Toàn cảnh nghệ thuật Mosaic Hồi giáo
Một trong những khía cạnh đặc trưng nhất của kiến trúc Hồi giáo sơ khai trên toàn thế giới là việc sử dụng tranh khảm mosaic, cả trong nhà dân lẫn công trình tôn giáo.
Có lẽ, không có một hiện tượng nghệ thuật nào sinh ra một cách nguyên bản, vì các nền văn hóa gần như tương tác trực tiếp – gián tiếp lẫn nhau, để lại những dấu vết hữu hình của nhau trong các di sản vật chất. Một ví dụ cụ thể cho điều này là việc sử dụng tranh khảm của những người Hồi giáo đầu tiên.
Bắt đầu ở vùng Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, tranh khảm đã xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại và sau đó là La Mã cổ đại. Vì các bộ lạc Ả Rập thường là những thương gia, nên họ biết rõ những người mà họ đang buôn bán cùng và cả những xu hướng đang thịnh hành. Về trang trí nhà cửa, một trong những vật liệu phổ biến nhất thời đó là khảm Byzantine, được tạo thành từ những mảnh thủy tinh, gốm, đá cẩm thạch hoặc đá quý và kim loại lấp lánh dưới ánh sáng.
Dome of the Rock
Sau khi nhà tiên tri Muhammad thành lập thể chế nhà nước Hồi giáo đầu tiên, cuộc chạy đua giành quyền lực trong phạm vi ảnh hưởng của Hồi giáo bắt đầu mở rộng. Một trong những triều đại mạnh nhất giành được quyền lực là Umayyads, người đã tạo ra thể chế nhà nước Hồi giáo thứ hai sau Muhammad. Vị vua thứ năm trong triều đại, Abd al-Malik ibn Marwan, là người đã xây dựng thánh đường Dome of the Rock ở giữa Jerusalem. Sự thống trị của người Hồi đối với địa điểm này vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi vì đây cũng là một nơi linh thiêng đối với người Do Thái.
Dome of the Rock là một ví dụ tuyệt vời về sự tương giao văn hóa. Những bức tranh khảm vàng lung linh dưới ánh sáng cho thấy ảnh hưởng to lớn của phong cách trang trí Byzantine (hầu hết có thể là những bức tranh ghép được tạo ra bởi các nghệ nhân Byzantine), trong khi những chiếc vương miện lặp lại trong biểu tượng, không kém gì những chiếc vương miện mà các vị vua Sasanian đeo.
Các bức tranh khảm bên trong Dome of the Rock không có bất kỳ một hình người hay động vật nào, thay vào đó chúng mang đến cho người xem một bữa tiệc của các hình học và hoa văn phức tạp. Mặc dù Hồi giáo không cấm sử dụng nghệ thuật tượng hình, nhưng chúng ta sẽ không tìm thấy nó trong kiến trúc tôn giáo. Những biểu tượng đặc trưng này dựa trên Kinh Qur’an.
Một quan niệm cho rằng chỉ có Allah là người tạo ra các sinh vật sống và bất kỳ ai cố gắng tái tạo tác phẩm của Ngài đều đang có ý cạnh tranh với Ngài. Thay vào đó, mỗi người nên tôn vinh công việc của Đức Chúa Trời và quý trọng Ngài như một con người hoàn hảo. Do đó, người Hồi giáo đã thể hiện sự hoàn hảo và vô hạn ấy thông qua hình học, họa tiết thực vật (thường đề cập đến màu xanh của Thiên đường) và từ ngữ. Chữ viết đặc biệt quan trọng trong kiến trúc Hồi giáo. Và tất cả sáng tạo gần như dựa trên Kinh Qur’an, nghĩa đen là “đọc thuộc lòng”.
Nếu bạn quan sát kỹ hình ảnh trên, bạn sẽ thấy các dòng chữ được làm bằng vàng. Chúng được viết theo phong cách cũ gọi là Kufi, đặc trưng bởi tính góc cạnh (giúp dễ đọc). Các chữ cái tăng hoặc giảm xuống từ một đường nằm ngang, được cân đối cẩn thận và đảm bảo tính thẩm mỹ. Các chữ khắc tại Dome of the Rock cũng là bằng chứng sớm nhất cho văn bản Kinh Qur’an.
The Great Mosque of Damascus
Người Hồi giáo chinh phục Damascus vào năm 634 CN. Đây được coi là nơi linh thiêng thứ tư đối với toàn bộ tôn giáo. Được biết, các bức tranh khảm mà bạn tìm thấy cả bên trong và bên ngoài The Great Mosque of Damascus hầu hết được tạo ra bởi những nghệ nhân bậc thầy của Byzantine.
Hầu hết các bức tranh khảm trong nhà thờ Hồi giáo này đại diện cho cảnh quan đô thị và thiên nhiên (không có con người). Ở ảnh trên, chúng ta có thể nhìn thấy các cung điện Umayyad xa hoa được xây dựng dọc theo bờ sông Barada trù phú, với ý nghĩa, hoặc là nhằm tôn vinh vẻ đẹp tráng lệ của thành phố Damascus dưới thời cai trị của Umayyad, hoặc ám chỉ một cách tượng trưng đến địa đàng đã hứa với các tín hữu.
Hisham’s Palace
Cung điện Hisham, Palestine, cách Jericho 5km về phía bắc, tại Khirbat al-Mafjar trên Bờ Tây. Khu phức hợp này trải rộng hơn 60 ha. Tại đây, người ta đã tìm thấy tác phẩm khảm Cây Sự sống, mô tả một con sư tử đang săn bầy linh dương dưới chân một cây xanh. Màu sắc chói sáng và các mô thức hình học lặp lại trong bức tranh ghép đã định hình thiết kế Hồi giáo sau này.