ART & CULTURE

Những bức tranh Mai Trung Thứ vẽ ở Mâcon

Sep 06, 2021 | By Sơn Ca

Triển lãm tranh Mai Thứ, tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ (Mai-Thu, écho d’un Vietnam rêvé) diễn ra từ ngày 16 tháng 6 đến ngày 24 tháng 10 năm 2021 tại bảo tàng Ursulines thành phố Mâcon nước Pháp đã đi được nửa chặng đường, thu hút 3320 khách tham quan trong 2 tháng đầu tiên, góp phần tăng gấp đôi lượng khách đến bảo tàng (1). LUXUO đã có một bài viết tổng quan về triển lãm. Bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc cụ thể hơn về những bức tranh hiện đang được trưng bày tại triển lãm mà Mai Trung Thứ đã vẽ từ năm 1940 đến 1942, trong thời gian họa sĩ ở Mâcon. 

Ngày 10.5.1940, trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Quân đội Đức Quốc xã bắt đầu một chiến dịch tấn công chiến lược về phía tây vào các nước Pháp, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg. Paris thất thủ chỉ sau hơn một tháng. Ngày 22.6.1940, hiệp định đình chiến giữa Pháp và Đức được ký kết, đánh dấu sự đầu hàng của nước Pháp và sự ra đời của chính phủ Vichy. Theo đó, Pháp chỉ được giữ lại một lực lượng binh lính để duy trì an ninh nội bộ, số còn lại bị buộc giải ngũ và bị tước bỏ vũ khí. Nước Pháp bị chia cắt thành nhiều phần khác nhau. Thành phố Mâcon khi đó thuộc vùng tự do. Vì giáp ranh với vùng bị chiếm đóng của Quân đội Đức và vùng bị tạm chiếm bởi người Đức, nơi cấm người đã di tản không được quay trở lại, nên Mâcon trở thành một trạm trung chuyển lớn của binh lính giải ngũ và người di cư. (2)   

Bản đồ nước Pháp sau Hiệp định đình chiến ngày 22 tháng 6.1940. Nguồn Wikipédia.

Những địa điểm công cộng lớn trong thành phố Mâcon được huy động để đón tiếp những dòng người dừng chân lại thành phố này, trong đó có khuôn viên của Maison du peuple (Nhà của dân chúng). Tiền thân của Maison du peuple là tu viện cổ Ursulines được xây dựng từ thế kỷ 17 và là doanh trại quân đội Puthod từ năm 1796 đến 1929. Năm 1968, trải qua gần 3 thế kỷ, địa điểm này một lần nữa được chuyển đổi thành Bảo tàng Mỹ thuật Ursulines đến ngày nay. (3)

Họa sĩ Mai Trung Thứ tới Pháp năm 1937, tình nguyện tham gia Quân đội Pháp năm 1939 và giải ngũ khi Pháp thua cuộc năm 1940. Chương trình tham quan du lịch ở Mâcon Theo dấu chân Mai Thứ cho rằng, trong dòng người xuôi ngược trung chuyển qua thành phố Mâcon, trong thời gian giải ngũ, rất có thể họa sĩ đã sống trong khuôn viên của Maison du peuple thời đó, tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Ursulines ngày nay, nơi 81 năm sau, tại đây đã diễn ra một cuộc triển lãm tranh lớn vinh danh ông. (4)

Ảnh tư liệu Mai Trung Thứ năm 1937 khi chuẩn bị sang Pháp và chân dung Mai Trung Thứ tại triển lãm.

Năm 2020, trên Le Figaro, Jean-Paul Cointet, nhà sử học nổi tiếng chuyên nghiên cứu về nước Pháp thời Vichy, đã chỉ ra những điểm tương đồng nổi bật giữa những chấn thương mà người Pháp phải chịu đựng, vào mùa hè năm 1940 và trong thời kỳ chiếm đóng, với những phản ứng của người Pháp trong đại dịch Covid-19 (5). Nhưng trong giai đoạn khó khăn đó của nước Pháp, từ năm 1940 đến 1942, Mai Trung Thứ đã kịp để lại di sản tại nhà thờ Saint-Pierre, là bức bích họa vinh danh những người lính hy sinh trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, vẽ hàng loạt chân dung các gia đình ở Mâcon và tổ chức hai cuộc triển lãm tranh lụa ở thành phố Vichy và Lyon.

