BUSINESS OF LUXURY

Kinh doanh xa xỉ 2020: 15 lời khuyên từ Người đứng đầu của Patek Philippe, Ferreti, Rolls-Royce, Hotel des Art…

Jan 07, 2020 | By Trang Ps

Năm 2019 vừa qua, Luxuo.vn đã gặp gỡ và ghi lại nhiều câu chuyện thú vị từ những doanh nhân hàng đầu trong ngành công nghiệp xa xỉ. Từ triết lý đánh thức thương hiệu “ngủ đông” của CEO Luvanis đến nguyên tắc xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng từ nhà sáng lập AsiaMarine, bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn đọc 15 lời khuyên từ các chuyên gia ngành hàng xa xỉ.

1/ CEO Van Cleef & Aprpels: Thổi hồn vào những viên đá tự nhiên

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Van Cleef & Arpels, Nicolas Bos chia sẻ với Luxuo về sự tỉ mỉ và tinh tế của những nghệ nhân thương hiệu trong chế tác và đưa đá quý giá vào những tạo phẩm đồng hồ xa xỉ. Các chuyên gia về đá của họ tập trung lựa chọn những viên hồng ngọc với chất lượng đặc biệt, màu sắc rực rỡ và có độ bão hòa cao. Viên đá hoàn hảo phải đạt sự cân bằng chuẩn mực từ vật liệu, độ chiếu sáng, độ kết tinh và màu sắc. Nhưng quan trọng nhất là cảm xúc mà mỗi viên đá mang lại, gọi là “Pierres de Caractère” (tạm dịch: Linh hồn của đá).

Trang sức thủ công với khả năng biến đổi luôn là cốt lõi trong mỗi sáng tạo của Van Cleef & Arpels. Đây là một trong những yếu tố thách thức nhất trong BST Treasure of Rubies. Chiếc vòng cổ Rubis Impérial làm từ những viên hồng ngọc có sắc đỏ rực với tổng trọng lượng hơn 1.000 carat là ví dụ điển hình, với khả năng biến tấu thành ba cách đeo khác nhau. Một ví dụ khác là vòng cổ Élixir de Rubis cho phép chủ nhân sử dụng nó đến tám cách. Một đặc điểm khác của trang sức Van Cleef & Arpels là tính bất đối xứng, xuất hiện trong nhiều sáng tạo như nhẫn Kolam, vòng đeo tay Berunda hay vòng cổ Rivières.

2/ CEO Luvanis – Arnaud de Lummen: Cần có hiểu biết về thương hiệu di sản

Arnaud de Lummen từng phát biểu: “Các thương hiệu có thể tạm ngưng hoạt động nhưng không nhất thiết tất cả đều đánh mất giá trị của mình. Một số quá lỗi thời, nhưng một số khác vượt thời gian”.

Trong vị doanh nhân người Pháp này có một niềm tin vững chắc vào nền tảng di sản của các thương hiệu mang tính biểu tượng, như Dior, Chanel hay Balenciaga. Do vậy, Arnaud de Lummen cho rằng việc hồi sinh những nhà thời trang cao cấp bị lãng quên có ý nghĩa và cơ hội to lớn. Những thương vụ hoài cổ không chỉ đóng vai trò gìn giữ các giá trị nhận dạng và tài sản trí tuệ của lịch sử thời trang, mà thực tế, quá trình này đơn giản hơn nhiều so với việc khởi công xây dựng một tượng đài mới.

Đó là những người đẹp say ngủ”, theo cách gọi của Arnaud de Lummen. Theo ông, “những thương hiệu tuyệt vời nhất đều có một câu chuyện để kể,…”. Vì thế, Arnaud tin rằng các nhà đầu tư, khách hàng, giới mộ điệu và các thế hệ hậu bối sẵn sàng chi tiền để được lắng nghe. Arnaud de Lummen cũng từng chia sẻ rằng ông thường bán lại các thương hiệu vừa được thức tỉnh cho những ai đó với khoảng giá 1 triệu Euro – 10 triệu Euro, tùy thuộc vào tên tuổi cùng các quyền hạn đi kèm, và khẳng định điều này có thể dẫn đến một bội số lợi nhuận khá hấp dẫn.

