ART & LIFE

Bức cổ hoạ quan trọng của nền nghệ thuật Trung Hoa và các phiên bản mô phỏng

Jul 07, 2021 | By Xu

Với lịch sử hơn 5000 năm của mình, người Trung Hoa đã đóng góp nhiều phát kiến khoa học vĩ đại cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật vô giá. Không chỉ là báu vật quốc gia, nhiều bức cổ hoạ còn được xem là nguồn thư tịch quan trọng của nền văn minh Hoa Hạ. Điển hình như “Thanh Minh Thượng Hà Đồ”, một quốc bảo của Trung Quốc với danh tiếng và sức hấp dẫn ở Châu Á tương đương bức “Mona Lisa” ở Châu Âu. 

“Thanh Minh Thượng Hà Đồ” (清明), tiếng Anh thường gọi “Along the River During the Qingming Festival”, tạm dịch: “vẽ cảnh trên sông vào tiết Thanh Minh”, và còn có nghiên cứu cho rằng bức tranh vẽ cảnh trên sông vào một ngày thời tiết sáng trong bình thường. Bức quốc hoạ này được xem là báu vật trong nhiều triều đại quân chủ Trung Hoa. 

Dọc theo chiều dài lịch sử Trung Quốc đã có khá nhiều phiên bản mô phỏng “Thanh Minh Thượng Hà Đồ”. Nhưng phiên bản được cho là đầu tiên và được biết đến nhiều nhất là bức tranh của hoạ sỹ Trương Trạch Đoan (Zhang Zeduan, tự Chính Đạo, 1085 – 1145), đời nhà Tống. Ông được biết đến là một hoạ sỹ hàn lâm trong viện hoạ đồ của triều đại Bắc Tống (960–1127). Do đó, thời điểm ra đời của bức “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” đời Tống được các chuyên gia xác định dựa trên năm sinh của hoạ sỹ Trương Trạch Đoan, tức kể từ năm 1085, và trước năm 1127 –  năm Biện Kinh rơi vào tay nhà Kim. 

“Thanh Minh Thượng Hà Đồ” của Trương Trạch Đoan được vẽ trên một cuộn giấy dài hơn 5 mét (kích thước 24,8 x 528,7cm), mô tả tổng cộng 814 nhân vật, 20 phương tiện đi lại, 60 con vật và 170 cây cối. Tranh mô tả tỉ mỉ và chi tiết cảnh sinh hoạt thường nhật quanh bờ sông của người dân Trung Quốc đời Tống, nơi được cho là cố đô Biện Kinh (nay là thành phố Khai Phong, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). 

Chi tiết cây cầu trong nguyên bản “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” thời nhà Tống, thế kỷ XII

Chi tiết cây cầu trong phiên bản “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” thời nhà Thanh, thế kỷ XVIII

Chi tiết cây cầu trong phiên bản mô phỏng “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” thời nhà Thanh, thế kỷ XVIII

Chi tiết cây cầu trong phiên bản “Thanh Minh Dị Giản Đồ” thời nhà Minh

Chi tiết cây cầu trong phiên bản “Tô Châu – Thanh Minh Thượng Hà Đồ” thời nhà Minh

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng Trương Trạch Đoan không hề tiết lộ một địa danh hay thời gian thực tế nào. Nhiều chi tiết có thể tiết lộ địa điểm đều bị ông ẩn giấu đi. Trong khi đó ông phác hoạ khái quát những sự kiện, tình huống dường như đã xảy ra khắp nơi ở Biên Kinh, nhằm gián tiếp diễn đạt hàm ý sâu xa của ông. 

“Thanh Minh Thượng Hà Đồ” của Trương Trạch Đoan đã từng rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc một thời gian khi Hoàng Đế Phổ Minh mang theo về Mãn Châu Quốc (1932 – 1945, chính phủ do các quan chức nhà Thanh cùng Đế Quốc Nhật Bản thành lập). Trải qua nhiều thăng trầm biến loạn cùng lịch sử Trung Hoa, từ trong cung rồi lưu lạc dân gian, cho đến tận 1951, bức tranh mới được đưa về bảo quản cẩn trọng tại bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. 

