Trong sự cách ly
Lần đầu tiên, một đại dịch nổ ra với mức lây lan nhanh khiến cả thế giới sửng sốt, bàng hoàng và không kịp trở tay. Sau quãng thời gian tưởng chừng như vắng lặng, Covid-19 tiếp tục gây hoang mang khi khiến một vài khu vực tại Việt Nam bị cách ly, cô lập. Việc điều nha danh tính của những người nghi nhiễm cũng được tiến hành ráo riết. Và nỗi sợ hãi lại tiếp tục lan truyền…
Nhân một ngày cuối tuần rảnh rỗi, tôi cho phép mình được chăm sóc bản thân. Sau khi đi spa chán chê, ghé vào tiệm sửa chiếc đầm mới mua, đi ăn một món ngon yêu thích, ghé siêu thị mua trước đồ ăn cho cả tuần, và về nhà chuẩn bị nấu bữa tối, tôi nhận được tin nhắn từ người bạn. Anh gửi tôi danh sách những nơi đã và đang bị cách ly phòng dịch. Tôi rùng mình soát lại xem liệu có nơi nào tôi vừa đi qua không, và thở phào nhẹ nhõm vì rất may là không. Ngày hôm sau, một người khác dặn tôi nên trữ trước đồ ăn, để trong trường hợp có cách ly thì không phải mất công đặt đồ đến tận cửa. Tôi chợt nghĩ, có lẽ, viễn cảnh phải cách ly để ngăn ngừa đại dịch đang đến gần hơn bao giờ hết.
Sẽ không còn spa. Sẽ không còn ăn uống. Sẽ không còn mua sắm. Tôi và nhiều người khác có thể chỉ được quanh quẩn trong nhà, nhận đồ ăn tiếp tế từ bên ngoài thông qua nhân viên được phòng hộ kỹ lưỡng, hoặc tự túc tự cấp. Tôi soát lại mọi thứ mình đang có, thầm nghĩ số đồ tươi và đồ khô trong nhà sẽ đủ cho tôi ăn đến 2, 3 tuần tới. Cả đám mèo cũng sẽ không bị đói. Suy nghĩ đó khiến tôi đủ tự tin để biết rằng nếu một sáng thức dậy, được tin chung cư bị cách ly, tôi cũng không đến nỗi hốt hoảng phải nghĩ đến cái ăn.
Tôi trộm nghĩ, cách ly thực ra cũng không quá đáng sợ. Giữa nhịp sống nhanh tiện như hiện nay, việc đột nhiên có khoảng hai tuần để nghỉ ngơi, suy ngẫm, chăm sóc cho bản thân, hay trò chuyện với mọi người trong gia đình, không hẳn là quá tệ. Người độc thân như tôi có thể tự huyễn mình như Aomame trong 1Q84, sống tách biệt bên trong một căn nhà sau khi hạ sát tên thủ lĩnh một cộng đồng bí hiểm. Người đã có gia đình có thể nghĩ về mình như những cư dân tại Norilsk, nơi có khí hậu ô nhiễm và khắt nghiệt đến mức mọi người chỉ cố thủ trong nhà. Tất cả chúng ta đều có quyền mơ mộng và hy vọng, rằng sau khi cách ly, sau khi mọi việc được kiểm soát, mọi thứ sẽ trở nên tươi sáng.
Isaac Newton khoảng 20 tuổi khi London tiếp nhận Đại dịch hạch. Lúc đó, ông mới chỉ là một sinh viên đại học bình thường tại Trinity College của Đại học Cambridge. Dù cách nhau cả nửa thế kỷ, song việc đối phó với bệnh dịch thời đó cũng không khác với hiện tại là bao: tự cách ly tại nhà để làm chậm sự lây lan của virus. Quãng thời gian một năm “tự cách ly” đó của Newton về sau được gọi là annus mirabilis, hay “năm của những điều kỳ diệu”.
Chỉ trong một năm sống tách mình, ông đã nghiên cứu được các vấn đề toán học mà ông đang làm tại Cambridge; về sau trở thành những công trình mở đường của môn giải tích. Ông làm thí nghiệm trên cửa chớp để đưa ra lý thuyết về quang học. Và khi đang thảnh thơi nghỉ ngơi tại khu vườn, việc nghĩ đến quả táo trên cây đã khiến ông tự hỏi về lực hút trái đất, từ đó đặt ra thuyết trọng lực huyền thoại. Khi trở lại Cambridge sau đại dịch với hàng tá lý thuyết mới, ông đã trở thành nghiên cứu viên. Hai năm sau, ông đạt danh hiệu giáo sư.
Từ đầu mùa hạ năm 1909, Marcel Proust quyết định sống ẩn dật, giam mình trong phòng riêng cửa đóng kín, sàn nhà, các bức tường, và trần nhà rất cao đều được lót những lớp bần, không để lọt một tiếng động. Từ căn phòng được xem như “tự cách ly” đó, Proust cho ra đời bộ tiểu thuyết bất hủ “Đi tìm thời gian đã mất”, điều đã thay đổi bộ mặt của văn chương thế giới mãi về sau.
