Nghệ thuật

Victor Tardieu trong kí ức của tôi

Jun 10, 2022 | By Art Republik

Bài viết của bà Alix Turolla-Tardieu, cháu nội của họa sĩ Victor Tardieu và cũng là con gái của thi sĩ Jean Tardieu. Bà là người đã tặng cho Viện Nghiên cứu Lịch sử Mỹ thuật Paris (INHA) kho lưu trữ về Victor Tardieu, trong đó có tư liệu phong phú về Trường Mỹ thuật Đông Dương.

“Bệnh viện ở Oatfield”, sơn dầu, 1915, tranh Victor Tardieu vẽ trong chiến tranh. Nguồn: Internet.

Đây là bài viết của bà Alix Turolla-Tardieu, cháu nội của họa sĩ Victor Tardieu và cũng là con gái của thi sĩ Jean Tardieu, từng được xuất bản trên tập san Textes Recherches Diffusion của Hội Jean Tardieu (số 6, tháng 12 năm 2006). Tháng 06.2009, bà đã tặng cho Viện Nghiên cứu Lịch sử Mỹ thuật Paris (INHA) kho lưu trữ về Victor Tardieu, nhân vật trung tâm trong quan hệ hữu nghị Pháp – Việt thế kỷ XX, trong đó có tư liệu phong phú về quá trình gây dựng cũng như chặng đường tồn tại của Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hồ sơ lưu trữ 125). Tháng 2 năm 2022, ngôi nhà gia đình Tardieu từng ở nhiều năm, số 3 phố Chaptal, Paris được gắn biển kỷ niệm, INHA đã cho đăng tải lại bài viết này trên trang web của thư viện. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày mất của Victor Tardieu (12.06.1937-12.06.2022), Art Republik Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này tới độc giả. Cảm ơn bà Alix Turolla-Tardieu đã đồng ý cho chuyển ngữ và xuất bản.

===

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1918 khi Victor Tardieu xuất ngũ. Giống như bao người, ông đã từ bỏ cuộc sống sung sướng và tự nguyện tòng quân làm một anh lính trơn ngay từ năm 1914 khi đã ở tuổi 44. Trở về từ cuộc chiến, vào năm 1918, tất cả đã đổi thay: cậu con trai Jean giờ đã là thiếu niên và đã quen chỉ có mẹ suốt bốn năm chiến tranh, còn cảnh nhà thì bần hàn.

Trong lĩnh vực hội họa, những nhà tiên phong vĩ đại đã đạt được lối đi riêng: không còn tranh chân dung cổ điển, không còn tranh trang trí vòm trần, không còn các đơn hàng của giới chức hay tư nhân. Victor Tardieu khó lòng được chính quyền Montrouge trả thù lao cho việc trang trí những phòng khánh tiết của Tòa thị chính, dù hợp đồng đã ký từ trước chiến tranh. Hai năm đầu sau giải ngũ, ông sống trong nỗi bất an, còn lòng kiêu hãnh bị tổn thương vì phải chất gánh nặng mưu sinh lên công việc dạy đàn hạc của vợ, Caline, cũng như phấp phỏng lo sợ rằng sẽ không bao giờ còn có thể sống nhờ cọ vẽ.

Chính lúc đó ông gặp được Albert Sarraut, một người yêu tranh và sưu tầm tranh nghiệp dư có tiếng, và nhen nhóm lại hi vọng.

Việt Nam

Thời gian này, chính phủ Pháp đài thọ vé khứ hồi, cũng như cung cấp lưu trú miễn phí tại các thuộc địa ở Viễn Đông, cho những họa sĩ đoạt “Giải thưởng Đông Dương” (Prix de l’Indochine), giải thưởng được lập ra vào năm 1910 và trao thường niên; đổi lại, họa sĩ sẽ phải triển lãm tranh tại thuộc địa, đồng thời phải trao cho thành viên của Hiệp hội Họa sĩ Thuộc địa Pháp quyền lựa chọn trong những tác phẩm của hoạ sĩ đó, một tác phẩm làm tặng phẩm cho một cơ quan công quyền địa phương; hoạ sĩ nhận giải cũng buộc phải giới thiệu các tác phẩm của mình với Hiệp Hội trước mọi triển lãm.