Click tại đây để xem nguyên bản “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” ở thế kỷ XII của Trương Trạch Đoan

Mặc dù rất nổi tiếng trong giới học thuật Trung Quốc, nhưng vì bức tranh nguyên bản đã trải qua nhiều truân chuyên và bị tác động nặng nề bởi thời gian, hơn nữa còn là một quốc bảo vô giá, nên rất hiếm khi công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt. Lần gần đây nhất là năm 2020, khi bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh mở cửa cho khách tham quan, đánh dấu cột mốc 600 năm tuổi của Tử Cấm Thành, 95 năm thành lập bảo tàng và 70 năm nghiên cứu kiệt tác “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” của Trương Trạch Đoan. 

Một cuốn sách pop-up dài 5 mét, phỏng theo “Thanh Minh Thượng Hà Đồ”, do nhà xuất bản Tử Cấm Thành và Brother Calabash phối hợp ra mắt tại sự kiện triển lãm năm 2020.

Bức “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” thời nhà Tống của Trương Trạch Đoan đã từng được triển lãm tại Hồng Kông (tháng 6 – 8/2007) để kỷ niệm 10 năm Hồng Kông được chuyển giao về cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngoài chi phí vận chuyển lên đến hàng chục triệu đô la còn đi kèm một khoản chi phí bảo hiểm khổng lồ không được tiết lộ. 

Bức tranh cũng được giới thiệu với công chúng Nhật Bản từ ngày 2 – 24/1/2012, với tiêu chuẩn bảo vệ cao nhất tại bảo tàng Quốc Gia Tokyo, như một triển lãm đặc biệt đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao bình thường hoá Trung – Nhật. 

 

Các bản mô phỏng nổi tiếng

“Thanh Minh Thượng Hà Đồ” đã được nhiều danh hoạ của nhiều thời kỳ mô phỏng, đôi khi sao chép cả bố cục lẫn phong cách vẽ, nhưng có nhiều phiên bản rất chú trọng thể hiện các đặc trưng riêng của kiến trúc, trang phục và bối cảnh xã hội thuộc thời đại đó. 

Các vị Hoàng Đế đã uỷ thác hoạ sư của mình thực hiện nhiều bản sao chép hoặc mô phỏng. Các phiên bản giá trị từng lưu hành trong triều đình đến dân gian có thể lên đến hàng trăm bản. Ngày nay, những phiên bản nổi bật nhất đã được tìm thấy và lưu giữ ở các viện bảo tàng của Trung Quốc, Nhật, Hàn, Đài Loan, Anh, Bắc Mỹ và Pháp. 

1) Bản sao đầu tiên, thường được đánh giá là rất trung thành với bản gốc của Trương Trạch Đoan, thực hiện bởi học giả, hoạ sỹ Zhao Mengfu (1254 – 1322) ở triều đại nhà Nguyên (hay Đại Nguyên, Da Yuan, 1271 – 1368). 

Click tại đây để xem bản sao thực hiện bởi học giả, hoạ sỹ Zhao Mengfu dưới thời nhà Nguyên.

2) Bản sao cung đình tiếp theo được cho là thực hiện bởi hoạ sư Qiu Ying (仇英, 1494 – 1552, chuyên kỹ thuật cọ Gongbi) thời nhà Minh.

Tranh có cấu trúc tương tự so với bản gốc thời Tống nhưng được thực hiện với kích thước dài hơn. Khác với phiên bản của học giả Zhao Mengfu thời nhà Nguyên, phiên bản của hoạ sư Qiu Ying đã thay đổi phong cảnh của triều đại nhà Tống sang triều nhà Minh, và cả những chi tiết tỉ mỉ khác từ trang phục, phương tiện giao thông, kiến trúc và lối sống thị dân. Chi tiết cây cầu gỗ trong tranh thời nhà Tống cũng được thay thế bằng cây cầu đá dưới thời nhà Minh, và có thể cũng giản lược nhiều chi tiết hàm chứa ẩn ý chính trị của Trương Trạch Đoan. 

Theo Comuseum.com, cuộn tranh “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” của Qiu Ying có kích thước 30,5 x 987 cm, mực và màu trên lụa, hiện lưu trữ tại bảo tàng tỉnh Liêu Ninh, thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Qiu Ying là một trong Tứ Sư của nhà Minh (Minh Tứ Gia – 明四家), tức 4 hoạ sỹ bậc thầy của triều Minh, cùng với Shen Zhou, Wen Zhengming và Tang Yin.