Ở tuổi 28, 4 năm sau khi đặt chân bất hợp pháp đến đất Mỹ, Tehching Hsieh cảm thấy mình đang phí thời gian. Bỏ việc dọn dẹp hàng ăn, ông thực hiện màn trình diễn đầu tiên trên đất Mỹ có tên gọi “Màn trình diễn một năm 1978 – 1979” (hay Cage Piece – Cái chuồng). Hsieh làm một cái chuồng bằng gỗ, đặt trong studio trên đường Hudson. Trong chuồng có một bồn rửa mặt, một cái giường đơn, một cái xô, đèn. Ông tự nhốt mình trong đó từ ngày 29/9/1978 tới ngày 30/9/1979. Trong suốt 365 ngày đó, ông buộc mình không nói chuyện, không đọc, không viết, không nghe đài, không xem TV.
Trong những năm tiếp theo, Hsieh còn làm thêm nhiều “màn trình diễn một năm” nữa. Đối với hầu hết mọi người, những màn trình diễn này có vẻ điên rồ và quái đản, nhưng với Hsieh, “sống là một án chung thân, sống là để thời gian trôi, sống là tự do suy nghĩ”. Chất liệu của Hsieh trong tất cả các màn trình diễn của ông là thời gian. Khi giam mình trong một nơi nào đó, Hsieh chỉ tập trung vào việc “thời gian trôi”.
Tôi chợt nghĩ, mấy ai trên đời có thể làm được như Hsieh? Chỉ sống, và để thời gian trôi, trong không gian bị bó hẹp cả về diện tích, ánh sáng, điều kiện sống, và sự hiện diện của con người. Ông không để cho bất cứ thứ gì khác cướp lấy thời gian của ông: điện thoại, truyền hình, và những cuộc trò chuyện vô nghĩa; ông hiện diện đúng kiểu “tại đây, ngay lúc này”, và ghi lại cẩn thận thành tư liệu. Màn trình diễn của Hsieh khiến tôi chợt nhận ra, thời gian, thực tế, là tài sản bình đẳng của tất cả mọi người. Tại sao phải phí hoài thời gian cho những hành động vô tri không mang lại kết quả, cho những thú vui nhàn nhạt sẽ quên sau vài ngày, và cho những nỗi sợ vô căn cớ đang bóp nghẹt dần cuộc sống của chúng ta?
Những ngày gần đây, tôi đọc được bài viết “Anatomy of a Pandemic” trên tạp chí Longform, và nó mở đầu như thế này: “Còn sống là còn sợ hãi; nỗi sợ hãi chính là linh hồn của thời đại, và thực chất, là ở mọi lứa tuổi. […] Sự lây nhiễm có thể là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, nhưng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là xem những người khác như mối thương tổn tiềm tàng đến sức khỏe, cộng đồng của chúng ta, hay bất cứ thứ gì khác có thể nêu tên ra. Như rất nhiều câu chuyện về tốc độ lây lan của Covid-19, nỗi sợ hãi cũng tương tự như thế. Sự sợ hãi khiến mọi người đối xử tệ với nhau; nguy cơ bị truyền nhiễm khiến họ phải cảnh giác với nhau.”
Và sự sợ hãi đó không chỉ hiện diện ngày hôm nay, mà còn có cả lịch sử lâu dài. Trong nhiều thế kỷ qua, việc truyền nhiễm đã bị gắn với một nhóm người nào đó. Cái chết Đen chắc chắn không mở màn cho việc bài Do Thái, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy nó đã đẩy sự phân biệt chủng tộc đến một tầm sâu mới. Hơn 200 cộng đồng Do Thái đã bị xóa sổ bởi những kẻ biện minh rằng người Do Thái phải chịu trách nhiệm về bệnh dịch hạch khi đầu độc nước giếng của địa phương. Câu chuyện này luôn được kể kèm tình hình bệnh dịch khi nó lây lan đến bất cứ nơi đâu ở châu Âu.
Khi HIV lần đầu tiên được phát hiện, những người đồng tính nam, nữ và song tính cũng đối mặt với sự đối xử tương tự. Gần đây, khi chủng virus Corona vừa chớm được phát hiện, một đoạn clip từ chương trình du lịch năm 2016 về cảnh một người nổi tiếng Trung Quốc ăn súp dơi trong nhà hàng trên đảo Palau ở Thái Bình Dương được lan truyền rộng rãi. Đoạn video nhận phải nhiều phản hồi ghê tởm, và người dân Vũ Hán, Trung Quốc, hay rộng hơn là cư dân châu Á nhanh chóng bị liệt vào những “ổ dịch sống”, bị phân biệt đối xử, đúng như kịch bản đã xảy ra cách đây hàng trăm năm với những cộng đồng khác.
Một người có cùng quốc tịch với những nơi đang lan truyền dịch bệnh không đáng sợ. Người đến từ ổ dịch không đáng sợ. Người từ khu cách ly về cũng không đáng sợ. Và việc bị cách ly càng hoàn toàn không đáng sợ. Mọi việc chỉ đáng sợ khi chúng ta cho phép mình sợ hãi, hay hoàn toàn phớt lờ những quy định, cảnh báo được đưa ra. Hãy cứ an nhiên và chẳng cần sợ hãi. Chỉ cần giữ cho mình còn sống, dù hai tuần hay vài tháng khó khăn cũng chẳng có là bao. Cứ còn sống là còn có thời gian, và còn thời gian nghĩa là còn tất cả.*
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không đại diện cho Luxuo hay bất cứ cơ quan/tổ chức nào khác.