Làm sống lại một thương hiệu di sản có nghĩa cung cấp cho con người đương đại một phần lịch sử bị quên lãng.

Arnaud de Lummen đã tiết lộ rằng: có hai kỹ năng được xem là chìa khóa để thức tỉnh các “người đẹp say ngủ”. Một là: cần có một cách tiếp cận tỉ mỉ đến mọi khía cạnh pháp lý của doanh nghiệp, vì quyền sở hữu thương mại có thể cực kỳ phức tạp do các khu vực pháp lý khác nhau và vấn đề của nhiều chủ sở hữu. Và hai là: cần phải có sự hiểu biết nhất định về các thương hiệu di sản.

3/ GM Hôtel des Arts Saigon: Tối giản quy trình, dịch vụ cá nhân hóa

“Chúng ta đang ở trong thế giới của dữ liệu và khai thác dữ liệu. Chúng ta vẫn cần lưu tâm đến quyền riêng tư của mọi người, đồng thời đảm bảo không yêu cầu khách phải lặp lại thông tin cá nhân, sở thích và nhu cầu nhiều lần. Bằng cách nào đó, chúng tôi phải quản lý để có được tất cả thông tin cần thiết mà không xâm phạm quyền riêng tư của khách. Điều đó rất tế nhị, nhưng như tôi đã nói, chúng ta đang sống trong một thế giới của các dịch vụ được cá nhân hóa, đó là thế giới mà bạn mong đợi, đó là thế giới mà bạn mong đợi, đó là thế giới mà chúng ta có thể tối giản hóa các quy trình, bỏ qua các bước không cần thiết.

Chúng ta đang ở trong thế giới của dữ liệu và khai thác dữ liệu. Bằng cách nào đó, chúng tôi phải quản lý để có được tất cả thông tin cần thiết mà không xâm phạm quyền riêng tư của khách.

Do đó, là nhà cung cấp dịch vụ trong ngành khách sạn, chúng tôi quan tâm và sát sao hơn với nhu cầu và sở thích của khách hàng, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo sự riêng tư cho họ. Chúng tôi phải có khả năng hiểu khách nào không muốn nói quá nhiều hoặc những người không muốn lặp lại những yêu cầu của họ nhiều lần. Chúng tôi hiểu rằng đôi khi khách hàng sẽ khá phân vân khi những thiết bị điện tử cá nhân của họ dường như có thể cho họ mọi lời giải đáp còn nhân viên khách sạn thì không.

Đó là lý do tập đoàn Accor tạo ra “Chương trình khách hàng thân thiết” với phong cách mới có tên ALL (Accor Live Limitless), để ghi nhận, thấu hiểu, trân trọng, kết nối và tặng thưởng cho khách hàng nhiều hơn bao giờ hết. Ngoài ra Accor còn có hệ thống ghi nhận và lưu giữ các nhu cầu và sở thích của khách hàng (Accor Customer Digital Card – ACDC) hỗ trợ chúng tôi chia sẻ sở thích của khách trên toàn cầu. Khách hàng giờ đây có thể được nhận ra ngay trong lần đầu tiên họ ghé thăm khách sạn, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới.”

4/ Chủ tịch Christie’s châu Á – Thái Bình Dương Francis Belin: Hãy sưu tầm những thứ bạn thật sự thích

“Trong việc sưu tầm, tôi nghĩ sự kiên nhẫn là điều rất quan trọng. Đừng bao giờ vội vã trong việc sưu tập thứ gì đó, và phải hiểu thật rõ cái chúng ta đang tìm kiếm. Việc sưu tập là quyết định rất cá nhân đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu, về các nghệ sĩ nhất định, thời kỳ nhất định, mối gắn kết giữa tác phẩm ấy với cá nhân chúng ta. Chúng ta phải thật sự tập trung để làm được điều đó.

