The Gentleman Issue (Kỳ 7): Hành trình tại Việt Nam của Antonio De Torres
Kinh doanh thời trang ở thị trường Việt Nam với nhà thiết kế Antonio De Torres luôn là một bài toán khó. Sự thành công của thương hiệu phải đến từ tuổi thọ, khả năng giữ chân khách hàng và việc hoàn thành sứ mệnh truyền tải thông điệp đủ đầy về phong cách sống chính là điều mà anh mong muốn trên con đường sự nghiệp.
Tình yêu của anh dành cho thời trang nam giới ra sao?
Khi còn là một cậu bé, tôi đã trưởng thành trong gia đình nề nếp và theo lề thói. Tôi nhớ cha tôi thường đưa tôi đi cùng ông đến tiệm may ở Newport Beach California để may đo và thử đồ. Cha tôi là người có phong cách thời trang hoàn hảo, được chăm sóc cẩn thận và trau chuốt đến từng chi tiết. Tôi đã được tiếp xúc với những tiệm may đẹp, phụ kiện, thợ may và quần áo đặt làm riêng trong phần lớn thời thơ ấu của mình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tôi với thói quen ăn mặc, phải đảm bảo rằng đôi giày của mình luôn được đánh bóng và sạch sẽ, ly quần phải ủi phẳng phiu và áo sơ mi cắt may sắc nét.
Làm việc tại Gucci, Christian Dior và Amarni, anh đã học được điều gì?
Mỗi nhà mốt thời trang trong danh sách này đều có một nét duyên dáng đặc biệt và tôi đã học được điều gì đó ở từng nơi. Christian Dior là bước ngoặt của tôi trong thế giới thời trang cao cấp và làm việc cho LVMH là sự trải nghiệm tuyệt vời. LVMH có một hệ thống đáng kinh ngạc để tất cả người mới đến với thương hiệu nhận thức đầy đủ về cách thức và lý do nhãn hàng tồn tại, quá trình hình thành, nhà thiết kế, xưởng chế tác và cách công ty kết hợp tất cả lại với nhau. Kinh nghiệm tại ngôi nhà Dior đã dạy tôi về quần áo thời trang trên sàn diễn thực sự được làm rất tốt, đến mức đây là một tác phẩm nghệ thuật có thể mặc. Sau đó, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Gucci nam.
Điều họ muốn là danh tiếng của tôi tạo dựng trên thị trường với tư cách là đại sứ bán hàng cùng danh sách khách hàng có tầm ảnh hưởng. Tôi đã làm việc trong thời đại của Tom Ford và De Soles tái cấu trúc doanh nghiệp Gucci. Tôi nhớ ngày đó, mọi nhân viên đã bỏ phiếu loại cho việc mua lại hoặc tiếp quản từ LVMH, tất cả đều nhận được tiền thưởng hàng năm cho đến khi kết thúc công việc. Thương hiệu xa xỉ cuối tôi làm việc là Giorgio Armani Black Label. Tại đây, tôi cũng được săn đón từ ban lãnh đạo để xây dựng thị trường nam giới ở Nam California. Tôi nhớ mình đã kiểm tra các email máy tính từ văn phòng công ty vẫn được ký bởi chính Giorgio Armani. Ông ấy là người yêu cầu dịch chuyển các vị trí trang trí ngay ô cửa kính của cửa hàng, loại bỏ một số sản phẩm nhất định khỏi cửa hàng và hỏi xem mọi việc diễn ra như thế nào. Ông ấy đã gắn bó với đế chế thời trang lâu đến mức để tôi nhận ra rằng không có nhà thiết kế nào tiếp cận các cửa hàng của mình và phản hồi một cách trực tiếp như ông. Điều này đối với tôi thật là đặc biệt.
Với thành công trong ngành thời trang quốc tế, tại sao anh quyết định lựa chọn thị trường Việt Nam để gầy dựng thương hiệu riêng?
Tôi sang Việt Nam năm 2003 để làm Giám đốc văn phòng đại diện cho một hãng American Apparel tên là CMT. Công việc của tôi là khảo sát thị trường, xây dựng các mối quan hệ và mạng lưới sản xuất, tìm nguồn nhà máy và nguyên vật liệu chất lượng cao. Sài Gòn khi tôi đặt chân đến là khung cảnh khác, chưa được khai thác, rất ít thương hiệu quần áo nam ở đây và sự hấp dẫn thị trường là điều khiến tôi nghĩ đến việc mở một thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam. Trong suốt hành trình phát triển trong nhiệm kỳ tại Việt Nam, tôi nhận ra rằng những người thợ may với điều kiện, quản lý và cơ sở hạ tầng phù hợp có thể may thời trang cao cấp.
Sự khác nhau giữa thị trường Việt Nam và quốc tế?
