BUSINESS OF LUXURY

Covid-19: Ngành công nghiệp rượu đối mặt với tương lai không xác định

Apr 14, 2020 | By Stephanie Nguyen

Tương lai ảm đạm của ngành rượu vẫn còn tiếp diễn. Dù là Mỹ hay Liên minh châu Âu, sự mơ hồ về thị trường hiện tại và ít nhất vài tháng tới là điều mà cả hai đều phải đối diện, giữa lúc Covid-19 vẫn chưa thể bị kiểm soát.

Theo Fortune, ngành công nghiệp rượu dường như có khởi đầu không mấy thuận lợi khi bước vào thập kỷ mới. Tháng 10 năm ngoái, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 25% với rượu nhập khẩu từ Pháp, Đức và Tây Ban Nha để trả đũa các khoản trợ cấp máy bay Airbus. Đầu năm 2020, ngành công nghiệp vừa tránh được mức thuế 100% với tất cả các loại rượu nhập khẩu từ Liên minh châu Âu vào Mỹ song lại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. 

Thị trường xuất khẩu

Lamberto Frescobaldi, chủ tịch Frescobaldi Toscana Group, Tuscany. Ảnh: FRESCOBALDI TOSCANA.

Ý là vùng sản xuất rượu lớn nhất thế giới và là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Với lệnh phong tỏa toàn quốc, người ta có thể dễ dàng cảm nhận tác động khủng khiếp về mặt kinh tế đang giáng xuống nước này. Tập đoàn Frescobaldi Toscana, Tuscany, nơi chiếm đến 67% tổng sản lượng xuất khẩu rượu của Ý, đã ngay lập tức nhận thấy sự mất mát khi “đánh mất thị trường Trung Quốc” lúc dịch vừa mới diễn ra, theo thông báo qua email của chủ tịch Lamberto Frescobaldi.

Mặc dù sự bùng phát tệ hại chưa từng có của đại dịch này gây khó khăn cho việc dự đoán tình hình thị trường, nhưng ông Frescobaldi tin rằng virus sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến các thị trường lớn khác, bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Đức trong vòng vài tuần.

Matteo Ascheri.

Matteo Ascheri, chủ tịch của Consorzio di Tutela Barolo Barbaresco Alba Langhe e Dogliani, bộ phận quản lý của hãng rượu Barolo and Barbaresco tại Piedmont, Ý cho biết: “Các khách hàng Đức đang bắt đầu hủy đơn hàng và với 80% sản lượng sản xuất của hãng được xuất khẩu, đây là dấu hiệu rất đáng quan ngại.”

“Mối quan tâm lớn bây giờ là, với tình hình tương tự đang lan rộng khắp thế giới, các nền kinh tế ở Châu Âu và Hoa Kỳ cũng không ngoại lệ, đến khoảng giữa năm, chúng tôi có thể phải đối mặt với khó khăn tồi tệ hơn nhiều những gì đang diễn ra ở đây. Dù gì đi nữa, chúng tôi cũng cần xuất khẩu. Đó là phần tối quan trọng trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi,” ông cho biết thêm. 

Hiện tại, hãng vẫn có thể tiếp tục xuất hàng mà không bị nhiều gián đoạn. Việc thiếu nhân sự đã dẫn đến một số chậm trễ nhất định, nhưng về cơ bản, hãng vẫn có thể xuất khẩu rượu qua các kênh phân phối thông thường. 

Những chai rượu vang Pháp nổi tiếng – Alsace | WINECELLAR.vn

Tại các quốc gia khác, khó khăn cũng dồn dập ập đến. Theo ông Foulques Aulagnon, giám đốc xuất khẩu của Conseil Interprofessionnel des Vins d’Alsace (CIVA), một tổ chức thương mại về rượu đến từ Alsace, Pháp: “Ý đang hạn chế nhập khẩu rượu. Những chai rượu dành cho siêu thị và cửa hàng nhỏ vẫn có thể được nhập, nhưng các đơn hàng cao cấp hơn dành cho nhà hàng, quán bar và cửa hàng rượu thì không được nhập. 

Vì rượu Alsace chủ yếu được nhập vào Ý thông qua các kênh vừa được liệt kê trên, nên ngay lập tức, lượng xuất khẩu đến Ý đã giảm nhanh chóng. Aulagnon không thể dự đoán con số chính xác, nhưng ông chắc chắn mạng lưới phân phối rượu trên thế giới sẽ sụp đổ chỉ trong vài tháng tới.

Du lịch và lữ hành

Du lịch nhà máy rượu vốn nổi tiếng thu hút khách bằng những vườn nho tuyệt đẹp, phòng nếm rượu đầy đủ tiện nghi và các phòng nghỉ sang trọng. Tuy nhiên, đó là trước khi có Covid-19. Còn hiện tại, mọi hoạt động du lịch gần như đã dừng hoặc giảm hẳn. Một khảo sát gần đây của tạp chí Fortune cho thấy: 68% người Mỹ đang định du lịch quốc tế tính đến việc hủy chuyến (45%) hoặc đã hủy chuyến (23%).

