Không gian sống

Những triết lý thiết kế bền vững từ 4 kiến trúc sư Việt Nam tài năng

Sep 19, 2021 | By Trang Ps

4 KTS bao gồm Hồ Viết Vinh, Đoàn Thanh Hà, Nguyên Kava và Nguyên Hạnh Nguyên chia sẻ với LUXUO những phương án tiếp cận một công trình xây dựng bền vững trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam, gây ra những hậu quả không lành mạnh cho môi trường lẫn sức khỏe con người. 

1/ KTS Hồ Viết Vinh: Bền vững tâm linh là yếu tố cốt lõi

Khi nói về một công trình bền vững, theo KTS Hồ Viết Vinh, ta cần xem xét sự bền vững này là về khía cạnh nào: bền vững kết cấu, bền vững môi trường, bền vững thẩm mỹ hay bền vững văn hoá. Hiện nay, người ta thường bàn luận nhiều về bền vững môi trường khi sự khai thác thiên nhiên đã đến ngưỡng phá huỷ.

Theo anh, một công trình bền vững phải bao hàm cả bốn yếu tố trên và thêm một yếu tố có tính cốt lõi làm nền tảng là: bền vững tâm linh (spiritual sustainability). Bền vững tâm linh dựa trên trực giác thấu được giá trị cốt lõi của mọi sự sống trên hành tinh chính là sự hoà hợp để giúp nhau cùng tồn tại.

Về ý niệm, không gian được làm bằng khoảng trống, nếu không có khoảng trống thì chẳng có không gian. Chúng ta cần phải phân biệt được cặp khái niệm rỗng/đặc và trống/kín, một bên nói về mật độ chiếm chỗ không gian và một bên nói về độ mở với không gian bên ngoài. Khoảng trống chính là nơi tạo nên sự đối thoại giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người và giữa mình với thế giới tâm linh. Một sự trống rỗng dẫn đến vô tận trong sự biến chuyển và đổi thay.

2/ KTS Đoàn Thanh Hà: Tiếp cận mô hình nhà ở bền vững cho vùng nông thôn Việt 

Hiện nay, KTS Đoàn Thanh Hà vẫn đang phát triển một chuỗi nhà ở nhỏ theo mô-đun, dựa trên công cụ “ba lần”:

– Tối thiểu có ba tầng sử dụng (nền, sàn, mái) nhằm tiết kiệm quỹ đất và nước.

– Kiến trúc bao gồm ba thành phần: bộ khung kết cấu, hệ bao che (hai-ba lớp), phần hoàn thiện (thang, đồ đạc,…)

– Ba kiểu mái nhà sinh lợi (phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thu nước mưa,…)

Tạm thời bỏ qua yếu tố con người, Đoàn Thanh Hà cho rằng ba yếu tố cấu trúc – vật liệu – địa phương gắn kết chặt chẽ sẽ tạo nên một linh hồn kiến trúc trọn vẹn. Anh đề xuất một cấu trúc (không gian) tương tự như tự nhiên theo một cách nhân tạo, với những vật liệu quen thuộc (thân thiện và có sẵn), ở từng bối cảnh (vật lý và văn hóa-xã hội). Đương nhiên, tất cả phải dựa trên những nhu cầu của người sử dụng cụ thể.

Việc sử dụng vật liệu nào phụ thuộc vào tính chất và địa điểm mà kiến trúc sẽ hiện hữu. Vật liệu đóng một vai trò rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp, nó đã là những đơn nguyên nhỏ để tạo nên công trình. Chẳng hạn, anh và đội ngũ đã tạo ra ngôi nhà làm từ một thanh tre (Tổ ấm nở hoa), một khối đất (Không gian thân thiện BE), một viên gạch (Cái hang gạch), một viên ngói (không gian Ngói), một hạt gỗ (Mành Mành salon), một thanh gỗ (nhà hàng Cheering), một mảnh đá (không gian S), một mảnh hàng rào (hồi sinh công viên Mỏ Mạo Khê),…

