Rolex và biển khơi
Là dòng đồng hồ đeo tay chống thấm nước, có độ chính xác cao và đáng tin cậy hàng đầu thế giới, các mẫu Oyster Perpetual của Rolex được chứng minh là công cụ đo thời gian hàng đầu cho các thủy thủ.
Mối quan hệ của Rolex với thế giới hàng hải đã bắt nguồn từ những ngày đầu tiên thành lập thương hiệu. Người sáng lập thương hiệu Hans Wilsdorf muốn phát minh ra một chiếc đồng hồ không thấm nước: chính xác, mạnh mẽ và có thể chịu được mọi điều kiện khắc nghiệt. Với quyết tâm của mình, ông đã vượt qua mọi thử thách để tiếp tục phát minh ra chiếc đồng hồ Oyster.
Những đổi mới tiên phong ấy đã thu hút sự chú ý của giới thượng lưu, cùng những câu lạc bộ du thuyền danh tiếng thế giới, kể cả New York Yacht Club – đối tác đầu tiên của Rolex trong bộ môn này vào năm 1958, và là nhà sáng lập giải đua du thuyền lâu đời – America’s Cup. Trong 25 năm, từ năm 1958 đến năm 1983, khi giải đua đang ở giai đoạn cao trào nhất, những người chiến thắng trong mùa giải đều được tặng một chiếc đồng hồ đeo tay chuẩn xác Rolex.
Và mối quan hệ hợp tác lâu dài ấy vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Nhưng rất ít thủy thủ có thể mô tả tinh thần táo bạo đã ghi dấu vào lịch sử môn đua thuyền như Sir Francis Chichester – người từng một mình thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới vào năm 1966 – 1967 nhằm lập biểu đồ hành trình cho các thế hệ thủy thủ tiếp theo. Các công cụ điều hướng của ông lúc bấy giờ chỉ có một chiếc kính lục phân và một chiếc đồng hồ đo thời gian Rolex Oyster Perpetual.
Sir Francis Chichester – Một mình vòng quanh thế giới cùng Rolex
Danh tiếng của thủy thủ người Anh – Sir Francis Chichester mãi trường tồn trong lịch sử ngành du thuyền khi là người đầu tiên một mình đi vòng quanh thế giới từ tây sang đông, dọc theo hải trình nhanh nhất hiện có – clipper. Trong hành trình tiên phong vào năm 1966-1967, chiếc Rolex Oyster Perpetual đã sát cánh cùng ông như một người bạn đồng hành bền bỉ và mạnh mẽ. Giống như ông, chiếc đồng hồ này đã trải qua không ít thử thách đáng gờm khi băng qua đại dương giông tố.
Sir Francis đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chào đón như một anh hùng và được phong tước Hiệp sĩ sau hành trình kéo dài 226 ngày, với 29.617 hải lý (54.850 km) trên chiếc tàu Gipsy Moth IV dài 16 m. Ông đã một mình lèo lái chiếc thuyền thực hiện chuyến hải trình vĩ đại, hệt như những con thuyền buồm mạnh mẽ với thủy thủ đoàn 20 người băng qua đại dương vì hoạt động thương mại giữa Châu Âu và Viễn Đông vào thế kỷ 19, với điểm dừng cuối cùng là Australia. Như một lời tri ân đến chuyến phiêu lưu vĩ đại của Sir Francis, tuyến đường biển clipper đã chính thức được các giải đua thuyền vòng quanh thế giới chọn làm hành trình tranh tài.
Đi theo chiều dài của Đại Tây Dương qua đường xích đạo, vòng qua Mũi Hảo vọng và đi vòng qua phần lớn Nam Đại dương qua Mũi Horn. Lượt về, thuyền sẽ di chuyển hướng theo phía bắc dọc Đại Tây Dương – con đường nhanh nhất và đi ngang qua các lục địa lớn bằng đường biển trước kênh đào Suez và kênh đào Panama. Ngày nay, hành trình này vẫn ẩn chứa vô vàn rủi ro, các thủy thủ thường phải đối mặt với những yếu tố khốc liệt và nguy hiểm nhất trên đại dương. Xa đất liền và công tác cứu hộ khó khăn bất chấp những tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin liên lạc, kể cả xác định phương hướng thông qua vệ tinh.
Chiếc đồng hồ Rolex của Sir Francis đã trở thành một công cụ hỗ trợ điều hướng đáng tin cậy, giúp ông vạch ra vị trí và hướng đi nhờ mặt trời hoặc các vì sao. “Trong chuyến đi vòng quanh thế giới của tôi trên thuyền Gipsy Moth IV, chiếc đồng hồ Rolex đã rơi khỏi cổ tay tôi nhiều lần mà không bị hư hại”, ông viết trong một bức thư vào năm 1968. “Tôi không thể tưởng tượng được một chiếc đồng hồ nào khác bền bỉ hơn thế. Khi dùng đồng hồ trong một số công việc đặc thù, hoặc khi trên boong tàu, nó thường xuyên bị va đập cũng như bị sóng vỗ, nhưng vẫn không hề hấn gì”.
