ART & CULTURE

Ký ức Đông Dương (4): Bố tôi dẫn thầy Inguimberty về quê vẽ đồng lúa và sông Hồng

Jun 27, 2022 | By Art Republik

Joseph Inguimberty (1896-1971) là một họa sĩ Pháp, nhận lời mời của Victor Tardieu về dạy khoa trang trí Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Tuy không trực tiếp sáng tác trên chất liệu sơn mài, nhưng Inguimberty là một trong những người quan trọng cùng Alix Aymé phát triển tranh sơn mài Việt Nam. Ký ức về thày Inguimberty được họa sĩ Nguyễn Đức Hòa ghi chép lại từ những câu chuyện kể của bố mình, họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1939 -1944), sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 13.

Họa sĩ Joseph Inguimberty, tức “thày I”, theo cách gọi tắt tên các thày của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nguồn: Hoạ sĩ Đức Hòa chụp lại từ sách “JOSEPH INGUIMBERTY 1896-1971”, Giulia Pentcheff xuất bản tháng 6 năm 2012.

Vì xem bài trò mà thày nổi hứng đi vẽ

Ngay từ khi còn đang học luyện thi ở lớp Libre, bố tôi đã để ý thấy thày Inguimberty rất hay đi vẽ cảnh làng quê Việt Nam. Chính thày cũng chọn xưởng vẽ trong làng Kim Liên chứ không ở ngoài phố. Thày thích vẽ trực họa theo kiểu của các họa sĩ Ấn tượng Pháp.

Năm 1939, khi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương, bố tôi rất tích cực vẽ tranh phong cảnh mỗi khi cả lớp đi thực tế và vào các dịp nghỉ hè. Năm 1940, khi chấm bài thực tế, thày Inguimberty hỏi bố tôi vẽ cảnh ở đâu. Bố tôi trả lời là về quê vẽ. Bố tôi kể với thày rằng làng quê chúng tôi nằm ngoài đê sông Hồng, trên thềm đất khá cao nên rất thơ mộng, nhưng cứ vài năm lại chịu một đợt lụt lội lớn. Còn cánh đồng lúa của làng lại ở trong đê nên rất dễ ngắm nhìn toàn cảnh.

Lúc ấy, thày Inguimberty ngỏ ý muốn đến đấy vẽ. Tất nhiên bố tôi rất mừng và hẹn sẽ dẫn thày về vẽ làng quê mình. Đó là thôn Văn Tinh, xã Xuân Canh, hồi ấy còn thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (sau này mới sáp nhập huyện Kim Anh với phần lớn huyện Đông Ngàn của Bắc Ninh, thành huyện Đông Anh thuộc Hà Nội). Theo đường chim bay thì rất gần, chỉ cần đi đò ngang từ Nhật Tân qua sông Hồng là tới. Ấy thế nhưng khoảng năm 1940 thì phải đi 2 lần đò vì có một bãi nổi cực lớn giữa sông là bãi Tằm Xá, lớn hơn nhiều so với bãi Phúc Xá dưới chân cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay). Còn đi theo đường bộ thì hơi xa, phải qua 2 cầu Doumer và cầu Đuống (hồi ấy chưa có cầu Đông Trù) rồi rẽ trái, cứ theo đê qua ngã 3 sông Đuống-sông Hồng một đoạn mới tới làng. Tuy nhiên nếu có phương tiện thì cũng chẳng thành vấn đề.

Thế rồi dịp may cũng tới. Đợt đi vẽ thực tế định kỳ hàng năm cho tất cả các khóa học của trường năm ấy, thầy Inguimberty đã chọn quê bố tôi. Thày thuê một chiếc xe ngựa để hai thày trò đi ngắm cảnh trước. Tới nơi thày rất ưng ý thấy làng ở trên mỏm đất cao nhô ra đầy ấn tượng. Hồi ấy làng ở gần ngã ba sông, trước mặt là sông Hồng, xuôi xuống một chút là sông Đuống, còn trong đê là cánh đồng lúa phẳng bao la, lấp lánh ánh nắng buổi sáng. Đứng trên đê có thể vẽ cả trong đồng lẫn ngoài sông với ánh sáng thay đổi sớm-chiều.