3/ KTS Nguyên Kava: Nương theo triết lý vô vi của Lão Tử và vô ngã của nhà Phật

Theo KTS Nguyên Kava, công trình kiến trúc sinh ra không nhằm đáp ứng tính cách nào của người kiến trúc sư hay tiêu chí lẫn phong cách mà xã hội đề ra. Công trình kiến trúc cần đáp ứng cho một hay nhiều đối tượng cùng sống trong không gian ấy, với nhu cầu sinh hoạt cụ thể, trong một bối cảnh, vị trí diện tích miếng đất, xã hội văn hóa, điều kiện tự nhiên,… thuộc nơi đó. Công trình kiến trúc phục vụ con người, vì thế cần lấy yếu tố con người làm gốc, cụ thể là những nhu cầu thiết yếu về thân và tâm của họ trong khi sinh hoạt trong công trình.

Khi tới một nơi nào đó để khảo sát thiết kế, di sản kiến trúc địa phương đóng vai trò quan trọng và cần được nghiên cứu kỹ để học hỏi. Vì di sản này phản ánh lối sinh hoạt, tập quán cũng như văn hóa của con người nơi đó, đồng thời thể hiện điều kiện thời tiết và khí hậu của khu vực, từ đó giúp KTS có thêm nhiều dữ liệu thiết kế nhằm phục vụ con người sống trong công trình tốt hơn. Cũng nhờ vậy, công trình kiến trúc tương tác với môi trường tự nhiên trọn vẹn hơn.

Anh cho rằng vì kiến trúc phục vụ cho đời sống con người, và là con người, thì ai ai cũng làm việc gì đó nhằm mưu cầu hạnh phúc. Triết lý vô ngã của nhà Phật đã chỉ cách làm thế nào để đạt cuộc sống hạnh phúc, và áp dụng triết lý này vào kiến trúc cũng kiến tạo ra các không gian nhằm hướng con người tới sự bình yên và cân bằng. Song song đó, triết lý vô vi của Lão Tử hướng con người hòa hợp với tự nhiên, sống an nhiên hạnh phúc, và kiến trúc cũng như vậy, cũng cần hòa hợp với tự nhiên và để con người hòa hợp với tự nhiên.

4/ KTS Nguyên Hạnh Nguyên: Bản sắc văn hóa tạo nên giá trị bền vững cho kiến trúc

Theo KTS Nguyên Hạnh Nguyên, các công trình hiện nay hiếm ảnh hưởng hay học hỏi từ Indochine hay hiện đại bản địa. Tư duy thẩm mỹ hạn chế tạo ra sự đứt gãy văn hóa. Con người không quan tâm đến những gì thuộc về quá khứ nữa mà có chiều hướng học rất nhanh kiến thức quốc tế nhưng lại không học tới. Kiến trúc quốc tế nhấn mạnh vào tính thẩm mỹ, với tỷ lệ vàng và ngôn ngữ tạo hình chuẩn xác. Nhưng chúng ta lại không đi vào được tỷ lệ chuẩn ấy, hoặc nếu đạt, thì nhà thiết kế phải đấu tranh với chủ đầu tư rất nhiều để khẳng định cái riêng.

Chị cho rằng nếu quan sát kỹ, ta có thể nhận ra kiến trúc vùng đồng bằng như đồng bằng sông Cửu Long cũng có truyền thống riêng, như lớp mái dài nhưng không dốc vì mưa không to, nhà trên cọc cao vì điều kiện ngập nước. Nếu ta tinh nhạy học hỏi kiến trúc truyền thống ở vùng ta sắp sửa làm dự án thì sẽ tạo ra sự nối tiếp một cách logic.

Cũng giống như bây giờ, khi làm kiến trúc, ta phải có thái độ 100 năm sau nữa thì chúng sẽ là di sản. Tức công trình kiến trúc hiện nay không khác gì trạng thái di sản mới. Khi tiếp cận với thái độ ấy, thế hệ tương lai khi nhìn vào những gì chúng ta đã làm sẽ cảm thấy trân trọng và khao khát lưu giữ bản sắc. Nhưng nếu không tạo ra giá trị và sao chép một cách thô thiển không chắt lọc thì họ sẽ nhận ra một thời kỳ Việt Nam không có bản sắc kiến trúc.


 
Back to top