Hãy sưu tầm những thứ mà bạn thật sự thích. Đó là trong trường hợp bạn sưu tầm đơn thuần vì sở thích. Nhưng nếu sưu tầm vì đầu tư thì lại là câu chuyện khác. Lúc này bạn phải thật cẩn thận. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ về tác phẩm, để xem nó có khả năng sinh lời trong tương lai hay không. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi tìm đến nghệ thuật là tình yêu. Hãy mua nó nếu như bạn thực sự yêu thích nó, đừng nghĩ nhiều đến việc kiếm lợi nhuận sau này.”

5/ Thierry Stern – Chủ tịch của Patek Philippe: Bạn sẽ thu được giá trị bền lâu từ quan hệ thân cận

“Tôi luôn cởi mở với mọi cơ hội, miễn là các đối tác tiềm năng sẵn sàng chấp thuận quy tắc và triết lý kinh doanh của Patek Philippe. Nhưng thẳng thắn mà nói, đúng là tôi có cảm tình hơn với những công ty gia đình, đơn giản vì chúng tôi tự thân là một công ty gia đình. Với các tập đoàn, điểm khác biệt duy nhất là bạn cần rạch ròi trong quy trình vận hành, vì họ luôn phải giải trình doanh thu và lợi nhuận với cổ đông. Tôi không thích làm việc với những người không hiểu và tôn trọng giá trị cốt lõi của thương hiệu. Lý do nằm ở rủi ro rằng chúng tôi sẽ đánh mất những khách hàng tin tưởng và trân trọng bản sắc của Patek Philippe.

Đối tác của chúng tôi luôn phải đam mê không kém hoặc hơn khi bàn đến triết lý kinh doanh vững bền đi đôi với việc duy trì mối quan hệ bền chặt với các bên. Bạn không cần phải hối hả, liên tục thúc đẩy để sản sinh lợi nhuận tức thời, vốn là điều mà các tập đoàn lớn thường hay làm với kế hoạch 5 năm hay ngắn hơn của họ thay vì thiết lập tầm nhìn lâu dài. 5 năm không là gì cả. Chính vì vậy tôi thích làm việc với các công ty gia đình vì tôi biết chắc rằng, họ vẫn sẽ trường tồn trong 20 năm tới.

Vấn đề mấu chốt lúc này nằm ở việc bạn gầy dựng mối quan hệ thân thiết với mọi người. Sự khác biệt sẽ xảy ra một khi bạn tạo dựng niềm tin bền chặt ở nhau

Ta luôn thu được những giá trị bền lâu từ các mối quan hệ thân cận hơn là ở những mối kinh doanh thuần túy. Với chất lượng và tiêu chuẩn cao trong mỗi sản phẩm mà chúng tôi làm ra, tôi tin rằng việc thu về tiền hay không đã không còn là vấn đề khắc khoải trong tâm trí nhiều người. Vấn đề mấu chốt lúc này nằm ở việc bạn gầy dựng mối quan hệ thân thiết với mọi người. Sự khác biệt sẽ xảy ra một khi bạn tạo dựng niềm tin bền chặt ở nhau.”

6/ Nhà sáng lập AsiaMarrine – Eric Noyel: Bí kíp xây dựng mối quan hệ với khách hàng                     

“Trước hết, chúng tôi đặt sự trung thực làm giá trị cốt lõi. Mối quan hệ giữa người bán và khách hàng là cả câu chuyện dài, từ việc gặp gỡ, tiếp xúc cho đến khi bán hàng, chăm sóc sản phẩm hậu mãi, để rồi sau đó lại tiếp tục phục vụ họ trong lần mua du thuyền thứ hai hay thứ ba… Vì thế, đối với tôi, việc giữ chữ tín là rất quan trọng.

Thứ hai là sự chuyên nghiệp. Chúng tôi bán ra các sản phẩm mang đậm tính kỹ thuật: du thuyền là cả một chỉnh thể rất phức tạp với nhiều hệ thống khác nhau, nên điểm mấu chốt thứ hai của Asiamarine chính là sự chuyên nghiệp. Chúng tôi dành ra khoản ngân sách khá lớn để thu hút các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu nhằm săn sóc và tư vấn khách hàng. Tại Việt Nam, có rất nhiều người muốn sở hữu du thuyền, nhưng lại không thật sự biết cách chăm sóc và bảo dưỡng chúng. Vì thế, chúng tôi đã cử các chuyên gia từ Thái Lan hay Hong Kong đến để tổ chức hội thảo, cung cấp thêm thông tin cho khách hàng.

