Họa sĩ Trần Hữu Nhật: “Lang thang nhưng không có nghĩa là lạc lối!”
Lang thang nhưng không có nghĩa là lạc lối. Hội họa của Trần Hữu Nhật có lẽ thật hòa hợp với nhận định đó của Tolkien. Với anh, một người nghệ sĩ thực thụ phải vừa trải vừa nghiệm. Nếu không chịu dấn thân, nếu không hồn nhiên đi sâu vào đời sống và chính mình, sẽ không thể nào hòa vào dòng chảy uyển chuyển của nghệ thuật.
Dòng năng lượng uyển chuyển trên tranh dường như chứng tỏ được tính thông về mặt tay nghề và tâm hồn của người họa sĩ. Với anh, để đạt sự uyển chuyển này thì cần những yếu tố cốt lõi nào?
Đối với tôi, mọi thứ không nằm gì ngoài những năm tháng khổ luyện, vẽ và vẽ… cũng ngót nghét 20 năm. Kinh nghiệm từ đó mà phát khởi nhưng trên hết, tôi đánh giá cao những trải nghiệm hay chiêm nghiệm đương đại mang tính cá nhân sau mỗi tác phẩm mà tôi cho là tương đối và có cả những bức vẽ còn chưa xong.
Từ nhỏ, năng khiếu vẽ của tôi luôn nổi trội hơn các môn khác, rồi cứ thế tôi nuôi dưỡng đam mê cho đến ngày vào trường Đại học Nghệ thuật Huế. Khi ra trường, tôi tiếp tục quá trình tự học, tự khám phá qua việc thực hành hội họa, dẫu chỉ là décor, vị dân sinh như vẽ tranh tường, nhận vẽ chân dung, vẽ trên áo dài, trực họa phong cảnh… Nhưng nhờ vậy mà trình căn bản hội họa hay tay nghề ngày một thành thạo; kinh nghiệm, tư duy, tâm hồn cũng từ đó mà được khai phóng. Đây là một quá trình kiên nhẫn và sóng gió nhưng không thể thiếu cho con đường sáng tác bền bỉ về sau.
Có lẽ sự uyển chuyển, tính nhịp điệu, dòng năng lượng, cảm xúc đẹp trên tranh tất yếu đều phải kinh qua hàn lâm viện, nền tảng học căn bản hay năng khiếu xuất chúng nhưng nhất mực phải cộng hưởng với lửa nhiệt thành, tình yêu lớn với nghệ thuật. Từ đó mà sinh ra hai định nghĩa khác nhau giữa nghệ nhân và nghệ sĩ. Trong quan điểm của tôi, nghệ nhân thiên về kinh nghiệm nhưng nghệ sĩ đặc biệt cần trải nghiệm từ bên trong lẫn bên ngoài mới có thể thổi hồn vào sáng tác.
Nói đến khía cạnh uyển chuyển, tôi thấy dường như sự chuyên tâm vẽ trực họa của anh cũng đã đóng góp rất lớn cho quá trình khai mở ý niệm nghệ thuật?
Tôi vẽ trực họa vì đơn giản bản thân là con người ham chơi, ham đi, ham thích vẽ ngoại cảnh, đặc biệt là cố đô Huế, nơi tôi sinh sống và làm việc. Có thể nói tôi là người nghiện Huế ngay khi đang ở Huế. Tôi chợt nghĩ là một họa sĩ mà không họa thiên nhiên, con người, thắng cảnh, quê hương thơ mộng của mình thì phí cả đời người.
So với việc vẽ trong xưởng họa, thì trực họa bao giờ cũng đặc biệt sinh động, kỳ thú và thi vị. Tất cả luôn chuyển động, ánh sáng luôn biến đổi theo không gian và thời gian. Từ cái thấy bằng con mắt vật lí rồi vẽ bằng cảm quan cá nhân, sau cùng bức tranh chính là tâm cảnh vui, buồn của họa sĩ phơi lộ trên tranh thông qua màu sắc , hình dạng, bố cục, đường nét…
Tôi nghĩ trực họa ít nhiều khai sáng hội hoạ bởi ta được học từ người thầy Thiên Nhiên vĩ đại. Trực họa cho tôi cái thấy để đi tìm cái không thấy. Chẳng hạn, các tác phẩm “trừu” của tôi ở thì hiện tại phần lớn là phi hình, chỉ còn tính động, nhịp điệu, cuộc chơi sáng tối, trở về cái không hoàn thiện và mục đích không vì gì cả. Miễn là tôi thấy mình tự do, gây ngạc nhiên cho chính mình là được!
Như anh có nhắc đến yếu tố sáng – tối, phải chăng để một tác phẩm hài hòa thì điều đó có nghĩa là cân bằng về tính nhị nguyên: sáng – tối, trầm- động, nóng – lạnh…
Với tôi, khi sáng tác là “như nhiên”, bản thân không có quan niệm hay chú tâm quá nhiều đến sự sáng-tối trên tranh. Tôi thường vẽ nhanh nhưng khi hành động vẫn có tính toán và hạn chế tối thiểu sự tham dự sâu của lý trí.
