ART & LIFE

Sê-ri tranh “Puzzled Daydreams”: Điều kỳ diệu trong những thứ tâm trí cho là tầm thường

Aug 03, 2020 | By Trang Ps

Khi tâm ta tĩnh lặng và trong sáng, đôi khi ta lại tìm thấy những kỳ diệu ở những cái mà mình cho là tầm thường nhất. Thông điệp ấy đã được thể hiện rõ ràng trong sê-ri tranh “Puzzled Daydreams” của nghệ sĩ Chris Huen Sin Kan.

Joel and Haze with Wall, Chris Huen Sin Kan, sơn dầu trên toan, 200 x 240 x 5 cm, 2020.

Nghệ sĩ Chris Huen Sin Kan sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông. Hiện tại, anh đang sống cùng vợ (Haze), hai đứa con (Joel và Tess) và ba chú chó (Doodood, MuiMui và Balltsz). Tất cả đều xuất hiện với tư cách là nhân vật chính trung thành trong những tác phẩm của Huen. Những hình ảnh ấy đại diện cho khoảnh khắc trần tục, tầm thường và là bản năng cần thiết tạo nên sự tồn tại của con người. Điểm xuyến trong đó là những khả năng, đúng hơn là hạn chế của việc ghi lại khoảnh khắc chợt thoáng thông qua bức họa.

Puzzled Daydreams: Điều kỳ diệu trong những thứ tâm trí cho là tầm thường

Doodood, Balltsz and Mui Mui, Chris Huen Sin Kan, sơn dầu trên toan, 200 x 240 x 5 cm, 2020.

Những tác phẩm này kết hợp khái niệm thời gian, mà cụ thể hơn là “specious present”, khoảng thời gian mà nhận thức con người coi là trong hiện tại. Thuật ngữ này được đặt ra bởi E. Robert Kelly (được biết rộng rãi hơn với bút danh ER Clay). Nói một cách dễ hiểu hơn, khoảnh khắc giữa quá khứ và tương lai được chúng ta gọi là hiện tại luôn mong manh và sẽ biến mất. Huen bộc lộ niềm quan tâm đặc biệt đến nhận thức và thời gian. Hai yếu tố này dẫn dắt thực hành của họa sĩ trẻ ngay từ đầu, được biểu lộ qua tinh thần “hỗn loạn” trong các tác phẩm tự phát của anh.

Puzzled Daydreams / Simon Lee Gallery / London / 15/6 – 3/7

Các bản vẽ bằng bút chì đơn giản và thanh mảnh phục vụ như những bước dạo đầu trong các bức tranh sơn dầu khổ lớn không đóng khung của Huen. Anh thường mời người ghé thăm quan sát cận bức họa để thấy các chi tiết như “cạnh tranh” lẫn nhau bất chấp khái niệm về phối cảnh tuyến tính. Trong các sự kiện triển lãm, họa sĩ cũng thường dẫn dắt người xem quan sát kỹ các họa tiết tương tự trong các bức tranh. Nhìn từ xa, các tấm toan có kích thước  2 đến 3 mét sở hữu sức sống căng tràn và năng động, với hiệu ứng tổng thể của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng: gần gũi, tinh tế, nhẹ nhàng và đặc biệt, đạt đến chất lượng hình ảnh của bức tranh mực truyền thống của Trung Quốc.

Chỉ trong một vài năm, phong cách của Huen đã phát triển từ lối vẽ mềm mại sang nét kịch tích pha lẫn đồ họa. Đó là một cuộc chuyển biến mạnh mẽ, chứng tỏ hiểu biết bao quát từng cảnh không chỉ qua thị giác mà còn xúc giác và thính giác. Trong một bức tranh mang tên “Doodood, Balltsz and MuiMui” (2020), một bố cục như giọt nước mắt vỡ tan nhường chỗ cho chiếc xe tải băng qua. Người ta gần như có thể nghe thấy tiếng động cơ gầm rú.

Trong một bức họa khác “Joel and Haze” (2020), những khối Lego sặc sỡ được rải khắp sàn nhà, người ta gần như cảm nhận được sự bứt rứt khó chịu khi ai đó dẫm lên chúng một cách tình cờ. Không gian âm và những mảng màu sáng đột ngột xuất hiện giữa bảng màu lặng làm nổi bật tương tác ma sát giữa hồi ức sống động và mờ nhạt.

Tác phẩm dội vào tâm tưởng người xem khái niệm về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống vốn dĩ không nằm đâu xa xôi mà là chính trong gia đình của mình. Chính môi trường ấy đã dạy cho chúng ta bài học “hiện tại là một món quà”.

“Nghệ thuật là cuộc sống” được biểu lộ rõ ràng trong tác phẩm của Chris Huen Sin Kan. Càng chiêm ngưỡng tác phẩm của anh, tôi càng liên tưởng đến bài thơ haiku của thi hào Nhật Bản – Basho. Những bài thơ haiku của ông có cái nhìn vô cùng sâu sắc về vẻ đẹp của thiên nhiên và cảnh vật chung quanh. Đối với Basho, chẳng có gì là tầm thường và bình thường. Tác phẩm của ông đơn sơ, mộc mạc nhưng dường như trong cái đơn sơ, ta bắt găp được một điều gì đó rất nhiệm màu.

Ta nhìn sâu xa

Bên hàng giậu nở

Cành Nazuna

Bài thơ ấy ghi lại sự kiện hết sức đơn sơ và bình thường. Nhưng trong cái được cho là bình thường (thậm chí nhiều người cho là tầm thường) ấy, ông khám pha ra thực tại nhiệm màu: một cành hoa đang nở. Và trong giây phút ấy, ông chợt thấy mình là một với hiện hữu.

Chris Huen Sin Kan: Puzzled Daydreams at Simon Lee Gallery

Cũng như Chris Huen Sin Kan, anh vẽ những thứ hết sức dung dị và đời thường. Đó là vợ, là con, là ba chú chó của gia đình, nhưng khi hiện lên tấm toan, tất cả trở nên nhiệm màu và tràn đầy cảm hứng. Tác phẩm dội vào tâm tưởng người xem khái niệm về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống vốn dĩ không nằm đâu xa xôi mà là chính trong gia đình của mình. Chính môi trường ấy đã dạy cho chúng ta bài học “hiện tại là một món quà”.


 
Back to top