Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Họa sỹ Trịnh Tuân: “Tôi có hứng thú với vẻ ‘charming’ ẩn đằng sau sự thô mộc và đời thường.”

Nov 13, 2020 | By Trang Ps

Trên một căn gác Lý Quốc Sư là studio của vợ chồng Công Kim Hoa và Trịnh Tuân, cặp họa sỹ sơn mài có tên tuổi xứ Hà Thành. Ở đây cửa sổ luôn mở, mùi sơn nồng lấn át hương phở bò đầu phố, dường như để chiếm đoạt ngôi vị “mùi hương của phố cổ”. Cùng hai học trò, Trịnh Tuân miệt mài với những công đoạn kỳ công của cách vẽ sơn mài truyền thống, khẳng định sức hút mãnh liệt của chất liệu khó tính này. 

Họa sỹ Trịnh Tuân trong studio của ông.

Khác với những bức tranh thuần trừu tượng của Công Kim Hoa, hình ảnh con người vẫn hiện hữu trong các các tác phẩm của Trịnh Tuân. Có một sự đối lập kỳ dị giữa những hình người khỏa thân, tóc xoăn, da ngăm đen trong những góc phố quen thuộc của Hà Nội. Bên cạnh các biểu tượng mang đầy tính lịch sử và văn hóa như Tháp Rùa và Nhà thờ Lớn, sự sơ khai và nguyên thủy trường tồn mạnh mẽ.

Không chỉ đam mê vẽ, Trịnh Tuân còn tham gia nhiều hoạt động sôi nổi kết nối nghệ thuật Việt Nam với thế giới. Năm 2019, ông làm giám tuyển cho “Triển lãm giao lưu mỹ thuật đương đại Việt Nam – Hàn Quốc” và “Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á”. Ông đồng sáng lập Asia Art Link và hiện là giảng viên của khoa Tạo dáng Công nghiệp tại Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội. Gần đây nhất, các tác phẩm của Trịnh Tuân đã được trưng bày ở Chiang Mai, Bắc Kinh, Oakland và Tokyo. Tháng 12 năm nay, ông sẽ có triển lãm cá nhân tại Art Space (Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội) đánh dấu 25 năm theo đuổi hội họa sơn mài.

Trong phỏng vấn lần này cho Art Republik, họa sỹ Trịnh Tuân sẽ chia sẻ về chặng đường hội họa cũng như những sở thích đặc biệt của ông.

Năm 1979, ông học chuyên ngành thiết kế, tạo dáng công nghiệp ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội rồi đến năm 1995 mới chuyển hướng sang sơn mài. Thiết kế, tạo dáng công nghiệp có mối liên hệ như thế nào với nghệ thuật của ông?

Từ bé, tôi học hội họa nhưng khi thi đại học, tôi lại quyết định thi vào Thiết kế Công nghiệp. Chuyên ngành này cho tôi một cái nhìn hiện đại, thoát khỏi lề lối bài bản và kinh điển của hội họa châu Âu. Năm 1980, năm thứ nhất tôi học cũng là lần đầu tiên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp áp dụng chương trình đào tạo cơ bản theo trường phái Bauhaus. Ở Việt Nam thời bấy giờ các trường đào tạo mỹ thuật thường dạy theo giáo trình của các nước xã hội chủ nghĩa và của Pháp để lại. Đặc biệt ở Việt Nam thường được dạy theo kiểu truyền nghề, dựa theo kinh nghiệm của người đi trước.

Trường phái Bauhaus có tính khoa học, bài bản và đưa ra những nguyên tắc để thiết lập ý tưởng, xây dựng tác phẩm. Lứa sinh viên chúng tôi đã tiếp nhận luồng tư tưởng mới một cách rất hào hứng. Sau khi ra trường, tôi vẫn theo đuổi niềm đam mê hội họa và thiết kế. Tôi nhận thấy rằng với sự kết hợp của 2 loại hình nghệ thuật này, các tác phẩm của tôi có sự tương phản, đan xen, chuyển động của hình khối và màu sắc chứ không đơn thuần là hội họa thuần túy. Và đặc biệt khi sử dụng chất liệu sơn mài những thế mạnh đó đã được phát huy rất nhiều. Thật là may mắn khi được tiếp thu kiến thức của trường phái Bauhaus.

Không biết bây giờ những nguyên tắc thiết kế Bauhaus có còn được dạy ở đại học Mỹ thuật Công nghiệp?

Sau này khi làm giảng viên ở đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tôi vẫn áp dụng chương trình Bauhaus vào những bài giảng  của tôi. Dòng chảy của nghệ thuật hiện đại ngày nay vẫn mang hơi thở trên những nguyên tắc mà Bauhaus đưa ra. Trường phái Bauhaus luôn cho người nghệ sỹ cái nhìn hiện đại.

Ông từng nói mình có nhiều đồng cảm với Gustav Klimt. Ông còn đồng cảm với những họa sỹ hay trường phái nào khác?

