ART & LIFE

Hội họa đen trắng: Nghệ thuật đa nghĩa trong gam sắc tối giản

Sep 21, 2021 | By Trang Ps

…Đen trắng không hề đơn điệu và nhám chán mà mang chúng ta đến vũ trụ của những hình tượng, những câu chuyện mang ý nghĩa sâu xa…

Drapery Studies – 1477 của Domenico Ghirlandaio là một tác phẩm điển hình được vẽ bằng các màu trắng, đen, các sắc xám và là một trong những tác phẩm tiên phong mở đầu nghê thuật tranh trắng đen

Nghe đến hai từ “trắng đen“, đôi khi chúng ta sẽ liên tưởng đến sự “đơn điệu”, thậm chí là “nhàm chán”. Nhưng các tác phẩm nghệ thuật trắng đen lại không hề nhàm chán như chúng ta vẫn nghĩ. Xét về mặt lí thuyết của mỹ thuật, đen và trắng không phải là màu sắc. Tuy nhiên, ánh sáng và bóng tối đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật và thiết kế bởi có nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau.

Nói về nguồn gốc ra đời của tranh trắng đen, giai đoạn Phục Hưng tại Ý đã nảy ra những tranh cãi gay gắt giữa những họa sĩ và nhà điêu khắc, thậm chí cả Michelangelo và Leonardo da Vinci – 2 trong những họa sĩ chân dung vĩ đại nhất – cũng tham gia cuộc tranh luận này, khi những nhà điêu khắc phê bình các họa sĩ chỉ có khả năng vẽ trong không gian hai chiều (2D). Các họa sĩ đã đáp trả bằng cách sử dụng các màu đơn sắc, trắng đen để thể hiện ánh sáng và bóng tối khiến cho bức tranh có chiều sâu, mà không cần sử dụng tới những màu sắc khác. Đó là kỹ năng vẽ gọi là đánh bóng – tạo hiệu ứng không gian 3D có góc khuất, góc nổi qua tông trắng đen bằng than chì đen.

Tranh đen trắng – nghệ thuật đa nghĩa từ sự đơn điệu của màu sắc

Một số họa sĩ đã chọn tái tạo các bức tranh màu. Bậc thầy Tân cổ điển người Pháp Jean-Dominique
Ingres đã vẽ lại bức “Grande Odalisque” (1814) – một trong những phụ nữ khỏa thân nổi tiếng nhất
mọi thời đại – bằng màu đen và trắng để chứng tỏ khả năng hội họa của ông.

Màu sắc có tính biểu tượng riêng trong các nền văn hóa, tôn giáo và lịch sử. Màu trắng trong nhiều nền văn hóa là biểu tượng cho sự ngây thơ, thuần khiết, trung thành và hòa bình. Ở các nước phương Tây, màu trắng là màu chủ đạo trong các buổi mừng sinh nở, lễ rửa tội, đám cưới là biểu tượng của niềm vui. Tuy nhiên trong nhiều nền văn hóa châu Phi và châu Á, màu trắng là màu truyền thống của cái chết và tang tóc. Với Thiên chúa giáo và Hồi giáo, màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết, thánh thiện và vĩnh cửu. Trong khi đó, màu đen khơi gợi những liên tưởng khác nhau: cái chết, bí ẩn và mặt tối của bản chất con người nhưng cũng là quyền lực, sự cao quý và uy tín.

Vì vậy, trắng đen không hề đơn điệu và nhám chán mà mang chúng ta đến vũ trụ của những hình tượng, những câu chuyện mang ý nghĩa sâu xa. Giám đốc Phòng trưng bày Quốc gia tại London, Anh, Tiến sĩ Gabriele Finaldi, cho biết: “Tính tiếp diễn lịch sử và tính đa dạng của tranh đơn sắc từ thời Trung cổ cho đến ngày nay chứng tỏ sự quan trọng của nó trong nghệ thuật phương Tây.”

Horse Skull With White Rose – 1931 của Georgia O’Keeffe, một trong những bức tranh trắng đen nổi tiếng nhất thời hiện đại, gây tranh cãi về ý nghĩa của nó. Có người nhận định đây là ranh giới giữa sự sống và cái chết (sọ – cái chết, hoa hồng – sự sống), có người lại cho rằng đây là lời khẳng định về tính thẩm mỹ, ngay cả những vật thể ma quái nhất cũng rất đẹp.