Tác phẩm “trừu tượng” có tính sáng – tối hấp dẫn, nhịp điệu đẹp, cân bằng thị giác cao cho thấy người vẽ có năng khiếu hay trình căn bản hội hoạ tốt mới đạt được điều đó. Nhưng vì tôi không đào sâu hay có chủ ý nào về tính sáng tối nên việc dùng những kỹ thuật hay ý niệm vô cùng đơn giản. Tôi thích sự ngẫu biến, chất liệu tổng hợp, đắp, dán, tung tẩy màu dày đồng thời sử dụng các vật liệu linh tinh có sẵn trong xưởng họa và sơn ccrylic là chính.
Theo anh, cái khó của vẽ trừu tượng là gì? Và như thế nào là một bức tranh trừu tượng không bị hời hợt?
Tôi rất thích câu hỏi này! Thực ra, không ít người cho rằng vẽ trừu tượng không khó, thậm chí khá dễ dàng. Dường như họ nghĩ cứ bôi màu một cách tự do, vô thức không cần suy nghĩ lên bề mặt tấm vải toan, giấy… là có thể tạo nên một bức trừu tượng. Có nhiều họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật có thể hoàn thành tốt một tranh có chủ đề theo phong cách như hiện thực, ấn tượng, siêu thực, biểu hiện… nhưng khi cầm cọ vẽ trừu tượng, họ sẽ thấy ngay sự bế tắc và rất dễ sa vào tầm thường, ngô nghê, nhạt nhẽo, nhàm chán…
Theo tôi, cái khó của vẽ trừu tượng là làm sao để tác phẩm đạt cân bằng về mặt thị giác, hỗn độn nhưng hài hoà, thống nhất trong đa dạng, khơi gợi tính cảm xúc mạnh mẽ và đặc biệt những sắc thái giai điệu của màu sắc trong nghệ thuật trừu tượng là một câu chuyện lớn. Nó thực sự đẹp khi kích thích xúc giác, từ đó tạo nên một khoái cảm đặc biệt nào đó. Nó làm cho ta cảm thấy tâm hồn hưng phấn, tràn đầy năng lượng, thậm chí có thể gợi ý tưởng sáng tạo cho chính bản thân tác giả, cho người xem ngay cả khi họ ở lĩnh vực khác không thuộc về nghệ thuật.
Ngoài ra, để một bức trừu tượng không bị nông, không bị hời hợt, chúng ta cần thể hiện những cảm xúc cơ bản của con người như bị kịch, ngây ngất, diệt vong hay đức tin. Tôi yêu thích hai câu nói này:
“Đừng làm xiếc với nghệ thuật . Nó chỉ tạo ra một thứ tiểu xảo tầm thường mà thôi.” – Bùi Xuân Phái.
“Vẽ giống quá thì chiều theo thế tục. Vẽ không giống thì nhạo báng nhân gian.” – Tề Bạch Thạch.
Ai theo dõi Nhật đủ lâu cũng sẽ thấy anh vẽ khá nhiều dòng tranh, biến đổi liên tục. Có bao giờ anh thấy mình đang “lang thang”? Hay với anh, như vậy mới là sáng tạo?
Tôi thích “lang thang”, càng nhiều nữa càng tốt. Có người từng hỏi tôi: “Trường phái hội hoạ của anh là gì?” Tôi bảo: “Tôi không có trường phái, với hội hoạ, tôi mong mình mãi như một đứa trẻ thích nghịch cát, vui chơi tự do, khám phá đến tận cùng cái gọi là nghệ thuật cho đến ngày nhắm mắt.”
Hiện tại hội hoạ của tôi là phi hình, tạm gọi là trừu tượng vậy. Mà thực quá nên thành trừu tượng chăng? “Sáng tạo chính là bản sắc”. Trừu tượng, với tôi, là sự khám phá chính cảm xúc trong tầng sâu nội tâm và vô thức.
Như vậy hẳn là anh cũng không chủ tâm đào sâu điều gì để lột tả lên tranh?
Tôi vẽ chỉ để giải tỏa niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Tôi không có chủ đề nào cụ thể. Và với trừu tượng thì thường là “Vô Đề”.
Tôi sáng tác trừu tượng bởi tôi thích “vẻ đẹp của sự tự do”. Không có đúng sai cho một tác phẩm thuộc thể loại này và đôi khi cũng không còn cần bàn đến đẹp hay xấu nữa. Bản chất của trừu tượng là đưa ra tín hiệu thị giác nhằm đánh động tinh thần, kích thích sự tưởng tượng, gợi mở sự sáng tạo cho người xem và thôi thúc họ tự chiêm nghiệm, tự do khám phá và đặt ra một ý nghĩa nào đó mà họ cho là như vậy.