Những bức chân dung các gia đình ở Mâcon (6):

Địa chỉ số 31 đường Dufour thành phố Mâcon, ngày nay là một nhà hàng, nhưng 81 năm trước là thư viện phục vụ sĩ quan binh lính trong thời giải ngũ. Tại đây, Mai Trung Thứ đã quen biết và vẽ chân dung bà Rose Sauvage (1899-1987), người có sáng kiến thành lập thư viện, khởi nguồn tình bạn thân thiết lâu dài của họa sĩ với gia đình Combeau và những mối quan hệ khác của ông với các gia đình quý tộc trong vùng. 

Ảnh trái: Không gian triển lãm Mai Trung Thứ.
Ảnh phải: Portrait de Mme R.S, 1940, Pastel và phấn trắng trên giấy.

Ông Louis Combeau (1886-1986) là dược sĩ, từng là hội viên hội đồng thành phố năm 1918 đến 1925. Năm 1940, ông vừa là thành viên phòng Thương mại vừa là thành viên của Học viện nghệ thuật, Khoa học và Văn chương Mâcon (gọi tắt là Học viện). Bà Sauvage là mẹ vợ của ông Louis Combeau. Quý mến tài năng của người họa sĩ đến từ Việt Nam, bà đã giới thiệu Mai Trung Thứ với gia đình Combeau. Từ đây, họa sĩ tiếp tục vẽ những bức chân dung trẻ em nhà Combeau và trẻ em nhà Piffaut. Quen biết ông Combeau ở Học viện, ông Jean Piffaut là kỹ sư, Phó giám đốc sở Seguin, cũng là một trong những người nổi tiếng ở Mâcon. Mai Trung Thứ còn vẽ chân dung cô Marie-Estelle Lambert, nhân viên hiệu thuốc làm việc tại cửa hàng của ông Combeau. 

Ảnh trái: Portrait des enfants de la famille P, 1940, pastel trên giấy.
Ảnh phải: Portrait des enfants de la famille C, 1940, chì trên giấy.

Ảnh trái: Portrait d’une femme assise, 1941, mực và màu trên lụa. 
Ảnh phải: Portrait de Mme M.E.L, khoảng năm 1940, mực và màu trên lụa.

Portrait de Mme S.C.F, 1941, Pastel trên giấy

Một mối liên hệ giữa Mai Trung Thứ với một gia đình quý tộc quan trọng khác trong vùng là ông Jean-Baptiste Denis (1870-1960), người sáng lập ra bệnh viện tư ở Mâcon đồng thời giữ chức vụ giám đốc Học viện năm 1937. Mai Trung Thứ đã vẽ ba bức tranh con dâu ông Denis bế con gái trên tay, trong đó có hai bức phác thảo trên giấy và một bức vẽ trên lụa. Cô Denis là vợ ông Raymond Denis (1903-1995), một nhà phẫu thuật ở Mâcon. Bé gái trong bức tranh sinh ngày 25.12.1940. 

Triển lãm cũng trưng bày bức chân dung của bà Colombon, người đã gặp gỡ Mai Trung Thứ trong thời gian bà sống tại Việt Nam từ năm 1924 đến năm 1938. Năm 1941, họa sĩ đã vẽ chân dung bà, một bức màu trên lụa và một bằng chì trên giấy, khi bà quay trở lại Pháp.

Ba bức vẽ bằng chì, trong đó hai bức vẽ cô Denis bế em bé và một bức chân dung bà Colombon, có số phận khác với hai bức tranh lụa của cùng chủ thể. 

Portrait de Mme N.D et de sa fille, 1941, mực và màu trên lụa.

Ảnh trái: Étude pour le Portrait de Mme N.D et de sa fille, 1941, chì và than chì trên giấy. 
Ảnh phải: Dessin préparatoire pour le Portrait de Mme N.D et de sa fille, 1941, chì và than chì trên giấy.

