“Vua hàng hiệu” LVMH toan tính điều gì trong thương vụ thâu tóm Tiffany & Co.
Khoảnh khắc minh tinh Audrey Hepburn đứng trước cửa tiệm Tiffany & Co với chiếc bánh croissant và cốc cà phê trên tay trong bộ phim Breakfast At Tiffany’s, không ai có thể tưởng tượng đây chính là dự đoán thú vị về một cuộc sát nhập giữa niềm tự hào của thời trang xa xỉ Mỹ và tập đoàn đình đám từ Pháp LVMH.
Phi vụ mua bán tốn giấy mực
Tiffany & Co. chắc chắn là cái tên lớn của giới chế tác thế giới nói chung và là niềm tự hào của nước Mỹ nói riêng. Được nhà chế tác Charles Lewis Tiffany sáng lập vào năm 1837, Tiffany & Co nhanh chóng trở nên nổi tiếng ngay từ những năm đầu thế kỉ 20 nhờ sự tài hoa của con trai nhà sáng lập là Louis Comfort Tiffany. Trải qua hơn một thế kỉ vận hành và phát triển, Tiffany & Co. không chỉ lấy được lòng người yêu trang sức bởi những thiết kế huyền thoại, sáng tạo và bay bổng mà còn được mệnh danh là “Vua kim cương” nhờ kĩ thuật chế tác lâu đời được chính nhà sáng lập Charles Lewis Tiffany phát triển đồng thời với thương hiệu Tiffany & Co. Từ một xưởng chế tác nằm gọn giữa lòng thành phố New York, Tiffany & Co giờ có mặt ở hầu hết tất cả những thành phố lớn trên thế giới, với 93 cửa hàng chỉ tính riêng ở Mỹ và 321 cửa hàng trải rộng khắp các Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ.
Với tên tuổi và giá trị tạo dựng lâu đời như vậy, không khó hiểu khi tập đoàn kinh doanh xa xỉ lớn nhất thế giới từ Pháp LVMH, đồng thời sở hữu những cái tên danh tiếng trải rộng từ Louis Vuitton, Dior, Céline cho đến Kenzo, Bulgari… hướng đến việc đưa Tiffany & Co. về dưới trướng của mình đến vậy. Và đúng như danh xưng “phi vụ lớn nhất trong làng kinh doanh xa xỉ” mà hàng loạt thời báo kinh doanh hàng đầu Financial Times, Wall Street Journals hay Insider Business gọi tên, trong suốt hơn một năm trời đàm phán và nhiều lúc tưởng đi vào bế tắc và gây tốn không biết bao giấy mực của báo giới, mới đây LVMH chính thức xác nhận đã sáp nhập thành công Tiffany & Co. với giá 15.8 tỷ USD, thấp hơn mức giá 16,2 tỷ USD được đưa ra khi phi vụ này được công bố vào tháng 11/2019. Dù vậy, đây vẫn chính thức là phi vụ lớn nhất trong lịch sử hàng xa xỉ thế giới. Chủ tịch Tiffany & Co. Roger Farah cho rằng đây là “một mức giá hấp dẫn” với Tiffany, đồng thời với cả các cổ đông để có được quyết định cuối cùng.
LVMH cũng thông báo quyết định bổ nhiệm thành viên quản lý mới, trong khi Anthony Ledru được chỉ định trở thành CEO mới của Tiffany & Co thay thế cho Alessandro Bogliolo, con trai của chủ tịch LVMH Bernard Arnault – Alexandre Arnault nắm giữ vị trí Phó chủ tịch Sản phẩm và Truyền thông; Michael Burke, CEO và Chủ tịch Louis Vuiton cũng sẽ trở thành chủ tịch của Tiffany & Co.
Alexandre Arnault vốn là CEO của thương hiệu vali Rimowa (thương vụ sáp nhập đầu tiên của LVMH với thương hiệu Đức khi Alexandre Arnault chỉ mới 24 tuổi). Giữa tình hình kinh tế ảm đảm do đại dịch, con trai lớn thứ hai của tỷ phú Bernard Arnault vẫn có thể giúp Rimowa mở 14 cửa hàng mới ở Châu Á, đặc biệt 6 cửa hàng mới ở Trung Quốc. Sự dẫn dắt của Alexandre Arnault ở thương hiệu nước Mỹ Tiffany & Co. rất được trông đợi với không chỉ LVMH mà cả giới kinh doanh thời trang nói chung. Bên cạnh đó, Anthony Ledru cũng là nhân tố được chờ đón, với kinh nghiệm dày dặn trong việc quản lý những thương hiệu trang sức hàng đầu như Cartier hay Harry Winston trước khi gia nhập LVMH.
Tại sao lại là Tiffany & Co.?
