ART & CULTURE

Ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Hiện Sinh đối với nghệ thuật hiện đại 

Jun 18, 2021 | By Xu

Triết lý của Chủ Nghĩa Hiện Sinh có ảnh hưởng lớn trong nghệ thuật hiện đại, định hình trong quá trình tư duy của con người, dẫn hướng cho việc khám phá vai trò của nhận thức cảm tính và trải nghiệm chủ quan cá nhân.

Trong các thảo luận triết học

Chủ Nghĩa Hiện Sinh là một phạm trù triết học suy ngẫm về ý nghĩa, mục đích và giá trị tồn tại của con người. Thuật ngữ “Existentia” trong tiếng Latinh, và “Existence” trong tiếng Pháp và Anh, hay “Dasein” trong ngôn ngữ Đức, phản ánh quan điểm cơ bản của triết lý này. Và mặc dù thuật ngữ này được chuyển ngữ sang tiếng Việt là “hiện sinh”, có nghĩa là “cuộc sống hiện tại”, nhưng cách dịch đó đã không bao hàm đầy đủ tư tưởng của một trào lưu triết học có sức ảnh hưởng như vậy.

“Existentialism” – Chủ Nghĩa Hiện Sinh, không đơn thuần tập trung vào cuộc sống trước mắt hay sự tồn tại mà ta đang có. Sự sống hiện hữu này cần nhấn mạnh tính chủ quan, khám phá sự tồn tại của cá nhân cụ thể – một tồn tại có ý thức và “tồn tại cho” chính cá nhân đó, thay vì chỉ là “tồn tại duy lý” do/bởi/tại một điều gì đó không phải tự thân mong muốn.

“Paths of Glory” (Đường đến Vinh Quang), bộ phim phản chiến năm 1957 của đạo diễn Stanley Kubrick đã minh hoạ Chủ Nghĩa Hiện Sinh bằng cách xem xét lại sự phi lý đối với thân phận con người trong “nỗi kinh hoàng của chiến tranh”.

Những người theo thuyết hiện sinh cho rằng con người đưa ra quyết định dựa trên ý nghĩa chủ quan nhiều hơn là tính hợp lý thuần tuý, do đó phản đối Chủ Nghĩa Thực Chứng (Positivism) và Chủ Nghĩa Duy Lý (Rationalism).

Chủ Nghĩa Hiện Sinh đề cao trải nghiệm chủ quan trong suy nghĩ, cảm giác và các hoạt động cá nhân. Luận điểm cốt lõi là “hiện sinh có trước bản chất”. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu và triết gia cũng cho rằng tư tưởng quan trọng của chủ nghĩa này đồng thời cũng dẫn đến mâu thuẫn lớn nhất của nó, khi phủ nhận tính tất yếu và quy luật khách quan, và rằng sự tự do lựa chọn của cá nhân có thể dẫn đến những sai lầm không thể cứu vãn.

“Con người trước hết là tồn tại, đối diện với chính mình, vươn lên trong thế giới – và sau đó tự định nghĩa bản thân” – Jean-Paul Sartre

Các nhà triết học hiện sinh cũng bị cho là có nguy cơ phá vỡ mọi thứ có ý nghĩa. Và họ dễ chìm đắm trong ý niệm phi lý rằng trên đời này không có ý nghĩa nào ngoài ý nghĩa mà chúng ta gán cho nó, từ đó càng lạc lối trong nhận thức về sự vô nghĩa, cô độc trong sự lên án và tự phán xử đối với bản thể, rốt cuộc đối mặt với “hiện sinh” của chính bản thân trong tuyệt vọng.

Thuật ngữ Chủ Nghĩa Hiện Sinh được đặt ra bởi nhà triết học công giáo người Pháp tên Gabriel Marcel vào giữa những năm 1940, trực tiếp áp dụng cho Jean-Paul Sartre trong một buổi hội đàm năm 1945. Triết gia Sartre đã bác bỏ, nhưng rồi thay đổi ý định khi công khai áp dụng trong một diễn thuyết cho The Club Maintenant ở Paris vào ngày 29 tháng 10 năm 1945.

Năm 1946, Sartre đã xuất bản quyển sách có tên “L’existentialisme est un humanisme” (Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn) như một sự phổ biến tư tưởng hiện sinh, khiến ông trở thành nhà triết học hiện sinh lỗi lạc đầu tiên chấp nhận dùng thuật ngữ này như một sự mô tả về bản thân ông. Theo lời triết gia Thomas Baldwin, quyển sách là “điểm xuất phát phổ biến trong các cuộc thảo luận về tư tưởng hiện sinh“, và “đã thu hút trí tưởng tượng của một thế hệ“.