Victor Tardieu tham gia cuộc thi, đoạt giải và lên tàu tới Marseille vào tháng Giêng năm 1921. Ông đến Sài Gòn ngày 2 tháng Hai và dự tính sẽ lưu lại đây sáu tháng như lệ thường. Thời gian đầu mới đặt chân đến vùng đất mới, ông đi thăm thú khắp xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Campuchia; sau đó, Victor Tardieu lên đường ra Hà Nội và dừng chân ở đây khá lâu, vừa để gặp gỡ giới chức Pháp có nghĩa vụ tiếp đón ông, cũng để tiếp xúc với những nghệ sĩ trẻ người bản xứ. Trong số này có một người sẽ mau chóng trở thành học trò của ông: Nam Sơn.

Cũng thời kì này, chính phủ Pháp cho tu sửa và mở rộng những tòa nhà của Đại học Đông Dương, vốn được xây dựng từ năm 1906. Tardieu sẽ phải thuận theo kế hoạch của Ernest Hebrard, kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Đông Dương. Ngày 6 tháng 6 năm 1921, Toàn quyền Maurice Long và Victor Tardieu ký hợp đồng trang trí những tòa mới của trường đại học, đặc biệt là giảng đường lớn. Đề tài định sẵn là: Nước Pháp mang đến cho xứ thuộc địa những ích lợi của nền văn minh, một “chủ đề khủng khiếp”, ông viết như vậy cho vợ; nhưng niềm tin xã hội chủ nghĩa của người họa sĩ đã đưa ông đi theo một hướng hoàn toàn khác.

Khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, bản in ảnh đen trắng trên giấy, năm 1925. Victor Tardieu ngồi chính giữa. Paris, thư viện INHA, hồ sơ lưu trữ 125,9. Ảnh INHA.

Trường Mỹ thuật

Bên cạnh sự nghiệp sáng tác riêng cũng như được khích lệ bởi những bạn hữu người Việt, những người đã bày tỏ với ông nỗi hoang mang của họ, giữa một bên là nghệ thuật Trung Hoa và một bên là ảnh hưởng phương Tây, Tardieu với sự giúp đỡ của Nam Sơn, đã cùng thành lập Trường Mỹ thuật. Ở đó, họ giảng dạy những nền tảng cơ bản nhất (tranh, phác thảo từ thiên nhiên, giải phẫu, phối cảnh…). Đây là ngôi trường dành riêng cho sinh viên người Việt và người Lào, người Campuchia và người ngoại kiều sống ở Đông Dương. Đó quả là một cuộc cách mạng và cũng vì thế Victor Tardieu đã chuốc thêm nhiều kẻ thù cho đến cuối đời; nhưng ông may mắn có được sự bảo trợ của một vài “yếu nhân” sáng suốt, cũng như sự ủng hộ vô điều kiện của người Việt Nam.

Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội được Toàn quyền Maurice Long ký ngày 27 tháng 10 năm 1924 *. Từ đó, Victor Tardieu đã dồn hết tâm huyết giúp đỡ những sinh viên “có thiên phú còn hơn phần lớn sinh viên ta” tìm ra được cảm hứng của họ. Lần lượt các ban sơn mài, tranh lụa, rồi kiến trúc và cuối cùng là mỹ thuật ứng dụng được mở ra. Victor Tardieu tin tưởng vào sự cần thiết trở về cội đến mức cấm học trò của mình sử dụng một số màu không đặc trưng cho truyền thống bản địa, và theo ý ông là đã được sử dụng một cách tệ hại.

