Next Gen: Điểm tên 6 nghệ sĩ thế hệ millennial tài năng và nổi bật tại Việt Nam
Sở hữu phong cách và triết lý sáng tác vừa khác biệt, vừa có sự đồng điệu, 6 nghệ sĩ thuộc thế hệ millennial dưới đây sẽ để lại trong chúng ta những chiêm nghiệm sâu sắc về hành trình sáng tạo của riêng họ.
1/ Lê Minh Phong: “Nghệ thuật khởi đi từ bi kịch”
Từng là nhà văn trước khi rẽ sang con đường mỹ thuật, Lê Minh Phong liên tiếp cho ra mắt hai triển lãm cá nhân “Bên trong” vào năm 2015 và “Nối tiếp” vào năm 2018 tại Huế, được cộng đồng yêu thích nghệ thuật quan tâm hưởng ứng. Quê ở Hà Tĩnh, lập nghiệp ở xứ Huế thân thương, Lê Minh Phong thuộc lớp nghệ sĩ trẻ tài năng với kho tàng tác phẩm khá đồ sộ. Thời gian gần đây, Phong tiếp tục trổ tài trong lĩnh vực điêu khắc gỗ. Các tác phẩm của anh phô diễn thân phận bí ẩn của con người, với những chiêm nghiệm sâu sắc của chàng nghệ sĩ đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
Đối với anh, sự thay đổi giữa viết và vẽ gần như không tồn tại cơ duyên nào cụ thể. Đó là một kết quả tất yếu trên con đường anh tìm kiếm suối nguồn của mình. Theo Phong, nghệ thuật có thể khởi đi từ nhiều suối nguồn khác nhau, và một trong những nơi khởi đi của nghệ thuật nhân loại chính là bi kịch. Người thực hành nghệ thuật là một lữ hành. Họ luôn tìm kiếm những hành trình mới. Để làm được điều đó, họ cần phải tự hủy rồi tái sinh, họ cần học cách san phẳng các biên giới, thậm chí là san phẳng các khái niệm mô phạm.
“Tôi cũng như các họa sỹ khác, nhận thấy sơn dầu là chất liệu phù hợp với hội họa. Nó lâu khô, điều này giúp họa sỹ có thể chỉnh sửa các hình họa trong quá trình thực hiện một họa phẩm, mặt khác, sơn dầu là chất liệu có thể vẽ nhiều lớp, thể hiện được nhiều sắc độ mà người họa sỹ muốn thể hiện, khó phai màu và đảm bảo lâu dài cho quá trình tồn tại của một nghệ phẩm,” Lê Minh Phong lý giải về lựa chọn hình thức biểu đạt nghệ thuật của mình.
2/ Trần Thanh Cảnh: “Nghệ sĩ tập trung vào chữ tín sẽ luôn có cơ hội nâng giá trị tác phẩm”
Trần Thanh Cảnh là người ham thích du lịch. Anh đã qua châu Âu, đi gần hết các quốc gia Đông Nam Á và một số quốc gia châu Á. Đến bất cứ vùng đất nào, anh đều ưu tiên ghé thăm bảo tàng, từ cổ điển đến đương đại, bản thân anh cũng tham khảo online rất nhiều. Nhưng khi đã bước vào sáng tác, anh thoải mái quên hết những gì mình học và xem để tập trung vào những trăn trở, rung động và xúc cảm riêng tư của chính mình. Anh thực hiện những nghiên cứu mang tính thể nghiệm cá nhân, và khi đã làm việc thì không đi theo một người thầy hay phong cách nào cả, để mình được là chính mình.
Chất liệu là phương tiện. Nếu dự án nào mang yếu tố truyền thống thì bắt buộc, họa sĩ thường lựa chọn chất liệu kỹ thuật thể hiện yếu tố truyền thống ấy. Nếu dự án là đương đại, họa sĩ tổng hợp các kỹ thuật khác nhau, ngay cả digital, công nghệ code… để đạt được ý đồ nghệ thuật đó. Đối với Trần Thanh Cảnh, anh hoàn toàn không nghĩ rằng mình phải vươn tới đỉnh cao của cổ điển, vì anh tin, thế hệ mới cần phải có sứ mệnh khác. Và khi nỗ lực 200%, may ra, ta sẽ đạt được một chút nào đó gọi là sáng tạo, thì sáng tạo của ta lúc này có đời sống nhất định, ngay cả khi ta chết đi.
Trong sáng tạo nghệ thuật, bản thân anh cũng hình thành những nguyên tắc riêng để hoạt động nghệ thuât chuyên nghiệp và lâu dài. Chữ tín đảm bảo con đường bạn đi lâu dài hay không. Chữ tín tạo nên độ uy tín của người nghệ sĩ trong giới chuyên môn, giới sưu tập và công chúng. Đó là kim chỉ nam để anh hoạt động. Một người nghệ sĩ tập trung vào chữ tín sẽ luôn có cơ hội nâng giá trị tác phẩm mà họ đang gìn giữ vì sự nghiệp của anh ta đang lên. Bởi vật, sự lao động không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ là bảo chứng, chữ tín rất lớn để nhà sưu tầm tin rằng họ đang nắm giữ một tài sản đang lên giá hàng ngày, chứ không phải là một tác phẩm có nguy cơ mất giá khi người nghệ sĩ có những thiếu sót, lỗi lầm.