Trái: Bìa của ấn bản “L’existentialisme est un humanisme” đầu tiên. Nguồn: Wikimedia.org. Phải: Bìa của ấn bản trong tiếng Anh, tựa “Existentialism Is a Humanism”, xuất bản bởi Yale University Press; Annotated edition (July 24, 2007). Nguồn: Amazon.com

Dù vậy, Sartre sau đó lại từ chối danh hiệu này để tôn vinh bài luận “On The Concept of Irony with Continual Reference to Socrate” (Tạm dịch: Khái niệm mỉa mai với sự tham chiếu liên tục đến Socrates [*]), năm 1841, của nhà triết học Đan Mạnh Soren Kierkegaard, người được giới học thuật về sau công nhận là cha đẻ của tư tưởng hiện sinh.

Ảnh hưởng đối với nghệ thuật

Ảnh hưởng bên ngoài triết học của Chủ Nghĩa Hiện Sinh được thể hiện nhiều nhất thông qua loại hình nghệ thuật thứ 7 – điện ảnh, và văn chương. Tuy nhiên, loại hình hội hoạ cũng thấp thoáng bóng dáng của Chủ Nghĩa Hiện Sinh trong quá trình tư duy của người nghệ sỹ, đặc biệt là nhận thức thị giác, nhấn mạnh quyền tự do và tính tự chủ của cá nhân đó.

“Sự tồn tại có trước bản chất” – Châm ngôn của Chủ Nghĩa Hiện Sinh

Chủ nghĩa triết học này đã trở thành công cụ để giải thích nghệ thuật trừu tượng thời hậu chiến, đặc biệt là các hình thức nghệ thuật phi chính thức (art informel) và nghệ thuật trừu tượng mang tính cá nhân, vốn phát triển mạnh ở Châu Âu sau cuối những năm 1920.

Trong thời kỳ hậu chiến, những nghệ sỹ như  Jean Fautrier (1898 – 1964), Alberto Giacometti (1901 – 1966), Jean Dubuffet (1901 – 1985) và Wols (1913 – 1951) đã trở nên gắn liền với triết lý hiện sinh.

Bức “Sisyphus”, biểu tượng thể hiện tính phi lý của sự tồn tại, tranh của Franz Stuck (1863 – 1928), vẽ năm 1920. Nguồn: En.wikipedia/Existentialism

Chủ nghĩa này chưa bao giờ được giới nghệ sỹ Mỹ ưa chuộng như ở Châu Âu. Tuy nhiên, tư tưởng triết học hiện sinh vẫn có mặt trong cuộc thảo luận của những người theo trường phái Biểu Hiện Trừu Tượng (Abstract Expressionists), đặc biệt thông qua khái niệm “Action Painting” của nhà phê bình nghệ thuật Harold Rosenberg (1906 – 1978), cho biết rằng quá trình sáng tạo của hoạ sỹ như một hành động tự khẳng định thiết yếu, một biểu hiện của tự do và tính chân thực.

“L’Hourloupe” (1962-1974), thuộc bộ sưu tập l’art Brut – vốn được xem là khởi đầu của phong trào I’art Brut (Art Brut) do Jean Dubuffet tạo ra. Nguồn ảnh: Blog.artsper.com

Chủ nghĩa nghệ thuật này thường không được diễn giải một cách tường minh ngay cả bởi những triết gia, nghệ sỹ tự nhận mình theo thuyết hiện sinh. Tuy nhiên, luận điểm của Chủ Nghĩa Hiện Sinh định hướng trong các cuộc thảo luận xoay quanh những chủ đề tổn thương, lo lắng, bất an, thất vọng, trốn tránh…, vốn là những xúc cảm phổ biến trong nghệ thuật thời hậu chiến.

“Hiểu Jean-Paul Sartre là hiểu điều gì đó quan trọng về thời điểm hiện tại” – Iris Murdoch

Ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Hiện Sinh trong nghệ thuật có thể nói là một triệu chứng của việc phổ biến triết học, như một biểu hiện trí tuệ của sự lo lắng về số phận của loài người trong thời đại nguyên tử (atomic age, có thể kể từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay)

“It’s How You Feel”, 1958, Jean Fautrier. Nguồn ảnh: Tk-21.com

Các tác phẩm tiêu biểu

Một số tác phẩm của các hoạ sỹ Dubuffet và Wols, đề cập đến sự cùng-tồn tại không dễ dàng giữa tâm trí và cơ thể trong một con người, và mối quan tâm của Chủ Nghĩa Hiện Sinh đối với nhận thức cảm tính đã đưa ra một phương tiện để đàm phán về sự phân chia đó.

Chủ Nghĩa Hiện Sinh cũng đóng góp vào các cuộc thảo về nghệ thuật tượng hình (figurative art) trong thời kỳ hậu chiến, định hình phản ứng của chúng ta trước các tác phẩm của những nghệ sỹ như Alberto Giacometti và Francis Bacon (1909 – 1992), đặc biệt xa hơn nữa như Paul Cézanne (1839 – 1906).