Việt Nam là một thị trường thời trang hỗn hợp. Từ quan điểm kinh doanh, các xu hướng thời trang mà tôi thích không nhất thiết phải phổ biến ở Việt Nam vì thị trường này vẫn được nhiều người coi là thị trường tiên phong. Các thương hiệu với thiết kế hào nhoáng và lấp lánh sẽ bán chạy hơn ở đây vì đó là điều mà những người giàu mới nổi lên đều muốn. Mong muốn của nhãn hiệu là sự lấp lánh, tấm chắn thương hiệu, medusas vàng và logo xuất hiện trong vải dệt hoa có thể được nhìn thấy từ khoảng cách xa hàng dặm. Đáng buồn thay, không cái nào trong số đó mang lại giá trị cho người tiêu dùng. Bạn trả tiền cho thương hiệu để trở thành người quảng cáo cho nhãn hàng đó trên đường phố.
Ở nước ngoài, với tư cách là một nhà thiết kế, chúng tôi luôn tìm kiếm sự sang trọng yên tĩnh, điều này thể hiện trong các thiết kế của tôi từ quá khứ, tập trung vào chất lượng, các loại vải hàng đầu, đường cắt may. Ở nước ngoài, nếu bạn có tiền, tại sao không được làm bởi những nghệ nhân giỏi nhất thế giới. Đó là nhóm khách hàng thời trang cao cấp thực sự. Thị trường Việt Nam ngày càng trở nên giáo dục hơn về mặt sản phẩm, nhưng lối sống theo kiểu “Old Money – Đẳng Cấp Thượng Lưu không nằm ở vẻ ngoài hào nhoáng” vẫn còn cả một chặng đường dài.
Anh có gặp khó khăn hay trở ngại khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam?
Ban đầu, tôi phải làm quen với văn hóa kinh doanh, đạo đức, thông lệ và những điều bình thường phổ biến ở Việt Nam nhưng ngược lại ở phương Tây. Các xu hướng thời trang luôn lên xuống. Nó có thể thay đổi trọng tâm và nhu cầu của tôi khi thị trường phát triển và thay đổi. Việt Nam là thị trường khó khăn nhất để bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng, bởi xu hướng ở nơi đây quá ngắn. Vì vậy, nếu là một thương hiệu có nhà máy riêng để sản xuất, bạn sẽ phải tính toán công việc sản xuất ở đâu để theo kịp xu hướng nhanh như vậy. Nếu bạn kinh doanh sản phẩm ở TP.HCM và sau đó muốn bán ở Hà Nội sẽ rất khó khăn. Nhiệt độ ở 2 nơi này trái ngược nhau. Về bản chất, bạn thực hiện 2 bộ sưu tập cho 2 thị trường trong 1 mùa. Đó là cả một hành trình, nhưng chúng tôi đã cố gắng vượt qua những cơn bão này, thậm chí mở rộng sang những cơ hội và sự hợp tác mới.
Kinh doanh thời trang quốc tế được cấu trúc khá chặt chẽ dựa trên lịch trình theo mùa, chương trình rõ ràng, kế hoạch nâng cao, cấu trúc công ty và nhiều yếu tố khác. Ở Việt Nam, có sự lan tỏa từ phương Tây đối với các hãng cao cấp, tuy nhiên, các thương hiệu nổi tiếng gia đình vẫn rất khác biệt trong lĩnh vực kinh doanh thời trang. Các công ty đôi khi có thể đóng cửa, nhiều công ty gia đình điều hành công việc với vị chủ tịch đã gần 80 tuổi và không chịu thay đổi điều gì hoặc nghe theo lời khuyên đúng đắn nào và nhiều vấn đề văn hóa khác gây trở ngại cho thị trường thời trang đang phát triển.
Làm thế nào để kinh doanh thành công trong ngành thời trang Việt Nam?
Antonio De Torres là một thương hiệu với thị trường ngách, có lượng người theo dõi sùng bái thương hiệu. Tôi làm việc với 0,01% nam giới và một số phụ nữ giàu có nhất Việt Nam, tỷ phú, bác sĩ, luật sư, quan chức chính phủ, lãnh đạo ngành trong khu vực tư nhân, người nổi tiếng và giới trẻ giàu có khác. Lý do tôi ở lại là để duy trì những mối quan hệ và tiếp tục phục vụ khách hàng trung thành của mình, những người đã yêu mến thương hiệu từ năm 2008.
Tôi coi thành công của mình là sự bền vững với thời gian, khả năng giữ chân khách hàng và mở rộng sang lĩnh vực thiết kế nội thất, mang thông điệp về phong cách sống và thiết kế của tôi đến ngôi nhà của mọi người. Đối với tôi, thành công là có thể hướng dẫn cách ăn mặc cho khách hàng trong suốt 10 năm qua, xây dựng ngôi nhà cho họ và cung cấp các sản phẩm nội thất bằng thương hiệu của tôi. Nói cách khác, tôi đang hoàn thành sứ mệnh truyền tải thông điệp đầy đủ về phong cách sống. Điều đó đối với tôi là thành công và thực hiện lời hứa cho khách hàng của mình, tôi sẽ mang đến phong cách sống bạn hằng khao khát.