Nhiều nhà văn, nhà lý thuyết và nghệ sĩ đã cố gắng xác định những khía cạnh liên quan giữa các màu sắc khác nhau đến ý thức, tiềm thức của con người. Nhưng thật đáng tiếc, màu sắc lại mang tính chủ quan. Khoa học chứng minh tất cả sinh vật có tri giác có khả năng nhận biết các màu sắc khác nhau, cũng có khả năng liên kết những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân với các màu sắc đó. Vì vậy, cảm nhận của chúng ta về một màu cụ thể phụ thuộc vào bối cảnh mà chúng ta đã gặp nó trước đây và chúng ta nhìn nhận nó theo những cách khác nhau một cách tinh tế. Đây là một trong những lời giải thích tại sao những bức tranh chỉ độc 2 màu trắng đen lại gây ra nhiều tranh cãi như vậy. Và một bức tranh trắng đen sẽ chẳng bao giờ hoàn thiện cho đến khi người thưởng thức nhìn vào nó và thêm vào những cảm nhận cá nhân từ những trải nghiệm, định kiến mà họ đã lưu giữ trong ký ức.

Nghệ thuật trắng đen thật sự đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật từ người nghệ sĩ. Hội họa đơn sắc là một công cụ siêu việt không chỉ giúp người nghệ sĩ nâng cao tay nghề mà còn là để chứng minh tài năng. Đó là một cách để các nghệ sĩ vật lộn với hiện tượng màu sắc và cảm xúc, màu sắc và tâm linh, màu sắc và tâm trí. Dickerman nói: “Những bức tranh đơn sắc thường là trường hợp thử nghiệm, thúc đẩy giới hạn của hội hoạ như cách nó được hiểu ở những khoảnh khắc và những vị trí khác nhau.”. Thời kì xa xưa, những nghệ sĩ nổi tiếng tái hiện lại các bức tranh màu của mình bằng màu trắng đen để chứng tỏ khả năng hội họa, thông qua việc thể hiện ánh sáng và bóng tối bằng hai màu đơn giản này. Hơn thế, hình ảnh trắng đen không phải là sự tái hiện của thế giới, mà là những hình ảnh trừu tượng đại diện cho các màu sắc khác nhau với các sắc thái khác nhau của cùng một màu. Điều này đã đẩy tính thẩm mỹ của những bức tranh trắng đen lên một tầm cao hơn, đồng thời chứng tỏ khả năng truyền tải nghệ thuật của người nghệ sĩ. Người thưởng thức cũng vì thế mà có thể nhìn nhận và hiểu bức tranh theo nhiều chiều không gian, thời điểm hơn.

Tranh trắng đen còn giúp người nghệ sĩ luyện tập khả năng quan sát và cảm nhận sắc độ, điều này đã được ứng dụng rất nhiều không chỉ trong tranh vẽ truyền thống mà còn trong hội họa máy tính. Làm việc với màu đen và trắng đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế hơn giữa vùng sáng và vùng tối, từ đó mắt sẽ chọn ra các khu vực tối nhất cũng như sáng nhất nhanh hơn và tăng khả năng nhận biết những chỗ cần điều chỉnh.

Evan Gruzis

Các bức tranh đơn sắc của Gruzis được vẽ hoàn hảo đến nỗi chúng trông giống như được làm kỹ thuật số.

Việc sử dụng màu sắc rất thường xuyên đôi khi sẽ khiến nghệ sĩ phân tâm và không thể tập trung vào bố cục tổng thể. Thay vào đó, khi loại bỏ yếu tố màu sắc, nghệ sĩ sẽ tập trung hơn vào những khía cạnh nghệ thuật góc độ của các đường nét, kích thước hoặc hình dạng. Màu đen và trắng đơn giản hóa mọi thứ, từ đó làm nổi bật tất cả những đường nét đẹp đẽ và tác động của chúng lên một tác phẩm hoàn thiện. Và vì hình ảnh đơn sắc vô cùng gợi liên tưởng, tác phẩm sẽ đạt được chất lượng của bố cục, hình thức cũng như khả năng truyền đạt cảm xúc, tạo ra bầu không khí theo một cách hoàn toàn khác hẳn so với những bức tranh có màu. Thật dễ dàng để nghĩ về cây cối và sử dụng màu xanh lá cây, nghĩ về đôi môi và bắt đầu trộn màu đỏ, nhưng khi nghệ sĩ vẽ những hình ảnh này bằng màu trắng đen, điều này khiến cho bức tranh đậm nét, nhạy cảm, thậm chí mang tính mô tả như bất kỳ bức tranh đầy màu sắc nào, theo một cách thức vượt thời gian và hoàn toàn độc đáo.

Guernica (1937) một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa Pablo Picasso, mô tả rõ nét
về cảnh quan thành phố Guernica bị biến thành đống đổ nát trước cuộc ném bom khủng khiếp do Đức
Quốc xã phát động trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tuy chỉ có màu đen và trắng
nhưng nó vẫn nhấn mạnh tính chất khốc liệt và tỏ rõ bản chất của chiến tranh là ác quỷ.