3/ Nguyễn Hoàng Trang: “Tranh của tôi nhuốm màu hiện thực tâm trạng”
Nguyễn Hoàng Trang bước ra từ Đại học Nghệ thuật Huế, từng có nhiều bức tranh nổi bật tại các cuộc triển lãm như Gió Lào 1 ở Sài Gòn và Gió Lào 2 tại Hà Nội. Người thưởng tranh nhận xét rằng tác phẩm của cô nhuốm màu tâm trạng, như phản ánh tiếng lòng người phụ nữ giữa chốn phố xá thị thành hiện đại nhưng vẫn đậm chất cổ xưa, nhìn dung dị mà vô cùng bí ẩn. Nguyễn Hoàng Trang giải thích: “Phong cách của tôi trước nay là hiện thực tâm trạng. Tôi vẽ những cảm xúc gần gũi và chân thật nhất với chính mình, và khi tôi tiếp xúc được với tâm trạng của những người hiện hữu”.
Nữ họa sĩ sinh ra ở Huế, sống và lớn lên trong làn điệu dân ca Huế trên dòng sông Hương, vì vậy mà hình ảnh thùy mị nết na của người phụ nữ được ôm trọn bởi “công dung ngôn hạnh”, một nét đẹp mà cô cho là đang đi đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội. Nhưng một phần ẩn sâu bên trong họ là sự cam chịu dẫn đến những thiệt thòi để có được yên bình, hạnh phúc.
Trang vẽ đề tài người phụ nữ từ thuở sinh viên, và đối tượng là những con người giản đơn xung quanh như bạn bè, người thân, và cả chính cô nữa. “Tôi muốn thay đổi suy nghĩ là tất cả phụ nữ đều phải được hạnh phúc, phải yêu thương bản thân trước tiên rồi mới san sẻ tình yêu ấy cho người khác được. Điều gì đến hãy để nó đến một cách tự nhiên, vui vẻ chấp nhận, học cách buông bỏ mới có thể an yên”.
Theo nữ họa sĩ: “Vẽ cũng là để tu, tu là để sửa đổi. Bất cứ ai cũng phạm sai lầm do mình gây ra nhưng mấy ai biết đó là lỗi? Và đôi lúc, chính những việc làm mình cho là thiện lành lại không mấy thiện cảm trong ánh mắt người khác.”
4/ Nguyễn Văn Đủ: Sự gò ép là điều tối kỵ trong sáng tạo nghệ thuật
Trong khoảng thời gian khi sử dụng máu bò cho các bức tranh thuộc dự án “Lò Mổ”, nghệ sĩ Nguyễn Văn Đủ còn dùng máu của chính mình để phác họa nên các tác phẩm ẩn dụ những ý niệm sâu sắc hơn. Sáng tạo khác biệt khởi đi từ cảm hứng đời thường của Đủ có thể khiến bất cứ ai yêu và mê nghệ thuật cũng phải kinh ngạc.
Những ý tưởng đầu tiên được lóe ra từ chính nhận thức của người nghệ sĩ là kết quả từ sự tương tác sâu sắc của đời sống lên nhận thức anh ta. Đầu tiên, ta cần sống chung với các ý tưởng đó một thời gian dài. Thật vậy, những ý tưởng trong Đủ thường kéo dài từ một đến hai năm rồi mới hình thành nên tác phẩm. Việc sống chung với ý tưởng cũng coi như mình là người đầu tiên thí nghiệm lên trên ý tưởng, trước khi tác phẩm thành hình và đến với người xem.
Anh cho rằng tác phẩm cần xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của người nghệ sĩ. Ý tưởng là sự tương tác sâu sắc giữa họ với đời sống và thế giới tri thức. Một tác phẩm hay là tác phẩm đã đặt được câu hỏi chưa có lời đáp trong đời sống. Ý tưởng sẽ là quan trọng nhất trong quá trình sáng tác, vì trải nghiệm cuộc sống theo thời gian thì ý tưởng sẽ tự nảy sinh, chứ không vì gượng ép mà hình thành.
Một tác phẩm có cấu trúc vững chắc sẽ là 50% nằm ở lý lẽ của ý tưởng mang tính văn bản và 50% còn lại nằm ở phần trình bày thị giác. Ý tưởng và thị giác từ đây sẽ tương trợ lẫn nhau để đặt câu hỏi gây tranh luận cởi mở trong đời sống, nhằm cung cấp tri thức mới giúp thế giới tri thức giàu có hơn, hoặc tạo nên cảm hứng mới mẻ trong đời sống. Và điều tối kỵ nhất trong quá trình sáng tác nghệ thuật của anh là sự tự do bị gò ép.