Ảnh trái: Portrait de Mme M.C devant un paravent, 1941, mực và màu trên lụa.
Ảnh phải: Étude préparatoire au Portrait de Mme M.C devant un paravent, 1941, chì và than chì trên giấy. Ảnh chụp từ catalogue.

Tháng 2 năm 2014, tại số 24 đường Philibert-Laguiche, Mâcon, người ta đã tìm thấy một thùng các tông bị quên lãng nhiều năm trong tận cùng ngăn kéo ở một cửa hàng khung tranh, khi nơi này được bán cho chủ mới. Chính những bức vẽ bằng chì cô Denis bế em bé và chân dung bà Colombon được nhắc bên trên đã được tìm thấy trong thùng các tông này. Ngoài ra, trong thùng còn có một bức tranh lụa khác vẽ một cô gái tóc vàng, một bảng màu (palette en bois) và một bản phác thảo bức bích họa trong nhà thờ Saint-Pierre. Những màu sắc trong bảng màu này được xác định là trùng màu sắc với bản phác thảo bức bích họa. Nhà đấu giá Jérôme Duvillard đã chứng nhận đây là những kỷ vật của Mai Trung Thứ và tổ chức bán đấu giá trực tuyến đầu tháng 3 năm 2014, trong đó bức Portrait d’une jeune femme blonde (Chân dung một cô gái tóc vàng) được định giá từ 5000 đến 6000 euros. (7)

Portrait d’une jeune femme blonde, khoảng 1941, mực và màu trên lụa. Ảnh chụp từ Catalogue.

Ảnh tư liệu Mai Trung Thứ và vợ về thăm lại gia đình Combeau ở Mâcon năm 1954.  
Bút vẽ, bảng màu, phác thảo của bức bích họa tại nhà thờ Saint-Pierre tìm thấy trong thùng các tông bị bỏ quên được trưng bày trong triển lãm Mai Trung Thứ.

Vào năm 1940, cửa hàng khung tranh này thuộc sở hữu của ông Joseph Laurent Pedrinis (1898-1965), thợ làm gương và thợ đóng khung. Ông chính là người đã đóng các khung tranh do Mai Trung Thứ vẽ các gia đình ở Mâcon. Pedrinis cũng là một nhà sưu tập nghệ thuật và có quan hệ rộng rãi với nhiều nghệ sĩ trong vùng, có nhiều hỗ trợ giúp Mai Trung Thứ trở nên nổi tiếng tại Mâcon và Lyon.

Song song với việc vẽ tranh cho các gia đình tại Mâcon theo đơn đặt hàng, Mai Trung Thứ vẫn tiếp tục sáng tác tranh lụa và tổ chức một cuộc triển lãm tranh tại Lyon vào tháng 1 năm 1941, và một cuộc triển lãm tại Vichy tháng 10 năm 1941 cùng họa sĩ Lê Phổ. Năm 1954, nhờ sáng kiến của của ông Louis Combeau và sự giúp đỡ của phòng thương mại Mâcon, Mai Trung Thứ đã quay trở lại Mâcon tổ chức một triển lãm tranh lụa, đồng thời cũng giới thiệu tác phẩm của mình tại Galerie Bellecour, Lyon. 

Những bức tranh lụa Mai Trung Thứ sáng tác ở Mâcon:

Trong bốn bức chân dung tự họa được giới thiệu tại triển lãm Mai Thứ, tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ, có ba bức tranh sơn dầu vẽ năm 1927, 1930 và 1950, bức chân dung còn lại vẽ năm 1940 trên lụa mang một phong cách khác lạ.

Ở ba bức tranh Mai Trung Thứ tự họa cùng điếu thuốc, người đàn ông trong bức chân dung trên lụa có khuôn mặt Á đông mang phong cách Tây Phương. Không ngậm thuốc trên môi, người đàn ông này tay cầm điếu thuốc với kiểu cách lịch lãm, mặc áo sơ mi trắng bên trong, áo vest bên ngoài, tóc chải mượt, nhìn thẳng vào người xem bằng ánh mắt tự tin, dứt khoát. Đôi mắt trong bức chân dung năm 1927 có nét buồn sâu thẳm, còn đôi mắt trong bức chân dung năm 1950 được che phủ dưới lớp kính mờ. 