“Walking Man I” (1960) – Alberto Giacometti

Alberto Giacometti dường như là nghệ sỹ thời hậu chiến có sự nỗ lực nghiêm túc nhất để đạt được các ý tưởng của Chủ Nghĩa Hiện Sinh. Ông đặc biệt bận tâm đến các vấn đề về cảm giác và tri giác, và làm thế nào các hiện tượng ở khoảng cách không gian có thể được ghi nhận.

Những vấn đề này là trọng tâm của thuyết hiện sinh vì chúng không chỉ chạm đến các khía cạnh nhận thức của chúng ta, mà còn nói lên cách chúng ta có thể liên hệ với nhau khi những con người biệt lập bị ngăn cách bởi không gian vật lý.

“Walking Man” (Version I), 1960, sáng tác trên chất liệu đồng, thuộc bộ sưu tập tư nhân. Ảnh chụp tại triển lãm “Alberto Giacometti: A Line Through Time”, Vancouver Art Gallery. Nguồn ảnh: Theglobeandmail.com

Tuy nhiên, phong cách nghệ thuật của Giacometti cũng toát lên giọng điệu u sầu của Chủ Nghĩa Hiện Sinh. “Walking Man I” biểu hiện một chủ thể mong manh, bị cô lập và để lộ ra các yếu tố – những thứ đã đang bắt đầu tàn phá con người anh ta. Một chủ thể tiều tuỵ, cả thể xác và tâm hồn đều đang dần héo mòn, nhưng cả ý chí lẫn thân thể vẫn tiến về phía trước, có lẽ là để tìm kiếm thứ gì đó.

Bởi vì sự chuyển động là tâm điểm của “Walking Man I”, người nghệ sỹ đã tạo thêm chướng ngại vật cho đối tượng của mình. Một đôi chân nặng nề, gần như dính chặt vào mặt đất mà anh ta đang cố bước đi. “Walking Man I” của Giacometti ví như một bức chân dung của con người trong cơn khủng hoảng hiện sinh.

Giacometti & “Walking Man”. Nguồn ảnh: Theredlist.fr

“Study After Velazquez’s Portrait of Pope Innocent X” (1953) – Francis Bacon

Nhiều nhà sử học và nhà lý thuyết nghệ thuật coi Francis Bacon là nghệ sỹ hiện sinh tinh tuý, và tác phẩm “Nghiên cứu sau bức chân dung giáo hoàng Innocent X của Velazquez” năm 1953 của ông cho thấy lý do tại sao.

Dựa trên bức chân dung Giáo Hoàng Innocent X năm 1650 của hoạ sỹ Tây Ban Nha Diego Velázquez (1599 – 1660), nhưng Bacon đã thay thế phần đầu của Giáo Hoàng, thêm các thanh chắn xung quanh giống như một cái lồng giam, và cách mà nhân vật của Francis Bacon ngồi sau một cái màn với những nét vẽ thẳng đứng, tất cả gợi lên tâm trạng và chủ đề của triết lý thời hậu chiến.

Bức tranh có tựa “Nghiên cứu sau bức chân dung giáo hoàng Innocent X của Velazquez”, vẽ bởi danh hoạ Francis Bacon năm 1953, chất liệu sơn dầu trên canvas, lưu trữ tại Des Moines Art Center, Iowa (Mỹ). Nguồn ảnh: Tate.org.uk

Nhân vật trong bức tranh nghiên cứu của Bacon dường như đang trên bờ vực biến mất, như thể bản thân vật chất của ông ta đang bị hút đi theo đúng nghĩa đen. Chủ Nghĩa Hiện Sinh cảnh báo rằng cuộc chiến để giữ lại ý thức bản thể của chúng ta là một cuộc chiến không dứt, anh hùng và bi tráng, do đó thật cấp thiết nếu chúng ta không trở nên “khác hơn một chút” so với những người xung quanh chúng ta.

Trái: “Portrait of Pope Innocent X” (1650) của Diego Velazquez. Nguồn ảnh: Sites.google/artistic-influence

“The Blue Phantom” (1951) – Wols

Bức tranh hoang dã và hung hãn của hoạ sỹ người Đức sống ở Paris, tên Alfred Otto Wolfgang Schulze, hay còn được biết đến với nghệ danh Wols, là đặc trưng của tranh trừu tượng Châu Âu trong phong trào nghệ thuật phi chính thức (art informel). Khi Wols hướng đến phong cách trừu tượng hoàn toàn trong các tác phẩm thời hậu chiến của mình, nhiều nhà phê bình đã công nhận là mới mẻ và có tính tiêu biểu.