Click tại đây để xem bản sao thực hiện bởi hoạ sư Qiu Ying triều đại nhà Minh.

3) Một bản sao khác dài đến 12m được thực hiện vào cuối thời nhà Minh, không rõ danh tính của hoạ sỹ. Các chuyên gia xác định niên đại vào khoảng 1650. Tranh sử dụng chất liệu lụa, bột màu, mực Ấn Độ và vàng. Kích thước 41 x 1285,5 cm. Hiện nay, tác phẩm này thuộc bộ sưu tập của bảo tàng Nghệ Thuật Ứng Dụng (MAK – Museum of Applied Arts) ở Vienna, Áo. 

Click tại đây để xem bản sao cuối thời Minh, hoạ sỹ ẩn danh. Hiện nay thuộc sở hữu của bảo tàng MAK ở Áo.

4) “Thanh Minh Dị Giản Đồ” (清明易簡圖), một phiên bản giản lược bởi một hoạ sỹ không rõ danh tính, được xác định vẽ vào cuối triều đại nhà Minh. Bên cạnh mô phỏng bố cục của bức tranh nguyên bản, hoạ sỹ còn thay đổi một số chi tiết nhằm mô tả thêm về kinh đô Biện Kinh ở cả hai thời Bắc Tống và Nam Tống.

Trong các phần thư pháp và tựa đề trên tranh, có đoạn trích Kinh Dịch – Hệ Từ Thượng rằng: 易則易知, 簡則易從 – Dị tắc dị tri, giản tắc dị tòng (tạm hiểu: đơn sơ dung dị thì dễ nhận biết dễ thấu hiểu, chi tiết giản lược thì dễ làm theo), được các chuyên gia diễn giải rằng tác giả muốn người xem dễ dàng nắm bắt được nội dung bức tranh bằng cách đơn giản hoá nhiều chi tiết và yếu tố phức tạp. Phiên bản này từng được giới thiệu tại triển lãm “Up the River During Qingming”, thuộc bộ sưu tập của bảo tàng Cố Cung Quốc Gia, Đài Bắc (Đài Loan). 

Click tại đây để xem phiên bản “Thanh Minh Dị Giản Đồ” của hoạ sĩ vô danh ở cuối thời Minh

5) Dường như đồng quan điểm “giản tắc dị tòng” vừa nêu trên, một phiên bản mô tả vùng đất Tô Châu đã được các chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật Trung Hoa cũng tìm thấy. Phiên bản này tái hiện “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” với bút pháp giản lược và nhiều màu sắc, được cho là thực hiện bởi một nghệ nhân thuộc xưởng hoạ ở Tô Châu, vào thời đại nhà Minh

Click tại đây để xem phiên bản “Tô Châu” của “Thanh Minh Thượng Hà Đồ”, thời nhà Minh

6) Một phiên bản rất nổi tiếng khác, chỉ sau bản gốc thời Tống, là phiên bản thời nhà Thanh được thực hiện bởi 5 hoạ sư thuộc hoạ viện, gồm Chen Mei (陳枚), Sun Hu (孫祜), Jin Kun (金昆), Dai Hong (戴洪) và Cheng Zhidao (程志道).

Tranh hoàn thành vào năm 1736 để trình lên Hoàng Đế Càn Long, vào ngày 15/1/1727. Đến năm 1949, bức tranh này được quân đội Tưởng Giới Thạch mang đi, trở thành báu vật quốc gia và hiện trưng bày ở bảo tàng Cố Cung Đài Bắc (Đài Loan).

Đây là phiên bản mở rộng nhiều hơn hẳn so với bản gốc đời nhà Tống, mô tả tổng cộng hơn 4.000 nhân vật trên khổ giấy 0.35 x 11 m. Điểm đặc biệt bổ sung của phiên bản đời nhà Thanh là khung cảnh hoàng cung, với vườn thượng uyển và nhiều mỹ nữ. Các hoạ sư cũng thêm vào rất nhiều khung cảnh và chi tiết tái hiện thời đại lịch sử quan trọng này, chẳng hạn như mô tả những hoạt động diễn ra xung quanh các địa điểm đáng chú ý như vùng nông thôn thanh bình, cầu bán nguyệt và các khu chợ đông đúc, các con phố sầm uất, các văn uyển tách biệt và nhiều hoạt động náo nhiệt của thị dân thời nhà Thanh. 