Sơ đồ đường đi từ Hà Nội sang thôn Văn Tinh, xã Xuân Canh, theo bản đồ Hà Nội 1935. Vạch xanh là đường đò ngang sông Hồng nhưng vướng bãi Tằm (Tầm) Xá. Vạch đỏ là đường bộ qua 2 cầu Doumer và Đuống, rồi rẽ trái theo đê bên tả ngạn là tới. Nguồn: Đức Hòa đồ họa 2 đường xanh và đỏ trên một phần của Bản đồ Hà Nội, do Service Géographique de l’Indochine (Sở Địa lý Đông Dương) in tháng 8 năm 1935 (Edition d’Aout 1935).

Ảnh chụp họa sĩ Inguimberty và chòi vẽ dùng bên hữu ngạn sông Hồng (bên Hà Nội). Nguồn: Đức Hòa chụp lại từ sách “JOSEPH INGUIMBERTY 1896-1971”, Giulia Pentcheff xuất bản tháng 6 năm 2012.

Thuê làm chòi để tránh nắng, che mưa

Xác định xong vị trí sẽ đứng vẽ, thày I (theo thói quen sinh viên gọi tắt tên thày) rút trong túi ra một tờ giấy cho bố tôi xem, đó là bản vẽ một cái chòi tre. Thực ra nó không cao như chòi, 4 chân rất thấp, mặt sàn cao chỉ độ 50 cm, tựa như cái nhà sàn mini có 2 vách phên cố định, 2 vách phên còn lại có thể gỡ ra, lắp vào tùy ý. Thày muốn thuê dân làng đóng cái chòi này. Thày bảo “xứ An Nam chúng mày nắng thì gắt mà mưa cứ như bão, tao từng phải xuống ruộng vớt tranh lên, ướt hết” (Nhiều năm sau, sang Pháp, tôi mới biết mưa bên xứ thày chỉ ngang mưa nhỏ qua loa bên ta). Thày lại bảo đã có một cái chòi như thế này để chuyên đi vẽ bên kia sông, bây giờ đóng thêm để chuyên đi vẽ bên này sông.

Bố tôi bèn dẫn thày vào làng gặp Lý trưởng. Ông Lý tái mặt hỏi nhỏ bố tôi xem có phải quan Tây về vẽ địa đồ để tịch thu đất làng hay không? Bố tôi phải giải thích là quan Tây chỉ vẽ cảnh thôi, vì làng mình đẹp. Vẫn nửa tin, nửa ngờ, Lý trưởng run rẩy nhận lời đóng chòi tre cho quan Tây. Thời ấy chuyện này là một vinh dự, hơn nữa lại được trả tiền sòng phẳng, mà làng thì có lũy tre dày. Hẹn 3 hôm nhưng quan Tây khoát tay cho hẳn 5 ngày. Tạm xong thỏa thuận, bố tôi dỡ đồ vẽ của mình từ xe xuống và về nhà, còn thày I lên xe sau khi đã dặn xà ích nhớ đường để 5 ngày nữa quay trở lại. Liền mấy hôm sau, bố tôi hướng dẫn người làng làm chòi vẽ cho thày, chủ yếu để che mưa che nắng trong lúc vẽ, cũng để tránh ánh mắt tò mò của dân làng.

Y hẹn, 5 ngày sau chiếc xe ngựa chở thày I quay lại. Làng đã dựng sẵn cái chòi đúng vị trí từ mờ sáng. Lúc thày đến, bố tôi cùng Lý trưởng và mấy thợ làng đứng chờ bàn giao. Thày leo lên ngay để thử độ chắc chắn của cái sàn ken bằng những thân tre đực và ngắm nhìn cảnh sắc cả hai bên sông và bên những cánh đồng. Êm xuôi, ông Lý và đám thợ làng rút. Thày I hối hả vẽ ngay. Bố tôi cũng đứng vẽ bên cạnh chòi và cố để ý kỹ thuật vẽ của thày.

Tranh “Đồng lúa” (Rice field), sơn dầu trên toan cỡ 73 x 116 cm của Inguimberty, vẽ khoảng năm 1939-1940. Nguồn: Internet.

Tranh “Châu thổ sông Hồng” (Red river delta), sơn dầu trên toan cỡ 81 x 116 cm, vẽ khoảng năm 1930, thuộc Witness Collection, Malaysia. Nguồn: witnesscollection.com và sách “JOSEPH INGUIMBERTY 1896-1971”, Giulia Pentcheff xuất bản tháng 6 năm 2012.