Nhà phê bình và giám tuyển nghệ thuật Michel Tapie (1909 – 1987), người đã đặt ra thuật ngữ Informel (tiếng Pháp), nói rằng Wols là “chất xúc tác của một thứ trữ tình, bùng nổ, phản hình học và phi hình tượng không chính thức (unformal non-figuration)”. Hoạ sỹ Georges Mathieu (1921 – 2012) cũng nhận xét rằng: “sau Wols, mọi thứ phải được làm lại

Tác phẩm “The Blue Phantom”, sơn dầu trên canvas, thuộc bộ sưu tầm tư nhân, được Wols thực hiện vào năm 1951. Nguồn ảnh: Artnews.com

Triết gia Jean-Paul Sartre từng tuyên bố Wols là một đại diện cho Chủ Nghĩa Hiện Sinh, viết rằng tác phẩm của ông hình dung về “nỗi kinh hoàng phổ quát đối với việc tồn tại trong thế giới” của chúng ta, thể hiện niềm đam mê của chúng ta với “sự khác biệt” của các hiện tượng trên thế gian. “The Blue Phantom” là một ví dụ rõ ràng về mối quan hệ tình cảm và phản ứng của nghệ sỹ đối với bức tranh, bộc lộ trạng thái căng thẳng của Chủ Nghĩa Hiện Sinh trong sự trải nghiệm chủ quan.

Chân dung tự chụp của Otto Wols (Alfred Otto Wolfgang Schulze) c. 1932-33 © VG Bild-Kunst, Bonn 2013. Nguồn ảnh: Artblart.com

“The Card Players” (1890 – 1906) – Paul Cézanne

“The Card Players” là một loạt các bức tranh sơn dầu vẽ bởi danh hoạ người Pháp tên Paul Cézanne vào thời kỳ hậu ấn tượng (Post Impressionism, 1886- 1910). Ông được xem là cầu nối giữa trường phái ấn tượng thế kỷ XIX và trường phái lập thể thế kỷ XX.

Cézanne đã vẽ 5 phiên bản “The Card Players” trong khoảng những năm cuối đời của ông. Mỗi phiên bản khác nhau về kích thước lẫn số nhân vật trong tranh (trừ 2 phiên bản lưu trữ tại Musée d’Orsay ở Pháp và Courtauld Institute of Art ở Anh). Loạt tranh này được xem là mở đầu cho các chủ đề về Chủ Nghĩa Hiện Sinh và Hiện Tượng Học (Phenomenology), chủ yếu là vì mỗi người chơi của Cézanne đều hoàn toàn hoà nhập, đắm chìm vào trò chơi của riêng mình.

Phiên bản “The Card Players” (1890 – 1892) của nghệ sỹ Paul Cézanne, lưu trữ tại Metropolitan Museum of Art (New York). Nguồn ảnh: Wikiart

Trong “Cézanne’s Doubt”, một bài luận quan trọng và có ảnh hưởng của nhà triết học Maurice Merleau-Ponty (1908 – 1961), ông đưa ra quan điểm rằng bức tranh của Cézanne thể hiện sự quan tâm của nghệ thuật đối với những nhận thức và trải nghiệm chủ quan của con người – vốn là những phản ứng chân thực đầu tiên, trước khi trí óc có thời gian xử lý và phán đoán. Theo nghĩa đó, nghệ thuật hoàn toàn đối lập với khoa học – trước hết hướng đến việc phân tích và hợp lý hoá những trải nghiệm đó.

Phiên bản “The Card Players” (1894 – 1895), lưu trữ tại Musée d’Orsay (Paris). Nguồn ảnh: Widewalls.ch

Phiên bản “The Card Players” (1892–1895) Sơn dầu trên canvas, 60 x 73 cm, Courtauld Institute of Art (London). Nguồn ảnh: Widewalls.ch

Chú thích

[*] Socrates: một nhà triết học Hy Lạp đến từ Athens, được xem là một trong những người sáng lập của triết học phương Tây

Ảnh bìa:

“Le penseur” (Người Suy Tư), một tác phẩm điêu khắc bằng đồng của hoạ sỹ người Pháp Auguste Rodin (1840 – 1917),  trưng bày tại Musée Rodin Paris. Tác phẩm ban đầu được nhà điêu khắc gọi là “Le poète” (Thi Nhân). Bức tượng là một phần của bộ tác phẩm điêu khắc The Gates of Hell (Cổng Địa Ngục), lấy cảm hứng từ The Divine Comedy (Thần Khúc) của thi sĩ người Ý hậu trung cổ – Dante Alighieri (1265 – 1321). Nguồn ảnh: zn.ua/SOCIUM

Nguồn:

En.wikipedia, Existentialism – Theartstory.org, Ngnnghc.wordpress, PaulCezanne – Widewalls.ch

Thực hiện: Xu


 
Back to top