Autoportrait à la cigarette, 1940, mực và màu trên lụa.

Ảnh trái: Autoportrait à la cigarette, 1927, sơn dầu trên Isorel. 
Ảnh phải: Autoportrait aux lunettes, khoảng 1950, sơn dầu trên vải.

Thời kỳ sống ở Mâcon đánh dấu sự thay đổi về phong cách nghệ thuật trong sáng tác của Mai Trung Thứ. Ông đã ngừng vẽ tranh sơn dầu để quay về vẽ tranh lụa. Trong một trả lời phỏng vấn báo Ouest-France năm 1972, Mai Trung Thứ giải thích:

“Tôi gìn giữ kỹ thuật vẽ tranh của đất nước mình, tranh lụa. […] Nhưng chỉ kỹ thuật là truyền thống. Trái với những gì người ta thường nghĩ, tranh của tôi không theo truyền thống quê hương ngay cả khi nó có những đặc trưng riêng thông qua các chủ đề mà tôi vẫn trung thành. Tôi vẫn sáng tác tranh sơn dầu như ở phương tây nhưng tôi chỉ giữ cho riêng mình, vì rất nhiều nghệ sĩ khác cũng vẽ tranh như vậy, nếu theo đuổi dòng tranh này tôi khó lòng nổi bật giữa đám đông.” (8) 

Tranh lụa hiện đại Việt Nam ra đời từ thập niên 1930, thời điểm được xác định chính xác hơn là năm 1929 với người tiên phong là họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (9). Theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, kỹ thuật tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, cũng như các họa sĩ khác ở trường Mỹ thuật Đông Dương, là sử dụng màu nước vẽ trên lụa chứ không dùng màu tự nhiên vẽ thẳng vào lụa một lần như trong vẽ lụa cổ truyền. Điều này buộc người họa sĩ phải vẽ ẩm và rửa nước nhiều lần. (10) 

Nguyễn Phan Chánh là người đã phát minh ra kỹ thuật “rửa lụa”, nhưng có thể trong sáng tác, có những bức tranh ông không hoàn toàn chỉ dùng màu nước hoặc gouache như các họa sĩ khác. Hiện chưa tìm thấy tài liệu chính xác khẳng định Nguyễn Phan Chánh sử dụng màu tự nhiên hay không. Tuy nhiên có thể tìm thấy trên website của bảo tàng Cernuschi (Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á tại Paris) bức tranh Jeune femme en train de se peigner (Thiếu nữ đang chải tóc) được vẽ vào năm 1933 của Nguyễn Phan Chánh có ghi chú chất liệu là màu và pigments trên lụa.

Ảnh không gian triển lãm tranh Mai Trung Thứ.

Kỹ thuật tranh lụa của Mai Trung Thứ trước năm 1943 cũng tiếp nối Nguyễn Phan Chánh, tức là vẽ ẩm bằng cách quét một lớp hồ pha phèn trước khi vẽ và rửa nước trong quá trình vẽ. Phèn giúp việc bảo quản tranh được tốt hơn. Tranh của Nguyễn Phan Chánh thường có tông màu tối trong khi Mai Trung Thứ chọn nhiều sắc màu tươi tắn trong tranh của mình. Ngoài dùng màu, màu nước, Mai Trung Thứ còn dùng màu keo và gouache. Loại bút họa sĩ sử dụng để vẽ tranh lụa lại là bút dùng trong vẽ tranh sơn mài. Mai Trung Thứ vẽ tranh trên lụa nguyên chất, thật mỏng và giấy để dán bồi vào lụa là giấy bristol chất lượng cao. (11)

Năm 1943, bức tranh ghi dấu Mai Trung Thứ có sự chuyển đổi trong kỹ thuật vẽ tranh lụa là bức La jeune femme et la cage à oiseaux (Cô gái và lồng chim). Ở bức tranh này Mai Trung Thứ không còn vẽ ẩm và rửa lụa nữa mà vẽ thẳng mực và gouache trên bề mặt khô. (12)

Tuy nhiên đó là giai đoạn sau thời gian Mai Trung Thứ ở Mâcon.