Thày I vẽ nhanh, cả tranh lẫn “pochade”

Vì thày đã từng thuê làm chòi vẽ rồi nên cái chòi lần này tỏ ra rất tiện dụng cho họa sĩ trực họa phong cảnh: mái lợp rơm rất mát mà che được cả mưa, có 2 phía là những tấm phên, gỡ ra hay chống lên thì tha hồ rộng, thoáng, thoải mái ngắm và vẽ nhưng khi rút cây chống ra thì phên ập xuống thành vách kín, có then cài, khỏi lo bay mất tranh.

Thày vẽ rất say sưa. Khởi đầu không vẽ ngay toan to mà vẽ những tấm bìa nhỏ đã hồ nền, thậm chí bìa bọc toan sẵn – đó là cách vẽ “pochade” (đọc là pô sát), khi cảm hứng dâng tràn mà chưa xác định góc cảnh hoàn hảo thì có thể vội vẽ nháp để ghi lại cảm xúc ở bất cứ góc cảnh nào. Chỉ sau vài bản thử đó, thày mới quyết định hướng chính để vẽ trên toan to. Cánh đồng lúa dần dần hiện lên với các thửa ruộng toàn dùng họ màu xanh lá cây, nhưng khác nhau một cách tinh tế. Không thể ngờ thày là Tây mà tả ra rất dễ dàng mạ non, lúa non, lúa đang thì con gái, lúa sắp chín, ruộng khoai, ruộng đã cày, ruộng đã bừa mà chưa cấy, đầm sen… thậm chí tả được cả ruộng hoang mọc lởm chởm cỏ năn, cỏ lác. Tài tình hơn nữa khi thày tả bóng nước rất phong phú tùy theo ruộng: nơi thì trong veo lồng bóng trời mây, nơi đục ngầu nước hồng nhạt pha vàng đất vì mới bừa xong, chỗ lại rực sáng như gương…

Khó nhất là thày vẽ các hàng lúa non mới cấy uốn lượn điệu đà mà lại hết sức tự nhiên, và thày lách bút bẹt để tả bóng mạ chèn bóng nước một cách ngon ơ mà đầy hiệu quả. Sau này họa sĩ người Việt “dám” tả ruộng lúa mới cấy cũng không nhiều. Dường như chỉ có vài ba tên tuổi như Trịnh Hữu Ngọc, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Trần Đình Thọ… đều là các trò cũ của thày – có thể vẽ ruộng mạ hay lúa đẹp tương tự như thày.

Hôm ấy thày tạm ngừng bức vẽ cảnh trong đồng khi nắng đã đứng bóng bởi mặt trời lên cao. Ngắm nghía một hồi, thày xoay ra vẽ “pochade” ngoài sông rồi ngừng tay để hôm sau trở lại vẽ tiếp cảnh trong đồng buổi sáng, còn buổi chiều vẽ cảnh sông Hồng và con đê. Kết cục bức tranh thứ 2 có vẻ thày không ưng ý lắm. Thày tả ra màu nước đỏ của sông nhưng mặt nước có vẻ hơi cứng. Sông Hồng xưa nay là một “ca” khó nhằn với bất cứ họa sĩ nào – vẽ đúng màu nước đỏ đục thì nom cứng như mặt bùn nhão, vẽ cho trong thì nom như mặt sông giả bằng thủy tinh. Mặc dù vậy, thày I vẫn là một họa sĩ hiếm hoi ham vẽ khá nhiều cảnh sông Hồng, ít nhất tả ra màu nước trong không gian đặc trưng của Bắc kỳ. So sánh để thấy: sau này các họa sĩ người Việt ta cũng vẽ không ít cảnh sông Hồng… nhưng để tả ra màu nước lạ lùng và ám ảnh của Hồng hà như thày thì không nhiều.

Tranh “Cả nhà bên đồng lúa” (Famille dans la riziere), sơn dầu trên toan cỡ 29 x 80 cm, thuộc bộ sưu tập tư nhân, không rõ năm vẽ. Nguồn: Đức Hòa chụp lại từ sách “JOSEPH INGUIMBERTY 1896-1971”, Giulia Pentcheff xuất bản tháng 6 năm 2012.

