“Chúng ta đều giống như những bức tranh của Edward Hopper” – hay Edward Hopper, nghệ sĩ của thời đại Covid?
Danh họa Mỹ lột tả sự cô đơn và cô lập xã hội trong cuộc sống hiện đại bằng những cảnh thành phố hoang vắng, những con người tách biệt trong thế giới hiện đại. Nhưng đại dịch đã đem đến cho những tác phẩm của Edward Hopper một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Không một ai có thể không cảm động trước những hình ảnh người dân vỗ tay và động viên nhau trên bậc thềm nhà họ, ti vi thì tràn ngập những hình ảnh ấm áp về tình người, sự đoàn kết trong khủng hoảng tại thời điểm này – chúng ta đều chỉ có một mình, nhưng là một mình cùng nhau. Nhưng cũng có những hình ảnh đang xuất hiện trên các trang mạng xã hội không hề ủng hộ nhận định. Một số người nói rằng, tất cả chúng ta đều đang sống trong những bức tranh của Edward Hopper, dù là sống trong bức tranh nào đi chăng nữa.
Tôi chắc chắn điều này bởi vì chúng ta đang bị cô lập ra một cách lạnh lùng, chúng ta đang ngồi một mình trong những ô cửa sổ cô đơn và nhìn ra thành phố không một bóng người, giống như người phụ nữ trong bức tranh Cape Cod Morning của Hopper.
“Chúng ta giống như những bức tranh của Edward Hopper”, đó là một lời bình luận trên WhatsApp về những điểm đặc trưng thường xuất hiện các chủ đề của Hopper: người phụ nữ một mình trong rạp chiếu phim vắng vẻ, người đàn ông lạc lõng trong chính căn hộ hiện đại của mình, người bán hàng cô đơn và mọi người đang ăn tối ngồi tách xa nhau. Thật khó để phân biệt lời nhận xét như vậy là nghiêm túc hay trò đùa nhưng pha chút lời cảm thương cho chính mình.
Nhưng nói một cách nghiêm túc, nếu chúng ta đều giống như những bức tranh của Edward Hopper, cuộc khủng hoảng cô đơn đang diễn ra có thể trở thành hậu quả về xã hội nặng nề nhất do Covid-19 gây ra. Chúng ta đều đồng ý rằng việc mất liên lạc trực tiếp với con người được coi là thảm hoạ. Ít nhất đó là những gì Hopper cho chúng ta thấy. Vị danh hoạ sinh năm 1882 lựa chọn sự cô đơn làm đề tài xuyên suốt trong cả cuộc đời sáng tác của mình. Vào những năm 1920, trong khi nhà văn F Scott Fitzgerald đang kể lại câu chuyện về những nhân vật sống trong thời kỳ hoàng kim của nhạc Jazz, trái lại, Hopper bắt đầu vẽ những nhân vật trông như sẽ không bao giờ xuất hiện trong các buổi tiệc tùng xa hoa đó.
Cuộc sống hiện đại không mấy phù hợp với Hopper, không cần phải có một trận đại dịch để cô lập linh hồn tội nghiệp của ông. Những tấm cửa kính màu lạnh ngắt, các toà nhà đô thị cao chót vót nơi mọi người sống trong những căn họ khép kín, trạm xăng xuất hiện giữa hư không – kết cấu của các thành phố và cảnh quan hiện đại đối với Hopper là những cố máy tạo ra sự cô đọc. Trong các bức tranh của Hopper, những nhân vật của ông dường như loay hoay, lạc lõng, không biết làm gì với chính bản thân họ.
Trong những tác phẩm lâu đời, hình ảnh một mình mang ý nghĩa tích cực và hữu ích. Trong bức tranh với tựa đề Saint Jerome in His study, một học giả trông rất thoải mái khi ở một mình trong căn phòng nghiên cứu tại nhà được thiết kế ngay ngắn, với những cuốn sách xung quanh và con sư tử cưng của ông. Hay như trong bức tranh Wanderer Above the Sea of Fog của Caspar David Friedrich, nhân vật chính đang tìm kiếm một sự cô lập như một việc tích cực để có thể cảm nhận được thiên nhiên siêu phàm mà không bị con người làm xao lãng. Anh ta trông cực kỳ hạnh phúc khi ở một mình.
Nhưng hình ảnh về sự cô đơn ở thì hiện tại khác xa với những hình ảnh thời xưa. Đó là những nỗi ám ảnh rùng rợn của Hopper, “rùng rợn” là từ không quá mạnh để miêu tả sự cô đơn trong tranh của Hopper đâu. Một trong những fan hâm mộ lớn nhất của Hopper – Alfred Hichcock đã cho dựng nguyên một căn biệt thự xuất hiện trng bộ phim kinh dị nổi tiếng Psycho mô phỏng theo bức tranh “House by the Railroad” của Hopper.
Chúng ta đều hy vọng có thể chiến đấu để tránh viễn cảnh đáng sợ mà Hopper đưa ra về những cá nhân cô lập một mình thay vì cố gắng sống sót như một cộng đồng. Nhưng, mỉa mai thay, chúng ta đang chiến đấu bằng việc cách ly xã hội, sự dối trá ở những tuyên truyền trống rỗng về cuộc chiến virus để giả vở rằng mọi người chẳng gặp phải vấn đề gì nếu ở nhà.
Thông điệp của Hopper đó là cuộc sống hiện đại rất cô đơn. Con người bị cô lập, ngay trong bữa ăn tối, tại nhà hàng hay trong chính căn hộ của mình. Về điểm này Hopper rất giống như những nghệ sĩ hiện đại điển hình khác. Trong bức “Evening on Karl Johan Street”, Edvard Munch từng cho ta thấy việc sự cô lập ngay cả khi ta ở giữa đám đông.
Ngày nay, chúng ta chỉ đơn giản là giỏi che giấu sự cô lập hơn ngày xưa. Nhưng trong những khoảnh khắc bình thường của đời sống, chúng ta vẫn thường hay ngồi một mình trong những quán cà phê. Có một sự thật là sự hiện đại đã quảng chúng ta vào một lối sống thành thị – một lối sống đã cắt đứt sợi dây gắn kết với nhau – điều đã từng là chuẩn mực của xã hội xưa kia.
Trong thời kỳ tiền công nghiệp, những cảnh đời sống nông thôn trong tranh của Bruegel cho ta thấy một thế giới mà việc ở một mình là điều không tưởng. Những căn bếp đầy ứ đồ đạc, các buổi carnival đông đúc hẳn sẽ là cơn ác mộng cho những ai đang thực hiện việc cách ly xã hội. Nhìn vào tranh của Bruegel, bạn sẽ hiểu lí do tại sao nhiều người dân Anh đã quá dửng dưng trong việc từ bỏ đi tới những quán pub.
Chúng ta chọn sự cô đơn hiện đại bởi vì chúng ta muốn được tự do. Nhưng tại thời điểm này, tác phẩm của Hopper đặt ra cho chúng ta một câu hỏi khó: Khi sự tự do được gỡ bỏ, điều gì còn lại ngoài sự cô đơn?