Trong các năm từ 1922 đến 1924, Victor Tardieu đã đảm đương hai công trình lớn: trang trí những tòa nhà mới của trường đại học, hoàn thành vào ngày 5 tháng 7 năm 1928, khi bức họa lớn được dán hoàn thiện lên tường giảng đường chính; đồng thời đặt nền móng cho Trường Mỹ thuật mà ngày nay vẫn còn dưới cái tên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (đúng ra là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), cái nôi nâng đỡ những sáng tạo nghệ thuật.

Victor Tardieu và vợ, bà Caline. Nguồn: Chụp từ sách Hội họa Hà Nội, những kí ức còn lại của Nguyễn Hải Yến.

Thời gian này, Victor Tardieu và con trai liên lạc với nhau chủ yếu qua thư tín, và tình cảm cha con đã hòa thuận hơn. Vào năm 1927, Victor Tardieu hay tin cậu con trai sẽ tới Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quân sự để được sống gần gũi với mình. Dù ban đầu khi đón nhận tin này, Jean cảm thấy hẫng hụt vì bị bứt ra khỏi văn đàn Paris mà giờ đây anh đã coi là máu thịt, thì chuyến đi này cũng để lại cho Jean Tardieu nhiều dấu ấn. Không thể tham gia chiến đấu vì quá gầy yếu, anh được điều về bộ tham mưu với chân trợ lý. Tại Hà Nội, anh đã hóa giải hết mọi khúc mắc với cha. Khi Caline (vợ ông) và Jean (con trai) quay trở lại Pháp năm 1929, Victor cảm thấy hụt hẫng và trống trải vô hạn.

Vào năm 1931, Victor về Paris trong phái đoàn tham dự Đấu xảo Thuộc địa: ngôi trường của ông lúc này đã rất có tiếng tăm, muốn nâng cao vị thế của các học trò của mình, ông đã đích thân sắp đặt và bố trí sáu gian được dành riêng trong Tòa triển lãm “Đền Angkor”, và giao cho họa sĩ Lê Phổ chỉ đạo trực tiếp. Sáu gian này bao gồm một gian vuông vắn dành cho các nghệ sĩ điêu khắc (Vũ Cao Đàm là nổi bật nhất), một gian cho sơn mài và những gian khác dành cho đồ nội thất, vải, đồ trang trí mang từ các xưởng của trường và đặc biệt phải kể đến những gian dành cho các họa sĩ như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh… – những nghệ sĩ này hiện tại đã có chỗ đứng vững chắc trong các phòng bán tranh. Jean Tardieu và bạn bè đã đến thăm Đấu xảo và như đông đảo công chúng cũng như giới báo chí, hết sức thích thú trước một trào lưu nghệ thuật đáng kinh ngạc. Đầu mùa hè năm 1932, Victor Tardieu buộc phải lên đường và lên tàu trở về Hà Nội, chỉ vài ngày trước đám cưới của con trai với Marie-Laure.

Vào năm 1936, căn hộ của gia đình Tardieu tại số 3 phố Chaptal, Paris đã nhượng lại cho người khác, Caline dọn về nông thôn sống trong một căn nhà nhỏ ở Villiers-sous-Grez, căn nhà này đã được Victor cho bài trí lại, còn vợ chồng Marie-Laure và Jean chuyển về ngôi nhà số 71, đại lộ Arago.

Lễ gắn biển kỷ niệm ngôi nhà mà Victor Tardieu và Jean Tardieu đã sinh sống, tại số 3 phố Chaptal, Paris, ngày 17.02.2022. Nguồn: Sơn Ca cung cấp.

Bà Alix Tardieu (chính giữa trong 5 người) trong lễ gắn biển kỷ niệm ngôi nhà mà Victor Tardieu và Jean Tardieu đã sinh sống, tại số 3 phố Chaptal, Paris, ngày 17.02.2022. Nguồn: Sơn Ca cung cấp.