Tôi biết tranh Klimt qua báo ảnh, tạp chí từ thời sinh viên, tôi đã thấy một tinh thần Á Đông trong đó và sự hiện hữu của tính trang trí của nghệ thuật châu Á trong hội họa châu Âu. Kể cả bảng màu của Klimt cũng gần với sơn mài nên tôi thấy đồng cảm. Ngoài Klimt, còn có Hundertwasser cũng cùng thời kỳ đó mà tôi rất thích. Những tác phẩm của ông mang tính ước lệ gợi nhớ tranh khắc gỗ và tranh tín ngưỡng của châu Á. Tôi cũng thần tượng Egon Schiele. Tác phẩm của ông có tính dục cao ẩn sau hình hài, cấu trúc của ngôn ngữ cơ thể mặc dù ông không hề đặc tả các hành vi đó. Ông xây dựng những trạng thái tâm lý rất tinh tế. Có một thời gian tôi cũng chịu ảnh hưởng của Schiele nhưng không rõ rệt bằng Klimt.

Ngoài hội họa, ông còn có sở thích gì?        

Âm nhạc gắn bó với tôi từ nhỏ. Khi tôi ở độ tuổi 9, 10, được nghe danh ca người Peru Yma Sumac qua một bộ phim tài liệu chiếu ở bãi chiếu bóng trước khi vào phim chính, tôi đã rất ngạc nhiên và không thể tưởng tượng nổi rằng giọng hát có thể trải dài được trên năm quãng. Bằng giọng hát của mình, bà có thể diễn tả tiếng chim hót véo von hay một tia nắng rất nhẹ lấp lánh từ trên cao hoặc diễn tả tiếng hổ gầm hay tiếng cựa nhẹ trong lòng đất. Tôi mê thanh nhạc từ lúc đó.

Năm 1976, hồi 15 tuổi, tôi đi qua Nhà hát lớn và thấy có công diễn vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, thế là tôi mua vé vào xem. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao thời gian đó tôi lại dám tự đi và có tiền để mua vé vào Nhà hát Lớn và xem nhạc kịch. Tôi đã bị thuyết phục và bắt đầu mê âm nhạc cổ điển và các giọng ca opera. Sau đó, tôi quyết định theo học kỹ thuật hát opera. Tôi may mắn nhận được sự truyền giáo của Nghệ sỹ Nhân dân Quý Dương trong vòng 5 năm. Và cũng bật mí là tôi sẽ tham gia trong dàn hợp xướng trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam diễn ra vào ngày 21 và 22/11 tại Nhà hát Lớn.

Trịnh Tuân, Chiều tím (2019), sơn mài, 120 x 120 cm.

Thật là một bất ngờ thú vị. Ông có thể chia sẻ thêm về việc hát opera?

Giọng tôi là giọng tenor, nam cao. Mà giọng nam cao khá là hiếm trong các dàn hợp xướng. Hanoi Voices của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh là một dàn hợp xướng khá chuyên nghiệp và bài bản. Muốn tham gia vào Hanoi Voices thì các ứng viên phải trải qua các bài kiểm tra về kỹ thuật  thanh nhạc, nhạc lý và trình độ tiếng Anh giao tiếp,… Cuối cùng tôi cũng qua được các bài kiểm tra này và trở thành thành viên của Hanoi Voices. Đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ về việc tham gia dàn hợp xướng này.

Ông còn đam mê lĩnh vực nào khác?

Tôi nghĩ người người làm văn hóa đích thực thì phải biết nhiều lĩnh vực. Tôi còn mê điện ảnh và thích xem những bộ phim “khó xem”, đặc biệt là dòng phim của các tác giả châu Âu như Lars Von Trier, Pier Paolo Pasolini, Catherine Breillat,…  Kể cả các phim kinh điển Việt Nam.

Trịnh Tuân, Home Sweet Home (2018), sơn mài, 55 x 110 cm.

Qua những hình ảnh lặp lại của Nhà thờ Lớn và Hồ Gươm có thể thấy ông gắn bó với Hà Nội đến nhường nào. Con người trong tranh ông thì lại không phải hình tượng người Hà Nội quen thuộc.

Những hình ảnh về Hà Nội đó gắn liền với đời sống của tôi. Đó là những ký ức gần gũi với tôi nhất. Những nhân vật tôi vẽ thường không phản ánh người thành thị có đời sống mộng mơ nhung lụa mà có gì đó chân chất và gần gũi. Tôi có hứng thú với vẻ “charming” ẩn đằng sau sự thô mộc và đời thường.

Trịnh Tuân, Hanoi in starry night (2019), sơn mài, 160 x 240 cm.

Ông  có thể tiết lộ đôi điều về triển lãm cá nhân sắp tới?

Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai tại Việt Nam của tôi. Lần thứ nhất là vào năm 1999. Triển lãm lần này tập hợp các tác phẩm trải dài trong nhiều năm và người xem sẽ thấy được biến chuyển trong tư duy hội họa và kỹ thuật sơn mài của tôi. Không có gì quá khác biệt nhưng có một độ chuyển dịch âm thầm mà mọi người có thể cảm nhận trong từng bức tranh. Tại thời điểm này tôi đang chú trọng đến hoà sắc trong từng tác phẩm. Để làm ra các hòa sắc khác nhau trong sơn mài thường không dễ. Người xem tranh sơn mài và cả người vẽ thường được định hình về màu sắc trong tranh sơn mài theo một bản màu truyền thống. Tôi muốn có một tiếng nói khác.

Và cuối cùng, ông có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ thực hành sơn mài?

Theo đuổi chất liệu này cần có độ tĩnh tâm, cần cù và sự kiên trì.

Thực hiện: Trần Đan Vy | Ảnh nhân vật: Nguyen Tann


 
Back to top