Click tại đây để xem phiên bản quốc bảo thuộc thể kỷ XVIII, lưu trữ tại bảo tàng Cố Cung Đài Bắc (Đài Loan)

7) Đến năm 1751, Hoàng Đế Càn Long yêu cầu một bức tranh khác với bút pháp tương tự nhưng mô tả cuộc sống ở Tô Châu. Phiên bản này được thực hiện trên cuộn vải lụa dài 12m, mang tên “Tô Châu Thịnh Vượng” (姑蘇 繁華 圖 – Gūsū Fánhuá Tú), vẽ bởi hoạ sỹ cung đình Từ Dương (Xu Yang).

Bức tranh tái hiện cuộc sống thị dân náo nhiệt của Tô Châu, đáng lưu ý là bút pháp kết hợp quan điểm nghệ thuật phương Tây với phong cách truyền thống Trung Quốc. Hiện tại, bức họa thuộc bộ sưu tập của bảo tàng tỉnh Liêu Ninh (Liaoning Provincial Museum) 

Click tại đây để xem phiên bản “Tô Châu Thịnh Vượng”. 

8) Một phiên bản mô phỏng khác cũng được thực hiện dưới thời nhà Thanh, nhưng gần như là mô phỏng bức tranh năm 1736 của 5 hoạ sư cung đình của Hoàng Đế Càn Long. Tranh vẽ bởi bút pháp riêng của Shen Yuan (沈 源), một hoạ sư thuộc hoạ viện của triều đại nhà Thanh (thế kỷ XVIII). 

Xem bản mô phỏng của bức “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” thời nhà Thanh, tại đây

9) Theo tài liệu chuyên khảo của bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam (bài viết xuất bản năm 2015), cho biết bảo tàng cũng sở hữu một bản sao của bức “Thanh Minh Thượng Hà Đồ”. Tranh được vẽ trên chất liệu giấy lụa, trải qua thời gian tình trạng hiện vật đã có nhiều hư hại. Mặc dù chưa rõ (hoặc không tiết lộ) thông tin xuất xứ và niên đại, nhưng đây cũng là một nguồn thư tịch quý để các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá và nghệ thuật khám phá và tìm hiểu. 

Nguồn: Baotanglichsuquocgia.vn

Nguồn: Baotanglichsuquocgia.vn

Một vài phiên bản đương đại đáng chú ý

1) Phiên bản kỹ thuật số

Trong khoảng thời gian 3 tháng của Shanghai World Expo 2010, một phiên bản “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” kỹ thuật số đã được ra mắt tại China Pavilion (Thượng Hải). Tại nơi được mệnh danh “Vương Miện Phương Đông”, nơi trưng bày nghệ thuật quy mô nhất trong lịch sử World Expo này, bức tranh nguyên bản thời nhà Tống của Trương Trạch Đoan đã được số hóa sang một phiên bản hiện đại, sinh động, trực quan và có thể tương tác với người xem thông qua công nghệ 3D animation, âm thanh và ánh sáng. 

Phiên bản kỹ thuật số có tên “River of Wisdom” (tạm dịch: Dòng sông tri thức), có kích thước 128 x 6,5m, tức gấp khoảng 30 lần so với bức tranh vật lý cách thời điểm đó hơn 900 năm. Các nhân vật và nhiều chi tiết trong tranh có hiệu ứng chuyển động, tái hiện các hoạt động của đời sống thị dân thời nhà Tống trong chu kỳ 4 phút bao gồm ngày và đêm. 

 

Sau sự kiện Expo, phiên bản này tiếp tục được trưng bày tại AsiaWorld – Expo Hồng Kông, từ ngày 9 – 29/11/2010. Sau đó, “River of Wisdom” tiếp tục du hành đến triển lãm Macau Dome tại Macau (từ 25/3 – 14/4/2011), và đến Expo Dome ở Đài Bắc, Đài Loan (từ 1/7 – 4/9/2011).