Tại Hà Nội, Victor ngày càng dốc sức cho công việc và nỗ lực đem lại điều tốt đẹp nhất cho “dân tộc nhỏ bé […] vô tư lự, với lòng nhiệt thành vui sống, nếu ta có thể nói thế” – một dân tộc đã cho ông những người học trò vô cùng xuất sắc. Khi thành lập trường, ông chú trọng nhất là trang bị cho họ những phương tiện kĩ thuật để biểu lộ tài năng, song rất mau chóng ông nhận ra cũng phải cho họ khả năng kiếm sống; chính vì thế, ông đã nhiều lần tổ chức ở Hà Nội, rồi sau đó là tại Paris, các cuộc triển lãm có bán tranh tượng được công chúng hoan nghênh đón nhận; ông cũng tập trung đào tạo lớp họa sư tương lai và lập ra những xưởng thủ công và xưởng mỹ thuật ứng dụng: cũng là một cách tạo bệ phóng cho rất nhiều lớp học trò, như Tô Ngọc Vân – về sau là hiệu trưởng người Việt đầu tiên của Trường (theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia, ngày 9 tháng 10 năm 1945 tại Hà Nội), và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Điện Biên Phủ.

Victor Tardieu còn dự định gánh vác những trọng trách của mình thêm một vài năm nữa, cho tới ngày về hưu, nhưng sức khỏe ông ngày một suy yếu; do mắc bệnh hen và viêm phế quản từ nhỏ, lại thêm suy tim, ông đã qua đời vào ngày 12 tháng 6 năm 1937. Ngày đưa tang ông, mọi thứ dường như dừng lại để đoàn người bất tận đưa tiễn ông ngang qua Hà Nội.

Trong bức thư gửi Jean Tardieu ngày 3 tháng 7 năm 1937, Henri Foccilon đã bày tỏ sự kính phục qua những lời sau: “Ông là con người nghị lực, đầy nhiệt huyết mà không thể bị lãng quên, người để lại dấu ấn như triện vào kí ức. Tôi biết cả tài năng nghệ thuật và cuộc đời hoạt động của ông là hết sức cần thiết cho nghệ thuật và cho nước Pháp. Thật hiếm có một con người hội đủ mọi thiên phú như ông.

Lớp học kiến trúc tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, bản in đen trắng trên giấy, không có ngày tháng. Nguồn: thư viện Viện Lịch sử Mỹ thuật Quốc gia, Paris.

Số phận những tác phẩm của Victor Tardieu

Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, rồi Giải phóng Đông Dương và Giải phóng Việt Nam, vì thiếu tin tức nên Caline và Jean luôn tâm niệm rằng các tác phẩm của Victor ắt đã bị hủy hoại hết: ngôi trường mỹ thuật tại Hà Nội chắc hẳn không còn và các bức tranh lớn tại Đại Học Đông Dương (lúc này là Đại học Tổng hợp Hà Nội), nếu không bị phá hủy thì chắc cũng đã bị gỡ xuống khỏi tường. Tâm trạng đau đớn này dằn vặt họ khôn nguôi. Caline và Jean ra đi mà không biết rằng câu chuyện không hẳn như vậy.

Từ chuyến hồi hương về Villier-sous-Grez, tất cả những khảo hoạ quy mô, những bức vẽ và những phác thảo của Tardieu về nhiều đề tài ở Việt Nam đều đã ngủ yên trong một căn gác. Jean Tardieu không hé lộ với ai và thận trọng tránh nói về thời kì này, sợ rằng trước hết là cha ông, và chính bản thân ông, sẽ bị coi là những kẻ thực dân đáng khinh ghét.