Mang tính nghệ thuật cao, nhưng tranh trắng đen cũng rất gần gũi. Đây là dòng tranh phù hợp dùng vào việc trang trí không gian sống của người hiện đại, từ không gian của các căn hộ nhà phố hay không gian sang trọng của các khách sạn năm sao thì tranh trắng đen đều được ưa chuộng. Từ những sự đơn điệu, đơn giản nhưng tạo nên nghệ thuật, điều này chẳng phải rất độc đáo sao?

Nghệ sĩ đương đại vẽ tranh đen trắng nổi bật

Nhờ sự tối giản về màu sắc, Hom Nguyen đã khiến người thưởng tranh tập trung vào nội tại trầm mặc, và cảm xúc của nhân vật trong tác phẩm của BST Dark Side với dụng ý về 2 mặt tốt -xấu của con người.

Những nghệ sĩ chân dung kể từ thời Phục Hưng luôn quan trọng việc sử dụng bút chì để phác thảo – bước khởi đầu để nghiên cứu chủ thể, vị trí, nét mặt, các cơ bắp,…trước khi sử dụng những chất liệu thể hiện màu sắc. Tuy nhiên, với dòng tranh chân dung hiện đại chịu ảnh hưởng phong trào nghệ thuật khác nhau (nghệ thuật trừu tượng, chủ nghĩa tối giản,…) những nghệ sĩ mới ra đời, tạo được rất nhiều bức chân dung đẹp cùng những phong cách độc đáo mới lạ, chỉ bằng những chất liệu đơn giản nhất như bút chì, than, bút bi. Hom Nguyen là một trong những đại diện cho dòng tranh chân dung độc đáo đã cất lên được tiếng nói riêng biệt và có trọng lượng cho phong cách mà anh theo đuổi.

Với bút chì màu, bút chì than, chúng ta thường thấy những nghệ sĩ tài năng theo đuổi trường phái chủ nghĩa hiện thực – tái hiện là chân dung chính xác và chân thực nhất có thể. Điều này đòi hỏi những kỹ năng quan sát và khả năng điều chỉnh sáng tối bằng màu trắng đen và các thang màu xám một cách tuyệt vời. Thế nhưng, tranh chân dung trắng đen của Hom Nguyen lại đi theo trường phái giữa hình tượng và trừu tượng, theo một cách rất riêng mà khi nhắc đến những đường nét lộn xộn, anh sẽ là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Những bức chân dung trắng đen của Hom vẽ không theo bất kỳ một tiêu chuẩn của trường phái vẽ nào, và đôi khi hình ảnh bộ phận của con người cũng không được hoàn thiện. Những đường nét rối bời không có điềm đầu và kết thúc được Hom Nguyen tô lặp đi lặp lại tạo nên những mảng đậm, nhạt, mỏng, dày làm hiện lên từng chi tiết cho các bộ phận trên khuôn mặt, đồng thời sự tương phản trắng đen cũng được chú trọng để làm nổi bật lên những xúc cảm của nhân vật.

Hom Nguyen gần đây đã thực hiện “Twins Sisters- Chị em sinh đôi” tại khách sạn hạng sang Kazano bằng chất liệu than chì yêu thích

Nghệ thuật vẽ tranh chân dung trắng đen, nhất là tranh trừu tượng là một thử thách rất lớn với các họa sĩ bởi không giống như các bức tranh đa màu. Từng nét vẽ trong tranh chính là định hình nên cảm nhận về vẻ đẹp của bức tranh đó đối với người xem, và điều này không hề dễ. Tuy nhiên việc đó lại là điều mà nghệ sĩ Hom Nguyen luôn theo đuổi và thách thức bản thân. Trong BST Face cachée (Dark Side – Mặt tối) 2018, nam nghệ sĩ đã lột tả “mặt tối” trong tâm hồn mỗi người với duy nhất hai tông màu trắng và đen. Sự tự do của đường bút chì với những lớp chồng chất lên nhau có chủ ý, cùng với lớp nền trắng tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ, từ đó nỗi cô đơn hiện lên trần trụi. Sẽ không có sự lựa chọn nào phù hợp hơn cho những tác phẩm “Dark Side” bằng màu đơn sắc, bộc lộ sự tương phản, mặt sáng như thể những khía cạnh tốt đẹp muốn được bày tỏ ra bên ngoài, còn mặt tối là những cảm xúc mà đôi khi là “xấu xí” nhất muốn được giấu kín đi, chỉ nội tại mới thấu hiểu. Và chúng ta ai cũng ít nhất một lần trong đời nấp sau lớp mặt nạ, để thư giãn, trấn an và bảo vệ bản thân.

Tranh chân dung đã mang tính nghệ thuật cao, nay lại còn kết hợp yếu tố trừu tượng sẽ càng mang đặc trưng và ý nghĩa tùy theo mức độ tâm thức của người xem. Và chỉ với hai màu đen và trắng, hai màu sắc đối lập, tương phản nhau, không quá đặc sắc nhưng đủ để khơi gợi cảm xúc và tạo nên những rung cảm khác nhau trong lòng người.


 
Back to top