5/ Lê Võ Tuân: “Tham dự triển lãm quốc tế thúc đẩy động lực sáng tạo của nghệ sĩ Việt”
“Tôi nhớ năm 1999, tôi và 10 bạn sinh viên trường Đại học nghệ thuật Huế lần đầu tổ chức một triển lãm sắp đặt và trình diễn. Thời điểm này sắp đặt và trình diễn vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam, vẫn còn gọi chung là nghệ thuật mới. Trong sáng tác tôi thích thử nghiệm, sắp đặt và trình diễn cho tôi một tiếng nói mới – một không gian đa chiều nằm ngoài giá vẽ. Sau tác phẩm đầu tay đó, sau này, tôi còn thực hiện một số tác phẩm sắp đặt ở các dịp khác nhau như: Sắp đặt trong triển lãm cá nhân của tôi tại Mai’s gallery 2004, 2005, 2006, Sắp đặt trong festival Hue 2004 – Trình diễn trong lễ ra mắt quỹ văn hóa Đan Mạch tại Sài Gòn 2006” – họa sĩ Lê Võ Tuân chia sẻ.
Mỗi họa sĩ sáng tác đều có lý tưởng riêng, cách nhìn riêng, hình tượng riêng… tất cả đều trải qua tôi luyên và hình thành như một kiểu tín hiệu nhận biết. Với anh, trong một thời gian dài, hình ảnh mà anh thường thể hiện là những gương mặt hồn nhiên trong sáng, hay những họa tiết mang âm hưởng của những thể loại nghệ thuật truyền thống Việt Nam, có lẽ đến từ việc anh quá mẫn cảm với vẽ đẹp tự nhiên thuần khiết. Hiện tại, anh không nuôi dưỡng hình ảnh nào quá lâu quá dài. Theo anh, nghệ thuật phải luôn thay đổi, phong cách nghệ thuật là cả một quá trình làm việc, nó không phải là tín hiệu. Anh sáng tạo theo từng ý niệm riêng biệt cho những series tranh khác nhau.
Lê Võ Tuân thường tìm đến các sân chơi quốc tế uy tín và khó, mà triển lãm NordArt là một trong số đó. Vào năm 2017 và 2020, anh lọt vào một trong 200 họa sĩ có tranh sự kiện mang ảnh hưởng toàn cầu này. Năm 2017, 8 tác phẩm của anh được lựa chọn, nhưng lại có cảm giác bị nuốt chửng ở trong đó. Đó là lý do anh không nộp tác phẩm trong năm 2018 và 2019. Năm nay, nhờ cô Sonja Annelies Fischer và họa sĩ Hà Nguyên Trí mà anh có thêm động lực nộp tác phẩm trở lại. Qua NordArt, anh nghĩ rằng mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho tác phẩm và mong rằng trong tương lai, Việt Nam có cơ hội là trọng tâm của triển lãm, hay những dự án đặc biệt từ Việt Nam sẽ được chú ý.
6/ Trần Thế Vĩnh: “Trong cô đơn, người nghệ sĩ tìm thấy chính mình”
Cuộc đời người nghệ sĩ là một chuỗi những trải nghiệm mà ở đó anh ta biến hóa chúng thành chất liệu trên những tấm toan. Ai đó đã đúng khi nói họa sĩ đa đoan và nhạy cảm. Sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật Huế, Trần Thế Vĩnh bắt đầu sáng tác bằng sơn dầu là chính, bao gồm những tác phẩm thuộc phong cách biểu hiện và trừu tượng. Bộ tranh trừu tượng của anh vẽ từ năm 2010 đã tham gia cuộc trưng bày ở Gallery Tự Do vào năm 2012. Từ năm 2013, anh vẽ series chân dung tự họa và sau 3 năm thì thực hiện triển lãm cá nhân tiếp theo vào năm 2016. Chưa kể, anh cũng bén duyên với dòng tranh thú một thời gian. Vào năm 2016, anh lập gia đình và tập trung phần lớn thời gian vẽ biểu hiện.
Với anh, con đường nghệ thuật là con đường nhạy cảm, lận đận và đa đoan. Ranh giới cảm xúc của họ mong manh từ đó dẫn đến cao trào đau khổ. Sinh ra làm nghiệp nghệ sĩ là do trời định. Ngày nào anh cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Để hoàn thiện bộ tác phẩm chân dung các nghệ sĩ gạo cội, anh đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, anh quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt.
“Phần sáng tạo của chân dung nằm ở bút pháp: những ‘nét phá’, tưởng chừng như linh tinh trong tranh, lại là cái đặc biệt và đắt nhất của tác phẩm. Để đạt được điều đó, người nghệ sĩ phải biết buông, biết chấm, biết phá và biết thả. Đó chính là bản lĩnh. Cũng có thể gọi đây là cách vẽ theo trực giác. Trực giác không có nghĩa là cảm giác suy đoán, phán đoán không cần cơ sở nào, mà là nhận thức mang tính trừu tượng. Người nghệ sĩ thường sở hữu trực giác quyết liệt, họ vẽ bằng trực giác ấy và lấy đó làm cơ sở tạo nên phong cách riêng của mình,” họa sĩ Trần Thế Vĩnh cho biết.