Yếu tố thứ ba chính là sự năng động, để giúp khách hàng mọi thông tin cần thiết trước khi quyết định mua một chiếc du thuyền. Để làm được điều đó, chúng tôi mời những khách hàng tiềm năng tham gia vào các chuyến du ngoạn trên du thuyền, để trải nghiệm sản phẩm chứ không chỉ nói suông trong văn phòng làm việc. Tại châu Á, thói quen sử dụng du thuyền vẫn còn khá mới mẻ, nên khách hàng cần có được ít nhất một lần trải nghiệm, và nếu thích, họ có thể trở lại để sở hữu chiếc du thuyền đích thực.”

7/ Daniel Welk – Phó chủ tịch tập đoàn khách sạn Hilton: Lựa chọn và chia sẻ tầm nhìn cùng đối tác

Hilton Hotels, Hilton, Travel, International travellers, Social media, Trends, Luxury, Luxury travel

Daniel Welk, Phó chủ tịch tập đoàn Hilton (đơn vị sở hữu Waldorf Astoria) chia sẻ một trong những lược khác biệt mà ông cùng đội ngũ thực hiện đang giúp Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi có thể cạnh tranh với các tên tuổi lâu đời khác. Thành công của Waldorf Astoria Maldives Ithaafushi là việc tuân thủ ba quy tắc: Thứ nhất là vị trí tuyệt vời, thứ nhì là dịch vụ trọn vẹn, thứ ba là có đầy đủ các lựa chọn ẩm thực vì hiện đơn vị đang hợp tác với đầu bếp sao Michelin – Dave Pynt của nhà hàng Burnt Ends, Singapore.

Điều quan trọng là thích nghi và phát triển những trải nghiệm khó quên.

Ông chia sẻ: “Trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc lựa chọn đối tác để cùng chia sẻ tầm nhìn và cam kết chất lượng là điều tối quan trọng. Đôi khi chúng ta không thể đi mà không có sự đồng hành với người khác. Các lựa chọn ẩm thực và khách sạn cần phải đi đôi với nhau, đặc biệt là ở một nơi như Maldives, người ta không dễ dàng di chuyển đến các nơi khác như nghỉ dưỡng ở đô thị. Khái niệm BBQ trên bãi biển và hồ bơi thì Dave làm tốt hơn bất cứ ai khác mà chúng tôi từng biết. Chúng ta cũng phải công nhận rằng ẩm thực của anh phù hợp với môi trường này.

Chúng tôi là những nhà đổi mới, vì thế chúng tôi có khuynh hướng tìm đến những vùng đất nào mà động lực lẫn trải nghiệm của mình được nhân đôi, thậm chí là gấp bội. Điều quan trọng là thích nghi và phát triển những trải nghiệm khó quên. Đạt đến mục tiêu này vừa đơn giản, vừa phức tạp. Thay vì đón khách bằng chiếc xe limousine nào đó, chúng tôi chọn đón khách bằng du thuyền. Mà làm sao để chuyến đi 30 phút trên du chuyền trở thành kỷ niệm khó quên, chúng tôi lại phải cùng nhau bàn ý tưởng tiếp.”

8/ Chủ tịch kiêm CEO LVMH – Bernard Arnault: Triết lý đại tu thương hiệu Tiffany & Co.

Thời gian gần đây, giới mộ điệu chấn động với thông tin tập đoàn LVMH chính thức mua lại nhà kim hoàn Tiffany & Co. với giá 16,2 tỷ USD. Ông Arnault đã lên kế hoạch rót nguồn lực tiếp thị vào dòng trang sức cao cấp của thương hiệu, tập trung vào dòng dây chuyền kim cương thay vì trang sức bạc rẻ tiền. Ông cũng lên chiến lược ra mắt các dòng sản phẩm mới và cải thiện hiệu suất mạng lưới của Tiffany, gồm 321 cửa hàng tại hơn 20 quốc gia.