Trở lại với những bức tranh lụa thời kỳ 1940-1942 của Mai Trung Thứ trong khuôn khổ triển lãm đang diễn ra tại bảo tàng Ursulines, những bức tranh phụ nữ Việt Nam được họa sĩ vẽ trong thời gian này có nhiều phụ kiện hơn tranh phụ nữ ở những thời điểm sau. Đó là những vòng tay, vòng cổ, khuyên tai, khăn quàng cổ, dải yếm…Trong khi ở những giai đoạn sau phụ nữ trong tranh Mai Trung Thứ chỉ vấn khăn trên tóc.

Có thể quan sát lại chân dung cô Denis và bà Colombon trong phần tranh các gia đình quý tộc ở Mâcon, để thấy Mai Trung Thứ đã để ý và vẽ những chi tiết rất nhỏ, tinh tế như chiếc nhẫn ở ngón út, chiếc thắt lưng, chiếc nhẫn cưới kim cương…Mai Trung Thứ dùng kỹ thuật vẽ tranh truyền thống, đề tài đặc trưng của Việt Nam với những người phụ nữ mặc áo dài, đội nón, thắt dải yếm, nhưng tinh thần phụ nữ trong tranh rất Tây phương thể hiện qua thần thái, sắc màu quần áo, hành động đọc sách, cử chỉ khoanh tay trước ngực, soi gương trang điểm và đặc biệt là họ đeo vòng, khuyên tai giống như những người phụ nữ họa sĩ đã gặp ở Mâcon. 

Femme à l’éventail jeune, 1942, mực và màu trên lụa. 
Ảnh chụp từ catalogue.

Personnage indochinois, 1941, mực và màu trên lụa.
Bức tranh này từng được trưng bày tại triển lãm của Mai Trung Thứ tổ chức cùng Lê Phổ tại Vichy năm 1941, và được Nhà nước mua tại triển lãm. Đến nay, nước Pháp đã mua tổng số 3 bức tranh của Mai Trung Thứ.

Femme à la tunique jaune ajustant sa toilette, 1942, mực và màu trên lụa.

Có thể nhận thấy, những bức rèm làm nền trong tranh của thời kỳ này khi thì trong suốt, khi thì mềm mại thuôn dài xuống, khác những bức rèm trong thời kỳ sau, khi Mai Trung Thứ chuyển sang vẽ cả người và rèm đều ước lệ. Bà Anne Fort, đại diện của bảo tàng Cernuschi, người có những nghiên cứu về tranh của Mai Trung Thứ, từng nhận xét rằng tranh của họa sĩ từ sau những năm 1950 bớt tả thực hơn (13).

Trong số những bức tranh phụ nữ vẽ sau năm 1940 tại triển lãm, Derrière le rideau (Sau tấm rèm) là bức tranh Mai Trung Thứ đã miêu tả khuôn mặt và ánh mắt cô gái có chiều sâu nội tâm nhất. Cô gái mặc chiếc áo tông màu rực rỡ ngồi bó gối suy tư sau bức rèm trong suốt màu xanh nõn chuối. Sự suy tư này và sắc màu này chỉ có thể có trong tinh thần tự do, làm ta cảm thấy tâm hồn phương Tây luôn ở trong thể xác phương Đông trong tranh Mai Trung Thứ. 

Derrière le rideau, 1941, mực và màu trên lụa. 
Ảnh chụp từ Catalogue.

Trong thời kỳ ở Mâcon, Mai Trung Thứ vẫn tiếp tục sáng tác các đề tài yêu thích khác như trẻ em, những người phụ nữ chơi nhạc cụ truyền thống. Nhưng những bức tranh vẽ các gia đình ở Mâcon và những bức tranh lụa về đề tài phụ nữ đã ghi một dấu ấn đặc biệt trong lòng người xem, nơi chân dung người phương Tây được vẽ trên chất liệu phương Đông và nơi tranh vẽ người phương Đông mang tâm hồn phương Tây. 

