sẽ luôn làm điều đúng đắn. Ngày nay, sự uy tín của một nhãn hiệu còn được đo bằng những gì nhãn hàng đó thực sự làm hoặc chứng minh được họ hoàn toàn minh bạch trong kinh doanh.” – Theo Cyrille Vigneron, giám đốc điều hành của Cartier.

Ông François-Henry Bennahmias, giám đốc điều hành của Audemars Piguet cũng đồng ý với quan niệm trên. Ông nói: “Đây là con đường kinh doanh dài hạn. Họ không thể nói rằng “tôi đã từng không minh bạch trong lời nói của mình, nhưng giờ tôi đã tốt hơn rồi”. Tôi chỉ cần biết nếu thương hiệu không có hành động cụ thể, họ sẽ gặp rắc rối lớn với dư luận”.


 
Back to top