Chiến lược của ông Arnault là kêu gọi các thương hiệu hưởng lợi từ khả năng chi trả rộng rãi của LVMH để thực hiện chiến lược đầu tư cần thiết. Tỷ phú cũng cho biết việc mua nhà kim hoàn Bulgari vào năm 2011 đã làm mẫu cho mô hình kinh doanh Tiffany, đòi hỏi các khoản đầu tư mới vào tiếp thị, thiết kế cửa hàng và truyền thông. 8 năm sau, doanh thu của thương hiệu Bulgari đã tăng gần gấp đôi và lợi nhuận của nó thì tăng đến 5 lần.

Arnault cũng tiên phong trong việc xây dựng kiến trúc cửa hàng, biến chúng trở thành điểm đến cho khách du lịch quốc tế. Louis Vuitton là trường hợp thành công điển hình cho điều này, khi thu hút lượng khách hàng thường xuyên nhờ kiến trúc độc đáo.  Ông cũng thường xuyên ghé thăm những cửa hàng của các thương hiệu lớn nhất tại thủ đô Pháp và trong các chuyến ra nước ngoài để kiểm tra hoạt động của họ.

Một chiến lược khác là thúc đẩy nỗ lực thu hút người mua sắm Trung Quốc,  những khách hàng tạo lợi nhuận cao hơn người phương Tây. Tiffany & Co. từng đánh giá thấp người tiêu dùng Trung Hoa, và đó là sai lầm của họ. Còn Arnault, ông nhận thấy một lợi thế rất lớn trong mạng lưới bán lẻ của Tiffany: thương hiệu này bán hầu như thông qua các cửa hàng riêng của mình, không phải qua cửa hàng bách hóa hay bên thứ ba nào khác.

9/ Chủ tịch của Longines – Walter von Känel: Chiến lược giá chính xác và triết lý thanh lịch dẫn đầu

Thương hiệu Longines đã tồn tại từ năm 1872, và hiện đứng thứ ba trong ngành đồng hồ đeo tay trên thế giới. Về phân khúc giá, doanh nghiệp luôn thống trị và đến nay vẫn chưa có đối thủ. Để làm nên thành công vượt bậc đó, chủ tịch Longines Walter von Känel chia sẻ: “Tôi cho rằng trước hết, thành công của Longines đến từ việc chúng tôi không muốn làm mọi thứ mà tập trung vào những gì mình giỏi nhất. Điều đó giúp chúng tôi trị vì lãnh thổ trong dòng đồng hồ tầm giá này.”

Chúng tôi lắng nghe người dân địa phương. Người Hàn Quốc biết rõ họ đang hâm mộ ai, người Trung Quốc, người Nhật hay người Việt cũng vậy. Chúng tôi lắng nghe tư vấn từ những người làm trong ngành tại châu Á.

Thật vậy, khi đưa ra thông điệp “Thanh lịch là một thái độ”, Longines không bao giờ nghĩ rằng điều ấy lại thành công đến thế. Công nghệ và dịch vụ tại Longines cho phép họ theo dấu những chiếc đồng hồ được bán ra cho ai, như thế nào từ những năm 1867. Trong ngành công nghiệp khắc nghiệt này, hệ thống máy tính giúp đơn vị trả lời được những câu hỏi về số liệu rằng khi nào cần ra mắt, những khách hàng của họ đang ở đâu và cần làm gì với vị khách đầu tiên đặt mua nó.

Ngài Walter von Känel chia sẻ thêm: “Chúng tôi lắng nghe người dân địa phương. Người Hàn Quốc biết rõ họ đang hâm mộ ai, người Trung Quốc, người Nhật hay người Việt cũng vậy. Chúng tôi lắng nghe tư vấn từ những người làm trong ngành tại châu Á. Họ thường đưa ra những đề nghị, và nếu phù hợp, Longines luôn chấp nhận đồng hành cùng họ để đến gần hơn với người tiêu dùng. Nếu anh để ý, chúng tôi luôn gắn bó lâu dài với các đại sứ của mình.”