Sir Francis là điển hình cho tinh thần thủy thủ kiên cường và tính phiêu lưu mạnh mẽ. Là một doanh nhân kiêm phi công, ông đã bắt đầu đam mê đua thuyền vào những năm 1950 và giành chiến thắng trong cuộc đua xuyên Đại Tây Dương một mình đầu tiên từ Plymouth (Anh) đến New York (Mỹ) trong 40 ngày vào năm 1960. Sau chuyến đi vòng quanh thế giới đó, người đàn ông 65 tuổi này đã đánh bại các thủy thủ chỉ bằng một nửa tuổi mình và thách thức mọi lời phê bình từ những người cho rằng chiếc thuyền hai cột buồm của ông chỉ được điều khiển tốt bởi một thủy thủ đoàn tám người.
Vào ngày 17 tháng 9 năm 1966, trong giai đoạn đầu của hành trình, Sir Francis đã mặc một bộ lễ phục rồi lặng lẽ tổ chức sinh nhật cho chính mình ngay giữa Đại Tây Dương với một ly cocktail champagne. Nhiều tháng sau, ước tính có đến một phần tư triệu người xếp hàng trên bờ để cổ vũ khi ông lên đường đến Plymouth.
Quan hệ đối tác thân thiết cùng New York Yacht Club
Vào những năm 1950, Rolex đã vươn ra biển lớn bằng cách tạo dựng mối quan hệ với một trong những câu lạc bộ uy tín nhất về du thuyền – New York Yacht Club. Thông qua mối quan hệ đối tác mang tính lịch sử này, Rolex trở thành đơn vị đo thời gian chính thức đầu tiên của America’s Cup – một trong những giải đua du thuyền lâu đời nhất vào năm 1958 đến năm 1983.
Kỷ lục thi đấu đáng kinh ngạc của New York Yacht Club đã được khẳng định tại America’s Cup. Cuộc thi này bắt nguồn từ một giải đua được tổ chức bởi England’s Royal Yacht Squadron (RYS) – một đối tác thân thiết khác của Rolex, và đội thuyền thắng cuộc khi đó là một nhóm các thủy thủ đến từ New York. Năm 1851, một vài năm sau khi câu lạc bộ Anh tổ chức cuộc đua ngoài khơi Cowes, trên Đảo Wight cho các thành viên của các câu lạc bộ khác đến tham dự, John Cox Stevens – Commodore non trẻ của New York Yacht Club đã thách thức đội Squadron’s tham gia một giải đua lớn hơn – giải Hundred Guinea Cup. Trong một lá thư gửi đến Royal Yacht Squadron, Stevens công khai nói rằng ông mong đợi được đánh bại bởi các đối thủ lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn anh.
Thay vào đó, con tàu America, chiếc schooner đen bóng bẩy đến từ New York, đã tạo nên một cú chấn động mang tính lịch sử khi vượt qua ranh giới trước 14 chiếc thuyền do các thủy thủ giàu kinh nghiệm nhất Anh quốc điều khiển. Chiến thắng của các thủy thủ người Mỹ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của bộ môn này. Sau đó, New York Yacht Club đã mời các câu lạc bộ du thuyền từ khắp nơi trên thế giới đến tranh tài, để giành cơ hội sở hữu chiếc cúp bạc mới có được trong một “trận thi đấu giao hữu giữa các quốc gia”, giải đấu ấy được gọi là America’s Cup.
New York Yacht Club đã thành công bảo vệ chiếc cúp trong 132 năm, chiến thắng liên tục trong 24 lần thách thức từ các đối thủ đến từ Anh quốc và Úc. Mãi đến năm 1983, chiếc cúp mới rời khỏi Hoa Kỳ và bàn tay của New York Yacht Club để đến bờ biển nước Úc khi một đội thuyền của Úc giành được chiến thắng.
Việc cạnh tranh mang tính quốc tế ở giải America’s Cup đã thúc đẩy sự phát triển của bộ môn đua thuyền, vốn đang tăng trưởng mạnh mẽ trên khắp thế giới trong thế kỷ tiếp theo – chủ yếu thông qua các câu lạc bộ. Khi Rolex lần đầu hiện diện trên đỉnh cao của ngành du thuyền bằng cách hình thành mối quan hệ lịch sử với New York Yacht Club, giải America’s Cup được coi là biểu tượng uy nghiêm nhất của làng du thuyền. Cuộc đua buộc hai nhóm thủy thủ được đào tạo chuyên sâu phải thi đấu với nhau bằng tất cả kỹ năng, tinh thần đồng đội và kinh nghiệm của họ trong một loạt bảy chặng đua đầy cam go, trên hai du thuyền 12 m.
Trong 25 năm sau đó, cho đến năm 1983, chiếc cúp chung cuộc không phải là giải thưởng duy nhất mà người chiến thắng được trao trong bộ môn này, mà họ còn vinh dự nhận được một chiếc Rolex Oyster Perpetual Submariner có độ chính xác cao, không thấm nước và cực kỳ bền bỉ. Submariner là chiếc đồng hồ được các thủy thủ hàng đầu lựa chọn, cho đến năm 1992 khi mẫu Rolex Yacht-Master ra mắt.
Nhờ sự kết hợp sớm và lâu dài cùng một câu lạc bộ tiên phong trong lĩnh vực đua du thuyền, Rolex đã trở thành tâm điểm của các hoạt động danh tiếng trên biển cả. Thương hiệu còn tiếp tục hợp tác với các câu lạc bộ ưu tú nhất để tài trợ cho một số giải đua đáng ngưỡng mộ nhất làng du thuyền và vinh danh những giá trị tôn quý nhất của bộ môn này.