DINING LIBRARY

Dining Library: Các nhà hàng Fine Dining Việt trẻ đang gầy dựng di sản của chính họ

Aug 11, 2023 | By Ton Binh

Từ trải nghiệm ẩm thực cao cấp gần như không được thế hệ Gen Z hay Millennials Việt quan tâm, Fine Dining giờ đây đang gầy dựng những di sản ẩm thực cho chính họ. Cách nào, để họ luôn hấp dẫn thực khách trẻ tuổi? Và đâu là một nhà hàng Fine Dining Việt thành công? 

Ảnh: Gia Restaurant

Năm năm trở lại đây, sự thay đổi rõ rệt trong phân khúc nhà hàng cao cấp khi nhiều mô hình Fine Dining đạt chuẩn được mở ra. Trong đó, những cái tên như Gia Restaurant, CoCo Dining & Whisky Bar, T.U.N.G Dining, CHAPTER DINING AND GRILL,… với nhiều dấu ấn riêng biệt đã mang đến những lựa chọn đa dạng cho thực khách.

Thuật ngữ Fine Dining vốn được hình dung là trải nghiệm ẩm thực xa hoa, sang trọng với bàn tiệc trắng, nến thơm, âm nhạc du dương cùng người đầu bếp Michelin nổi tiếng. Tuy nhiên, khi tới Việt Nam, những thương hiệu trên đã khéo léo lồng ghép yếu tố văn hoá bản địa cùng những lựa chọn tinh tế để vừa tạo ra nét riêng, vừa giữ được quy chuẩn quốc tế của nó. 

Vậy đâu là công thức chung cho mô hình này? 

Thiết kế không gian độc bản 

Một mô hình nhà hàng cao cấp thành công bước đầu, không thể không kể đến quá trình thiết kế cho không gian. Rất khó để không bị trùng lặp hoặc bị bê nguyên ý tưởng từ nơi khác vào nhà hàng của mình. 

Nếu như Gia Restaurant thành công khi đem lại cảm giác ấm áp, thân thuộc khi sử dụng chất liệu gỗ và hoạ tiết Đông Dương làm điểm nhấn thì CoCo Dining & Whisky Bar lại mang đến không gian hiện đại với bức tranh pop art cá tính, tông đen sang trọng chủ đạo kèm quầy bar thưởng thức whisky đa dạng. Nhà hàng cung cấp tới 300 loại whisky đặc biệt để phục vụ thực khách trong không gian gợi chút liên tưởng đến những quán jazz tại New York (Mỹ) nhưng cũng đầy mới mẻ và hứng khởi của nhịp sống Sài Gòn về đêm. 

LUXUO Point: Công thức cho Fine Dining Việt – Đón thế hệ mới, giữ gu thế hệ cũ

Trong khi đó, CHAPTER DINING AND GRILL gây ấn tượng với thiết kế nguyên bản, sử dụng các vật liệu tự nhiên, mộc mạc như tấm sắt gỉ, gỗ thô hay khối đá sần được sắp đặt khéo léo. Hiệu ứng về sự chuyển mình mang nhiều tầng ẩn ý là điểm nhấn trong thiết kế đặc trưng của nhà hàng. 

Sáng tạo, tinh tế trong ẩm thực

Một vẻ đẹp hoàn thiện không chỉ đến từ bên ngoài, món ăn là linh hồn của những nhà hàng nổi tiếng và đặc biệt đối với Fine Dining. Để tránh bị nhầm lẫn với cách hiểu ẩm thực kết hợp từ nhiều nền văn hoá, nhiều thương hiệu đã lựa chọn lối đi riêng để níu chân thực khách. 

Vốn xuất phát là đầu bếp nên Hoàng Tùng – T.U.N.G Dining rất coi trọng việc thiết kế món ăn trong thực đơn của nhà hàng. Tại đây, bạn sẽ được phục vụ tổng cộng 18 món ăn với những phần cụ thể. Có cảm giác món ăn tại đây mang âm hưởng Bắc Âu rõ rệt bởi đầu bếp chính đã học tập và sinh sống tại đó trong khoảng thời gian dài. Đồng thời, thức uống đi kèm được kết hợp giữa nước ép trái cây và bia. Trong đó cũng có một số thương hiệu Việt như Furbew, Pasteur,.. 

Với Gia, bếp trưởng Sam Trần lại lựa chọn làm đồ Việt sáng tạo, cao cấp. Khi thực khách tới đây, họ sẽ được khám phá hành trình 4 chặng từ lounge, nhà hàng chính, bếp và cuối cùng quay lại lounge. Từng chi tiết nhỏ đều mang nét Việt Nam nhưng vẫn có phần hiện đại. Nguyên liệu chế biến cũng thuần Việt và được thay đổi chi tiết thành 72 mùa nhỏ trong năm bởi sự trân quý của đầu bếp đối với những nguyên liệu quý hiếm, khi chúng chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn. 

Tại CoCo, triết lý Khí, Thổ, Lửa, Mùa Gặt tương ứng với 4 vị Chua, Mặn, Cay, Ngọt được thể hiện với kỹ thuật phức tạp, cầu kỳ của bếp trưởng Võ Thành Vương. Anh sử dụng một số đặc sản Việt Nam cùng với kỹ thuật chế biến tinh tế từ Pháp, hoặc đôi khi lại sáng tạo những loại trái cây ngon để lên men rồi chế biến thành kem. Mục tiêu của CoCo Saigon là định nghĩa triết lý ‘đương thời’ của mình bằng sự pha trộn giữa văn hoá địa phương và kỹ thuật chế biến cao cấp của thế giới hiện đại. 

Ảnh: CoCo Sài Gòn

Nhân hoà 

Phong thái, chuyên môn, kỹ năng là những điều quan trọng cần có đối với những người quản lý, chuyên gia thậm chí đến từ chính những nhân viên tại nhà hàng. 

Bạn cần tạo cho họ sự thân thuộc và giúp họ hiểu được chính công việc mình làm từ đó có thể làm chủ không gian, coi bản thân như người “chủ nhà”. Bởi họ là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên mọi hành động, cử chỉ cần có sự chỉn chu, chi tiết và chuyên nghiệp. 

Một số nhà hàng sẽ cần đến chuyên gia về rượu đối với mô hình Whisky Bar. Họ sẽ trực tiếp tư vấn và hỗ trợ trải nghiệm thực khách. Ví dụ như tại CoCo Sai Gon, những chuyên gia về Whisky hay rượu vang đảm bảo sẽ nắm bắt được tâm lý khách hàng và mang đến cho họ những thông tin, trải nghiệm hoàn hảo trong quá trình khám phá tại đó. 

Ảnh: Gia Restaurant

Sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp là tín hiệu tốt cho tiềm năng và cơ hội phát triển lĩnh vực nhà hàng cao cấp tại Việt Nam. Với những người tiên phong dám nghĩ, dám làm và hơn hết là cùng tạo ra giá trị chung, đem đến trải nghiệm mới cho người Việt.

Thu Thảo 


 
Back to top