10/ CEO AsiaMarine – Nguyễn Thanh Duy: Bí kíp tư vấn khách hàng chọn du thuyền ưng ý

Thành lập từ năm 2013 bởi Eric Noyel, AsiaMarine là cái tên uy tín mà khách hàng thường tìm đến để sở hữu cho mình những chiếc tàu hoàn toàn mới hoặc đã qua sử dụng từ các thương hiệu lớn trên thế giới, cũng như đáp ứng dịch vụ cho thuê lẫn giải pháp quản lý và vận hành trọn gói. Tại Việt Nam, thành viên thứ sáu của AsiaMarine là nhà đại diện và phân phối chính hãng của hai thương hiệu lớn là Bali Catamaran và Numarine.

Chia sẻ về bí kíp tư vấn giúp khách hàng lựa chọn chiếc du thuyền ưng ý, CEO Nguyễn Thanh Duy chia sẻ:Điều quan trọng đầu tiên là phải xác định rõ khách hàng của mình là ai, và khẳng định được năng lực tài chính của họ. Sau khi xem xét ngân sách mà họ muốn chi trả rơi vào tầm nào, bước tiếp theo là xác định kỳ vọng ở họ về kích cỡ du thuyền tùy theo mục đích sử dụng – tàu sẽ được dùng để đi chơi với gia đình, loanh quanh Sài Gòn, đi biển, hay đi xuyên Việt. Từ đó, chúng tôi sẽ tư vấn để giúp họ quyết định mua tàu mới hay tàu cũ sao cho phù hợp với ngân sách. Nếu như mua tàu cũ thì bắt buộc mình phải chọn từ những tàu có sẵn, riêng tàu mới thì phải tiến tới bước thiết kế tàu – tức lựa chọn màu sắc, chất liệu, vật liệu nội thất, lẫn trang thiết bị trên tàu.”

11/ CEO Audemars Piguet – ông François- Henry Bennahmias: Bí kíp xây dựng thương hiệu thành công

Là một phần trong “tam thánh đồng hồ”, Audemars Piguet sở hữu lượng tín đồ đông đảo luôn săn đón mọi sản phẩm vừa được ra mắt. Giám đốc điều hành thương hiệu – ông Francois Henry Bennahmias có nền tảng là một người chơi golf chuyên nghiệp đến sàn thời trang, ông đã chia sẻ nhiều bí kíp xây dựng thương  hiệu Audemars Piguet thành công như ngày hôm nay. Bennahmias đã chứng minh cho giới truyền thông thấy rằng, những người chỉ trích lại không phải là người mua. Do đó, thay vì dành thời gian cố gắng phản hồi chỉ trích và bảo vệ sản phẩm thì Audemars Piguet tập trung hướng đến những khách hàng tiềm năng, bởi chính họ mới là người có câu trả lời.

Những người chỉ trích lại không phải là người mua, thay vì dành thời gian cố gắng phản hồi chỉ trích và bảo vệ sản phẩm thì Audemars Piguet tập trung hướng đến những khách hàng tiềm năng, bởi chính họ mới là người có câu trả lời.

Chiến lược mà Bennahmias đưa ra cho công ty không chỉ tập trung vào Viễn Đông, Hoa Kỳ hoặc Châu Âu mà là một chiến lược cân bằng phân phối đồng đều sự chú ý trên toàn cầu để đảm bảo khi có bất cứ điều gì xảy ra ở bất cứ đâu, tính toàn vẹn của thương hiệu cũng sẽ không bị ảnh hưởng. Hơn thế nữa, thị trường xám đang phá vỡ chiến lược giá của các thương hiệu đồng hồ và là mối quan tâm lớn đối với Audemars Piguet. Trong hơn một năm nay, công ty đang vận hành chương trình second-hand nội bộ với quan niệm làm thứ đúng đắn thay vì trở thành người tiên phong.

Audemars Piguet luôn là thương hiệu đầu tiên áp dụng công nghệ để cạnh tranh với đối thủ. Ví dụ đáng chú ý nhất là sự hợp tác gần đây của họ với nền tảng e-com Trung Quốc JD.com giúp nhãn hàng bán đồng hồ trên WeChat. Mặc dù đạt được kết quả tốt từ trải nghiệm này nhưng công ty vẫn giữ vững mục tiêu ban đầu là tập trung vào phát triển sản phẩm và cung cấp trải nghiệm tốt nhất khách hàng.