Tranh “Phong cảnh Đông Dương” (Paysage d’Indochine), sơn dầu trên toan cỡ 40 x 72,5 cm, không rõ năm vẽ. Nguồn: Internet.

Chuyện bối rối về bữa xôi gà buổi trưa

Ngay buổi trưa đầu tiên, cả thày I và bố tôi đều bất ngờ khi ông Lý trưởng kính cẩn cùng một tuần đinh bưng ra một mâm xôi gà tú hụ. Thày từ chối vì đã mang sẵn bánh mì. Hơn nữa, thày bảo với bố tôi rằng “không thể xơi món gà rất dai của chúng mày”. Mãi sau này tôi mới biết người Pháp quen ăn gà hầm nhừ hoặc bỏ lò quay chín chứ không quen luộc! Lúc ấy ông Lý bối rối ra mặt. May thay bố tôi sáng ý bảo thày cứ nhận cho khỏi mất lòng. Kết quả là trưa hôm đó mình bố tôi chén đẫy món xôi gà cực ngon mà lại còn thừa, gói mang về nhà. Xế chiều thày lại lên xe ngựa trở về Hà Nội để sáng hôm sau lại lên. Còn bố tôi tất nhiên ở lại nhà ông bà nội của tôi. Tối hôm ấy, ông Lý thân chinh sang nhà gặp bố tôi chỉ để gặng hỏi mục đích vẽ “địa đồ”’ của ông Tây, làm cho bố tôi phải giải thích mãi, thậm chí lấy… đầu ra bảo đảm ông Tây sẽ không lấy đất của làng! Nhân thể, bố tôi lựa lời bảo ông Lý hôm sau khỏi làm xôi gà nữa vì ông Tây quen bánh mì và bơ sữa cơ.

Đợt đi vẽ tả ngạn sông Hồng của thày I kết thúc sau 4 ngày

Thày I vẽ được một loạt cả tranh lẫn “pochade”, đều bằng sơn dầu. Cái chòi tre thày gửi lại nhà bố tôi để lần sau quay lại dùng tiếp, khỏi mất công thuê chở đi chở về cồng kềnh. Thày bảo bố tôi nếu thích cứ dùng cái chòi mà vẽ. Thấy bố tôi tỏ ý không dám, thày bảo bố tôi nên sử dụng vì để lâu không dùng chòi cũng sẽ mau hỏng.

Bố tôi sau này đùa vui rằng lãi nhất là học được kỹ thuật trực họa phong cảnh của thày. Cái chòi tre cũng không tồn tại lâu, nhất là sau khi trường phải sơ tán bởi Mỹ ném bom sập một lớp điêu khắc vào cuối năm 1943. Đầu năm 1944, phân hiệu Hội họa và một phần Điêu khắc chuyển lên Văn Miếu, Sơn Tây, thày I vẽ thêm nhiều cánh đồng lúa với núi Ba Vì xanh mờ nơi chân trời và không bao giờ trở lại tả ngạn sông Hồng để vẽ cảnh nữa. Thày là họa sĩ Pháp chuyên vẽ toàn cảnh các cánh đồng lúa Việt Nam rất thành công…

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, bắt giam tất cả các thày Tây của trường cùng với gia đình họ. Trường Mỹ thuật Đông Dương đột ngột tan. Ngày 29 tháng 10 năm 1946 thày Inguimberty cùng gia đình trở về Pháp vĩnh viễn. Lịch sử mỹ thuật Việt Nam lật sang trang mới…

TÁI BÚT: Tôi rất tiếc phải dùng các minh họa ở dạng “ước đoán”, bởi thiếu các bằng cứ chắc chắn mấy bức tranh đó được thày I vẽ ở quê tôi. Đành chọn những bức phong cảnh đồng lúa hay sông Hồng mà không có núi Ba Vì nơi chân trời. Hồi bố tôi còn tại thế thì đất nước còn gần như đóng cửa, làm sao dễ kiếm hình ảnh trên mạng và sách báo ngoại như bây giờ! Vì thế tôi chỉ toàn nghe bố kể suông mà không có minh họa.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa
(Thuật lại theo ký ức của thân phụ là họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp)


 
Back to top