ART & CULTURE

“Không gian khác” phản ánh một tam giác hình thành xã hội loài người

May 20, 2023 | By Art Republik

“Đây là tôn giáo giả tưởng trong không gian giả tưởng được vẽ bởi trí tưởng tượng của một kẻ ngoại đạo đi lạc vào thế giới khác. Có thế giới đã qua, có thế giới tương lai, thì cũng có không gian mà tôi và bạn chưa nghĩ đến”.

Tháng Năm này, ngôi nhà xấp xỉ 130 tuổi đời từ thế kỷ XIX tại số 29 – 31 Tôn Thất Thiệp (TP. HCM) mở cửa chào đón công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng lãm triển lãm cá nhân lần thứ 4 của họa sĩ Phạm Thanh Toàn. Đây là lần thứ 2 không gian kiến trúc thuộc địa từng được xem là nhà khách của đền Hindu Sri Thendayuthapani (ở đối diện) mở rộng cửa bảo trợ nghệ thuật. Tuy vậy, đây lại là lần đầu tiên chúng ta có dịp thưởng lãm và chiêm nghiệm khái niệm “không gian khác” trong nghệ thuật lẫn kiến trúc hoài niệm hiện hữu, nơi mà Phạm Thanh Toàn lựa chọn để các tác phẩm mới nhất của anh tự sự với người xem.

Thế giới giả tưởng của màu sắc và các nhân vật kinh điển

“Không gian khác” là triển lãm cá nhân lần thứ 4 của Phạm Thanh Toàn, nhưng lần đầu tiên Toàn tự tay tổ chức. “Không gian khác” phản ánh trí tưởng tượng của người họa sĩ trẻ về một tam giác giả tưởng hình thành xã hội loài người là tâm linh, tình yêu, các tác động xã hội, v.v.. Thật khó để tìm thấy cái gọi là “chuỗi câu chuyện cố định” trong các tác phẩm có cùng chủ đề của Toàn. Trong thời đại đề cao sáng tạo có “concept”, Toàn là một trong các họa sĩ hiếm hoi không sáng tác “chuỗi”, cũng không lấy “concept” làm trọng tâm thực hành nghệ thuật. Nhà sưu tập Vương Bắc Đẩu từng nhận xét “tranh của Toàn là sự ngây ngô, ngây ngô đến rồ dại và hoang dã, thiên nhiều về bản năng của một cậu trai đang lớn, hay nói trắng ra là một “họa sĩ đang dậy thì” bằng hết cả sự nôn nóng thể hiện, cuồng nhiệt trong phong cách làm việc, táo bạo trong chủ đề”.

Mỗi bộ sưu tập của Toàn hầu như chỉ gói gọn trong vài bức. Vậy nên, “Không gian khác” trên thực tế cũng chỉ là vài không-gian. Nhưng, lại là những bối cảnh rộng lớn trên những kích thước lớn. Tầng tầng lớp lớp nhân vật. Dồn dập chuyển biến. Nóng bỏng câu chuyện. Nhân vật của Toàn không chỉ có con người, sinh vật, đồ dùng ở thế giới này, hay thần linh, nhân vật bước ra từ Kinh Thánh, thần thoại, sử thi, cổ tích, phim Hollywood, mà còn cả vật dụng không phải ở thế giới này.

Phạm Thanh Toàn, “Đấu trường La Mã”, màu bột, 250 x 400 cm

Các hiệp sĩ, ngựa giấy, con quạ, nhà thờ, hàm cá mập không đối chọi với cầu vồng, chồng sách bị đạp đổ, thuyền hồng dát vàng, hình nhân đứng trên lưng người mẹ, hay nhẫn kim cương, đàn piano, đèn chùm xa hoa, v.v.. Chúng là hiện thân của những lát cắt trong cuộc sống được chuyển hóa bằng trí tưởng tượng của người họa sĩ về một thế giới hạnh phúc. Hay nói đúng hơn, thế giới hạnh phúc trong tưởng tượng của Toàn được hình thành từ ám ảnh của người họa sĩ về âm-dương, sự sống-cái chết-luân hồi, khát vọng tự do, trò chơi vương quyền, sự phản biện mới-cũ, hôn nhân và vị trí của người phụ nữ, v.v..

Trên bề mặt không gian rộng lớn này, “chủ thể xuyên suốt” chính là lăng kính của chàng trai có hoài niệm về tinh hoa quá khứ, có lòng trắc ẩn, và đặc biệt, có tư tưởng tự do và hạnh phúc rất bản năng. Những cặp đôi trong tranh Toàn không được vẽ đầu. Tình yêu đi từ con tim, cần đầu làm gì. Hay người phụ nữ trần truồng nhìn đờ đẫn, chán đời nhưng vẫn nắm trong tay vật gì đó của đức tin để bám víu và hi vọng. Có quạ và ngựa giấy thì sẽ có cầu vồng. Chết không phải là kết thúc mà là bắt đầu của sự tái sinh, của sự sống mới. Những chân lý cũ xưa được diễn giải bằng nội lực của trí tưởng tượng và tư duy nghệ thuật mới: Xung đột và phản biện tạo ra sự phát triển. Kết quả khác sẽ tạo ra thế giới khác.