Ý Tuscany Vườn Nho Rượu - Ảnh miễn phí trên Pixabay

Đối với các nhà máy sản xuất, lượng khách giảm đồng nghĩa với việc doanh thu giảm và nhận biết của người dùng về thương hiệu cũng giảm. Frescobaldi, người sở hữu bảy mảnh đất tuyệt đẹp tại xứ sở du lịch Tuscany, thừa nhận: “Thật lòng, đây có thể sẽ là một năm cực kỳ khó khăn. Mỗi năm Ý đón đến hơn 50 triệu khách du lịch và chúng tôi đang có nguy cơ mất tất cả lượng khách đó vì Covid-19.” Ngoài ra, khách sạn và nhà hàng không hoạt động, đồng nghĩa với việc nhà máy rượu cũng không thể phân phối hàng vào các nơi này.

Du lịch bị hạn chế cũng khiến việc phát triển kinh doanh của các công ty và nhà sản xuất rượu bị cản trở. Điển hình, những triển lãm thương mại lớn như ProWein ở Düsseldorf, Đức và Vinitaly ở Verona, Ý đều đã bị hủy bỏ.

Nhà sản xuất L’Aventure tại Paso Robles, California có 20% doanh thu đến từ xuất khẩu. Ảnh: BRANDON STIER PHOTOGRAPHY.

Các nhà sản xuất rượu địa phương cũng chịu ảnh hưởng không kém. Chloé Asseo-Fabre, người trông coi việc bán hàng, tiếp thị và truyền thông cho nhà máy rượu của gia đình ở Paso Robles, California: “Chúng tôi vừa khai trương thị trường Hồng Kông hồi tháng 9 năm ngoái, lúc ấy mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ vì chưa có dịch bệnh. Bây giờ là lúc để chúng tôi tăng cường quảng bá, du lịch góp vai trò cực kỳ quan trọng và mọi thứ đang trì trệ.” Các chuyến đi dự định đến châu Âu gặp gỡ đối tác của cô đang bị hoãn lại.

Tiêu thụ nội địa

Doanh số bán tại nhà hàng và quán bar đang giảm mạnh trên toàn thế giới vì các địa điểm đang phải đóng cửa hàng loạt. Đây là một trong những cú đánh lớn nhất đối với ngành rượu. Tuy nhiên, Rob McMillan, Phó chủ tịch điều hành và người sáng lập của Silicon Valley Bank, một nhà cung cấp dịch vụ tài chính cho ngành công nghiệp rượu tại Napa, California cho rằng tình hình không thực sự tồi tệ đến thế. Ông ví khó khăn hiện tại với sự sụp đổ thị trường chứng khoán năm 2008.

Rob McMillan, Phó chủ tịch điều hành và người sáng lập của Silicon Valley Bank.

McMillan giải thích: “Trước đây, chúng tôi nói rằng ‘rượu có thể kháng cự chứ không thể chống lại suy thoái kinh tế’. Ngày nay, chúng tôi đổi thành ‘rượu có thể kháng cự chứ không thể chống lại dịch bệnh’.” 

Một nhà máy rượu trung bình tạo ra 20% ​​doanh thu từ nhà hàng, một con số đủ để lợi nhuận nhà máy bị ảnh hưởng đáng kể.

Tuy nhiên McMillan cho rằng tình hình chưa đến mức vô cùng bi quan: “Tại Hoa Kỳ, vào thời kỳ cấm rượu 1920-1933, nhu cầu về rượu vẫn tồn tại, vì đây đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống người dân.” Ông dự đoán các đơn hàng sẽ không bị cắt hoàn toàn mà sẽ được chuyển đến nhà riêng thay vì hàng quán, sử dụng công nghệ đặt hàng trực tuyến hoặc mua tại các cửa hàng có dịch vụ giao. 

Ảnh hiếm về thời kỳ cấm rượu ở Hoa Kỳ.

Tương tự đối với toàn ngành, đây là một dấu hiệu của sự thay đổi trong các kênh bán hàng, chứ không hẳn là một hồi chuông báo tử. Điển hình là ứng dụng Drizly chuyên giao rượu có doanh số trong tuần ngày 02/03 tăng hơn 50% so với tuần trước, ngày 12/03 là ngày công ty đặt doanh số bán lớn nhất từ trước đến nay.

Mặc dù các ảnh hưởng của Covid-19 cho đến nay vẫn khó lường và thiếu kiểm soát, Aulagnon vẫn tin tưởng: “Sau khi cơn khủng hoảng này dừng lại, khách hàng sẽ tiếp tục mua sắm và tiêu thụ nhiều hơn bao giờ hết.”


 
Back to top