Bức bích họa trong nhà thờ Saint-Pierre của ông đã trở thành một tác phẩm hiếm hoi cùng loại hiện đang được bảo tồn ở vùng Saône-et-Loire. Bà Michèle Moyne-Charlet, giám đốc bảo tàng Ursulines, khi mới chuyển đến Mâcon năm 2017, ấn tượng bởi bức bích họa này của người họa sĩ đến từ Việt Nam. Nhưng sự gặp gỡ của bà với tranh Mai Trung Thứ đã đến trước đó, từ năm 2014, qua phiên đấu giá những bức tranh tìm thấy ở Mâcon, bà đã có ý tưởng tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ từ những ngày đó. (14)

Trong dòng người trôi dạt bởi chiến tranh trên đất Pháp những năm đầu 40 của thế kỷ trước, một họa sĩ Việt đã dừng chân trên thành phố xa lạ, đã neo tâm hồn nghệ thuật của mình nơi đây, đã gieo tâm hồn nghệ thuật của mình nơi đây, giăng mắc những sợi duyên lành với người Pháp, để hơn 80 năm sau, tiếng vọng của tâm hồn ấy vẫn còn vang mãi…

Bài và ảnh: Sơn Ca

Chú thích:

(1) Triển lãm Mai Thứ và Dali thúc đẩy du lịch, Laurie Bouclet.

(2) La Saone-et-Loire trong chiến tranh (1940-1945), Cuộc sống đời thường trong thời tạm chiếm, André JEANNET, nhà xuất bản HORVATH và Quân đội và lính Pháp từ tháng 9.1939 đến tháng 6.1940, tài liệu của Văn phòng Cựu chiến binh quốc gia và Nạn nhân chiến tranh. 

(3) Bảo tàng Ursulines ở Mâcon trên wikipedia.

(4) Tường thuật bằng hình ảnh chương trình du lịch Theo dấu chân Mai Thứ, được tổ chức bởi phòng du lịch Mâcon và bảo tàng Ursulines trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa bên lề triển lãm Mai Thứ, tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ.  

(5) Liệu cuộc vận động đối mặt với đại dịch có gợi nhớ đến khủng hoảng trong xã hội Pháp năm 1940? , Jean-Paul Cointet.

(6) Những thông tin trong phần viết Những bức chân dung của Mai Trung Thứ vẽ các gia đình ở Mâcon được lấy chủ yếu từ Tiểu luận Những tình bạn thân thiết, nơi khởi nguồn sợi dây gắn bó lâu dài của Mai Thứ và thành phố Mâcon của bà Michèle Moyne-Charlet, giám đốc bảo tàng Ursulines, Mâcon. Catalogue triển lãm Mai Thứ, Tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ, nhà xuất bản Snoeck, Gand, 2021. Riêng thông tin chi tiết hơn về thùng các tông chứa những kỷ vật của Mai Trung Thứ được dẫn trong nguồn số (7) dưới đây.  

(7) Thông tin về những bức tranh và kỷ vật được tìm thấy trong hộp các tông của Mai Thứ trên website đấu giá lớn nhất của Pháp.

(8) Mai Trung Thứ trả lời phỏng vấn báo Ouest-France ngày 21.4.1972. (Từ nguồn Catalogue của triển lãm).

(9) 90 năm tranh lụa Việt Nam, mấy chú giải về lịch sử, Hà Thái Hà.

(10) Lụa: Tranh lụa từ truyền thống đến hiện đại, họa sĩ Phan Cẩm Thượng.

(11) Mai Trung Thứ trả lời phỏng vấn năm 1954 trong thời gian diễn ra triển lãm của ông từ 26.3 đến 8.4.1954 tại galerie de l’Institut, Paris, đăng trên tạp chí Climats. (Từ nguồn Catalogue của triển lãm).

(12) Dẫn theo luận văn Mai Thu (1906-1980) Mai Thu (1906 – 1980) : le peintre des rêves. Essai monographique sur l’un des premiers peintres vietnamiens installés en France hoàn thành tháng 6.2021 của Đào Diệu Linh, trường đại học Paris Nanterre.

(13) Nhận xét về tranh Mai Trung Thứ của bà Anne Fort đã đăng tải trong bài viết trước về họa sĩ trên Luxuo.

(14) Khám phá cuộc đời và tác phẩm của Mai Thứ tại bảo tàng Ursulines, bài trên báo Mâconinfos.

 


 
Back to top