Bị ám ảnh bởi suy nghĩ này, Jean Tardieu đã không làm gì với các tác phẩm của cha mình, mà chỉ âm thầm đưa một vài tác phẩm giai đoạn này vào triển lãm Victor Tardieu mà ông đứng ra tổ chức ở phố Seine năm 1977. Vài năm sau, ông có nghĩ đến việc tổ chức một cuộc triển lãm hồi cố lớn, bao gồm những “giai đoạn” khác nhau của cha mình; một cuộc kiểm kê đã được chuẩn bị, vài liên hệ đã được thiết lập, nhưng khi đó Jean Tardieu đã sức tàn lực kiệt không thể đảm đương một nhiệm vụ như vậy.

Năm 1996, trở về từ Paris, tôi ngỡ ngàng hay biết rằng Trường chưa bao giờ bị đóng cửa, nó vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn luôn ở địa điểm cũ. Tôi lập tức liên lạc với vị Hiệu trưởng, ông Nguyễn Lương Tiểu Bạch và tới Hà Nội vào tháng 10 năm 1997 để trao lại cho Trường Mỹ thuật một di sản của Victor Tardieu, qua người học trò của ông nội tôi là Vũ Cao Đàm. Tôi rất bất ngờ trước sự tiếp đón thịnh tình và được cho biết rằng ký ức về Victor Tardieu vẫn vẹn nguyên, không chỉ trong khuôn khổ Trường mà trên toàn thành phố và cả nước.

Trong chuyến đi tới Việt Nam này, tôi cũng đã ghé thăm Trường Mỹ thuật thành lập cùng thời ở Huế, tôi được chào đón tại Sài Gòn và tôi dần nhận ra người ông Victor Tardieu của mình đã được coi là một vị ân nhân. Tôi thận trọng dò hỏi về số phận của bức tranh tại giảng đường lớn và nhận được một câu trả lời: nó không bị phá hủy, nhưng đã bị quét sơn trắng.

Victor Tardieu trước tấm toan tại Giảng đường lớn tại Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia), ảnh chụp đen trắng, bồi các tông, năm 1927-1928. Nguồn: thư viện Viện Lịch sử Mỹ thuật Quốc gia, Paris.

Mộ Victor Tardieu tại tỉnh Seine-et-Marne, vùng Île-de-France. Ảnh: Phạm Long

Sau chuyến đi này, nhiều mối liên hệ đã được thiết lập lại: vào năm 2005, tôi được ông Bạch mời trở lại nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Trường: đó thực sự là Ngày Về. Như tôi đã hứa với ông năm 1997, tôi mang tới vài hiện vật và các tư liệu làm cơ sở lưu trữ mà Trường Mỹ thuật đã hoàn toàn không còn. Hiện đã an tâm về số phận của ngôi trường, tôi chỉ còn trăn trở về số phận của bức tranh lớn, cùng lúc này tôi được tin Đại sứ quán Pháp và Thượng viện Pháp đã tài trợ cho việc trùng tu các tòa nhà của Trường Đại học Đông Dương cũ nhân dịp kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập. Ngài đại sứ Jean-François Blarel rất hứng thú với câu chuyện về bức tranh, và cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tìm lại nó, và có lẽ, phục dựng lại nó.

Đất nước Việt Nam thân ái đã mời tôi tham dự lễ kỷ niệm quy mô quốc gia, nhân dịp một trăm năm thành lập Trường Đại học Quốc gia (tiền thân là Đại học Đông Dương) vào tháng Năm năm 2006. Buổi lễ rất trọng thể, và công trình phục dựng hoàn toàn bức họa ở Giảng đường lớn dưới bàn tay của họa sĩ Hoàng Hưng, quả thật là một sự kiện đáng mừng.

Alix Turolla-Tardieu
Bản gốc tiếng Pháp của bài viết, đăng tại: blog.bibliotheque.inha.fr
Chuyển ngữ: Đoàn Giang. Hiệu đính: Phạm Long
Giới thiệu, biên tập và trình bày ảnh: Sơn Ca

Đính chính

* Đính chính của Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương do toàn quyền Merlin ký, chứ không phải Maurice Long.


 
Back to top