Tiffany & Co. và LVMH thoạt nghe không có nhiều điểm chung, nhưng định hướng phát triển của hai tên tuổi lớn này thực ra chia sẻ nhiều trọng tâm, một trong số đó chính là thị trường tiềm năng Trung Quốc. Tiffany & Co. là tên tuổi được yêu thích ở Trung Quốc, chỉ đứng thứ hai sau Cartier trong số những thương hiệu trang sức được yêu thích nhất, với trên 40 cửa hàng. Cùng với tham vọng mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của mình ở quốc gia có sức mua hàng xa xỉ lớn nhất hiện nay, những hoạt động của Tiffany & Co. ngày càng hướng đến ủng hộ nghệ sĩ, từ triển lãm “Vision & Virtuosity” cho đến những hoạt động hợp tác thường xuyên với bảo tàng và tổ chức nghệ thuật… , trong khi đó đầu tư vào hoạt động nghệ thuật được coi là điểm mạnh của LVMH từ nhiều năm trở lại đây.
Blue Box Café – chuỗi cà phê trải nghiệm đặc sản của Tiffany cũng chia sẻ chung ý tưởng với Le Café V hay nhà hàng Sugalabo của Louis Vuitton ở Osaka, xuất phát từ tham vọng hướng đến người tiêu dùng hàng xa xỉ thế hệ millennial và Gen Z. Chiến lược phát triển của thương hiệu này vì thế gắn với định vị giá trị thương hiệu, trải nghiệm công nghệ trong cửa hàng cũng như thiết kế cá nhân hóa. LVMH với 75 thương hiệu cao cấp và hệ thống 4590 cửa hàng ở khắp nơi trên thế giới, chắc chắn không thể bỏ qua nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng này, cũng như khẳng định vị thế “ông lớn” của mình trong thế giới kinh doanh đồ xa xỉ.
Chương mới của Tiffany & Co.?
Khoảnh khắc minh tinh Audrey Hepburn đứng trước cửa tiệm Tiffany & Co với chiếc bánh croissant và cốc cà phê trên tay trong bộ phim Breakfast At Tiffany’s, không ai có thể tưởng tượng đây chính là dự đoán thú vị về một cuộc sát nhập giữa niềm tự hào của thời trang xa xỉ Mỹ và tập đoàn đình đám từ LVMH. Dù cảnh phim kinh điển cùa đạo diễn Truman Capote được liên tưởng như một ví von vui, nhưng không thể phủ nhận tính biểu tượng khi giá trị gây dựng lâu dài từ hai cái tên này được cộng hưởng. Audrey Hepburn nổi danh khắp Hollywood bởi vẻ đẹp và gu thời trang thanh lịch kiểu Châu Âu, trong khi đó cũng là những gì thiết kế và hình ảnh thương hiệu Tiffany & Co. hướng tới từ khi mới thành lập. Điểm chung này là nền tảng thúc đẩy một cuộc giao thoa văn hóa mới thay vì chuyển giao hoàn toàn giữa một biểu tượng trang sức Mỹ và ảnh hưởng mà tập đoàn Pháp chủ quản mang lại.
Ngay sau khi có thông báo chính thức về cuộc sát nhập, LVMH CEO Bernard Arnault chia sẻ sự hào hứng của mình với những tiềm năng Tiffany có, và tin rằng LVHM chính là bến đỗ lý tưởng cho chương tiếp theo trong lịch sử phát triển của Tiffany & Co. Trên thực tế, Tiffany chính là điểm định vị mới của tập đoàn LVMH ở thị trường Mỹ, với 44% doanh thu của Tiffany đến từ Bắc Mỹ, cùng với việc trang sức chế tác từ những thương hiệu danh tiếng hiện đang là nhóm phát triển nhanh nhất trong thị trường trang sức nói chung. Tiffany & Co. nổi lên như một ông lớn trong giới bán lẻ trang sức, với ba dòng sản phẩm chính: bộ sưu tập trang sức (2,3 tỷ USD doanh thu vào năm 2018); trang sức đính hôn (1,16 tỷ USD doanh thu); và trang sức thiết kế (544,5 triệu USD).
“Tiềm năng” mà Bernard Arnault nói đến, một phần nằm ở doanh số tăng gấp đôi ở phân khúc đồng hồ & trang sức – phân khúc kinh doanh mới nhất và nhỏ nhất cùa LVMH ở thời điểm này. Vào năm 2020, kinh doanh đồng hồ và trang sức từ 6 thương hiệu xa xỉ như Bulgari, Hublot, Zenith… mang về doanh thu 4,53 tỷ USD (9% tổng doanh thu của LVMH năm ngoái). Quyết định mua về Tiffany & Co. cho thấy LVMH đang muốn tập trung vào trang sức, bởi dù cũng chế tác đồng hồ, 92% tổng doanh số của Tiffany & Co. đến từ trang sức trong khi đồng hồ chỉ chiếm phần nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội để Tiffany & Co. mở rộng chế tác đồng hồ trong tương lai.
Với sức nặng của LVMH trải khắp các thị trường, Tiffany & Co. kì vọng sẽ còn vươn xa hơn, chạm đến nhiều hơn những thị trường hàng cao cấp mới nổi, và Việt Nam là ví dụ điển hình. Dự kiến 2021, cửa hàng đầu tiên của Tiffany & Co. sẽ chính thức mở cửa ở Việt Nam, như một trong những dấu mốc mới của thương hiệu chế tác trang sức biểu tượng từ xứ cờ hoa.
Vân Anh