Từ ngày 7/12/2011 – 6/2/2012, tác phẩm này được giới thiệu với công chúng Singapore, thông qua triển lãm “A Moving Masterpiece: The Song Dynasty As Living Art”, tại Singapore Expo. Hiện nay, phiên bản này được trưng bày thường trực tại bảo tàng Nghệ Thuật Trung Quốc (The China Art Museum) ở Thượng Hải. 

2) Phiên bản gốm

Tương tự như phiên bản Tô Châu thời nhà Minh, ở thế kỷ XXI, “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” đã được mô phỏng và cải biến sang phiên bản tranh gốm, khắc hoạ khung cảnh quanh bờ sông Nghi Lan (Yilan) nổi tiếng của Đài Loan. 

Nguồn: jp.taiwantoday.tw

Nguồn: chinatimes.com

Đây là một bức tranh gốm tinh xảo nằm bên bờ sông Nghi Lan, tái hiện cuộc sống của thành Nghi Lan và sông Nghi Lan hồi đầu thế kỷ XX. Thành Nghi Lan có lịch sử hơn 200 năm, là trung tâm kinh tế chính trị của huyện Nghi Lan. Và sông Nghi Lan là huyết mạch phát triển thương mại của địa phương. Bức tranh được thực hiện bởi đội nhóm của giáo sư Trần Thế Cường (khoa Mỹ Thuật, đại học Sư phạm Chương Hoá), xuất phát từ lời đề nghị của chính quyền huyện Nghi Lan, như một phần của dự án cải thiện diện mạo bờ sông, nhằm tôn vinh giá trị văn hoá và lịch sử của địa phương. 

Phiên bản “Nghi Lan – Thanh Minh Thượng Hà Đồ” có chiều dài 30 mét, được ghép từ 6510 mảnh gốm và mất 1 năm để hoàn thành. 

 

3) Phiên bản thời Covid-19

Đầu tháng 6 này, trong diễn biến các thành phố trên khắp thế giới vẫn đang hết sức nỗ lực nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của Covid-19, một nhân viên nghệ thuật (art worker) tên Chen Zhijie, sống ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã vẽ một bức tranh mô tả sự kiện thử nghiệm axit nucleic trong thành phố của anh, lấy cảm hứng từ bức cổ họa “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” đời nhà Tống. 

Ý tưởng thực hiện bức tranh của Chen xuất phát từ trải nghiệm cá nhân khi được xét nghiệm axit nucleic hồi cuối tháng 5/2021. Bản thân Chen vô cùng xúc động trước sự cống hiến của các nhân viên y tế, cũng như cảnh tượng những người dân ngày thường hối hả bận rộn, nhưng nay lại hết mực kiên nhẫn xếp hàng và chờ đợi đến lượt. 

Mặc dù bức tranh của Chen Zhijie không thể gọi là một phiên bản mô phỏng của “Thanh Minh Thượng Hà Đồ”, với tỷ lệ nhỏ và giản lược hơn rất nhiều so với tranh gốc cũng như nhiều phiên cảm cùng thời khác. Nhưng với nguồn cảm hứng từ một bức hoạ rất nổi tiếng của nền nghệ thuật cổ đại Trung Hoa, Chen đã minh hoạ 15 địa danh ở Phật Sơn và 345 nhân vật trong tác phẩm của mình, bao gồm nhân viên y tế, tình nguyện viên và cư dân địa phương. Tổng cộng Chen đã dành ra 5 ngày để hoàn thiện bức tranh sau khi đã thực hiện toàn bộ các bước phác thảo. 

Tranh của Chen đã nhận được sự đồng cảm và yêu thích từ cộng đồng mạng ở khắp thế giới, do anh đã phần nào tái hiện khung cảnh của những dòng người, các bộ trang phục bảo hộ, dụng cụ y tế, và cả những khoảnh khắc hoang mang và mệt mỏi, đoàn kết và sẻ chia, trong tình cảnh đại dịch vẫn không ngừng phá vỡ sự ổn định, an toàn và gắn kết xã hội của toàn thể nhân loại trong hơn một năm qua. 

Nguồn

en.wikipedia.com, en.people.cn, rolandlim.wordpress, nghethuatxua.com, vn.rti.org.tw, mywoodprints.fr, dkn.news, comuseum.com, sohu.com

Thực hiện: Xu


 
Back to top