12/ CEO Bulgari – Jean-Christophe Babin: Bí kíp tăng doanh số tại Trung Quốc

Bulgari Spa Chief Executive Officer Jean-Christophe Babin Interview

Bulgari SpA vừa có kế hoạch mở thêm một số cửa hàng khác tại Trung Quốc. Đơn vị này cho biết, doanh số bán đồ trang sức của hãng có khả năng tăng gấp đôi trong năm tới mặc cho sự trì hoãn tăng tưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giám đốc điều hành Bulgari – Jean-Christophe Babin chia sẻ: “Hàng năm, một số lượng lớn sinh viên rời các trường đại học, có việc làm và hưởng số tiền lương không nhỏ. Đây chính là cơ hội cho các nhà kim hoàn. Hiện có 5 đến 10 thành phố ở Trung Quốc mà thương hiệu chúng tôi chưa có mặt. Và trong năm tới, chúng tôi hy vọng người Trung Quốc có thể trải nghiệm dây chuyền Bulgari ở nhiều khu vực hơn nữa.”

Khi được hỏi về những rủi ro khó nhằn cho doanh nghiệp, Babin trả lời: “Nó cũng không khác gì so với ở Hoa Kỳ hay Nhật Bản vì mỗi văn hóa đều có vấn đề riêng của nó. Đơn vị của chúng tôi tôn trọng rõ ràng chủ quyền của Trung Quốc, và Bulgari tập trung xây dựng những nhóm địa phương mạnh. Nhận thức nhạy cảm địa phương là quan trọng nhưng điều này cũng không thể ngăn cản bạn thi thoảng mắc một số sai lầm”.

13/ CMO Fabiomassimo Discoli: “Chìa khóa thành công của Ferretti là mở rộng danh mục đầu tư và thị trường mới”

Fabiomassimo Discoli

Trong suốt 5 năm qua, tập đoàn Ferretti đã bắt đầu “cuộc đua” trên bờ biển French Riviera huyền thoại với sự kiện ra mắt đáng mong đợi, nơi hãng kết hợp hai yếu tố kinh doanh và thú vui như triết lý kinh doanh điển hình. Chương trình cung cấp cho khách hàng cái nhìn cận cảnh đầy hấp dẫn về những chiếc du thuyền mới nhất, tiên tiến nhất từ 8 thương hiệu trực thuộc tập đoàn như Riva, Ferretti Yachts, CRN và Custom Line. Thông qua việc đặt lịch hẹn trước, du khách sẽ có cơ hội tham quan nội thất tuyệt đẹp của một số tàu thuyền sang trọng hay trải nghiệm và tận hưởng chuyến ra khơi trên chiếc du thuyền trong mơ.

Để đạt được tham vọng mới, tập đoàn sẽ “bơm” thêm 84 triệu euro nhằm tăng cường sự hiện diện và phạm vi sản phẩm toàn cầu của Wally Yachts, trong khoảng thời gian 4 năm cho đến năm 2022. Tất cả các mẫu mới của thương hiệu cũng sẽ được sản xuất tại xưởng đóng tàu của tập đoàn trên khắp nước Ý. Do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm du thuyền chú trọng vào không gian quốc phòng và an ninh, Bộ phận An ninh Ferretti Security Division đã được thành lập vào năm 2016, giúp đơn vị đạt nhiều hợp đồng mới liên quan đến tuần tra và an ninh hàng hải trị giá 20 triệu euro.

Hơn nữa, tập đoàn cũng thúc đẩy nỗ lực trong phân khúc siêu du thuyền và chiến lược tiếp theo của tập đoàn là tìm kiếm những nhà phân phối đáng tin cậy và hiểu rõ giá trị, tầm nhìn của tập đoàn nhằm quảng bá và cung cấp sản phẩm đến người mua và khách hàng tiềm năng. Ferretti Group cũng đang chuẩn bị chinh phạt vùng đất mới như Campuchia, Myanmar cũng như Hàn Quốc.