Mọi người có thể sẽ phản biện tôi vẽ sai rồi. Trong kinh, sách, lịch sử, đời thực không có nhân vật này, không có câu chuyện này. Nhưng, tôi không kể chuyện, cũng không phản ánh hiện thực cuộc đời tôi hay ai khác. Đây là tôn giáo giả tưởng trong không gian giả tưởng được vẽ bởi trí tưởng tượng của một kẻ ngoại đạo đi lạc vào thế giới khác. Có thế giới đã qua, có thế giới tương lai, thì cũng có không gian mà tôi và bạn chưa nghĩ đến”.

Một thực hành hoán đổi sơn mài và sơn dầu

Vậy nên, đứng trước tranh của Toàn, dù choáng ngợp nhưng không khó hiểu, nhất là khi tầng tầng lớp lớp các lát cắt cuộc sống đó được thể hiện bằng thủ pháp đơn thuần. Không lớp lang. Không kỹ thuật cao siêu. Không có sự lấp liếm màu sắc. Có chăng là sự lung linh, huyền ảo, sang trọng với hiệu ứng âm bản giữa các lớp màu, không khỏi khiến liên tưởng đến tinh thần của sơn mài. Rất rõ ràng, Toàn đã không bỏ qua ưu thế xuất thân bài bản từ tranh sơn mài của mình. Tính đồ họa đã được tận dụng tinh tế vào bố cục lọc hình và dựng hình cho bối cảnh bao la, rộng lớn, dày đặc nhân vật của hội họa biểu hình (figurative) trên “mặt phẳng” của “Không gian khác”.

Tuy nhiên, sự nóng bỏng của “Không gian khác” không chỉ đến từ bút pháp mãnh liệt, đường nét thô ráp mang tính biểu tượng, hay màu sắc sống động, bạo liệt, mà còn từ sức trẻ trong suy nghĩ và thực hành nghệ thuật của Phạm Thanh Toàn. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều thế giới tưởng tượng đang tồn tại song song trong cùng một bề mặt không gian. Đôi lúc ta có cảm giác người họa sĩ cố tình kết thúc thế giới tưởng tượng này để đi vào thế giới tưởng tượng khác. Đây chính là sự tài tình của Toàn trong cách cân bằng hiệu quả thị giác với cảm xúc bản năng và biểu hiện trực diện – những yếu tố được anh coi trọng như nhau. Nó giống với cách mà Toàn phát triển các chủ đề của mình, và không khác lắm với đặc tính của những người sáng tạo trẻ ngày nay: Không đi theo một trường phái cố định, không thực hành một concept xuyên suốt.

Thực hành hội họa của Toàn được anh định nghĩa đơn giản là “Thời Trang” (theo nghĩa tích cực của từ này): Chủ đề vô hạn nhưng có thời sự, có xu thế và có… thời hạn. Tự nhận mình là một người yêu đời, trắc ẩn, bị ảnh hưởng bởi cách vận hành của các ngành khác, lẽ đương nhiên, anh khao khát tiếp cận, thể hiện nhiều nội dung khác nhau. Điều này lý giải vì sao một họa sĩ tuổi đời trẻ, tuổi nghề chưa nhiều nhưng nội dung sáng tạo lại dày dặn và vô cùng đa dạng (hơn 120 bức tranh khổ lớn và 14 tác phẩm điêu khắc trong vòng 3 năm); và nếu như có lặp lại thì là bởi xu thế đòi hỏi sự lặp lại những chắt lọc tinh túy không bị lỗi thời.

Phạm Thanh Toàn, “Đức Chúa và Satan”, sơn dầu, 300 x 400 cm

Chúng ta có một thứ quý giá gọi là trí tưởng tượng. Vì sao phải kiểm soát và triệt tiêu nó bằng những gì mình nghĩ mình biết, mình đọc, mình học, một cách cứng nhắc? Vì sao không để tinh thần bên trong bay bổng, mở ra những lý giải mới mẻ? Vì sao lại rón rén, cắt xén năng lực làm phong phú tinh thần của chính mình? Tôi đương nhiên mong muốn mọi người sẽ sống trong Không Gian Khác mà tôi nghĩ đến, tưởng tượng đến. Nhưng trên hết, tôi hi vọng mỗi người khi đứng trước mỗi tác phẩm sẽ nhìn thấy câu chuyện của mình, xã hội mình đang sống và có thể tự liên tưởng đến xã hội trong trí tưởng tượng của chính mình. Không cần cố tìm hiểu ý tưởng của tác giả”.

THÔNG TIN TRIỂN LÃM

  • Triển lãm “Không gian khác” trưng bày 10 tác phẩm sơn dầu khổ lớn (từ 2 đến 6 mét) và 1 tác phẩm điêu khắc, nối dài sự huyễn tưởng của Toàn về thế giới mà chỉ mình anh, mình chúng ta biết.
  • Địa điểm: P’artie, 29 – 31 Tôn Thất Thiệp, quận 1, TP. HCM (Lầu 1)
  • Mở cửa tự do cho công chúng (không thu phí): từ 21.05.2023 – 28.05.2023. Thời gian: 10:00 – 19:30 hàng ngày (Riêng thứ 6 ngày 26.05.20023, đóng cửa buổi chiều, từ 13:00)
  • Địa điểm triển lãm được bảo trợ bởi ông Huỳnh Nhất Phương và P’artie.


 
Back to top