14. Adrian Zecha, Nhà sáng lập Aman Resorts : “Tôi không chạy theo xu hướng, một mình một sân chơi

Hơn 45 hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Adrian Zecha đã cắt băng khánh thành vô số khách sạn và thành lập nhiều công ty quản lý khách sạn từ Regent International Hotels, Rafael Hotels, Beaufort Hotels cho đến General Hotel Management. Với vai trò sáng tạo, phát triển và định vị thương hiệu cho Regent International Hotels vào thập niên 70, Adrian Zecha đã đưa Regent nhanh chóng trở thành thương hiệu dẫn đầu phân khúc khách sạn hạng sang tại châu Á và mở rộng sang cả châu Âu và Hoa Kỳ vào những năm sau đó.

Nói về thành công của Aman Resorts, Adrian chia sẻ: “Tôi không chạy theo xu hướng. Nếu có, tôi đã không thành lập Aman. Aman hấp dẫn tầng lớp thượng lưu và khách hàng sành sỏi không phải bởi sự phô trương hay những danh xưng huyễn hoặc, cũng không phải bởi vẻ lộng lẫy kiêu sa của những chùm đèn pha lê hay các chi tiết trang trí hào nhoáng, mà ở phong cách đơn giản đến tối giản đi cùng chất lượng dịch vụ vô song. Không có thủ tục nhận phòng hay ký tên phiền phức trong suốt thời gian bạn lưu trú tại Aman. Sự chuyên nghiệp, linh hoạt và khả năng chú ý đến từng chi tiết của đội ngũ nhân viên Aman sẽ khiến bạn bất ngờ, và họ gần như đoán được những gì bạn muốn ngay cả trước khi bạn lên tiếng.”

15. Ông chủ Rolls-Royce Việt Nam – Đoàn Hiếu Minh: “Chiến lược upsale không thể đi theo phương thức truyền thống”

Nói về thành công của Rolls-Royce Việt Nam, ông chủ Đoàn Hiếu Minh chia sẻ: “Rolls-Royce là mặt hàng mà đi ra đường ai cũng biết. Nó không giống biệt thự. Bạn xây cái nhà rất to nhưng nó đứng một chỗ thôi. Cái xe nó di chuyển, ai cũng có thể biết tới nó. Khách hàng của Rolls-Royce đa phần sở hữu doanh nghiệp và họ thực sự không muốn được chú ý quá nhiều, nhất là trong giai đoạn này. Đó cũng là rào cản cho Rolls-Royce.

Điều họ quan tâm là giá trị của chính họ, chứ không phải giá trị của chiếc xe

Chúng tôi không phân biệt là khách hàng đã mua xe của Rolls-Royce Motor Cars Hanoi hay mua ở nơi khác. Khi khách hàng đã mua Rolls-Royce thì với trách nhiệm là đại lý, chúng tôi sẽ phục vụ. Cứ hỗ trợ một cách tận tình, trung thành và trung thực thôi! Sẽ có một ngày người mua xe hiểu được giá trị của việc mua chính hãng không chỉ nằm ở chiếc xe mà còn ở các dịch vụ hậu mãi, một cách rất thực tế. Có thể điều ấy sẽ xảy ra trong tương lai xa, ví như đến đời con tôi chẳng hạn. Nhưng giờ tôi vẫn cứ làm thôi.

Khách hàng của các đơn vị đó là kiểu khách hàng thứ nhất, đã nói ở trên. Trong một quốc gia thôi nhé, Hà Nội và Sài Gòn đã có thói quen tiêu dùng khác nhau. Sài Gòn cực kỳ thực tế. Xe không cần có nhiều sự lựa chọn, miễn là giá rẻ, hấp dẫn, có thể có hoặc không có bảo hành, không quan trọng. Vì họ đâu cần đến giá trị của Rolls-Royce. Họ cần những giá trị khác, như giá rẻ chẳng hạn. Những khách này chỉ cần cái xe. Họ mặc cả giá sát sàn sạt, không cần bảo hành, bảo trì, không cần phục vụ thì rõ ràng là để cho anh em bán xe ở ngoài – những người bằng mọi cách đáp ứng được giá, cho dù họ không thể cung cấp những dịch vụ đi theo chiếc xe. Đấy là khách hàng của họ.


 
Back to top